Bệnh trầm cảm ở phụ nữ

  1. Trầm cảm ở phụ nữ khác với nam giới thế nào

Trầm cảm nói chung ở cả nam và nữ đều có các dấu hiệu đặc trưng như buồn chán, mất quan tâm thích thú, mệt mỏi…Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra một số điểm khác biệt về trầm cảm ở phụ nữ so với nam giới:

  • Tỷ lệ mắc trầm cảm ở phụ nữ cao gấp 2 lần nam giới. Tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ít nhất một lần trong đời ở nam giới là khoảng 10% còn ở phụ nữ khoảng 20%.
  • Bệnh khởi phát ở độ tuổi sớm hơn, kéo dài hơn và khả năng tái phát cao hơn.
  • Liên quan đến nội tiết tố và các sự kiện căng thẳng nhiều hơn.
  • Thường có cảm giác có lỗi, tự trách móc bản thân nhiều hơn.
  • Ý nghĩ tự sát nhiều hơn gấp 2-3 lần so với nam giới
  • Hành vi tự làm đau bản thân (cắt, rạch tay chân…) nhiều hơn
  • Tỷ lệ thực hiện hành vi tự sát dẫn đến cái chết thấp hơn nam giới.
  • Cảm giác lo âu, hồi hộp, bất an thường gặp hơn
  • Phụ nữ hay khóc nhiều, trong khi nam giới ít khóc nhưng cáu gắt nhiều hơn.
  • Rối loạn ăn uống như ăn không ngon miệng, ăn quá ít hoặc quá nhiều thường gặp ở nữ hơn.
  • Rối loạn giấc ngủ (ngủ quá ít hoặc quá nhiều, khó đi vào giấc ngủ, bị tỉnh giấc nhiều lần ban đêm, thức dậy quá sớm, ác mộng…) thường gặp hơn ở phụ nữ.
  • Phụ nữ trầm cảm ít tìm đến các chất kích thích như rượu, bia, ma túy trong khi nam giới trầm cảm có xu hướng lạm dụng các chất này.
  • Các rối loạn tâm thần kết hợp như rối loạn ám ảnh và cơn hoảng sợ thường gặp hơn.
  • Các bệnh lý cơ thể đi kèm như đau nửa đầu, bệnh tuyến giáp (bướu cổ), tiền đình thường gặp ở nữ hơn.
  1. Tại sao phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm

Các yếu tố di truyền, tuổi, giới

Nội tiết tố được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn so với nam giới. Trước khi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở hai giới là như nhau nhưng sau đó, tỷ lệ này ở nữ đã tăng lên gấp đôi. Hormon testosterone ở nam giới dường như giúp họ tránh được trầm cảm trong khi estrogen ở nữ giới lại kéo dài thời gian ngủ và có thể có những ảnh hưởng đối với hoạt động của não bộ liên quan đến những cơn buồn bã.

Hoạt động não bộ của nam và nữ khi bị buồn chán cũng có điểm khác biệt. Tiến sĩ, bác sĩ Mark S. George và cộng sự (Viện sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 10 phụ nữ và 10 nam giới khi có dấu hiệu buồn chán để tìm hiểu có sự khác nhau về hoạt động của não bộ hay không. Thang tự đánh giá trầm cảm cho thấy mức độ trầm cảm như nhau, tuy nhiên hoạt động trong não bộ của hai nhóm nam và nữ lại khác nhau. Lượng máu dồn về hệ rìa ngoài ở phụ nữ cao gấp 8 lần so với nam giới. Kết quả này gợi ý rằng chính sự hoạt động quá độ của hệ rìa ngoài khi người phụ nữ cảm thấy buồn đã dần dần phá hủy vùng này và làm cho nó kém hoạt động gây nên chứng trầm cảm.

Ngoài ra, những yếu tố sinh lý khác như kinh nguyệt, thể chất yếu hơn, mắc một số vấn đề sức khỏe liên quan đến thai sản khiến phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với nam giới.

Yếu tố về tâm lý – xã hội

Sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ có thể khiến người phụ nữ cảm thấy kém tự tin, vô giá trị, chán nản.

Sự quá tải trong công việc, vừa đi làm vừa lo phần lớn các việc trong nhà (nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái, chăm sóc bố mẹ già, việc giỗ chạp, họ hàng…) khiến người phụ nữ bị căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức.

Nhiều người phụ nữ ở nhà nội trợ hoặc làm các công việc khác tại nhà nhưng không được ghi nhận giá trị, thường bị quy là “ở nhà không làm gì”, “không làm ra tiền”, “ăn bám”. Điều này dẫn đến sự giận dữ, bất bình, cãi vã, mâu thuẫn vợ chồng.

Người phụ nữ cũng thường đối mặt với những căng thẳng do thay đổi về môi trường sống, văn hóa, các mối quan hệ xã hội khi lập gia đình. Trong khi cần thời gian và sự hỗ trợ để thích nghi, những người phụ nữ bị chê bai, chỉ trích, phán xét thường xuyên từ nhà chồng (thường gặp là căng thẳng mẹ chồng – nàng dâu) có thể có nhiều suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực dẫn đến trầm cảm.

  1. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ qua các giai đoạn

3.1. Bệnh trầm cảm ở nữ giới tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì ở trẻ gái thường bắt đầu ở độ tuổi từ 10-14 tuổi và kéo dài trong khoảng 2-5 năm tùy người.

Giai đoạn 11-13 được xem là giai đoạn tiền dậy thì. Những thay đổi tâm lý, cảm xúc lo âu, buồn chán thất thường trong ngắn hạn liên quan đến sự biến động của hormones trong giai đoạn dậy thì là bình thường. Nhưng nếu thiếu sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, nhà trường thì đây là giai đoạn thuận lợi cho sự khởi phát trầm cảm.

Nguyên nhân trẻ dễ mắc trầm cảm là do những thay đổi lớn nhanh chóng và mạnh mẽ về tâm sinh lý. Trẻ cao lớn rất nhanh và bắt đầu chú ý đến ngoại hình cũng như nhận được nhiều sự bình phẩm của người khác về ngoại hình, có thể có mặc cảm về ngoại hình. Trẻ cũng bắt đầu muốn độc lập, muốn khẳng định bản thân, và bắt chước, thử nghiệm một số hành vi nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn với cha mẹ ngày càng gia tăng. Áp lực học tập, vấn đề quan hệ bạn bè và chuyện tình yêu tuổi mới lớn cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ.

Biểu hiện trầm cảm thường gặp ở trẻ gái tuổi dậy thì:

  • Buồn chán
  • Hay lo sợ
  • Kém tập trung
  • Cáu gắt
  • Thu mình
  • Hay khóc
  • Học tập sút kém
  • Ít quan hệ bạn bè
  • Không muốn nói chuyện với người thân
  • Ăn ngủ kém
  • Đau đầu, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi
  • Có ý nghĩ, hành vi tự sát

Cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ gái trong độ tuổi dậy thì và đưa trẻ đi thăm khám tâm lý để được hỗ trợ kịp thời. Sự thường xuyên quan tâm lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề từ gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ trẻ gái vượt qua trầm cảm tuổi dậy thì.

3.2. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai

Mang thai đối với hầu hết phụ nữ là một niềm hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn về sinh lý và tâm lý trong suốt thai kỳ có thể khiến người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm giai đoạn này. Nếu không được trợ giúp kịp thời, trầm cảm giai đoạn mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé, thậm chí gây tử vong do tự sát/thiếu chăm sóc bản thân của người mẹ.

Nguyên nhân của trầm cảm ở phụ nữ mang thai

  • Sự thay đổi về nội tiết tố gây ảnh hưởng đến cảm xúc, khiến người phụ nữ dễ buồn, lo lắng vô cớ hoặc quá mức.
  • Các vấn đề sức khỏe thể chất khi mang thai (mệt mỏi, ốm, thai nhi có vấn đề, dọa sảy thai…)
  • Thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ của gia đình
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, đặc biệt là những trường hợp khó mang thai, phải kiêng cữ nhiều.
  • Căng thẳng trong quan hệ vợ chồng
  • Các trường hợp mang thai ngoài ý muốn

Để phòng tránh trầm cảm khi mang thai, chị em phụ nữ và người thân cần tìm hiểu về bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai trước khi mang thai để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Phụ nữ cần được trợ giúp tối đa để có một thai kỳ khỏe mạnh về thể chất và nâng đỡ về tinh thần, hạn chế các sự việc gây căng thẳng, mâu thuẫn. Nhằm giúp người phụ nữ có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, lo lắng, người chồng cần:

  • Dành nhiều thời gian ở bên vợ hơn
  • Chia sẻ, đồng hành cùng vợ chăm sóc sức khỏe mẹ và bé
  • Kọc kỹ năng làm cha mẹ
  • Hỗ trợ thêm việc nhà

3.3. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh

Khoảng 80% phụ nữ sau sinh trải qua trạng thái buồn bã, khó chịu, dễ khóc…Các triệu chứng này được gọi là “Hội chứng baby blues”. Bình thường, các triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên, có khoảng 30% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn chán nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài – biểu hiện của trầm cảm sau sinh.

Nguyên nhân của tình trạng trầm cảm sau sinh bao gồm: sự thay đổi lớn về nội tiết tố, sức khỏe yếu sau sinh, nghỉ việc ở nhà quá lâu, khó khăn trong chăm sóc con (con quấy khóc, ốm bệnh, khó cho bú), thiếu sự hỗ trợ xã hội (chồng, người thân, bạn bè).

 Một số dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh:

  • Thường xuyên buồn chán/có cảm giác không vui
  • Mất quan tâm thích thú
  • Thất vọng về bản thân, cho rằng mình không có khả năng làm mẹ, làm mẹ không tốt
  • Lo lắng, sợ hãi
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Mất sữa
  • Chăm sóc bản thân kém, kể cả việc vệ sinh cá nhân
  • Không muốn nói chuyện với mọi người
  • Không có cảm giác yêu con/có suy nghĩ cho con đi hoặc làm hại con
  • Có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử
  • Trường hợp nặng có hoang tưởng, ảo giác (loạn thần sau đẻ).

Cần làm gì để giúp phụ nữ bị trầm cảm sau sinh:

Gia đình cần lắng nghe tâm tư của người mẹ, chia sẻ, động viên, hỗ trợ nhiều hơn trong việc chăm sóc em bé. Bản thân người mẹ cũng cần tích cực tham gia các hoạt động để tăng cường sức khỏe thể chất và tâm lý, tìm kiếm sự trợ giúp, học hỏi kỹ năng làm mẹ để biết cách chăm sóc em bé tốt hơn. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất cần được thăm khám và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và nhà tâm lý.

3.4. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ tiền mãn kinh

Thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ thường báo hiệu bởi sự rối loạn của chu kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng như đầy bụng, đau ngực, nhức đầu, lo lắng, khó chịu, vui buồn thất thường. Một số phụ nữ bị trầm cảm ở thời kỳ tiền mãn kinh do chức năng của buồng trứng ngày càng yếu đi, lượng estrogen trong cơ thể suy giảm. Một số nghiên cứu suy đoán những thay đổi theo chu kỳ của estrogen, progesterone và các nội tiết tố khác có thể phá vỡ chức năng của các hóa chất trong não như serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh nếu bị thiếu hụt có thể dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, môi trường sống cũng góp phần vào khả năng mắc trầm cảm ở phụ nữ tiền mãn kinh. Các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ tiền mãn kinh có thể ít các dấu hiệu điển hình hơn so với trầm cảm thông thường nhưng đều gây ảnh hưởng đến việc học tập, công việc, các mối quan hệ hoặc các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Phụ nữ giai đoạn này cần được khám chức năng sinh sản và có liệu pháp bổ sung estrogen cũng như các liệu pháp thuốc và tâm lý-xã hội.

 3.5. Bệnh trầm cảm của phụ nữ mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh của phụ nữ diễn ra ở khoảng tuổi 45-55 tuổi, với những thay đổi rõ rệt về sinh lý và tâm lý. Một số phụ nữ bị trầm cảm thời kỳ mãn kinh do hiện tượng suy giảm mạnh nồng độ estrogen và progesteron, cơ thể lão hóa, kém tự tin về ngoại hình, sức khỏe thể chất giảm sút, hay “bốc hỏa”, đồ mồ hôi, nóng lạnh thất thường, lo lắng về tuổi già, bệnh tật, mất mát người thân, cô đơn khi con cái rời đi, khó khăn trong công việc (hay quên, kém tập trung, mất việc, khó tìm việc làm….), thiếu hỗ trợ xã hội.

Dấu hiệu:

  • Buồn chán, ủ rũ
  • Dễ cáu giận, khó chịu
  • Giảm/mất quan tâm thích thú
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Hay lo lắng, bồn chồn
  • Khó tập trung
  • Kém tự tin
  • Ngại giao tiếp
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon, không sâu giấc, thức dậy nhiều lần trong đêm.
  • Ăn không ngon miệng, ăn ít hoặc ăn quá nhiều.
  • Cân nặng sụt giảm nhanh
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Ít chăm sóc bản thân và gia đình

Làm gì để giải quyết trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh

  • Phụ nữ mãn kinh cần thay đổi thói quen ăn uống, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi.
  • Tập luyện thể dục thể thao phù hợp với những thay đổi về thể chất. Có thể tập các môn nhẹ như thiền, yoga, khiêu vũ, dưỡng sinh.
  • Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện để tăng cường giao tiếp, chia sẻ.
  • Sử dụng liệu pháp hormon thay thế theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nên sống gần gũi với người thân, bạn bè để được chia sẻ, động viên vượt qua giai đoạn này.
  • Khám, tư vấn tâm lý để kịp thời phát hiện và điều trị sớm bệnh trầm cảm. Sử dụng thuốc chống trầm cảm khi cần, theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Lã Linh Nga