Hoàng Anh được bố mẹ đưa đến gặp bác sĩ và nhà tâm lý để thăm khám, đánh giá mức độ phát triển tâm lý khi vừa tròn 27 tháng tuổi. Cậu bé mới chỉ nói được một vài từ tiếng Anh và còn tùy theo độ hứng thú trẻ sẽ nói hoặc không, nói âm chưa rõ nhiều vô kể. Những lúc chơi một mình, Hoàng Anh tự nói ra những hình ảnh/âm thanh từng xem trên YouTube hoặc nghe được ở đâu đó. Khi cần tương tác hoặc được yêu cầu, Hoàng Anh lại tỏ ra thờ ơ, lờ đi coi như không nghe thấy gì. Bố mẹ hay ai đó gọi tên, Hoàng Anh không đáp ứng với âm thanh, lảng tránh giao tiếp mắt trong mọi tình huống… duy nhất chỉ có điện thoại có thể làm cho trẻ tập trung và duy trì ánh mắt lâu hơn.
Sau khi thăm khám cùng nhà tâm lý và TS.BS CKII Lã Thị Bưởi tại trung tâm, Hoàng Anh được chẩn đoán chậm phát triển ngôn ngữ và cần giúp đỡ tích cực về mặt tương tác giao tiếp. Mức độ chậm hơn so với tuổi thực của trẻ khoảng một tuổi. Bố mẹ của Hoàng Anh lúc này không khỏi lo lắng, sự lo lắng và thất vọng hiện rõ lên khuôn mặt. Sau khi được nghe tư vấn của bác sĩ và nhà chuyên môn, gia đình Hoàng Anh đã quyết định cho con tham gia can thiệp tâm lý giáo dục tại trung tâm với hình thức can thiệp cá nhân 1h/ngày kết hợp đi học mầm non để được hòa nhập cũng như giảm sự bao bọc từ phía gia đình. Bố mẹ cũng đã nhận ra những điểm chưa phù hợp trong cách chăm sóc và nuôi dạy con: phó mặc con cho người giúp việc và ông bà; cho con xem tivi nhiều chỉ trừ khi ngủ; bố mẹ bận rộn với công việc ít có thời gian trò chuyện và chơi với con.
Những ngày đầu can thiệp với Hoàng Anh thật vất vả và khó khăn, tôi phải bắt đầu từ việc giúp trẻ làm quen với môi trường trị liệu. Thời gian đầu, trẻ khóc lạ cô, ném đồ chơi không hợp tác. Trải qua gần một tuần vừa làm quen và kết hợp với các trò chơi trị liệu, trẻ đã dần thích nghi và có sự hứng thú với việc đến trung tâm.
Sau khi đã đánh giá được các điểm mạnh cũng như các đặc điểm tâm lý của Hoàng Anh, kế hoạch trị liệu trong tám tháng đã được lập ra chi tiết. Tôi bắt đầu hướng dẫn trẻ từ những mục tiêu nhỏ nhất như: tập sử dụng ngón tay trỏ để chỉ vào vật; nhặt đồ vào hộp; vẫy tay; đáp ứng bằng cách quay đầu lại/nhìn lại khi được gọi tên…Trong giờ làm việc với nhà trị liệu, các bài can thiệp về nghe hiểu, nhận thức, tương tác, vận động, âm lời nói được nhà trị liệu đan xen, lồng ghép thông qua các trò chơi vận động đã kích thích được sự hứng thú và hợp tác tích cực từ Hoàng Anh. Dần theo đó, Hoàng Anh bắt đầu bập bẹ nói theo các nguyên âm “a; o – ò ó o; u”, các phụ âm “ b, m, p”, và các từ ít âm tiết như ” ba, bà bà, mi; mệ mệ“, từ nào chưa rõ trẻ bật ra bằng âm gần giống. Khi được nhận những phần thưởng tinh thần như vỗ tay khen hay đập tay oh yeah đầy phấn khởi từ nhà trị liệu, Hoàng Anh lại càng thêm thích thú thích tập nói theo. Song song với việc trẻ đã bật ra được ngôn ngữ thì trẻ cũng đã nhanh nhẹn hoạt bát hơn trong tương tác và thực hiện các yêu cầu lấy đồ theo sự miêu tả về đặc điểm.
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng lịch trình can thiệp, bố mẹ của Hoàng Anh cũng đã được nhà trị liệu hướng dẫn phương pháp chơi hiệu quả; cách giao tiếp, khuyến khích phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động chơi, sinh hoạt hàng ngày cùng con. Sau tám tháng can thiêp, cậu bé Hoàng Anh hôm nào chỉ nói một vài từ và chưa đúng ngữ cảnh, đã biết hát, biết nói câu dài thể hiện nhu cầu mong muốn của mình, biết dùng từ để yêu cầu đồ ăn, đồ chơi yêu thích thay cho việc kéo tay người lớn và chỉ vào đó, biết nhảy theo giai điệu của bài hát, biết thể hiện cảm xúc vui vẻ thay vào những hành vi ăn vạ trước đây.
Tám tháng không quá dài cũng không quá ngắn nhưng khi được phát hiện sớm cùng với cách hướng dẫn đúng hướng của những người làm chuyên môn, Hoàng Anh đã hoàn toàn trở thành một đứa trẻ khác: vui vẻ hơn, linh hoạt hơn, cười nói líu lo suốt ngày khiến gia đình ai nấy đều vui mừng và hạnh phúc. Với những người hướng dẫn như chúng tôi, không gì bằng hòa chung niềm vui cùng gia đình và được nghe những lời nhận xét tiến bộ về đứa trẻ. Mong cho các con mãi mãi là thiên thần đáng yêu và hồn nhiên.
(*) Thông tin trẻ đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật thông tin
Trưởng bộ phận can thiệp tâm lý trẻ em Nguyễn Thị Lương