Những tiến bộ của trẻ chậm nói sau giai đoạn đầu can thiệp

Vào buổi sáng mùa đông, Minh 39 tháng tuổi được mẹ đưa đến gặp bác sĩ và nhà tâm lý của trung tâm và Phòng khám Ngọc Minh để thăm khám, đánh giá mức độ phát triển của trẻ. Cậu bé khá nhút nhát, mới chỉ nói được vài từ tiếng Anh và một số ít từ tiếng Việt. Tùy theo sự hứng thú, Minh sẽ nói hoặc không. Những lúc chơi một mình, Minh nói lại những từ tiếng Anh đã nghe được trên YouTube. Khi bố mẹ hay ông bà gọi, Minh không đáp ứng lại, phớt lờ như không nghe thấy gì. Duy nhất chỉ có chiếc điện thoại mới khiến trẻ tập trung và duy trì giao tiếp mắt lâu hơn.

Mẹ Minh cũng chia sẻ: “Mẹ thấy Minh phát triển rất khác so với anh, cũng có thể do bố mẹ bận rộn, mải mê với công việc, ít có thời gian chơi cùng con. Bố mẹ cũng cho con xem điện thoại nhiều trừ lúc đi ngủ”.  Sau khi được bác sĩ và nhà chuyên môn xác định trẻ bị rối loạn ngôn ngữ và cần được can thiệp tâm lý và trị liệu ngôn ngữ, gia đình đã quyết định đăng ký can thiệp tâm lý-giáo dục cho Minh 5 buổi/tuần, 60’/buổi.

Sau 10 buổi can thiệp đầu tiên, Minh đã vui vẻ hơn, đã biết đáp ứng “dạ” khi bố mẹ gọi tên, biết “bai bai” khi bố mẹ đi làm, chào cô khi đến và khi về … Mẹ Minh chia sẻ: “Mẹ biết lộ trình can thiệp của con rất dài, nhưng những tiến bộ của con là tất cả sự cố gắng của cô và con. Và cũng là tiền đề cho các mục tiêu tiếp theo của con”.

(*) Thông tin nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật thông tin

Chuyên viên can thiệp tâm lý trẻ em Nguyễn Huyền