Những câu chuyện vượt qua trầm cảm

Chị Hạnh 28 tuổi, là cán bộ công chức, đã 2 tháng nay chị phải nghỉ việc vì chứng bệnh trầm cảm, chị thấy như ai lấy đi hết năng lượng, sức lực của mình khiến mình mệt mỏi, không thiết làm gì hết, chị thấy buồn và bất hạnh đến mức không thế chịu nổi, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết, chị cứ dằn vặt, hoang mang, suy nghĩ, tìm cách chết như thế nào để sự ra đi của chị không để lại nỗi sợ hãi cho người thân. Nếu cắt tay để chảy máu, chồng con về thấy cảnh ấy sẽ rất đau khổ, nếu mình thắt cổ cũng không được, nhìn ghê lắm, … Thôi hoãn lại, để ngày mai nghĩ cách và ngày lại ngày cứ vật lộn với ý nghĩ sống và chết như vậy. Cũng may trong nhiều những ý nghĩ tiêu cực đến tột độ, đâu đó, lúc nào đó còn le lói ý nghĩ tích cực, đó là ý nghĩ về đứa con trai của chị, nó mới 3 tuổi, nó còn quá nhỏ, nếu mình chết đi nó sẽ ra sao, ai là người thương yêu nó, ai là người chăm nó bằng mình. Đó là chút giá trị mà chị còn tìm thấy trong lập luận suy nghĩ của mình, nó chính là động lực thôi thúc, lôi kéo chị vượt qua trầm cảm, vượt qua những ý nghĩ tiêu cực đang giày vò chị. Nó giúp chị xua đuổi những ý nghĩ tự sát ra khỏi đầu óc chị và tất nhiên bên cạnh chị có sự giúp đỡ của bác sĩ, sự thương yêu nâng đỡ và đồng hành của chồng, những người thân của chị, anh đã nhận ra cảm xúc của chị, đưa chị đến Trung tâm PPRAC và Phòng khám Ngọc Minh để chữa trị tâm lý. Sau một thời gian, chị đã thoát khỏi trầm cảm, trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác, lại tiếp tục miệt mài viết sách, dạy học, vui chơi và hạnh phúc.

 

Chị Mai, 32 tuổi, bị trầm cảm sau sinh, hiện đang giữ chức trưởng phòng của một đơn vị công tác. Câu chuyện của chị diễn ra khá đặc biệt, để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Chị mắc chứng trầm cảm sau sinh, có ý tưởng, hành vi tự sát, chị đã nghĩ đến cái chết với ý nghĩ khá độc đáo. Chị quyết định đến một nơi rất cao, rất sâu – đỉnh núi Yên Tử. Mình sẽ giã từ nỗi buồn, sự chán nản và tất cả mọi thứ, kể cả chồng con, họ không phải phiền lòng vì mình nữa, từ trên cao đó sẽ thả mình xuống vực và đi về thế giới bên kia, không ai tìm thấy mình cả. Nhưng rất may cho chị, vì dường như có một sự gia hộ nào đó, chị đã gặp sư thầy, người nhân hậu đầy lòng từ bi nói với chị rằng: “Thầy nhìn con mệt mỏi lắm, con có đói không, có khát không? Để thầy bảo các chú tiểu đem cơm nước đến cho con ăn. Nếu con mệt quá thì thầy xếp một chỗ cho con nghỉ ngơi. Nhưng thầy thấy con nên đi về, người nhà con đang mong chờ con và tìm con đó.” Lời nói của sư thầy đã có gì đó như truyền cho chị chút năng lượng để chị quay trở về nhà. Lúc đó, trời sẩm tối, chị sẽ làm gì đây để đi ra đường cái đón xe, may thay, lại có quý nhân phù trợ, chị nhờ anh thợ điện cho quá giang ra đường cái để bắt xe. Khi về đến bến xe Mỹ Đình, chị gặp một người thân đang chờ chị ở bến xe, chị chợt nghĩ ông sư thầy dường như biết trước điều sẽ xảy ra đến với chị và mách bảo chị trở về. Chị được gia đình đưa đến trung tâm của chúng tôi. Sau một thời gian điều trị tích cực kết hợp thuốc men (liều rất thận trọng), chị đã dần dần lấy lại được động lực, năng lượng và niềm tin với cuộc sống. Chị lại cũng rất  may làm việc ở một cơ quan với những đồng nghiệp họ rất thấu hiểu, thông cảm và sẵn lòng chia sẻ, động viên chị. Họ nói: “Bạn cứ đi làm đi cho vui, công việc, bạn bè sẽ làm điểm tựa cho bạn.” Và rồi chị đi làm, tuy nhiên lúc này chị vẫn chưa sẵn sàng, chưa đủ năng lực để nuôi con. Nhờ người chị gái đã giúp chị đảm đương trách nhiệm đó, chị có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, được chồng chăm sóc để chị khỏe mạnh. Thế rồi vào một ngày, chị đã lấy lại được những gì mà chị mất đi trong thời gian chị bị trầm cảm. Đó là niềm vui, sự mong đợi vào điều tốt đẹp, lấy lại được sự ham thích trong cuộc sống thường nhật. Khi trở lại cuộc sống bình thường, chị được tăng lương, thăng chức, gia đình hạnh phúc. Chị ấy nói: “Có lúc cháu mỉm cười nhìn đứa con ngày nào cháu đã bỏ rơi nó, không chăm sóc, để nó gầy yếu ốm đau, vậy mà giờ nó đã đi, đã chạy nhảy thật đáng yêu.” Cách đây ít tháng, chị ấy đã đến thăm tôi, cho tôi xem ảnh đứa con gái của chị ấy trong chiếc đầm màu hồng với nụ cười hồn nhiên thật dễ thương.

Chị ấy đã nói với tôi: “Không ai có thể hiểu được sự đau khổ của bệnh nhân trầm cảm như thế nào đâu, chỉ có chính họ mới hiểu được. Khi vượt qua, nghĩ lại khủng khiếp quá bác ạ. Cháu muốn giúp đỡ những người giống như cháu, những người cần sự chia sẻ, bác cứ cho họ số điện thoại của cháu để cháu tâm sự với họ, giúp họ vượt qua trầm cảm.”

Những câu chuyện về những bệnh nhân trầm cảm sau sinh mà tôi gặp trong cuộc đời với hơn 50 năm làm nghề nhiều nhiều lắm.

Qua câu chuyện trên, chúng tôi cũng rất chân tình truyền tải đến các bạn một thông điệp rằng: “Thế giới quanh ta còn rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng có nhiều cơ hội để con người ta tìm thấy những ước mơ tốt đẹp của mình. Xung quanh ta có rất nhiều người tốt, đầy lòng từ bi và nhân ái. Họ sẵn lòng giúp bạn khi bạn cần đến họ. Hãy mở lòng để chia sẻ và đón nhận sự giúp đỡ, họ cũng rất hạnh phúc khi được giúp đỡ các bạn đó. Mong các bạn luôn suy nghĩ tích cực để vượt qua trầm cảm sau sinh, để tiếp tục được sống những ngày ấm êm, hạnh phúc bên chồng con, những người thân và đồng nghiệp của bạn.”

Với người thân, nhân viên y tế, xã hội cần quan tâm hơn nữa đến tình trạng sức khỏe tâm thần của phụ nữ sau sinh để phát hiện sớm tình trạng trầm cảm sau sinh. Nếu nhẹ tư vấn giúp đỡ kịp thời, nếu trầm cảm trung bình và nặng thì cần được đến bác sĩ chuyên khoa để được giúp đỡ.

Trầm cảm là một bệnh lý phổ biến và điều trị được. Các thông tin cần nhớ:

– Trầm cảm không có nghĩa là yếu đuối

– Trầm cảm không có nghĩa là lười nhác

– Trầm cảm nghĩa là bạn đang có rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần

– Rất nhiều người thông minh, tài giỏi và thành công đã từng bị trầm cảm

(*) Tên và một số đặc điểm của nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo giữ bí mật thông tin của bệnh nhân.

TS. BSCKII tâm thần học Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám CKTT Ngọc Minh, Cố vấn chuyên môn PPRAC