Trầm cảm ở thanh thiếu niên là tương đối phổ biến nhưng thật không may là nó ít được nhận biết đúng cách. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến tất cả thanh thiếu niên bất kể giới tính, mức độ nổi tiếng, thành tích học tập. Cha mẹ đôi khi không nhận ra các triệu chứng vì trầm cảm ở thanh thiếu niên trông khá khác so với trầm cảm ở người lớn. Hệ quả là nhiều thanh thiếu niên phải chịu đựng nó trong âm thầm.
Điều quan trọng là cần hiểu biết đầy đủ về các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên để cha mẹ có thể kịp thời giúp con mình tìm kiếm sự hỗ trợ và các biện pháp trị liệu từ các nhà chuyên môn.
Dấu hiệu trầm cảm ở thanh thiếu niên
Trầm cảm ở thanh thiếu niên cũng mang những triệu chứng tương tự với trầm cảm nói chung, bao gồm:
- Cảm giác vô giá trị
- Cô lập khỏi bạn bè và gia đình
- Những thay đổi trong cảm xúc biểu hiện một cách rõ ràng như tức giận, cáu kỉnh hơn hay cảm giác buồn tột độ không thể nguôi ngoai
- Giảm hứng thú trong các hoạt động trước đây từng yêu thích
- Rối loạn giấc ngủ và ăn uống
- Đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân
- Bắt đầu có những hành vi nguy cơ như bạo lực, lạm dụng tình dục, chất gây nghiện
- Giảm khí sắc và động lực thấp
- Khó tập trung ở trường hoặc khi làm bài tập ở nhà, thay đổi trong học tập
- Hành vi tự hại, ý nghĩ tự sát, hành vi tự sát
Sự khác biệt giữa trầm cảm ở người lớn và thanh thiếu niên
- Biểu hiện về mặt thể chất: Trong khi người trưởng thành bị trầm cảm thường nói về các nỗi đau tinh thần thì thanh thiếu niên trầm cảm có xu hướng đề cập đến các nỗi đau về mặt thể chất mà không rõ nguyên nhân. Đó có thể là lời phàn nàn về việc đau đầu, đau dạ dày, … hoặc chỉ đơn giản là than phiền rằng mình cảm thấy không khỏe.
- Cảm xúc: Khi bị trầm cảm, người lớn thường mô tả cảm giác buồn rầu, chán nản nhưng thanh thiếu niên thường trở nên ngày càng cáu kỉnh. Chúng có thể cư xử thiếu tôn trọng, mất kiên nhẫn, ngang bướng và dễ tức giận hơn bình thường.
- Nhạy cảm với sự chỉ trích: Xuất phát từ cảm giác vô giá trị, thanh thiếu niên bị trầm cảm thường quá nhạy cảm với những lời chỉ trích hay từ chối. Chúng thường tìm cách tránh né các hoạt động có nguy cơ thất bại (ngại thử những điều mới) hoặc trở nên cầu toàn vì luôn muốn hoàn thành tốt nhất mọi thứ.
- Thay đổi trong học tập: Không phải thanh thiếu niên nào bị trầm cảm cũng suy giảm kết quả học tập. Một số thanh thiếu niên duy trì điểm số cao ngay cả khi đang trong tình trạng rối loạn cảm xúc, điều này có thể xuất phát từ áp lực thành tích.
- Cô lập xã hội: Thay vì hoàn toàn cô lập thì thanh thiếu niên có xu hướng rút lui khỏi một số người, ví dụ như cha mẹ, người thân hoặc một số nhóm xã hội nhất định. Chúng cũng có thể bắt đầu tham gia vào các nhóm có hành vi nguy cơ như bạo lực, nghiện, … hoặc xa rời thực tế bằng cách tập trung sự chú ý của mình vào mạng xã hội ảo, game online, …
Đôi khi rất khó để phân biệt các dấu hiệu trầm cảm ở thanh thiếu niên với những thay đổi về tâm sinh lý trong tuổi dậy thì, chính điều này đã khiến việc nhận diện trầm cảm ở thanh thiếu niên bị hạn chế.
Tìm kiếm sự trợ giúp cho một thanh thiếu niên bị trầm cảm
Nếu bạn nghĩ rằng con bạn có thể bị trầm cảm, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp, lên lịch hẹn với bác sĩ hoặc với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Điều trị trầm cảm ở thanh thiếu niên bao gồm trị liệu, dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai. Điều quan trọng là cha mẹ cần phải nhận thức vấn đề và đồng hành trong quá trình điều trị cho con. Không có gì lạ nếu thanh thiếu niên từ chối sự trợ giúp. Nếu con bạn từ chối đi tư vấn, hãy tự mình gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một nhà trị liệu tâm lý có thể đưa ra cái nhìn sâu sắc và các phương pháp mà bạn có thể sử dụng được để giúp đỡ cho vấn đề trầm cảm của con mình.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Ngọc