Các kỹ năng tiền ngôn ngữ (phần 2)

  1. Giao tiếp mắt: là một trong những phương tiện giao tiếp sớm nhất, dùng để yêu cầu, chào hỏi hoặc chú ý chung. Một số hoạt động khuyến khích trẻ giao tiếp mắt như:
    • Bố mẹ ngồi ngang tầm mắt với trẻ và đưa đồ chơi ngang tầm mắt của trẻ và bố mẹ. Gọi tên, để trẻ nhìn và đưa trẻ đồ chơi.
    • Chơi trò chơi mặt hề trong gương, trẻ có thể thiết lập tiếp xúc mặt với bạn trong gương. Trò chơi ú òa.
  2. Sử dụng ngón trỏ: Chỉ ngón trỏ là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Là cách trẻ chỉ để thể hiện sự tò mò về thế giới xung quanh và cũng là cách trẻ thể hiện nhu cầu bản thân cho chúng ta biết trẻ đang muốn gì, và cũng giúp ta hiểu về khả năng nhận thức hiện tại của trẻ. Một số hoạt động khuyến khích trẻ sử dụng ngón trỏ như:
    • Trò chơi chi chi chành chành, gõ phím đàn…
    • Dùng ngón tay trỏ chỉ vào các hình ảnh con vật, đồ dùng, bộ phận cơ thể… và cung cấp vốn từ vựng cho trẻ.
  3. Bắt chước: Bắt chước là một trong những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ, giúp cải thiện giao tiếp mắt và tương tác. Một số hoạt động khuyến khích trẻ bắt chước như:
    • Bắt chước vỗ tay, đập tay, vẫy tay bye bye, nhíu mắt, chu môi…
    • Bắt chước hoạt động và tiếng kêu của các con vật hoặc âm thanh của đồ vật như mèo, gà, bò, ô tô, điện thoại, máy bay… khuyến khích và hướng dẫn trẻ bắt chước theo.
  4. Sự luân phiên: Là kỹ năng bắt đầu lúc chơi, chú ý đến người cùng chơi và tương tác, giúp trẻ học cách chờ đợi, cho và nhận. Một số hoạt động khuyến khích trẻ chơi luân phiên như:
    • Chơi luân phiên xếp chồng- xếp nối tiếp, trên những khối gỗ.
    • Chơi thảy bóng hoặc đẩy xe ô tô qua lại…
  5. Chú ý chung: Trẻ chia sẻ một hoạt động, một trải nghiệm, cùng chú ý về một đối tượng với người khác. Một số hoạt động giúp trẻ phát triển sự chú ý chung như:
    • Chỉ vào đồ chơi mà trẻ thích và nói “nhìn” có thể hướng đầu trẻ về phía đồ chơi cho trẻ nhìn rồi cho trẻ chơi đồ chơi. Có thể làm nhiều lần để bé cùng nhìn đồ chơi.
  6. Vui chơi tương tác: Dành thời gian chơi cùng bé, chơi những trò chơi tương tác tiếp xúc với da, cảm giác xúc giác, giao tiếp mắt, cường độ lời nói trong từng trò chơi. Ví dụ như các trò chơi ú òa, kéo cưa, tung hứng, các trò chơi vận động, các trò chơi thư giãn,…Những yều tố này sẽ góp phần làm cho trẻ chú ý và là cầu nối cho sự tương tác giữa bé và gia đình.

Chuyên viên tâm lý Hà Giang