Bảng kiểm kê nhân cách đa diện Minnesota (Minnesota Multiphasic Personality Inventory – MMPI) hay còn gọi là trắc nghiệm nhân cách MMPI là một trắc nghiệm tâm lý định lượng được sử dụng để đánh giá nhân cách và các đặc điểm tâm bệnh của người trưởng thành. Các nhà tâm lý và một số chuyên môn khác về sức khoẻ tâm thần sử dụng các phiên bản khác nhau của MMPI để xây dựng kế hoạch trị liệu, hỗ trợ chẩn đoán phân biệt, giải quyết một số vấn đề pháp lý (trong tâm lý học pháp lý), sàng lọc trong tuyển dụng nhân sự, hoặc là đánh giá trong quá trình trị liệu.
Phiên bản đầu tiên của MMPI được xây dựng bởi Hathaway và McKinley thuộc trường Đại học Minnesota, và được công bố lần đầu tiên bởi Đại học Minnesota năm 1943. Sau đó, MMPI được thay thế bởi MMPI-2 năm 1989 (Butcher, Dahlstrom, Graham, Tellegen và Kaemmer). Một phiên bản khác của MMPI dành cho trẻ vị thành niên là MMPI-A được công bố năm 1992. Một phiên bản thay thế của MMPI-2 là MMPI-2-RF được công bố năm 2008, giữ lại một số quan điểm đánh giá của trắc nghiệm MMPI, nhưng sử dụng một quan điểm lý thuyết khác về xây dựng trắc nghiệm đánh giá nhân cách. Phiên bản mới nhất của MMPI hiện tại là MMPI-3, được công bố năm 2020. Ở Việt Nam, phiên bản phổ biến nhất của MMPI được sử dụng tại nhiều bệnh viện và cơ sở là phiên bản gồm 71 câu do các nhà tâm lý học Liên Xô xây dựng dựa trên phiên bản gốc MMPI (Ở đây gọi là MMPI-71).
MMPI-71 bao gồm 3 thang đo kiểm định (L, F, K) đánh giá mức độ mà nghiệm thể thể hiện bản thân qua trắc nghiệm, cũng như 8 thang đo lâm sàng đánh giá về các đặc điểm nhân cách khác nhau của nghiệm thể bao gồm: 1. Hs – Nghi bệnh (Hypochondriasis) 2. D – Trầm cảm (Depression) 3. Hy – Rối loạn phân ly (Hysteria) 4. Pd – Lệch lạc nhân cách (Personality deviation) 5.. Pa – Paranoia 6. Pt – Lo âu, suy nhược (Psychasthenia) 7. Sc – Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) 8. Ma – Hưng cảm nhẹ (Hypomania).
Có một số tiêu chí để đảm bảo thang đo có thể đo được chính xác các đặc điểm nhân cách liên quan đến các thang L, F, K như L không lớn hơn 2, F và K không chênh lệch nhau quá 10 điểm. Đối với các thang lâm sàng, mức quá cao (T>70) gợi ý về các vấn đề liên quan đến nội dung của thang lâm sàng. Trái lại, mức quá thấp (T<30) thường ít xuất hiện, hoặc có liên hệ với sự chủ động kiểm soát các đặc điểm có liên quan. Các mốc ranh giới (T từ 30-40 hoặc T từ 60-70) cho thấy đặc điểm nhân cách của nghiệm thể có xu hướng đi theo chiều hướng T quá cao hoặc quá thấp, nhưng vẫn ở trong mức chấp nhận được và có thể là cảnh báo về các chỉ số này.
Trắc nghiệm MMPI có ưu điểm là kết quả đáng tin cậy, dựa trên cơ sở thực nghiệm và dễ trả lời (chỉ cần trả lời Đúng/Sai hoặc Không chắc chắn). Tuy vậy, nhược điểm của trắc nghiệm này là khá tốn thời gian và chưa được chuẩn hoá tại Việt Nam.
Trắc nghiệm MMPI là một nguồn cung cấp thông tin tuyệt vời cho các chuyên gia trong việc đánh giá về sức khoẻ tâm thần. Tuy vậy, việc đánh giá nên được đưa ra bởi các chuyên gia có năng lực chuyên môn đáng tin cậy, thay vì chỉ sử dụng kết quả của trắc nghiệm này để đưa ra chẩn đoán.
Bạn có thể đến Phòng khám Ngọc Minh – Trung tâm PPRAC tại số 3 ngách 5 ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội để được đánh giá và phân tích chuyên sâu về đặc điểm tính cách, nhân cách với MMPI và các trắc nghiệm tâm lý khác.
Hàn Đan