Chứng kiến bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tâm lý trẻ như thế nào?

Đối với nạn nhân của bạo lực gia đình – sự tấn công về thể xác, ngược đãi về tinh thần và những hành vi ngược đãi khác chắc chắn sẽ gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của họ.

Tuy nhiên, trong khi sự đáng sợ của bạo lực/lạm dụng thể hiện rõ ở những nạn nhân trực tiếp thì những đứa trẻ chứng kiến sự bạo lực từ bố, mẹ hay những thành viên khác trong gia đình cũng bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều.

Bài viết này sẽ xem xét những ảnh hưởng lâu dài về tâm lý và thể chất khi trẻ phải đối mặt với bạo lực gia đình. Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra những tác động này, điều quan trọng là phải đưa ra những cách bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng này.

Một số ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với trẻ em có thể thấy rõ trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi những tổn hại khác có thể được nhận thấy về lâu dài.

Tác động ngắn hạn của việc chứng kiến ​​bạo lực gia đình khi còn nhỏ

1.Lo âu

Việc luôn chứng kiến bạo lực có thể khiến trẻ có những cảm xúc khó chịu, sợ hãi, tiêu cực. Chúng sẽ phải ở trong trạng thái mà không biết khi nào cảnh bạo lực tiếp theo sẽ diễn ra trong nhà mình. Điều này có thể dẫn đến vấn đề lo âu liên tục ở trẻ.

Đối với những trẻ nhỏ chứng kiến bạo lực thường xảy ra vấn đề “thoái lui” – tức là lặp lại những hành vi ở giai đoạn phát triển trước đó của trẻ như mút ngón tay, đái dầm, khóc quá nhiều, ăn vạ, … Còn đối với trẻ em đang trong độ tuổi đi học thì việc chứng kiến bạo lực có thể dẫn đến phát triển những hành vi chống đối xã hội hay cảm giác tội lỗi, chúng cho rằng vì mình mà người thân phải chịu cảnh bị bạo lực, điều này làm tổn thương lòng tự trọng của chúng một cách mạnh mẽ.

2.Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Một trong những tác động lớn nhất của bạo lực gia đình là gây nên rối loạn căng thẳng sau sang chấn cho những đứa trẻ chứng kiến nó. Dù chúng không trực tiếp bị bạo hành thể xác nhưng những tổn thương tinh thần cũng có thể gây ra những thay đổi xấu trong quá trình phát triển não bộ của trẻ. Nó có thể gây ra ác mộng, rối loạn giấc ngủ, tức giận, khó chịu, khó tập trung và đôi khi trẻ em có thể có xu hướng lặp lại các hành vi bạo lực đã quan sát được.

3.Vấn đề thể chất

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần là điều phổ biến ở các trẻ chứng kiến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể thấy rõ cả ở sức khỏe thể chất của chúng. Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể có các biểu hiện như đau đầu, đau bụng còn ở trẻ nhỏ thì có nguy cơ bị thương tích về mặt thể chất cao hơn khi sống trong môi trường có bạo lực gia đình.

4.Hành vi hung hăng

Khi thanh thiếu niên chứng kiến ​​cảnh bạo lực gia đình, các em có xu hướng hành động để phản ứng lại tình huống đó. Đó có thể là đánh nhau, trốn học, tham gia vào các hoạt động nguy cơ như tình dục không an toàn hoặc nghiện ma túy và rượu. Những thanh thiếu niên này cũng rất dễ gặp rắc rối với pháp luật.

5.Lạm dụng thể chất

Trong nhiều trường hợp, những trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng có khả năng trở thành nạn nhân của các hình thức lạm dụng tương tự.

Tác động dài hạn của việc chứng kiến ​​bạo lực gia đình khi còn nhỏ

Những đứa trẻ lớn lên trong khi chứng kiến ​​bạo lực gia đình có khả năng phải đối mặt với những ảnh hưởng kéo dài đến tuổi trưởng thành. Dưới đây là một số tác động lâu dài mà trẻ em phải trải qua sau khi chứng kiến ​​bạo lực gia đình.

1.Trầm cảm

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường độc hại, bị lạm dụng có thể lớn lên trở thành một người trưởng thành bị trầm cảm. Chấn thương do thường xuyên chứng kiến ​​bạo lực gia đình khiến trẻ em có nguy cơ cao bị trầm cảm, buồn bã, khó tập trung và các triệu chứng trầm cảm khác khi trưởng thành.

2.Các vấn đề sức khỏe 

Chế độ ăn uống kém hoặc những rủi ro về môi trường sống không phải lúc nào cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như bệnh tim, béo phì và tiểu đường ở tuổi trưởng thành. Trong một số trường hợp, những căn bệnh này có liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng thể chất, tinh thần và lời nói mà cá nhân phải chứng kiến ​​hoặc phải chịu đựng khi còn nhỏ.

3.Lặp đi lặp lại mô hình lạm dụng

Cảm giác đau đớn và thống khổ khi chứng kiến ​​bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng đảm bảo rằng trẻ em sẽ đi theo một con đường khác. Trong một số trường hợp, việc này chỉ đơn giản là tạo tiền đề cho trẻ đi theo con đường bạo lực tương tự khi trưởng thành.

Trong những trường hợp này, nam giới có thể bạo hành bạn đời sau khi chứng kiến ​​cha mình làm điều tương tự. Tương tự như vậy, phụ nữ ở những gia đình chứng kiến ​​bạo lực gia đình có nhiều khả năng bị lạm dụng ở tuổi trưởng thành.

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình

1. Đặt sự an toàn lên hàng đầu

Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích và hạnh phúc của trẻ là giúp chúng nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tránh khỏi môi trường phải chứng kiến sự bạo lực. Bằng cách này, trẻ em không phải tiếp xúc với bạo lực nhiều và có cơ hội lớn lên trong môi trường lành mạnh hơn.

2.Giáo dục cho trẻ về các mối quan hệ lành mạnh

Đối với những trẻ chứng kiến bạo lực gia đình, cần nói chuyện với trẻ về cách tương tác lành mạnh giữa các cặp đôi để hạn chế những ảnh hưởng đến các mối quan hệ sau này khi trẻ trưởng thành.

Trẻ nên được dạy về cách giải quyết những mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Điều quan trọng là chúng phải được giáo dục rằng làm thế nào để cùng với đối phương chia sẻ, quan tâm và cùng tìm ra giải pháp, rằng bạo lực là điều không nên có trong bất kỳ mối quan hệ nào.

3.Giúp trẻ nhận biết về “ranh giới”

Một cách hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng và ngăn chặn tái diễn bạo lực gia đình là giúp cho trẻ nhận biết về các ranh giới lành mạnh. Hãy dạy cho trẻ về quyền “bất khả xâm phạm” (tức là không ai có quyền chạm vào cơ thể con và ngược lại). Trẻ cũng nên được dạy rằng hãy luôn nói cho người lớn đáng tin cậy nếu có ai đó khiến trẻ cảm thấy không thoải mái bằng bất kỳ cách nào.

Nguyễn Ngọc dịch

Nguồn: www.verywellmind.com