Làm gì khi trẻ hay tức giận?

Nhiều bậc cha mẹ đau đầu vì việc con mình hay tức giận, thậm chí có hành vi bạo lực kể cả có những việc không đáng. Trẻ có thể có biểu hiện cáu giận từ khi rất nhỏ, khoảng 2 tuổi và tình trạng  này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành nếu cha mẹ không có cách xử lý phù hợp. Cáu giận ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó chịu cho những người xung quanh, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập và quan hệ bạn bè ở trường. Để giải quyết vấn đề này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ tức giận.

Nguyên nhân khiến trẻ tức giận

  • Do di truyền:  Một số nghiên cứu cho thấy gen MAOA hay còn gọi là gen “chiến binh” và một biến thể của cadherin 13 (CDH13) có liên quan đến chức năng kiểm soát cảm xúc nóng nảy hay bực bội. Gen MAOA có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát dopamine và serotonin trong não. Gen này có thể di truyền qua các thế hệ và ở tỉ lệ các bé trai dễ gặp hơn, chúng chiếm khoảng 30%.
  • Do lối sống từ bố mẹ: Dù tính nóng nảy có thể ảnh hưởng từ gen nhưng môi trường sống xung quanh trẻ có tác động rất lớn đến hành vi này. Cách trẻ được giáo dục, lối sống của cha mẹ và môi trường xung quanh trẻ, thậm chí trẻ bị ảnh hưởng ngay từ thời điểm còn trong bụng mẹ. Ngay cả khi trẻ không có gen nóng giận nhưng sống trong môi trường cha mẹ hay những người xung quanh hay cáu gắt khó chịu thì trẻ cũng rất dễ nhiễm tính cách như vậy. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ được nuông chiều quá mức sẽ hình thành tính cách luôn muốn biến mình thành trung tâm của sự chú ý, bắt mọi người làm theo mong muốn của bản thân và không dễ hài lòng với người khác, dẫn đến dễ tức giận khi có việc không như ý dù rất nhỏ. Ngược lại, nếu cha mẹ là những người có tính cách hiền dịu, lối cư xử đúng mực, và phương pháp dạy trẻ phù hợp thì trẻ thường cư xử bình tĩnh, ôn hòa hơn.
  • Do trẻ gặp khó khăn về tâm lý: Trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp, khó bộc lộ được suy nghĩ của bản thân cũng có thể dễ tức giận hơn. Ngoài ra những trẻ có vấn đề về cảm xúc như lo lắng, căng thẳng, buồn chán cũng trở nên dễ cáu giận hơn.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ hay tức giận?

Dành thời gian tâm sự cùng con

Mỗi đứa trẻ đều mong muốn nhận được tình cảm yêu thương từ cha mẹ. Cha mẹ nên dành thời gian bên cạnh con để giúp con dịu lại những cảm xúc tức giận của mình. Thường xuyên cùng con chuyện trò, đặt ra các câu hỏi để con có thể nói lý do khiến con tức giận. Đưa ra cho con lời khuyên tại sao con lại như thế để con có thể bình tĩnh suy nghĩ lại hành động của mình. Dần dần con sẽ thay đổi và cư xử một cách nhẹ nhàng và điềm đạm hơn.

Bình tĩnh lắng nghe trẻ

Không phải khi nào trẻ cũng tức giận một cách vô cớ vì thế việc lắng nghe trẻ vô cùng cần thiết. Đặt bản thân dưới góc nhìn của trẻ để hiểu được tại sao con lại làm như vậy. Hãy lắng nghe con thật kỹ và đưa ra cho con lời khuyên trước khi trách phạt con. Khi được cha mẹ giải thích và đồng cảm với hành động của mình bé sẽ trở nên hối hận và thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Không to tiếng, quát nạt hay bạo lực với trẻ

Nhiều cha mẹ thường to tiếng quát nạt trẻ thậm chí sử dụng bạo lực khi con có hành vi cáu giận. Đây là hành động sai lầm không chỉ không giúp trẻ cư xử dịu lại mà còn khiến trẻ phản kháng mạnh hơn nữa. Ngay chính cha mẹ cũng đang còn cáu giận thì việc dạy trẻ không được tức giận là điều không thể. Có thể trẻ dừng lại tại thời điểm đấy nhưng chỉ đơn giản là sợ hãi. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ rất nhiều và trẻ sẽ có xu hướng bạo lực với người khác. Cha mẹ cần trở thành tấm gương tốt về quản lý cảm xúc để con học tập theo.

Dạy con cách quản lý cảm xúc

Đa phần trẻ nóng giận do không kiềm chế được cảm xúc của mình, cha mẹ cần dạy cho con cách kiềm chế sự nóng giận để có thể tránh được những cuộc xung đột, cãi vã không đáng có. Có thể dạy trẻ một số cách để quản lý cảm xúc như ra ngoài hít thở, ngồi yên một lát, đếm đến 10 trước khi nói hay suy nghĩ về những điều tích cực, khuyến khích trẻ chơi thể thao thường xuyên, hướng dẫn lập bảng theo dõi phản ứng giận dữ của trẻ để đưa ra hình thức thưởng phạt phù hợp.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm đến các trung tâm tư vấn để được hỗ trợ cùng giải quyết vấn đề tức giận của trẻ. Tại trung tâm PPRAC và Phòng khám Ngọc Minh, chúng tôi triển khai các lớp học cá nhân và nhóm nhằm dạy trẻ cách nhận diện và bộc lộ cảm xúc, có kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp và biết xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp.

Trung Hưng