Cha mẹ làm gì để phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội cho trẻ thời thơ ấu?

Xuyên suốt thời thơ ấu, quá trình phát triển cảm xúc xã hội của trẻ diễn ra như một phần tất yếu và quan trọng.  Khi trẻ trải qua những cơn giận dữ, tâm trạng thất thường đòi hỏi chúng phải tìm hiểu thêm về cảm xúc của mình và của người khác. Trẻ cần phát triển khả năng hiểu, thể hiện và quản lý cảm xúc cũng như các mối quan hệ xã hội của mình.

Tầm quan trọng của sự phát triển cảm xúc xã hội thời thơ ấu

Sự phát triển tích cực về mặt cảm xúc cho trẻ thời thơ ấu đặt nền tảng cho việc xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh khi trẻ bước vào những môi trường mới, gặp những người mới, ví dụ như môi trường học tập có thầy cô, bạn bè, … Điều đó giúp trẻ tự tin hơn, tăng sự đồng cảm, thái độ tích cực hơn, khả năng tự phục hồi cao hơn. Trẻ có nền tảng cảm xúc tốt sẽ giúp chúng rèn luyện trí tuệ cảm xúc tốt hơn, ứng phó tích cực hơn và tương tác tốt hơn trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.

Trải nghiệm cảm xúc xã hội thời thơ ấu

Bố mẹ đóng và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình này. Họ là người nuôi dưỡng, giáo dục trẻ sớm nhất. Bên cạnh đó, những thành viên khác trong gia đình, thầy cô, bạn bè, những người tiếp xúc với trẻ cũng góp phần giúp trẻ phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội.

Trong suốt những năm tháng thời thơ ấu, trẻ thường trải qua những cơn giận dữ hoặc sự thay đổi cảm xúc nhanh chóng. Những cảm xúc này có thể rất mãnh liệt nhưng lại có xu hướng khá ngắn ngủi. Chẳng hạn, trẻ có thể la hét, khóc vì không có được món đồ chơi mình muốn nhưng ngay sau đó ngồi ngoan ngoãn xem chương trình tivi mình yêu thích.

Trẻ ở độ tuổi này có thể rất sở hữu và khó chia sẻ, ví dụ như không muốn chơi chung đồ chơi với trẻ khác. Tuy nhiên, chúng cần học cách hòa hợp với những đứa trẻ khác. Khi trẻ bước sang giai đoạn đi học, trẻ sẽ chuyển từ dành phần lớn thời gian cho gia đình sang dành phần lớn thời gian trong ngày để tương tác, học tập và chơi đùa với những đứa trẻ khác ở trường.

Giúp trẻ phát triển cảm xúc và các kỹ năng xã hội

  1. Làm mẫu những hành vi phù hợp

Sự quan sát bắt chước đóng một vai trò quan trọng trong cách trẻ học những điều mới. Nếu trẻ thấy bố mẹ chia sẻ, bày tỏ lòng biết ơn, giúp đỡ và chia sẻ cảm xúc, chúng cũng sẽ dần học được cách tương tác với mọi người xung quanh. Ví dụ, bố mẹ nói lời “cảm ơn” khi được tặng quà hoặc được giúp đỡ, trẻ sẽ quan sát và bắt chước trong các tình huống tương tự. Việc làm mẫu cần được lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ có thể học được.

  1. Củng cố hành vi phù hợp

Điều quan trọng là cần khen ngợi khi trẻ có những hành vi tốt. Đó thể là lời khen “giỏi quá”, “làm tốt lắm” hoặc đập tay oh yeah, hoan hô, … giúp trẻ cảm thấy hài lòng, vui vẻ với những gì mình làm được. Việc củng cố như vậy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ nhận biết về bản thân, các cảm xúc tích cực, hành vi phù hợp trong các tình huống.

  1. Dạy trẻ biết đồng cảm

Bố mẹ có thể tăng sự đồng cảm và xây dựng trí tuệ cảm xúc cho trẻ thông qua việc khuyến khích trẻ suy nghĩ về cảm giác của người khác. Điều này có thể bắt đầu từ việc hỏi cảm xúc của bản thân trẻ trong tình huống xảy đến với trẻ, ví dụ “Con cảm thấy thế nào khi bị mất đồ chơi?”, … Khi trẻ đã biết cách bày tỏ cảm xúc của chính mình, bố mẹ có thể bắt đầu hỏi về cảm giác của người khác, ví dụ “Nếu bạn bị lấy mất đồ chơi thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?”

Bằng cách trả lời các câu hỏi về cảm xúc, trẻ có thể bắt đầu suy nghĩ về việc hành động của chính mình có thể tác động đến cảm xúc của những người xung quanh như thế nào.

  1. Dạy trẻ biết hợp tác

Cho trẻ tham gia chơi nhóm là cách tốt nhất dạy trẻ biết hợp tác. Dù có thể ban đầu trẻ sẽ khó chịu vì thiếu sự kiên nhẫn và biết chia sẻ nhưng mọi thứ sẽ dần được cải thiện theo thời gian. Trẻ sẽ học được cách chờ đợi, chơi theo thứ lượt, cách chia sẻ đồ chơi, chơi tương tác với người khác, … Đây chính là nền tảng cơ bản cho trẻ phát triển các kỹ năng xã hội sau này.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc