Về lòng tự trọng
Lòng tự trọng là yêu thích bản thân, cảm thấy mình có giá trị, tin tưởng vào bản thân và biết mình làm tốt việc gì.
Lòng tự trọng giúp trẻ tự tin để:
- thử những điều mới và thử lại khi mọi việc không diễn ra như kế hoạch
- làm những việc mà trẻ có thể không thích hoặc thường không giỏi
- đối mặt với thử thách hơn là trốn tránh.
Khi trẻ thử những điều mới, đối mặt với thử thách và hồi phục trở lại, trẻ sẽ học hỏi và trưởng thành. Đây là lý do tại sao lòng tự trọng có thể là một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Những mối quan hệ ấm áp và yêu thương là nền tảng cho lòng tự trọng của trẻ vì điều này khiến trẻ cảm thấy được trân trọng và có giá trị. Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên nhiều sự tương tác qua lại và sự quan tâm dành cho nhau. Các hoạt động theo thói quen trong gia đình cũng rất quan trọng vì các hoạt động này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ trong gia đình và mang lại cho trẻ cảm giác thân thuộc.
Trẻ sơ sinh và lòng tự trọng
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thực sự có lòng tự trọng. Đó là vì trẻ chưa coi bản thân như một con người tách biệt. Nhưng bạn vẫn có thể đặt nền móng cho lòng tự trọng lành mạnh bằng cách:
- chăm sóc em bé của bạn
- đáp lại khi bé khóc
- âu yếm và mỉm cười thật nhiều.
Những tương tác nồng nhiệt và đáp ứng qua lại với trẻ này sẽ nói với bé rằng bé được yêu thương và thật đáng yêu.
Trẻ mới biết đi và lòng tự trọng
Trẻ mới biết đi đang bắt đầu phát triển sự hiểu biết về bản thân, những gì trẻ có thể làm và những gì tạo nên con người của trẻ. Dưới đây là những cách để xây dựng lòng tự trọng ở trẻ mới biết đi:
- Hãy để trẻ được quyết định những lựa chọn an toàn với trẻ ở tuổi này, ví dụ như nên chơi đồ chơi nào hoặc có cho rau hay trứng vào bánh mì của trẻ hay không. Điều này mang lại cho trẻ cảm giác thích thú khi được kiểm soát tình huống, giúp phát triển sự tự tin và ý thức về bản thân.
- Đôi khi hãy cho trẻ cơ hội nói không. Trẻ mới biết đi cần khẳng định bản thân và biết rằng các quyết định đưa ra đều có hậu quả. Ví dụ, nếu con bạn nói không khi bạn hỏi trẻ có muốn uống nước không, điều đó KHÔNG SAO CẢ. Cảm giác khát sẽ không khiến trẻ bị đau.
- Hãy để trẻ khám phá môi trường xung quanh nhưng hãy sẵn sàng đáp ứng nếu trẻ cần bạn. Ví dụ, con bạn có thể bị một con kiến thu hút hoặc nhưng lại sợ hãi khi con kiến bò lên chân mình. Con bạn cần bạn cho trẻ biết điều đó là ổn.
- Hướng dẫn trẻ vượt qua các tình huống xã hội khó khăn. Trẻ mới biết đi có thể thấy khó trong tình huống cần phải chia sẻ và luân phiên nhau vì trẻ đang tìm hiểu xem mình là ai và cái gì là của mình. Vì vậy bạn có thể nói, ‘Bây giờ đến lượt mẹ có khối màu đỏ. Con chia sẻ giỏi đấy – làm tốt lắm!’
Trẻ mẫu giáo và lòng tự trọng
Ở độ tuổi này, trẻ thường thích so sánh mình với người khác. Trẻ có thể hỏi liệu trẻ có phải là người lớn nhất, nhanh nhất hay giỏi nhất trong bất cứ việc gì trẻ đang làm. Bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng tự trọng của con bạn và giúp con bạn đánh giá những nỗ lực của trẻ.
Dưới đây là những ý tưởng cho bạn:
- Đưa ra phản hồi cân bằng cho con bạn. Đây là việc bạn khen ngợi con bạn vì đã nỗ lực hết mình, cố gắng hết sức hoặc thử điều gì đó mới – không phải vì trở thành ‘người giỏi nhất’. Cũng cần khuyến khích trẻ đánh giá cao thành công của người khác. Ví dụ: ‘Con đã chạy rất tốt và đã cố gắng hết sức – Bố tự hào về con’.
- Hãy cho con bạn thấy rằng bạn coi trọng trẻ, bất kể trẻ thắng hay thua điều gì đó. Ví dụ bạn có thể đặt những câu hỏi như ‘Con đã thử hết sức chưa?’ hoặc ‘Con có thấy vui không?’ trước khi hỏi ‘Con có thắng không?’
- Cùng nhau chơi những trò chơi board game đơn giản hoặc chơi bài. Những trò chơi luân phiên như thế này giúp con bạn học cách chơi hợp tác và hòa đồng với những người khác. Điều này có thể mang lại cho con bạn những kỹ năng và sự tự tin trong các tình huống xã hội.
- Khuyến khích con bạn giúp bạn làm việc nhà như dọn bàn ăn hoặc cất đồ đã giặt. Điều này cho con bạn thấy rằng bạn tin tưởng giao trách nhiệm cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân.
Bữa ăn gia đình có thể là một cách đơn giản nhưng quan trọng để củng cố ý thức về giá trị và sự thuộc về của trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đó là vì trẻ em đều có thể góp sức vào bữa ăn gia đình – ví dụ như dọn bàn ăn, rửa rau, lấy thức ăn, v.v. Bữa ăn gia đình cũng có thể giúp mọi người có cơ hội nói chuyện về những điều quan trọng đối với bản thân mình.
Trẻ em độ tuổi tiểu học và lòng tự trọng
Ở trường, trẻ có thể so sánh mình với bạn bè và bạn cùng lớp. Ở độ tuổi này, lòng tự trọng có xu hướng liên quan đến nhiều thứ, bao gồm việc trẻ học tốt như thế nào, ngoại hình ra sao, chơi thể thao thế nào và chúng dễ kết bạn ra sao.
Những thách thức ở trường dường như có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ vì lần đầu tiên trẻ có thể cảm thấy mình kém cỏi hơn những người khác. Nhưng điều này sẽ giúp trẻ biết rằng trẻ không cần phải hoàn hảo ở mọi thứ để được yêu thương và quý trọng, cảm thấy mình có giá trị và tin tưởng vào bản thân.
Dưới đây là những cách bạn có thể giúp trẻ:
- Trao thêm yêu thương và âu yếm vào cuối ngày đi học. Điều này giúp con bạn nhớ rằng bạn yêu trẻ, bất kể ngày của trẻ trôi qua như thế nào.
- Tập trung vào nỗ lực của con bạn và sự dũng cảm cần có để thử những điều mới hoặc những điều khó khăn. Ví dụ: ‘Mẹ biết bạn lo lắng về việc nhảy trong buổi hòa nhạc, nhưng bạn đã rất dũng cảm để thực hiện điều đó’.
- Khuyến khích con bạn thử lại khi mọi việc không diễn ra như kế hoạch ban đầu. Bạn có thể nói, ‘Tiếp tục nhé, hãy thử lại lần nữa nào – bố tin là con có thể làm được nếu tiếp tục cố gắng’. Điều này cũng giúp xây dựng khả năng phục hồi của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ vượt qua các tình huống xã hội khó khăn. Ví dụ: ‘Hãy thử nở một nụ cười thật tươi khi con muốn tham gia. Mọi người sẽ muốn chơi với con nếu con trông thân thiện’. Trước tiên, bạn có thể thử đóng vai những tình huống này với trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin khi kết bạn.
- Cho con bạn cơ hội để thử những điều khác nhau. Nghe hoặc chơi nhạc, vẽ, làm đồ thủ công và đọc sách để giải trí đều là những cách giúp con bạn đánh giá cao khả năng của mình và xây dựng lòng tự trọng.
Ngọc Bích dịch – Nguồn raisingchildren.net.au