Bị người yêu bạo hành

Giữa đêm, cả dãy trọ hốt hoảng chạy đến phòng Hồng Hoa khi nghe cô hét lên vì bị bạn trai đấm liên tục vào lưng, đá mạnh vào bụng.

Đây không phải lần đầu cô sinh viên năm hai một trường ĐH ở Hà Nội bị bạn trai đánh. Đã nhiều lần khi bực bội điều gì với người yêu, bạn trai cô thường dùng những lời tục tĩu mắng chửi, nặng hơn nữa tát hoặc đấm, đá túi bụi.

Hoa kể có lần hai đứa giận nhau, bạn trai gọi cô ra cổng phòng trọ nói chuyện. Nhưng chỉ được vài câu, chàng trai cao 1m8, nặng đến 80 kg đã thúc cùi chỏ vào lưng người yêu. “Tôi đau nên bỏ chạy vào nhà, nhưng anh ta kéo tóc, tát mạnh làm tôi ngã xuống đường”, nữ sinh kể.

Hồng Hoa trong một lần về quê, đầu tháng 4/2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Hồng Hoa trong một lần về quê, đầu tháng 3/2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Quốc Anh, 16 tuổi, khốn khổ vì thói ghen tuông của người yêu. Mỗi ngày làm gì, đi đâu, chàng trai đều phải báo cáo với bạn gái. “Thậm chí nửa đêm em đang ngủ bạn ấy cũng dựng dậy để quay video xem đang ở nhà hay ở đâu”, Quốc Anh kể.

Từ ngày có người yêu, Quốc Anh không được nói chuyện với bất kỳ cô gái nào nếu không được bạn gái cho phép. Thậm chí cậu còn phải cung cấp mật khẩu điện thoại, máy tính cho người yêu. Danh sách bạn bè trên mạng xã hội của cậu thi thoảng lại mất một vài cái tên nữ vì bị hủy kết bạn, thậm chí bị chặn liên lạc.

“Em thương bạn ấy nhưng cũng rất mệt mỏi. Khuyên nhiều mà bạn chẳng nghe”, Quốc Anh kể.

Hồng Hoa và Quốc Anh đều đang bị bạo hành khi yêu – một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Khảo sát phụ nữ 18-30 tuổi, do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện năm 2014-2015 thực hiện cho thấy, 59% từng chịu bạo hành tinh thần, 23% bị quấy rối và bạo hành trên mạng, 24% từng là nạn nhân của sự quấy rối và bạo hành sau khi chia tay bạn trai (chồng).

Nghiên cứu quốc gia lần hai về Bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời do chồng hoặc bạn tình gây ra.

Chưa có thống kê về việc nam giới bị bạo hành khi yêu, nhưng theo bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục (Hà Nội), nam hay nữ giới đều có thể là nạn nhân của bạo hành trong tình yêu.

“Không phải chỉ đánh đập, những hành vi như mắng chửi, dọa dẫm, ép quan hệ tình dục khiến nạn nhân tổn thương tâm lý cũng là bạo hành”, bà Linh Nga nói.

PGS, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng ngày nay các bạn trẻ có nhiều cơ hội quen biết, kết nối tình cảm dễ dàng hơn nhưng cũng vì chưa hiểu về nhau đã yêu, dẫn đến chọn nhầm người không tốt.

“Cũng có thể vì dễ đến với nhau mà họ không trân trọng mối quan hệ, không trân trọng người bên cạnh. Khi không hài lòng hoặc bực dọc, họ thẳng tay bạo hành”, bà Tố Quyên nói.

Theo chuyên gia một số người trẻ ngày nay có cái tôi lớn, nhưng hiểu biết xã hội thấp, khả năng kiềm chế bản thân kém dẫn đến nảy sinh hành vi bạo hành người mình yêu.

Dưới góc độ tâm lý, bà Linh Nga cho rằng người có hành vi bạo lực khi hẹn hò thường sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, còn nạn nhân lại “yêu theo cách dựa dẫm”, chỉ biết mỗi người mình yêu, không dám chia tay dù bị bạo hành. Nhiều trường hợp dù bị đánh đập nhưng khi người yêu xin lỗi, tặng quà lại mềm lòng, không ngừng hy vọng người kia thay đổi và sa vào vòng luẩn quẩn.

Một số bạn trẻ bị người yêu đánh đập, ép quan hệ tình dục hay đe dọa bằng những hình ảnh, tin nhắn nhạy cảm thì sợ, lo lắng bị phán xét nên âm thầm chấp nhận tổn thương.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Hồng Hoa nói mọi lý do dẫn đến bạo hành đều đúng với cô. Từ nhỏ, bạn trai cô và mẹ đã bị bố bạo hành, đuổi đi trong đêm. “Anh ấy nói rất tổn thương và cô đơn. Anh biết mình sai nhưng cứ mỗi lần bực tức điều gì lại hành động y hệt bố đã làm với mình, như một cách trả thù quá khứ”, Hồng Hoa kể.

Sau nhiều lần bị bạn trai đánh, cô gái chặn mọi liên lạc quyết tâm chia tay. Nhưng khi anh đứng lì ở cửa phòng trọ xin lỗi, hứa hẹn đủ điều Hoa lại xiêu lòng.

Quá khứ của bạn gái Quốc Anh cũng không hề dễ chịu. Bố cô bé từng phản bội mẹ. Năm cô bé 8 tuổi, mẹ kéo con gái đi đánh ghen, nhưng lại bị đánh ngược. “Bạn ấy còn bị bồ của bố nhấn đầu vào tường chảy máu nên mất niềm tin vào đàn ông, sợ phản bội”, Quốc Anh kể khi tìm chuyên gia tâm lý gỡ rối cho mối tình của mình.

Theo thạc sĩ Linh Nga, khi thành nạn nhân của bạn lực hẹn hò, người trẻ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, bất an và đau buồn. “Nạn nhân sẽ thấy rất tồi tệ vì bị bạo hành, hoài nghi chính mình, lâu dần sẽ đánh mất lòng tự trọng, co cụm, ít giao lưu và chia sẻ hơn”, chuyên gia nói.

Cũng theo khảo sát của cơ quan phụ nữ của Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện, 21% người tham gia cho biết họ từng bị tổn thương tinh thần hoặc thân thể khi bị bạo hành, hơn 6% có ý định tự tử.

Hồng Hoa từng có ý định dại dột đó. Sau nhiều lần tha thứ cho người yêu, cô cũng thử đề nghị chia tay. Bạn trai lại tiếp tục điệp khúc năn nỉ, xin lỗi như những lần trước. Không thành công, anh dọa gửi video “nóng” của hai đứa cho bố mẹ và bạn bè cô, sau đó đăng lên mạng xã hội. Quá hoảng sợ Hoa không dám chuyển chỗ ở, giấu mình trong phòng nhiều ngày để tan vết bầm tím, không kể với ai.

Chuyên gia cảnh báo, nếu những người bị bạo hành khi hẹn hò như Hoa vẫn tiếp tục mối quan hệ sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.

”Chúng ta không thể có hạnh phúc nếu sống với một người bạo hành mình, chưa kể những hệ lụy đến con cái sau này”, chuyên gia nói. Trường hợp chịu đựng bạo hành kéo dài, dù sau đó có tách ra được, nạn nhân cũng rất khó đến với người mới vì cảm giác lo sợ và tổn thương đeo bám.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên khuyên người trẻ trước khi bước vào một mối quan hệ cần tìm hiểu thật kỹ và nghiêm túc mọi thứ liên quan đến đối tượng mình định yêu, gồm cả nhân thân, tính cách, công việc, hoàn cảnh gia đình. ”Muốn được như vậy phải dành thời gian tiếp xúc, không nên yêu vội vàng rồi gánh hệ lụy”, bà nói.

Nếu người yêu có hành vi bạo lực, bà Linh Nga khuyên nên nói rõ với người đó. Tốt nhất nên viết ra, chờ khi cả hai bình tĩnh lại rồi nói chuyện. Cũng nên tìm người có khả năng tác động đến đối phương để khuyên răn, giúp người bạo hành chấm dứt thói quen.

”Bạn có thể tha thứ một lần, hai lần, nhưng khi tình trạng bạo hành tái diễn thì nên dứt khoát rời bỏ”, bà Linh Nga nói.

Hồng Hoa cũng đã chấm dứt được mối tình này khi dũng cảm kể với bố mẹ. ”Bố mẹ tôi bảo nếu anh ta dọa tung video thì con dọa báo công an. Tôi nghe theo và không còn gặp lại anh ta nữa. Hóa ra việc tưởng phức tạp lại đơn giản thế”, cô gái đang có một mối quan hệ mới tốt đẹp, kể.

*Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

https://vnexpress.net/bi-nguoi-yeu-bao-hanh-4729606.html