Rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

Trầm cảm điển hình là một rối loạn mang tính chất giai đoạn, tái phát đặc trưng bởi buồn bã hay bất hạnh dai dẳng, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, dễ cáu gắt và các triệu chứng liên quan như suy nghĩ tiêu cực, thiếu sức sống, khó tập trung, rối loạn cảm giác ngon miệng và rối loạn giấc ngủ. Biểu hiện có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, nền giáo dục và văn hóa. Các phân nhóm của trầm cảm được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tính chất lan tỏa, suy giảm chức năng và sự hiện diện hay vắng mặt của các giai đoạn hưng cảm hoặc hiện tượng loạn thần. Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu trầm cảm có phải là một bệnh lý đo lường được hay không – sự khác biệt giữa có và không bị trầm cảm mang tính chất định lượng về mặt mức độ, ví dụ trong trường hợp tăng huyết áp – hoặc phân loại khác (có sự khác biệt về mặt định tính), và nguyên nhân gây ra một số loại trầm cảm khác nhau (ví dụ, sầu uất và không sầu uất).

Tỷ lệ mắc thay đổi tùy thuộc vào dân số (ví dụ: từng quốc gia), khoảng thời gian được xem xét (ví dụ: ba tháng qua, năm ngoái, trọn đời), người cung cấp thông tin (ví dụ: cha mẹ, con cái, cả hai) và tiêu chí được sử dụng để chẩn đoán. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất rằng khoảng 1% đến 2% trẻ em trước tuổi dậy thì và khoảng 5% thanh thiếu niên bị trầm cảm đáng kể về mặt
lâm sàng tại bất cứ thời điểm nào. Tỷ lệ tích lũy (tích lũy các trường hợp mới mắc mà chưa từng bị trầm cảm trước đây, còn được gọi là tỷ lệ lưu hành trọn đời) cao hơn. Ví dụ, ở tuổi 16, 12% trẻ em gái và 7% trẻ em trai sẽ bị rối loạn trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời (Costello và cộng sự. 2003). Tỷ lệ rối loạn khí sắc ít được biết đến nhưng các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phổ biến từ 1% đến 2% ở trẻ em và 2% đến 8% ở thanh thiếu niên. Ước tính có trên 5% đến 10% những người trẻ tuổi biểu hiện trầm cảm nhẹ. Thanh thiếu niên bị trầm cảm nhẹ biểu hiện một số suy giảm chức năng, tăng nguy cơ tự sát và tiến triển thành trầm cảm điển hình.

Trầm cảm đặt ra một gánh nặng đáng kể cho cá nhân người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung. Mối quan hệ giữa các cá nhân đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi một người nào đó bị trầm cảm – một vài gia đình và bạn bè có khả năng bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hơn nữa, trầm cảm có khả năng tiến triển thành một bệnh mãn tính, tái phát nếu không được điều trị. Gánh nặng trầm cảm tăng lên bởi sự có mặt của các hành vi liên quan đến các bệnh mãn tính khác như hút thuốc, uống rượu, ít hoạt động thể chất và rối loạn giấc ngủ, mặc dù bản chất của mối liên quan vẫn chưa được rõ ràng (CDC, 2013). Hiện chưa có dữ liệu cụ thể về gánh nặng kinh tế của trầm cảm ở thời thơ ấu. Tuy nhiên, giả sử có sự phát triển liên tục của rối loạn đến tuổi trưởng thành, gánh nặng có thể trở nên rất lớn. Ví dụ, một nghiên cứu ước tính rằng chọn ngẫu nhiên một phụ nữ 21 tuổi bị rối loạn trầm cảm khởi phát sớm có thể ước tính thu nhập hàng năm trong tương lai thấp hơn 12% đến 18% so với phụ nữ 21 tuổi được chọn ngẫu nhiên bị rối loạn trầm cảm xảy ra sau 21 tuổi hoặc không bị trầm cảm (Berndt và cộng sự, 2000).

Tương tự với diễn biến ở người lớn, trầm cảm lâm sàng ở thanh thiếu niên tiến triển theo từng đợt. Một giai đoạn trầm cảm trên lâm sàng thường kéo dài trung bình từ 7 đến 9 tháng, nhưng có thể ngắn hơn trong những cộng đồng chưa được nghiên cứu. Nhìn chung, giai đoạn trầm cảm có khả năng tự thuyên giảm. Ngoài ra, tỷ lệ tái phát trong vòng 2 năm khoảng 40%. Tỷ lệ tái phát cao ngay cả sau khi điều trị. Ví dụ, nghiên cứu theo dõi các bệnh nhân điều trị trầm cảm ở tuổi vị thành niên (TADS) trong vòng 5 năm cho thấy mặc dù đại đa số các bệnh nhân (96%) đã hồi phục, sau năm năm gần một nửa (46%) bệnh nhân đã tái phát (Curry và cộng sự, 2010). Ở tuổi trưởng thành, khả năng xuất hiện thêm các giai đoạn lên tới 60% (Birmaher và cộng sự, 1996). Vì vậy, trầm cảm nên được xác định là một tình trạng mãn tính với sự thuyên giảm và tái phát. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, không chỉ giảm bớt thời gian giai đoạn trầm cảm hiện tại và hậu quả của nó mà còn hỗ trợ phòng ngừa tái phát. Các yếu tố nguy cơ tái phát bao gồm đáp ứng kém với điều trị, mức độ nghiêm trọng, tình trạng mạn tính, các giai đoạn trước đó, bệnh lý đồng thời, tuyệt vọng, nhận thức tiêu cực, các vấn đề về gia đình, tình trạng kinh tế xã hội thấp và bị lạm dụng hoặc xung đột gia đình (Curry và cộng sự, 2010)

Các nhà chuyên môn đọc thêm về trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên tại link sau:

https://iacapap.org/_Resources/Persistent/2cf0a10233bd080034bae06aea9519f6b5f940e2/E.1-Depression-Vietnamese-2020.1.pdf

IACAPAP Sách giáo khoa Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên,

TS.BS. Joseph M Rey, Tolulope T Bella-Awusah & Jing Liu
Phiên bản Tiếng Việt
Hiệu đính: TS.BS. Lã Thị Bưởi, ThS. Lã Linh Nga, ThS. Tạ Ngọc Bích
Người dịch: Trần Kim Phú, Nguyễn Thị Nhanh, Nguyễn Thị Huệ