Tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm rối loạn phát triển não bộ, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về mặt giao tiếp và tương tác xã hội. Đồng thời kèm theo các mẫu hành vi, sở thích rập khuôn, giới hạn. Những triệu chứng này được phát hiện sớm trong 3 năm đầu đời và tồn tại suốt đời.

Theo DSM-V (Cẩm nang về chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), để chẩn đoán tự kỷ cần có đủ các tiêu chí sau:

+ Những khó khăn dai dẳng trong việc sử dụng giao tiếp xã hội bằng lời và không lời.

+ Những giới hạn, rập khuôn về hành vi, sở thích và hoạt động.

+ Những khiếm khuyết trên phải được biểu hiện từ khi trẻ còn nhỏ.

+ Những dấu hiệu trên gây hạn chế và suy giảm khả năng sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

+ Những triệu chứng trên không được giải thích bởi khuyết tật trí tuệ hay chậm phát triển tổng thể ở trẻ.

Trẻ tự kỷ thường có những hành vi rập khuôn

 

Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ

Dấu hiệu về cảm xúc của trẻ tự kỷ

Trẻ có những biểu hiện như không nhìn thẳng người đối diện, hoặc nhìn lơ đễnh. Trẻ không biết bày tỏ sự yêu thương, không biết vui mừng khi bố mẹ đi đâu về. Trẻ không phân biệt được lời khen hay lời trách mắng từ người khác, nên trẻ thường có những hành vi không phù hợp. Trẻ có thể ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài, hoặc thay đổi cảm xúc rất nhanh chóng, khó nhận ra trạng thái tình cảm của người xung quanh.

Dấu hiệu về hành vi của trẻ tự kỷ

Trẻ có những hành vi rập khuôn, hạn chế, lặp đi lặp lại, thói quen cứng nhắc. Trẻ thích chơi một thứ, quan tâm đến chi tiết hơn cách chơi đúng của đồ chơi. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, sở thích, sự thay đổi về đồ đạc, môi trường mới… Với các kích thích ở bên ngoài trẻ có phản ứng quá mạnh hoặc quá kém. Trẻ chưa nhận thức được sự sợ hãi khi gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, trẻ có những hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại như xua tay, nhăn mặt, lắc lư, đi khiễng chân, xoay tròn…

Dấu hiệu về ngôn ngữ của trẻ tự kỷ

Trẻ thường có sự chậm trễ và khác biệt về ngôn ngữ nói: không bập bẹ khi 12 tháng, không nói từ đơn khi 16 tháng, không nói câu hai từ lúc 2 tuổi (ví dụ như ăn cơm, đá bóng…). Trẻ có những âm điệu đơn giản, thiếu ngữ điệu, nhại lời, lời nói không phù hợp với ngữ cảnh. Ngoài ra, trẻ hay nói linh tinh một mình hoặc có những phát âm vô nghĩa được lặp đi lặp lại. Trẻ không biết bắt chước người lớn nói và làm theo. Khi có nhu cầu, trẻ không biết cách để người lớn hiểu mình. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu người khác, khó bắt đầu và duy trì hội thoại.

Dấu hiệu về giao tiếp và tương tác của trẻ tự kỷ

Trong số các dấu hiệu cốt lõi để xác định rối loạn tự kỷ, hạn chế về tương tác và giao tiếp xã hội là triệu chứng quan trọng. Trẻ ít chú ý đến giọng nói của người khác nên ít có phản ứng với âm thanh từ phía người gọi. Trẻ không có giao tiếp bằng mắt ngay từ nhỏ, không nhìn thẳng hoặc nhìn vô định. Trẻ thích chơi một mình, không thích tương tác với bạn hoặc chơi chung trong nhóm. Trẻ thiếu sự chủ động để chia sẻ niềm vui, sở thích với người khác, khó khởi xướng và duy trì hội thoại. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng các hành vi không lời để giao tiếp như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, tư thế, điệu bộ.

Độ tuổi phát hiện trẻ tự kỷ

Theo ICD-10, rối loạn phổ tự kỷ có 2 loại:

Tự kỷ điển hình: Tự kỷ bẩm sinh với dấu hiệu chậm phát triển hoặc các triệu chứng xuất hiện trước 3 tuổi.

Tự kỷ không điển hình: Sau 3 tuổi, với tiền sử phát triển bình thường tới từ 12-30 tháng tuổi.

– 12 tháng tuổi: không bập bẹ, không cử chỉ: chỉ/vẫy tay, bắt tay, nhìn mặt cười đáp…

– 16 tháng tuổi: không nói từ đơn.

– 24 tháng tuổi: không tự nói câu 2 từ.

Trẻ mất khả năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất cứ thời điểm nào.

Có thể nhận biết trẻ tự kỷ qua giao tiếp mắt và các dấu hiệu hành vi, cảm xúc

Phân biệt trẻ bình thường và trẻ tự kỷ

Trẻ bình thường

Một trẻ được xem là bình thường nếu phát triển theo các mốc sau đây:

+ Thời điểm 9 tháng tuổi trẻ đã biết bập bẹ, chỉ trỏ đồ vật, giật mình phản ứng với âm thanh to hoặc bị bất ngờ.

+ Thời điểm từ  9 đến 12 tháng tuổi, trẻ có thể làm theo định hướng, có phản ứng quay đầu khi nghe thấy tên mình.

+ Trẻ từ 1-3 tuổi đã biết thể hiện rõ ràng nhu cầu và mong muốn của bản thân. Trẻ có giao tiếp mắt và tương tác tốt với người khác, thể hiện hành vi và cảm xúc phù hợp với tình huống, biết khởi xướng các hoạt động chơi, chơi tưởng tượng, chơi giả vờ.

Trẻ tự kỷ

Trong khi đó, trẻ tự có thể xuất hiện dấu hiệu sau theo các mốc thời gian:

+ Thời điểm 12 tháng tuổi, trẻ không quay đầu nhìn khi có người gọi tên trẻ, dù được lặp đi lặp lại nhiều lần.

+ Thời điểm 14 đến 16 tháng tuổi, một số trẻ đã có kỹ năng ngôn ngữ, nhưng sau đó mất hẳn hoặc thoái lui dần.

+ Thời điểm 1 tuổi, trẻ không biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ, bắt chước âm thanh. Trẻ không thích sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày. Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu các mệnh lệnh từ phía người lớn. Trẻ cũng không có hứng thú trong việc kết bạn. Trẻ biểu hiện những bất thường về hành vi, hạn chế về sở thích, khó thích ứng với sự thay đổi.

Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ

Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời xác định. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ ở trẻ em, trong đó di truyền và môi trường là một trong những nguyên nhân đóng vai trò quan trọng nhất.

Yếu tố di truyền học: Đối với một số trẻ em, rối loạn tự  kỷ có thể liên quan đến rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Rett hoặc hội chứng X dễ vỡ. Đối với những trẻ khác, những thay đổi di truyền (đột biến) có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên các gen khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não hoặc cách mà các tế bào não hoạt động, hoặc chúng có thể xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số đột biến di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ, trong khi những đột biến khác có thể xảy ra một cách tự nhiên.

Yếu tố môi trường: Các yếu tố như nhiễm virus, thuốc hoặc biến chứng trong thai kỳ, hoặc các chất ô nhiễm không khí cũng có thể đóng một vai trò trong việc kích hoạt bệnh rối loạn tự kỷ. Trẻ bị bỏ rơi, ít được quan tâm dạy dỗ từ người chăm sóc.

Các yếu tố rủi ro khác: Bé trai có khả năng bị rối loạn tự kỷ gấp bốn lần so với trẻ em gái. Các gia đình có một đứa trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ có nguy cơ gia tăng một đứa trẻ khác bị rối loạn. Trẻ sinh ra trước 26 tuần tuổi thai có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn tự kỷ cao hơn so với những trẻ bình thường.

Hội chứng tự kỷ có di truyền không?

Dựa theo những số liệu, dữ kiện thống kê trong thực tế, chứng tự kỷ được ghi nhận có khả năng di truyền, tức là do vật liệu di truyền (gen) quy định và có thể truyền từ đời này sang đời sau. Thống kê từ nhiều nghiên cứu cho thấy, người có anh chị em mắc bệnh tự kỷ có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp 45 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, tự kỷ di truyền cũng chỉ là một trong số những nguyên nhân chính, ngoài ra nó còn do rất nhiều những yếu tố khác như: môi trường ít có sự quan tâm, dạy dỗ từ người chăm sóc, trẻ bị bỏ mặc, tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử….

Người có anh chị em tự kỷ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn 45 lần so với bình thường

Nhiễm độc thai nghén có gây ra tự kỷ không?

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khi bà mẹ bị nhiễm độc thai nghén, thai nhi không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và kịp thời. Từ đó, thai nhi phát triển kém về thể chất cũng như sự hoàn thiện về hệ thần kinh hoặc thai nhi dễ bị chết lưu, hoặc có thể bị sinh non. Điều đó góp phần gây nên chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em.

Chế độ ăn uống có gây nên tự kỷ không?

Trong thời kỳ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của thai nhi. Nguồn dinh dưỡng cần phải có sự đa dạng, cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Nếu chế độ ăn uống của mẹ bầu không hợp lý, sử dụng thực phẩm bị nhiễm hóa chất có thể gây ra tình trạng nhiễm độc thai nghén. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi và cũng có thể làm gia tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ sau khi được sinh ra.

Chơi game có gây ra tự kỷ không?

Tự kỷ là tình trạng rối loạn thần kinh và hành vi phức tạp, đặc trưng bởi những khiếm khuyết trong phát triển ngôn ngữ, tương tác và giao tiếp xã hội, hành vi sở thích hạn chế lặp đi lặp lại. Theo đa số các chuyên gia, tình trạng phức tạp này có thể xảy ra do hậu quả của khuynh hướng di truyền và các yếu tố xã hội. Việc chơi game có thể góp phần làm gia tăng các khó khăn của trẻ về tương tác giao tiếp, cũng như về ngôn ngữ và hành vi.

Cách giáo dục có gây ra tự kỷ không?

Sự phát triển về mặt thể chất và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ cách giáo dục, sự gần gũi quan tâm từ người chăm sóc chính đặc biệt từ cha mẹ của trẻ. Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều cha mẹ đi làm để con nhỏ tại nhà cho ông bà chăm sóc, rất ít gần gũi với con. Mặt khác, cha mẹ không dành nhiều thời gian giao tiếp với con mà thường để trẻ tự chơi một mình, dỗ dành trẻ bằng cách mở ti vi, điện thoại… vô tình đẩy trẻ rơi vào quá trình giao tiếp một chiều với các thiết bị công nghệ. Nhưng cũng có khá nhiều cha mẹ bao bọc con quá mức cần thiết, hoặc nghiêm khắc quá mức như luôn sợ con bẩn, con bị ngã, con bị bắt nạt…không cho trẻ có cơ hội được tự nhiên chơi đùa, học tập và phát triển với bạn bè đồng trang lứa. Tình trạng này diễn ra quá lâu, đặc biệt trong suốt giai đoạn đầu đời của trẻ sẽ vô tình làm tăng nguy cơ thiếu hụt về khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, trẻ có cảm giác tự ti, rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ.

Xem ti vi nhiều có gây ra tự kỷ?

Thời kỳ bùng nổ về công nghệ thông tin đồng nghĩa với việc chúng ta được tiếp cận với thế giới một cách đơn giản và thật dễ dàng, chỉ cần một clik chuột là có thể nghe thấy, nhìn thấy được những hình ảnh, những âm thanh sống động về cuộc sống xung quanh. Nhiều bậc cha mẹ thấy được lợi ích của công nghệ và coi đây là một giải pháp giúp con mình ăn ngoan hơn, chơi ngoan hơn, nghe lời bố mẹ hơn nên đã cho trẻ xem ti vi nhiều hơn mức được khuyến cáo. Một số tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Trong những năm đầu đời của trẻ, nếu trẻ tiếp xúc nhiều với tivi, ipad thì đồng nghĩa với việc trẻ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều. Điều này sẽ làm trẻ thụ động trong việc khám phá môi trường xung quanh, trẻ thấy phiền khi được gọi tên, chơi cùng. Xem tivi nhiều đồng nghĩa với việc trẻ có ít cơ hội tương tác, gần gũi với cha mẹ và người thân xung quanh. Do vậy, việc nuôi dưỡng cảm xúc, hình thành các kỹ năng tương tác giao tiếp, cảm nhận về thế giới xung quanh, sự hình thành và phát triển âm, lời nói…của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở mỗi trẻ, sự ảnh hưởng này sẽ không giống nhau, có trẻ rơi vào tình trạng chậm nói nhưng cũng có không ít trẻ lại bộc lõ rõ những triệu chứng về rối loạn tự kỷ.

Chữa tự kỷ như thế nào

Cách điều trị bệnh tự kỷ

Tự kỷ là một loạt các rối loạn phát triển lan tỏa với nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ rối loạn của mỗi trẻ, sự kết hợp của gia đình. Quá trình can thiệp phù hợp có thể cải thiện đáng kể những khó khăn, hạn chế ở trẻ tự kỷ.

Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA): Phương pháp này bao gồm một loạt các kỹ thuật được thiết kế để khuyến khích các hành vi tích cực bằng cách sử dụng một hệ thống phần thưởng. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất.

Phương pháp nhận thức hành vi: Phương pháp này thông qua trò chuyện, các chuyên gia sẽ tìm cách xác định những suy nghĩ, cảm xúc kích hoạt hành vi tiêu cực để có các biện pháp giải quyết phù hợp theo tình huống.

Phương pháp huấn luyện kỹ năng xã hội: Phương pháp này hướng dẫn các kỹ năng xã hội cơ bản, như cách tham gia cuộc hội thoại, hiểu được cảm xúc của người khác.

Phương pháp lời nói và ngôn ngữ: Phương pháp này được áp dụng trên những trường hợp mới có những dấu hiệu tự kỷ. Nhà trị liệu sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm chỉ dạy, trao đổi hình ảnh và các thiết bị truyền thông như các thiết bị phát lợi nói dựa trên biểu

– Đôi khi, cần sử dụng vật lý trị liệu.

Có thuốc chữa tự kỷ không?

Cho đến thời điểm này, những hiểu biết của giới khoa học về căn nguyên và cơ chế của chứng tự kỷ còn hạn chế. Vì vậy chưa có thuốc đặc trị được chứng rối loạn tự kỷ. Các thuốc được sử dụng kết hợp cùng liệu pháp giáo dục và hành vi nhằm làm giảm các triệu chứng của tự kỷ như rối loạn giấc ngủ, hung hăng, kích động…

Điều trị tự kỷ trong bao lâu?

Rối loạn tự kỷ thường biểu hiện với các đặc điểm như giảm sút các mối liên hệ xã hội (trẻ ít hoặc không có biểu hiện của sự liên hệ thường thấy với cha mẹ và người thân, ít có sự giao tiếp mắt), khiếm khuyết trong ngôn ngữ giao tiếp (nhại lời, có những âm vô nghĩa, chậm phát triển về từ) và các hành vi đơn điệu rập khuôn, bất thường. Mức độ nặng nhẹ và đặc điểm của hội chứng tự kỷ thường không giống nhau ở tất cả các trẻ. Hơn nữa, hội chứng tự kỷ là dạng rối loạn phát triển lan tỏa diễn ra suốt cuộc đời, nên việc thời gian điều trị, can thiệp cho trẻ không thể tính theo thời gian một tháng hay một năm. Việc can thiệp, giúp đỡ trẻ tự kỷ đòi hỏi sự bền bỉ đồng hành của cha mẹ và các nhà chuyên môn. Tự kỷ nếu được phát hiện sớm thì nên can thiệp càng sớm càng tốt. Điều đó sẽ làm tăng khả năng hòa nhập và khả năng học tập của trẻ với môi trường xung quanh.

Việc can thiệp, giúp đỡ trẻ tự kỷ là một quá trình lâu dài

 

Những câu hỏi thường gặp về trẻ tự kỷ

Trẻ chậm nói có phải tự kỷ không?

Trên thực tế đã có rất nhiều cha mẹ bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Trẻ tự  kỷ có biểu hiện chậm nói, nhưng một trẻ bị chậm nói chưa chắc đã mắc chứng tự kỷ. Chúng ta cần phân biệt được chậm nói đơn thuần khác với chậm nói tự kỷ.

Chậm nói đơn thuần: Các biểu hiện về tương tác của trẻ với mọi người xung quanh vẫn tốt, trẻ có chú ý quan sát và bắt chước hành động của người khác. Trẻ biết thể hiện sự quan tâm đến người chơi cùng, trẻ giao tiếp tốt bằng các cử chỉ, ánh mắt. Trẻ chủ động khám phá môi trường, thể hiện cảm xúc linh hoạt. Nhìn chung, trẻ chỉ chậm về ngôn ngữ, các mặt khác vẫn phát triển bình thường.

Chậm nói tự kỷ: Trẻ chậm nói do rối loạn tự kỷ thường có các biểu hiện như chậm hình thành âm lời nói, bất thường về hành vi rập khuôn, định hình lặp lại. Trẻ chậm nói do tự kỷ ít có sự tương tác chú ý đến môi trường xung quanh, không hoặc rất ít sử dụng giao tiếp không lời, hạn chế nghe hiểu và thường xuyên không quan tâm đến người chơi cùng, ánh mắt thiếu sự lanh lẹ.

Trẻ tăng động có phải tự kỷ không?

Tăng động và tự kỷ là hai hội chứng hoàn toàn khác nhau, liên quan đến những rối loạn về hệ thần kinh não bộ của trẻ. Tuy nhiên, chúng lại có những điểm tương đồng, đôi khi là sự chồng chéo dẫn đến những nhầm lẫn giữa trẻ tăng động và trẻ tự kỷ. Ví dụ, cả trẻ tự kỷ lẫn trẻ tăng động đều gặp khó khăn về khả năng duy trì sự tương tác với bạn bè, khó khăn trong học tập. Để đánh giá trẻ mắc chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý thì cần xem xét rất kỹ các lĩnh vực phát triển như hành vi, tương tác giao tiếp, ngôn ngữ. Trẻ tăng động thường có các biểu hiện khó kiểm soát hành vi tập trung chú ý, còn trẻ tự kỷ thì thêm các khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp.

Trẻ đầu to có phải tự kỷ không?

Trẻ mắc chứng tự kỷ cần được xem xét các lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, tương tác giao tiếp, hành vi bất thường. Nếu trẻ đầu to mà các mặt phát triển nằm trong giới hạn bình thường thì không thể nói trẻ bị tự kỷ. Do vậy, không thể nhìn vào những biểu hiện về hình thể bên ngoài (đầu to, đầu vẹo…)  để chẩn đoán trẻ có mắc chứng tự kỷ hay không.

Tự kỷ có chữa được không?

Tự kỷ là một rối loạn sinh học thần kinh có nghĩa là não bộ có vấn đề khác biệt so với bình hường. Do vậy tự kỷ không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên trong trường hợp những trẻ tự kỷ nhẹ, rối loạn tự kỷ không điển hình, trẻ tự kỷ đã có ngôn ngữ giao tiếp thì cũng có khả năng hòa nhập tốt. Theo một số nghiên cứu, 50% trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ giao tiếp và chỉ nói được các từ thông thường. Trẻ chưa có ngôn ngữ giao tiếp và các trẻ chậm trí tuệ cần sự hỗ trợ và can thiệp lâu dài từ phía nhà trị liệu, gia đình và xã hội.

Nguyễn Lương – Hà Giang