Tạo môi trường cho trẻ tương tác
Môi trường giúp trẻ tăng cường khả năng phát triển ngôn ngữ rất quan trọng với trẻ, đặc biệt là những trẻ chậm nói. Cha mẹ cần chú ý tạo môi trường để giúp trẻ tăng cường khả năng phát triển ngôn ngữ.
Môi trường gia đình
Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại và các thiết bị điện tử. Thay vào đó cha mẹ cần dành thời cho con, tạo môi trường phù hợp. Sau đây là một vài gợi ý cho phụ huynh:
– Trang trí phòng ngủ, phòng học… bằng các tranh ảnh, màu sắc, đồ chơi, đồ dùng mà trẻ yêu thích và phải an toàn với trẻ, tạo môi trường kích thích trẻ có hứng thú giao tiếp.
– Dạy con trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày, như trong lúc ăn, tắm, chơi, vệ sinh, ngủ… Ví dụ : Mình đi tắm nhé? Tắm nào, tắm nào! Đi vào nhà tắm nào, Chậu này, nước này, cốc này, con cởi áo nào, cởi quần nào, áo đâu? Quần đâu?…
– Cha mẹ dành thời gian đọc những mẩu chuyện ngắn, chơi tương tác bằng các trò chơi dân gian như chi chi chành chành, nu nan nu nống, kiến bò… trước khi trẻ ngủ.
– Tạo cơ hội để trẻ thể hiện. Ví dụ, cha mẹ đưa đồ chơi trẻ thích ra trước mặt trẻ, thu hút sự chú ý, trẻ sẽ với, chỉ tay hoặc bày tỏ sự muốn lấy bằng cách ê a hoặc kéo tay người lớn vào đồ vật. Lúc đó cha mẹ hướng dẫn gọi tên đồ vật đó.
– Cha mẹ chơi đùa cùng trẻ. Những hoạt động vui vẻ có thể tạo hứng thú cho trẻ trong việc học nói, khuyến khích trẻ bắt chước các âm và mở rộng vốn từ.
Môi trường xã hội
Ngoài việc tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát triển ngay trong gia đình, thì việc tạo môi trường cho trẻ phát triển ngoài xã hội cũng rất quan trọng trong việc giao tiếp, thể hiện cảm xúc, nhu cầu với mọi người xung quanh. Dưới đây là một số lưu ý để tăng kỹ năng xã hội cho trẻ.
– Cha mẹ nên cho trẻ giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Nếu trẻ có dấu hiệu ngập ngừng, nhút nhát, cha mẹ nên động viên, khích lệ, dùng cử chỉ ân cần để động viên con giúp trẻ tự tin hơn.
– Cho trẻ tham gia các hoạt động công cộng như đi nhà bóng, chơi các trò chơi khu công cộng giúp trẻ được quan sát và tự tin hơn.
– Cho trẻ đi lớp khi trẻ đến độ tuổi. Trong môi trường lớp học, trẻ sẽ được chơi cùng các bạn, được tham gia các hoạt động phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp, nhận biết ở trường lớp.
Dạy trẻ chậm nói ở nhà như thế nào?
Dạy trẻ chậm nói tại nhà cần sự kiên trì và thường xuyên, cũng như cần phải có một số nguyên tắc nhất định.
Nguyên tắc 1: Thống nhất cách giáo dục và hình thành thói quen cho trẻ trong các tình huống và môi trường khác nhau. Việc tạo thói quen này giúp trẻ thích nghi, hình thành ý thức và khuôn nếp.
Nguyên tắc 2: Hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad… Các công cụ trên có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, cũng như phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Nguyên tắc 3: Tích cực nói chuyện với trẻ. Mặc dù trẻ có khó khăn trong việc chậm nói, nhưng cha mẹ nên tích cực hướng dẫn mọi lúc mọi nơi. Mô tả cho trẻ hiểu bất cứ việc gì đang làm, đang diễn ra. Điều này giúp trẻ tăng thêm vốn từ, vốn ngôn ngữ hiểu ở trẻ. Khen ngợi và khuyến khích những nỗ lực của trẻ dù là nhỏ nhất.
Một số lưu ý khi dạy trẻ ở nhà:
– Sử dụng hình ảnh trực quan: Khi trẻ có hành động gì, cha mẹ cần miêu tả lại hoạt động đó bằng một vài từ đơn giản, dễ hiểu với trẻ. Củng cố lại từ khóa đó giúp trẻ ghi nhớ từ mới.
– Khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ: Khi trẻ có nhu cầu nào đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ thể hiện nhu cầu đó bằng ngôn ngữ, thay vì dùng điệu bộ, cử chỉ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chủ động nói chuyện và chơi cùng trẻ để trẻ tăng khả năng giao tiếp.
– Không bắt chước lại ngôn ngữ của trẻ: Trẻ chậm nói thường có tỷ lệ nói ngọng khá cao. Phát âm của trẻ khi đó chưa được tròn vành rõ chữ. Cha mẹ không nên bắt chước lại các âm này. Thay vào đó, cha mẹ giúp trẻ sửa và nói từ chuẩn. Cha mẹ cần kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần để củng cố cho trẻ.
– Sử dụng ngón trỏ: Hướng dẫn trẻ chỉ tay bằng ngón trỏ vào các đồ vật quen thuộc, người thân, đồ dùng, đồ vật trong nhà… Việc làm này giúp trẻ tăng cường phần giao tiếp mắt tốt hơn, chú ý nhiều hơn. Một số trò chơi cha mẹ có thể chơi cùng con như chi chi chành chành, nu na nu nống, chỉ tay vào đồ vật trước mặt…
– Tăng cường vốn từ vựng và khuyến khích ngôn ngữ của trẻ qua các hoạt động sinh hoạt, vui chơi thường ngày như ăn uống, vệ sinh, lấy đồ, gấp quần áo…
– Cho trẻ tham gia các trò chơi bắt chước. Theo đóm cha mẹ có thể cho trẻ bắt chước âm thanh, như tiếng kêu của các loài động vật, phương tiện giao thông…
Dinh dưỡng cho trẻ chậm nói
Để tăng cải thiện khả năng ngôn ngữ, cha mẹ có thể tăng cường bổ sung các dưỡng chất sau đây cho trẻ.
Omega 3: Đây là loại axit béo rất có lợi cho não bộ. Omega 3 quan trọng cho các chức năng não và giúp cho khả năng tư duy cũng như ngôn ngữ ở trẻ. Cha mẹ có thể tìm thấy Omega 3 ở một số thực phẩm như cá thu, cá hồi, ngũ cốc, sữa, các loại hạt…Các loại thực phẩm này không chỉ tốt cho trí thông minh mà chúng còn rất tốt đối với mắt của trẻ, giúp cho mắt trẻ sáng và linh hoạt hơn.
Vitamin A: Đây là chất tăng sức đề kháng đối với các loại bệnh như viêm đường hô hấp, uốn ván… Thiếu vitamin A, trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng viêm tai, ảnh hưởng đến khả năng nghe và nói ở trẻ, dẫn đến việc trẻ chậm nói, chậm phát triển. Vitamin A có nhiều trong sữa mẹ, dầu gan cá, khoai lang, cà rốt…
Protein: Đây là một trong những dưỡng chất quan trọng trong thực đơn của chế độ dinh dưỡng trẻ chậm nói. Một số thực phẩm giàu protein như hải sản, đậu, sữa, phô mai, thịt lợn, thịt bò, gà… Thiếu protein sẽ khiến sự phát triển não bộ bị đình trệ, cơ thể trẻ cũng không đủ năng lượng để hoạt động trong suốt ngày dài.
Chất xơ rau củ quả: Thực phẩm này giúp trẻ có một hệ tiêu hóa tốt và hấp thụ được nhiều chất cần thiết. Cha mẹ chú ý việc lựa chọn các thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc và bổ sung cho trẻ hằng ngày.
Nguyên tố vi lượng: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ chậm nói cần đầy đủ các thực phẩm giàu sắt, i-ốt, kẽm, magie… Đây là nhóm dưỡng chất thiết yếu cấu tạo nên các enzym trong cơ thể, giúp trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát và dễ dàng trong việc tiếp thu ngôn ngữ và những cái mới.
Khi nào cần đưa trẻ chậm nói đi can thiệp?
Trước tiên cha mẹ phải theo dõi, quan sát sự phát triển về mọi phương diện của trẻ xem có phù hợp với lứa tuổi hay không. Cha mẹ có thể tham khảo các mốc phát triển của trẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc so sánh với những trẻ có cùng độ tuổi. Ngoài ra, bằng sự cảm nhận của người mẹ thông qua việc chăm sóc con hàng ngày, thông qua giao tiếp mắt, sự tương tác để nhận biết những khó khăn mà trẻ đang gặp phải.
Các biểu hiện bất thường về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ:
– Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to trong khoảng từ 6 đến 8 tuần tuổi.
– Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
– Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
– Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
– Không cười tự phát lúc 6 tháng.
– Không bập bẹ lúc 8 tháng.
– Không nói được từ đơn lúc trẻ 18 tháng tuổi.
– Không nói được câu đơn giản khi trẻ 3 tuổi.
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế, các trung tâm để thăm khám. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ, bác sĩ và nhà trị liệu sẽ đưa ra tư vấn, hướng dẫn cha mẹ dạy con ở nhà hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, nên cha mẹ cần theo dõi và quan sát để đưa trẻ đi thăm khám sớm nhất có thể. Khi trẻ được thăm khám sớm, cơ hội phát triển ngôn ngữ sẽ được cải thiện. Khoảng thời gian can thiệp sẽ được rút ngắn hơn đối với những trẻ chậm nói đơn thuần.
Khi nào cho trẻ chậm nói đi học?
Chậm nói là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh lưỡng lự có nên cho trẻ đến trường khi đã đủ tuổi. Tâm lý lo lắng nơi các phụ huynh về việc con khó hòa nhập ở môi trường mới có thể sẽ trở thành rào cản với sự phát triển của trẻ. Nếu biết cách phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và phụ huynh, việc đi học sẽ là đòn bẩy, chất xúc tác giúp bé nhanh biết nói.
Khi đến lớp, trẻ được học và tương tác cùng các bạn đồng trang lứa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các hoạt động chơi mà học ở trường không những giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ, mà còn giúp trẻ tăng cường tính tự lập, cảm xúc, tương tác, tư duy, nhận thức của trẻ.