Quản lý hành vi của trẻ tăng động giảm chú ý
Liệu pháp hành vi là phương pháp can thiệp có hiệu quả với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), giúp trẻ cải thiện hành vi, hình thành những kỹ năng tự kiểm soát hành vi và thay đổi hành vi theo hướng tốt hơn, qua đó cũng cải thiện sự tự đánh giá bản thân. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể sử dụng các kỹ năng quản lý hành vi để hỗ trợ cho trẻ. Bản thân trẻ cũng được hướng dẫn sử dụng những kỹ năng này để đương đầu với các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.
Quản lý hành vi nên được bắt đầu từ sớm, ngay khi trẻ được chẩn đoán về rối loạn tăng động giảm chú ý và thậm chí ngay cả từ trước đó, khi trẻ có những dấu hiệu sớm của rối loạn này. Trẻ ở độ tuổi đi học có chẩn đoán ADHD biểu hiện một loạt các triệu chứng thiếu chú ý, tăng động và bốc đồng thường dẫn đến những khó khăn về học tập và xã hội, ở nhà cũng như ở trường và những môi trường khác (nơi công cộng, sự kiện thể thao, cắm trại…). Việc thực hiện sớm quản lý hành vi giúp giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn tăng động giảm chú ý.
Ở trường, các can thiệp quản lý hành vi thường nhắm đến các vấn đề:
– Thiếu chú ý, không làm bài, thường mất hoặc quên đồ dùng học tập.
– Hoạt động tự do, không tuân theo nội quy và thường gây rối.
– Các vấn đề liên quan đến quan hệ bạn bè như hay xảy ra tranh cãi, quậy phá và thiếu kiềm chế.
Tại nhà, các vấn đề mục tiêu của quản lý hành vi bao gồm:
– Không tuân thủ và thiếu tự giác trong việc hoàn thành các công việc thường ngày. Ví dụ như chuẩn bị đi học vào buổi sáng, vệ sinh cá nhân.
– Các vấn đề liên quan đến bài tập về nhà. Ví dụ không ghi chép bài, quên sách vở, cần nhắc nhở thường xuyên để bắt đầu và hoàn thành bài tập, không chú ý đến các chi tiết, làm sai do không cẩn thận…
– Hành vi hung hăng hoặc thách thức chống đối với Cha mẹ, anh chị em.
Nhà chuyên môn sẽ hướng dẫn cha mẹ, thầy cô giáo và trẻ các kỹ năng để giúp cải thiện hành vi. Cha mẹ và thầy cô có thể xác định mục tiêu với những hành vi có vấn đề để cải thiện chức năng của hành vi. Trẻ có thể sử dụng những kỹ năng học được khi nói chuyện và chơi với các bạn. Cha mẹ, thầy cô và trẻ cùng làm việc với nhau để có được kết quả tốt nhất. Sự cải thiện về hành vi của trẻ cũng giúp cải thiện các mối quan hệ và giảm xung đột trong gia đình hay ở trường lớp. Cha mẹ cần được hướng dẫn về quản lý hành vi cho trẻ trước khi cân nhắc dùng thuốc.
Dựa theo lý thuyết về hành vi, cần chú ý đến 2 nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc 1: Hành vi của trẻ có thể được tăng lên nhờ củng cố tích cực (thêm vào những thứ trẻ thích), do đó cần khuyến khích và khen thưởng đối với những hành vi tốt.
Nguyên tắc 2: Hành vi không mong muốn của trẻ có thể được giảm bớt bằng việc chấp nhận những hậu quả xảy đến và loại bỏ phần thưởng.
Để thiết kế một can thiệp quản lý hành vi cần xác định những yếu tố sau:
– Xác định các hành vi đích để xem cần tăng hay giảm hành vi.
– Xác định các yếu tố môi trường liên quan đến sự xuất hiện của hành vi đích. Các yếu tố này có thể xảy ra trước hoặc sau hành vi, khiến cho hành vi xuất hiện hoặc duy trì hành vi.
– Xác định chức năng của hành vi. Ví dụ như để thu hút sự chú ý hay né tránh…
Dựa trên phân tích này, một kế hoạch hành vi có thể được phát triển để thay đổi các yếu tố đã và đang duy trì hành vi đích. Do đó, điều chỉnh khả năng xảy ra của hành vi theo hướng mong muốn, tăng hành vi tích cực và giảm hành vi tiêu cực. Mục tiêu của liệu pháp hành vi là giúp trẻ học và củng cố những hành vi tốt, cũng như hạn chế các hành vi không mong muốn.
Những điều cần chú ý trong quản lý hành vi:
– Bắt đầu với những mục tiêu trẻ có thể đạt được theo từng bước nhỏ, chia nhiệm vụ thành từng phần nhỏ để trẻ dễ thực hiện và quản lý được.
– Các nguyên tắc cần được thực hiện nhất quán ở các thời điểm khác nhau trong ngày, các tình huống khác nhau và với người khác nhau.
– Đưa ra hậu quả ngay sau hành vi xảy ra.
– Các biện pháp can thiệp hành vi cần được thực hiện trong thời gian dài, không chỉ một buổi, một vài tháng.
– Việc dạy và học kỹ năng mới cần có thời gian và trẻ sẽ có tiến bộ dần dần.
Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý, phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám để kịp thời đánh giá tình trạng và mức độ hiện tại của trẻ. Từ đó, các nhà chuyên môn sẽ đưa ra các kế hoạch can thiệp phù hợp với trẻ cũng như những hướng dẫn, tập huấn về quản lý hành vi cho Cha mẹ trong quá trình đồng hành cùng trẻ.
Các bài tập tăng cường khả năng tập trung
Trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) thường bị suy giảm các chức năng như khả năng tập trung, ghi nhớ, kiểm soát xung động, tốc độ xử lý và khả năng làm theo hướng dẫn. Những khó khăn về khả năng chú ý mà trẻ ADHD gặp phải thường được biểu hiện cả ở nhà lẫn ở trường theo các dạng dưới đây:
– Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài, dễ bị phân tâm.
– Không cẩn thận, không chú ý tỉ mỉ, hay sai sót, khó tập trung làm bài.
– Ít tuân theo hướng dẫn, hay làm mất đồ dùng, đồ chơi.
– Thường hay bỏ dở việc này làm sang việc khác.
– Không duy trì chú ý được lâu so với các bạn cùng độ tuổi.
Dưới đây là những hoạt động giúp cải thiện sự tập trung chú ý của trẻ dẫn đến những kết quả tốt hơn trong học tập và sinh hoạt:
Các hoạt động thể dục thể thao
– Tập luyện hàng ngày với các hoạt động tập trung vào chuyển động cơ thể như đạp xe, bơi lội.
– Cha mẹ cũng khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội như bóng đá, cầu lông để giúp trẻ tập trung với các trải nghiệm tương tác xã hội và tuân theo luật chơi.
– Có thể kết hợp các hoạt động tư duy với hoạt động vận động, như thực hiện các phép tính khi chơi ném bóng.
Các hoạt động và bài tập nhằm tăng thời gian chú ý
– Chơi cờ, với các loại như cờ domino, cờ vua, cờ cá ngựa, cờ tỉ phú, ô ăn quan…
– Trò chơi ghép hình, trò chơi xây dựng giúp trẻ phát triển sự sáng tạo và xây dựng khả năng tập trung qua thao tác với các mảnh ghép, miếng ghép.
– Bài tập luyện khả năng chú ý và quan sát như tìm số, tìm từ, giải ô chữ, tìm mê cung, ma trận số…
– Bài tập ghi nhớ như nhớ từ, nhớ dãy số xuôi-ngược, nhớ thứ tự, nhớ hình ảnh, nhớ âm thanh, nhớ nội dung câu chuyện… Bài tập này vừa giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ vừa rèn luyện khả năng tập trung chú ý.
– Bài tập phân loại theo hình dạng, theo màu sắc, theo đặc điểm đưa ra, như sắp xếp các hạt màu thành những nhóm màu khác nhau…
– Hoạt động tô vẽ, cắt dán từ đơn giản đến phức tạp, tự do hoặc theo chủ đề.
– Các hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, đóng kịch, nhảy múa…
– Các hoạt động thư giãn, tập yoga, tập thiền. Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu giúp trẻ bình tĩnh và tập trung hơn.
Yếu tố môi trường trong các bài tập
Để giúp trẻ tăng khả năng tập trung chú ý, cha mẹ cũng cần chú ý đến môi trường xung quanh và lưu ý một số vấn đề dưới đây.
– Tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ học tập, tránh các kích thích gây xao nhãng, hạn chế tiếng ồn xung quanh.
– Yêu cầu trẻ nghe nhìn khi người khác nói.
– Nói rõ ràng yêu cầu với trẻ, để cho trẻ nhắc lại yêu cầu vừa nghe.
– Tránh giao cho trẻ quá nhiều việc một lúc làm trẻ dễ mất tập trung.
– Xây dựng thói quen cho trẻ trong sinh hoạt thường ngày. Xây dựng khung thời gian cho giờ làm bài tập, giờ đi ngủ, giờ làm việc nhà, giờ chơi.
Trong khi thực hiện các bài tập, hãy ghi lại tiến trình thực hiện của trẻ như tốc độ hay thời gian hoàn thành. Hãy luôn khuyến khích và theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
Cải thiện các mối quan hệ gia đình
Khi trẻ hoặc một thành viên trong gia đình mắc tăng động giảm chú ý, nó có thể thay đổi thói quen và các mối quan hệ trong gia đình. Hành vi của trẻ có thể gây nên sự khó chịu của những người xung quanh. Nó cũng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của các thành viên trong gia đình đối với cuộc sống thường ngày của mỗi người, dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ hoặc mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên chúng ta cũng có những cách để giúp mọi chuyện có thể diễn ra suôn sẻ hơn.
– Tìm hiểu và trao đổi với các thành viên trong gia đình thông tin về rối loạn tăng động giảm chú ý để mọi người hiểu về vấn đề, được nói lên thắc mắc của mình và cùng tham gia vào giúp đỡ trẻ.
– Cân bằng sự quan tâm trong gia đình là một điều cần thiết. Nếu quá tập trung vào trẻ, có thể sẽ tạo nên sự mất cân bằng và ảnh hưởng tới mối quan hệ anh chị em của trẻ. Những trẻ khác trong gia đình có thể cảm thấy bất công, ít được cha mẹ chú ý đến và có thể cũng có những băn khoăn, lo lắng, bực tức riêng của mình.
– Tập trung tới những điều tích cực. Hướng mọi người tới những điều tích cực hơn là chỉ chú ý tới những điều không ổn. Hãy khuyến khích và khen ngợi những nỗ lực và thành công của mọi thành viên trong gia đình.
– Đưa ra các quy tắc và mục tiêu hướng đến để các thành viên trong gia đình đều được biết. Bên cạnh đó cũng cần để mọi người hiểu những hệ quả của việc phá vỡ quy tắc.
– Sắp xếp thời gian biểu rõ ràng. Khi thời gian biểu được xây dựng và tuân theo, mọi người sẽ dễ dàng xây dựng các thói quen sinh hoạt. Các thành viên trong gia đình cùng nhau thảo luận để đưa ra được thời gian biểu phù hợp nhất, cùng đưa ra các đề xuất cụ thể cũng như các giải pháp.
– Chơi đùa cùng nhau. Vui chơi rất quan trọng với trẻ nhỏ, qua đó trẻ có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, cải thiện khả năng tập trung chú ý, thể hiện cảm xúc, sự sáng tạo và học hỏi các kỹ năng xã hội. Đây cũng là một cách để tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, củng cố mối quan hệ trong gia đình. Hãy dành thời gian cùng chơi đùa và tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau, quan tâm đến nhau.
– Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài khi cần thiết. Sự hỗ trợ và tư vấn từ các bác sĩ, nhà chuyên môn, bạn bè, thầy cô giáo, các nhóm phụ huynh có thể giúp giải quyết các vấn đề cá nhân hoặc trong gia đình.
– Giữ sự hài hước và hãy nhớ đến những khía cạnh tốt trong cuộc sống và nhiều minh chứng cho thấy nhiều trẻ tăng động giảm chú ý cũng đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Xây dựng các bài tập vận động
Các hoạt động vận động thể chất không chỉ giúp trẻ tăng động giảm chú ý tăng cường sức khỏe, giải phóng năng lượng dư thừa còn giúp trẻ giảm bớt các biểu hiện hiếu động quá mức, tăng khả năng tập trung chú ý và học hỏi thêm các kỹ năng bổ ích khác. Các bài tập vận động phù hợp và thường xuyên có thể mang lại những lợi ích sau cho trẻ tăng động giảm chú ý:
– Phát triển kỹ năng vận động, khả năng cơ bắp, sức mạnh.
– Cải thiện tốc độ xử lý của não bộ, cải thiện trí nhớ.
– Khả năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.
– Cải thiện sự tập trung chú ý.
– Giảm bốc đồng và lo lắng.
– Nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin.
Vì vậy các bài tập vận động cần được thực hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Tùy thuộc vào khả năng và sở thích của từng trẻ có thể lựa chọn các hoạt động vận động khác nhau. Hãy sắp xếp cho trẻ khoảng 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày và 4 đến 5 ngày mỗi tuần. Việc tập luyện có thể được thực hiện trong nhà hoặc ngoài trời, nên đảm bảo cường độ tập luyện không quá sức của trẻ. Các hoạt động trẻ có thể tập luyện như:
– Bóng đá, bóng chuyền.
– Võ thuật.
– Khiêu vũ.
– Đạp xe.
– Đi bộ.
– Bơi lội.
– Bài tập thể dục.
– Yoga.
Các hoạt động tập luyện sẽ giúp trẻ điều chỉnh tư thế, kiểm soát hơi thở, tập trung tính thần và thư giãn sâu giúp trẻ tăng cường tập trung chú ý, giảm căng thẳng.
Dạy kỹ năng giao tiếp ứng xử
Trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn với các tương tác xã hội. Vì vậy hướng dẫn trẻ các kỹ năng xã hội, giao tiếp ứng xử sẽ khuyến khích các hành vi xã hội tích cực, giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội và các mối quan hệ của trẻ với người bạn bè, thầy cô, người thân.
Các kỹ năng về giao tiếp tương tác thường được hướng dẫn trong các hoạt động nhóm, trong đó trẻ sẽ tương tác với người khác và sẽ học cách ứng xử phù hợp với các tình huống. Trẻ cần được hướng dẫn về các kỹ năng xã hội như kỹ năng hội thoại, xây dựng mối quan hệ, đương đầu với cảm xúc. Việc hướng dẫn các kỹ năng xã hội cho trẻ có thể được thực hiện qua các hoạt động như:
– Sử dụng các câu chuyện xã hội hướng dẫn trẻ cách cử xử trong các tình huống làm quen với bạn, rủ bạn cùng chơi, hỏi ý kiến, đưa ra yêu cầu, được chấp nhận và bị từ chối, khi đi siêu thị, khi gặp thầy cô giáo…
– Qua các hoạt động chơi hướng dẫn trẻ các quy tắc xã hội nh] chờ đợi tới lượt, chia sẻ, tuân theo luật chơi, giao tiếp trong nhóm.
– Đóng vai tình huống giả định và hướng dẫn trẻ các ứng xử hợp lý. Cha mẹ có thể tạo ra một vài tình huống như khi người khác đang nói chuyện, khi cảm thấy mệt, khi muốn ra khỏi chỗ…
– Sử dụng tranh truyện để xây dựng cách ứng xử cho trẻ. Cha mẹ phân tích các tình huống đưa ra trong tranh truyện và hướng trẻ tới các ứng xử tốt trong tình huống tương tự.
– Cha mẹ làm gương cho trẻ qua các hoạt động. Trẻ sẽ học được rất nhiều về cách ứng xử khi quan sát người khác, đặc biệt là những người gần gũi với trẻ như cha mẹ trẻ. Nếu cha mẹ làm hình mẫu tốt cho trẻ trong giao tiếp ứng xử, trẻ có thể quan sát, học hỏi và bắt chước theo.
Những lưu ý trong cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Lập kế hoạch trước khi bắt đầu
Để lập kế hoạch chi tiết, cần thực hiện việc thu thập dữ liệu thông tin liên quan đến trẻ, ví dụ như điểm mạnh của trẻ, sở thích của trẻ, khó khăn của trẻ, các yếu tố về môi trường có liên quan… Từ đó đưa ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho trẻ, đồng thời lập kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu đưa ra.
Việc lập kế hoạch cần theo các bước sau:
– Xác định vấn đề của trẻ.
– Xác định lý do hành vi xảy ra.
– Các can thiệp để thay thế hoặc giảm hành vi.
– Đánh giá mục tiêu, chiến lược dạy và củng cố cho hành vi mới.
Kế hoạch can thiệp hành vi bao gồm:
– Xác định vấn đề hành vi: tiền đề – hành vi – kết quả, chức năng của hành vi.
+ Tiền đề: tình huống trước khi hành vi xảy ra. Ví dụ khi trẻ bắt đầu vào học.
+ Hành vi: phản ứng quan sát được của trẻ. Ví dụ trẻ ném sách vở.
+ Kết quả: điều xảy ra ngay sau hành vi. Ví dụ cô giáo nhắc nhở.
+ Chức năng: giả thuyết về vấn đề của hành vi.
– Xác định mục tiêu: đưa ra hành vi mới thay thế hành vi không mong muốn, trẻ sẽ học cách đáp ứng phù hợp với những gì trẻ muốn. Ví dụ dạy trẻ giơ tay để yêu cầu thay vì la hét để thu hút sự chú ý của cô giáo. Cha mẹ chú ý tới tần suất thực hiện được của trẻ. Ví dụ trong 5 tình huống thể hiện mong muốn, trẻ đã thực hiện được 3 lần giơ tay để yêu cầu thay vì la hét.
– Dạy trẻ các kỹ năng mới thay thế: trẻ cần được hướng dẫn để học các kỹ năng mới, khi đó cần xác định được ai sẽ dạy trẻ, dạy khi nào và dạy ở đâu.
Kế hoạch can thiệp cần được đánh giá lại sau thời gian thực hiện và có những điều chỉnh cần thiết nếu cần.
Quy định thưởng phạt khi dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Liệu pháp hành vi tập trung vào việc khuyến khích các hành vi tích cực và hạn chế các hành vi không mong muốn. Việc quy định thưởng phạt với trẻ cần rõ ràng, nhất quán và có kế hoạch. Các phần thưởng và phạt sẽ dần định hình cho hành vi. Trẻ cũng cần được biết trước về mong muốn của cha mẹ và những gì mình nhận được cho hành vi của mình.
– Khuyến khích các hành vi tốt thường được thực hiện cùng với sự khen ngợi và phần thưởng. Ví dụ sau khi trẻ hoàn thành xong bài tập toán, trẻ được chơi trò chơi yêu thích trong 10 phút. Mỗi khi trẻ hoàn thành công việc đúng yêu cầu, đừng quên khen ngợi và khích lệ trẻ ngay. Điều đó giúp trẻ dần nhận thức được những việc mình nên làm và dần hình thành sự tự điều chỉnh.
– Phần thưởng thường là những gì trẻ mong muốn, thích thú như hình dán, sticker, bánh kẹo, trò chơi, đi chơi, sự khen ngợi, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ… Phần thưởng có thể khác nhau đối với từng thời điểm. Thời điểm trẻ mới bắt đầu học các kỹ năng mới, phần thưởng cần lớn để tạo động lực mạnh cho trẻ. Khi trẻ dần làm chủ kỹ năng mới học được, phần thưởng vật chất sẽ giảm dần. Các phần thưởng quy đổi cũng thường được thảo luận với trẻ và cũng theo mức độ giảm dần. Ví dụ lúc đầu mỗi lần trẻ hoàn thành bài đúng giờ, trẻ được thưởng 1 ngôi sao, dần dần tăng lên 3 lần được đổi thành 1 ngôi sao và tích lũy 5 ngôi sao có thể được quy đổi thành một chuyến đi chơi. Luôn chú ý khen ngợi cụ thể về hành vi tốt và xem đó như một phần thưởng tinh thần đối với trẻ.
– Khi trẻ có hành vi không mong muốn, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ và hướng trẻ tới hành vi thay thế phù hợp. Các hình phạt thường ít hiệu quả hơn khen thưởng trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Trong trường hợp cần phạt trẻ, có thể áp dụng cách lấy đi các đặc quyền của trẻ như xem tivi, đồ ăn vặt, hoặc tách trẻ ra một mình ở một chỗ riêng biệt trong khoảng thời gian ngắn nhất định. Các hình phạt cũng có thể dẫn đến kết quả không mong muốn như trẻ có thể tăng lên các hành vi không thích hợp, bực tức, chống đối. Không nên sử dụng các hình phạt như đánh mắng hay chế giễu trẻ vì sẽ để lại những tổn thương cả về thể chất và tâm lý ở trẻ.
Một số điều cần tránh khi dạy trẻ tăng động giảm chú ý
– Khi gặp vấn đề cần giải quyết, cha mẹ có thể đưa ra hướng dẫn nhưng không nên làm thay trẻ. Cha mẹ có thể đưa ra các định hướng và các bước để hướng dẫn trẻ tự làm. Việc chia nhỏ các bước sẽ khiến trẻ dễ thực hiện hơn.
– Cha mẹ không nên đưa quá nhiều yêu cầu và nói quá nhiều với trẻ cùng một lúc, trẻ sẽ khó ghi nhớ và thực hiện được. Cha mẹ nên sử dụng những câu ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể và tập trung vào một vấn đề ở một thời điểm. Nếu có nhiều việc cần làm, có thể cùng trẻ lên danh sách và kế hoạch trước, ghi lại và dán vào nơi trẻ dễ quan sát để nhắc nhở trẻ.
– Khi đã hứa với trẻ hoặc đặt ra phần thưởng cho trẻ, cha mẹ không nên thất hứa, đặc biệt là khi trẻ đã đạt được mục tiêu đưa ra. Việc hứa mà không thực hiện sẽ khiến trẻ trở nên thất vọng, chán nản, mất niềm tin và mất dần động lực trong việc học tập và hình thành hành vi, thói quen tốt.
– Nếu cha mẹ cũng tương tác tiêu cực với trẻ, lúc đó trẻ có nguy cơ phát triển các rối loạn hành vi – cảm xúc như thách thức chống đối hay lo lắng, trầm cảm. Việc chỉ trích trẻ cũng khiến trẻ dần thiếu tự tin vào bản thân và bầu không khí trong gia đình cũng trở nên căng thẳng hơn. Học tập và rèn luyện trong không khí vui vẻ, an toàn sẽ giúp ích cho trẻ hơn rất nhiều.
– Việc để trẻ học hay chơi ở những môi trường có quá nhiều kích thích gây nhiễu như tivi, điện thoại, tiếng ồn… khiến trẻ dễ phân tâm, khó tập trung để hoàn thành công việc. Vì vậy, việc sắp đặt môi trường phù hợp với trẻ cũng là một vấn đề thiết yếu trong quá trình hỗ trợ trẻ.
– Nếu các sinh hoạt thường ngày diễn ra một cách tự do không theo nề nếp, trẻ sẽ khó khăn hơn trong kiểm soát các hoạt động. Trẻ nên có lịch sinh hoạt rõ ràng, cụ thể. Thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị màn hình điện tử như tivi, điện thoại, ipad cũng cần được quản lý. Cha mẹ tạo cho trẻ thói quen luyện tập hàng ngày với các hoạt động thể chất phù hợp để giúp trẻ giải phóng bớt năng lượng dư thừa, tự điều chỉnh tốt hơn và cải thiện khả năng tập trung chú ý.
– Cha mẹ tránh để ý điểm yếu ở trẻ để phê bình, nhắc nhở mà không chú ý điểm mạnh, sự tích cực và nỗ lực ở trẻ. Trẻ nên được khen ngợi về những gì mình làm tốt nhiều hơn là nhận những lời phê bình về những việc chưa tốt ở trẻ.
– Nếu thấy căng thẳng và quá sức với trẻ, cha mẹ nên tìm đến sự trợ giúp từ người thân, bạn bè hoặc từ các chuyên gia tâm lý.
Ngọc Bích