- Stress là gì?
Stress là phản ứng của cơ thể chúng ta đối với áp lực. Trong cuộc sống, nhiều tình huống hoặc sự kiện khác nhau có thể gây ra stress. Stress thường được kích hoạt khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó mới mẻ, bất ngờ, ý thức được các yếu tố nguy cơ đang đe dọa chúng ta hoặc khi chúng ta cảm thấy không kiểm soát được tình huống. Phản ứng stress bao gồm các phản ứng về thể chất và tinh thần nhằm giúp cá nhân cố gắng thích nghi với sự thay đổi hay áp lực từ bên ngoài hoặc bên trong.
Chúng ta đối phó với stress theo các cách khác nhau. Khả năng đối phó của chúng ta có thể phụ thuộc vào đặc điểm di truyền, trải nghiệm các sự kiện đầu đời, đặc điểm nhân cách cũng như hoàn cảnh kinh tế – xã hội.
Khi chúng ta gặp stress, cơ thể chúng ta sản sinh ra các hormone căng thẳng để kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc trốn chạy và kích hoạt hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Không phải tất cả các loại stress đều có hại. Có những stress có thể tạo ra niềm vui, thú vị và sự thúc đẩy. Những stress như vậy thường được gọi là Good stress hoặc Eustress không chỉ giúp phục hồi năng lượng của chúng ta mà còn cải thiện chức năng tim, tăng sức chịu đựng và sức mạnh của chúng ta. Chúng làm sắc nét tư duy của chúng ta và tăng cường khả năng trí óc. Ví dụ như đối với nhiều người, stress khi chuẩn bị cho kỳ thi có thể giúp họ học tập chăm chỉ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, stress có hại là khi các stress có tác động tiêu cực hoặc xấu đến cơ thể, gây ra lo lắng hoặc cảm giác không hài lòng. Các stress có hại thường làm giảm hiệu suất học tập và làm việc của chúng ta và có thể dẫn đến các bệnh về tinh thần cũng như thể chất.
Phân loại stress
Stress có thể chia thành 3 loại: stress cấp, stress cấp kéo dài và stress mãn tính.
- Stress cấp là căng thẳng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn khi đối mặt với một sự kiện căng thẳng (như tai nạn, bạo lực, tranh cãi…). Nó đến nhanh chóng và đi cũng nhanh chóng, gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Stress cấp tính thường được nhận biết với các triệu chứng như tức giận, lo lắng, nóng nảy và giai đoạn trầm cảm cấp. Đôi khi nó có thể mang lại cảm giác hồi hộp, vui vẻ và phấn khích trong cuộc sống của chúng ta.
- Stress cấp kéo dài là hiện tượng stress cấp tính xảy ra quá thường xuyên, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Stress cấp kéo dài xảy ra do một loạt các thử thách căng thẳng xảy ra nối tiếp nhau trong cuộc sống.
- Stress mãn tính là căng thẳng kéo dài, gần như không mất đi trong cuộc sống. Stress mãn tính xảy ra do tiếp xúc lâu dài với các tác nhân gây căng thẳng. Những tác nhân gây stress mãn tính có thể không dữ dội bằng những tác nhân gây stress cấp tính nhưng chúng có hại hơn những tác nhân gây stress cấp tính. Điều này là do tác động của stress mãn tính là tác động tích lũy của tác nhân gây căng thẳng trong một thời gian dài (ví dụ hôn nhân không hạnh phúc, tình trạng khó khăn thiếu thốn kéo dài…). Stress mãn tính không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có hại không kém cho sức khỏe tinh thần.
- Nhận biết dấu hiệu stress
Để nhận biết xem liệu mình có đang gặp phải stress, chúng ta có thể xem xét các dấu hiệu sau:
Thể chất: mệt mỏi, tim đập nhanh, co giật mí mắt, căng cơ, nghiến răng, đau đầu, mất ngủ, đau nhức cơ bắp (đặc biệt ở các bộ phận cổ, vai, lưng), huyết áp cao, đau tức ngực, buồn nôn, vã mồ hôi, run chân tay, hụt hơi, chướng bụng, nóng cổ, trào ngược, suy giảm chức năng tình dục, phát ban,…
Tinh thần: lo âu, căng thẳng, thiếu kiên nhẫn, dễ nổi nóng, thất vọng, thiếu tự tin, lo lắng, sợ hãi, khó chịu, cảm thấy bồn chồn, choáng ngợp, đãng trí, giảm tập trung, thiếu quyết đoán, thường nhớ nhớ quên quên, hiệu suất làm việc/học tập giảm sút,…
Hành vi: biểu hiện bồn chồn bất an, ăn uống quá nhiều/quá ít, cắn móng tay, bứt rứt tay chân, hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc lạm dụng các chất kích thích, các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ bị xáo trộn, đôi lúc khóc lóc, la hét, thường đổ lỗi cho người khác và thậm chí đập phá đồ vật xung quanh.
- Nguyên nhân dẫn đến stress
- Nguyên nhân sinh học
Rất nhiều người gặp phải stress do sức khỏe giảm sút hoặc các bệnh lý về cơ thể:
- Bệnh nặng, mãn tính
- Chấn thương
- Thiếu chất, suy dinh dưỡng
- Sinh nở
- Nguyên nhân tâm lý
Đặc điểm tính cách
Nghiên cứu khoa học chỉ ra những người có tính cách hướng ngoại có xu hướng trải nghiệm ít căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày hơn những người có tính cách hướng nội. Những người hướng nội thường ít chia sẻ, ít mối quan hệ xã hội và vì vậy họ thường nhận được sự hỗ trợ xã hội ít hơn.
Những người cầu toàn, theo chủ nghĩa hoàn hảo có thể tự mang lại căng thẳng cho bản thân một cách không cần thiết vì các tiêu chuẩn cao của họ.
Cách chúng ta nhìn thế giới hoặc một tình huống cụ thể cũng có thể xác định liệu nó có gây ra căng thẳng hay không. Ví dụ, nếu chiếc xe của bạn bị hỏng và bạn tỏ thái độ: “Không sao đâu, công ty bảo hiểm sẽ trả tiền cho việc sửa chữa”, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều so với việc bạn nghĩ: “Chiếc xe của mình bị hỏng rồi và mình sẽ không không có xe để đi, công việc của mình sẽ bị xáo trộn và nếu sửa rồi lại hỏng lần nữa thì sao?” Tương tự, những người cảm thấy mình đang hoàn thành tốt công việc sẽ ít bị căng thẳng bởi một dự án lớn sắp tới hơn những người lo lắng rằng họ không đủ năng lực để làm việc.
Những người có kỳ vọng quá cao cũng dễ khiến bản thân và những người xung quanh họ gặp căng thẳng bởi chính những mong đợi của họ.
Một số thói quen sống dẫn đến stress:
- Chế độ ăn không tốt: Chế độ ăn dư đạm và chất béo, nhiều đường, dầu mỡ, và các phụ gia sẽ khiến cơ thể quá tải và gia tăng nguy cơ gặp phải stress của một người.
- Giấc ngủ không điều độ: Ngủ quá nhiều hoặc thiếu ngủ, giấc ngủ không chất lượng cũng có thể khiến chúng ta gặp phải stress.
- Lạm dụng các chất kích thích: Các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê,… đôi khi sẽ giúp chúng ta hưng phấn và làm việc hiệu quả trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài chúng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và khiến cơ thể của chúng ta gặp stress khi thiếu hụt những chất kích thích này.
- Thiếu vận động thể chất: Việc cơ thể không được tham gia các hoạt động vận động khiến các bộ phận cơ thể trì trệ, dẫn tới phản ứng chậm chạm và làm tăng nguy cơ bị stress của chúng ta.
- Nguyên nhân môi trường gia đình, xã hội
Các sự kiện, tình huống xảy ra xung quanh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến stress của một người.
Nguyên nhân từ công việc bao gồm:
- Không cảm thấy vui vẻ khi làm việc
- Có khối lượng công việc nặng hoặc có quá nhiều trách nhiệm
- Làm việc nhiều giờ
- Quản lý công việc kém hoặc không có tiếng nói, không được đồng nghiệp coi trọng
- Làm việc trong điều kiện nguy hiểm
- Thiếu cơ hội thăng tiến
- Không có cảm giác gắn bó với công việc
- Không hòa nhập được với đồng nghiệp
- Đối mặt với sự phân biệt đối xử hoặc quấy rối tại nơi làm việc, đặc biệt nếu không nhận được ủng hộ từ phía công ty
- Mất việc làm
Nguyên nhân từ gia đình:
- Xung đột mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
- Gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong gia đình
- Ly thân, ly hôn
- Mất người thân
- Chăm sóc người già hoặc người ốm trong gia đình
- Không nhận được sự yêu thương từ các thành viên trong gia đình
- Không cảm thấy an toàn trong gia đình (bị đe dọa, bạo lực bởi người thân…)
Một số nguyên nhân từ môi trường xã hội:
- Thay đổi môi trường sống (di cư, chuyển đến một ngôi nhà mới…)
- Môi trường sống ô nhiễm
- Thiên tai, trộm cắp, hiếp dâm hoặc bạo lực
- Những ai dễ bị stress
Stress có thể xảy ra với tất cả mọi người và xảy ra thường xuyên hơn với một số đối tượng đặc biệt:
- Người gặp vấn đề về sức khỏe thể chất: Suy dinh dưỡng, mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính,…
- Người có môi trường sống không lành mạnh: khu dân cư an ninh kém, dân trí thấp,…
- Người thường xuyên làm việc quá sức
- Người thiếu tự tin, ít mối quan hệ xã hội
- Người dễ bị ảnh hưởng stress từ những người xung quanh
- Người có nhiều nợ hoặc không an toàn về tài chính có nhiều khả năng bị căng thẳng về tiền bạc
- Người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc LGBTIQ + có nhiều khả năng bị căng thẳng về định kiến hoặc phân biệt đối xử
- Người khuyết tật có nhiều khả năng bị căng thẳng về sức khỏe của họ hoặc về sự kỳ thị liên quan đến tình trạng của họ
- Tác hại của stress
Không phải bất cứ khi nào gặp phải stress đều là xấu, nhưng nếu tình trạng stress kéo dài sẽ gây ra rất nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe như:
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và rối loạn nhân cách
- Các bệnh về tim mạch, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, nhịp tim bất thường , đau tim và đột quỵ
- Nguy cơ cao béo phì và các rối loạn ăn uống khác
- Gặp các vấn đề về kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh nghiêm trọng,…
- Rối loạn chức năng tình dục như bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới và mất ham muốn tình dục ở cả nam và nữ
- Các vấn đề về da và tóc như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, bệnh chàm và rụng tóc vĩnh viễn
- Các vấn đề về đường tiêu hóa như GERD, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng và ruột kết kích thích,…
- Phương pháp điều trị stress
Stress vẫn luôn có thể xảy ra với bạn, bạn không thể tránh được nó nhưng có thể giảm tác hại của stress bằng một số cách:
- Tập thể dục, thể thao
- Các bài tập thư giãn
- Trồng cây, chăm sóc con vật
- Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích
- Giao lưu, gặp gỡ bạn bè, người thân
- Tư vấn, trị liệu tâm lý
- Thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Những câu hỏi thường gặp về stress
7.1. Stress có gây nổi hạch không?
Khi bị stress nặng trong thời gian dài, sức đề kháng trong cơ thể bạn cũng sẽ bị giảm sút và rất dễ bị các vi khuẩn, virus tấn công. Những lúc này, hạch phải hoạt động nhiều để sản xuất ra các kháng thể, điều này khiến hạch sưng to lên, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể và có thể dùng tay sờ thấy được. Có những trường hợp hạch xuất hiện như một phản ứng rất bình thường, tuy nhiên cũng có trường hợp hạch xuất hiện và biến chứng gây nguy hiểm. Có thể chia làm hạch lành tính và hạch ác tính.
Hạch lành tính: Đối với laoji hạch này, chúng sẽ phát triển rất chậm và hầu hết không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như giảm thẩm mỹ của bạn. Cũng có một số trường hợp hạch nổi to và chèn ép vào dây thần kinh lẫn mạch máu lớn gây cản trở hoạt động của cơt thể thì cần phải tiến hành mổ lấy hạch.
Hạch ác tính: Khi hạch chuyển sang hạch ác tính bạn có thể nhận ra thông qua kích thước của hạch, khi sờ vào sẽ có cảm giác cứng và đau. Bên cạnh đó, biểu hiện sức khỏe rất rõ rệt như sút cân, mệt mỏi, da bị xỉn màu hoặc thay đổi màu săc bất thường,… Nếu tình trạng hạch nổi kéo dài sẽ dẫn đến vấn đề nghiêm trọng như: có thể bị ung thư tại chỗ hoặc di căn. Trong trường hợp này, bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt để có phương pháp điều trị phù hợp.
7.2. Stress gây tăng cân không?
Từ lâu, stress đã được các nhà khoa học coi là một trong những thủ phạm gây tăng cân. Mặc dù ban đầu nó có thể khiến bạn cảm thấy chán ăn, nhưng stress mãn tính lâu dài thực sự làm tăng cảm giác đói của bạn. Hầu hết chúng ta đều trở thành người ăn quá nhiều khi cảm thấy nhiều áp lực. Điều này xảy ra nhờ phản ứng chiến đấu hoặc trốn chạy của bạn, hay còn gọi là chế độ sinh tồn – khi cơ thể bạn đạt đến một mức độ căng thẳng nhất định, nó sẽ làm những gì nó cảm thấy cần. Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể sẽ chọn lựa ăn thật nhiều do nghĩ rằng bạn dùng calo để giải quyết căng thẳng dù thực tế là calo không được sử dụng.
Các nhà khoa học cũng đã nhận thấy rằng khi gặp stress, cơ thể sẽ giải phóng ra nhiều hormon cortisol và adrenalinlàm cho mức insulin cao hơn, lượng đường trong máu của bạn giảm xuống và bạn thèm thức ăn có đường và béo. Jason Perry Block – một trợ lý giáo sư về y học dân số tại Harvard, nói rằng ăn uống có thể là một nguồn an ủi và có thể giảm stress: “Điều này xảy ra một phần là do cơ thể tiết ra các chất để phản ứng với thức ăn có thể làm dịu trực tiếp các stress.”
7.3. Stress ở mức độ nào thì nên đến gặp chuyên gia (nhà tâm lý, bác sĩ)?
Những nguyên nhân gây ra stress có thể rất khác nhau, nhưng phản ứng của cơ thể đối với chúng thì giống nhau. Tất cả các phản ứng này đều diễn ra theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Giai đoạn báo động
Giai đoạn này được biểu hiện bằng những dấu hiệu đặc trưng của cơ thể khi gặp tình huống gây stress: Các hoạt động tâm lí được kích thích, đặc biệt là tăng cường quá trình tập trung chú ý, ghi nhớ và tư duy… Các phản ứng sinh lí mà cơ thể có thể gặp như tăng huyết áp, nhịp tim, tăng trương lực cơ bắp,…
Những thay đổi tâm lí – sinh lí – hành vi sẽ giúp con người đánh giá các tình huống stress và bước đầu xác định chiến lược đối phó trước các tình huống đó. Giai đoạn báo động có thể diễn ra rất nhanh như vài phút hoặc kéo dài vài giờ, vài ngày… Nếu vượt qua được giai đoạn này thì các phản ứng ban đầu chuyển sang giai đoạn ổn định (hay còn gọi là giai đoạn thích nghi).
Giai đoạn hai: Giai đoạn thích nghi
Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch của cơ thể được kích hoạt, sức đề kháng tăng lên, bạn có thể điều hòa trạng thái stress, kiểm soát được tình huống gây stress và lập lại các trạng thái cân bằng nội môi (homeostase), tạo ra sự cân bằng mới giữa bản thân với môi trường. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn chống đỡ hay chính là giai đoạn thích nghi với stress.
Thông thường, các chúng ta thường trải qua 2 giai đoạn là báo động và thích nghi. Khi giai đoạn thích nghi tiến triển tốt thì các chức năng tâm – sinh lí của cơ thể sẽ được phục hồi và quay lại trạng thái cân bằng. Trong trường hợp stress quá tải với cơ thể, bạn không thể chống đỡ được thì cơ thể sẽ không thể cân bằng phục hồi và chuyển sang giai đoạn suy kiệt.
Giai đoạn ba: Giai đoạn suy kiệt.
Stress sẽ trở thành bệnh lí khi tình huống stress quá bất ngờ, dữ dội khiến bạn không thể tự giải quyết hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng xử lý của bạn.
Trong giai đoạn suy kiệt, các biến đổi tâm – sinh lí – hành vi của giai đoạn báo động xuất hiện trở lại cấp tính và tạm thời hoặc là nhẹ hơn nhưng kéo dài.
Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn cảm thấy quá sức, nếu bạn đang sử dụng ma túy hoặc rượu để cai nghiện hoặc nếu bạn có ý nghĩ về việc tự làm tổn thương mình. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc (nhà tâm lý, bác sĩ) có thể trợ giúp bằng cách đưa ra lời khuyên, sử dụng các liệu pháp tâm lý hoặc kê đơn thuốc cho bạn.
7.4. Stress có gây rụng tóc không?
Stress mãn tính có thể dẫn tới tình trạng rụng tóc vĩnh viễn, giới y khoa gọi hiện tượng này với tên gọi “rụng tóc Telogen”, thường xảy ra trong vòng 3 tháng sau một sự kiện gây căng thẳng tâm lý. Thông thường, ở nang tóc bị rụng sẽ mọc tóc mới để nối tiếp sợi tóc bị rụng. Tuy nhiên, sau 3 – 6 tháng kể từ khi tóc rụng, nếu không thấy tóc mới mọc lên, bạn có thể đang bị rụng tóc do stress.
Hiện tượng này được lý giải do khi bị stress, nang tóc không thể phát triển, không nhận được chất dinh dưỡng để nuôi tóc.Vì vậy, tóc rụng và ít mọc tóc con, thậm chí một số khu vực như đỉnh đầu có thể bị hói. Bạn sẽ khó nhận thấy sự khác biệt về tình trạng rụng tóc ngay sau khi trải qua các áp lực căng thẳng, tình trạng này thường diễn ra âm thầm trong một thời gian đủ dài để bạn nhận thấy lượng tóc của mình giảm rõ rệt (khoảng 3 tháng). Theo các chuyên gia về tóc, phương pháp cần thiết và hữu ích nhất chính là cân bằng sức khỏe tâm lý của bản thân, thực hiện các liệu pháp trị liệu thư giãn để giải tỏa các căng thẳng. Khi đó, cơ thể bạn sẽ tự động điều chỉnh, tìm được trạng thái cân bằng và tình trạng rụng tóc Telogen sẽ dừng lại. Quá trình tóc mọc lại bình thường sẽ diễn ra trong vòng 6 – 9 tháng.
7.5. Stress có gây đau dạ dày không?
Stress có thể dẫn đến đau dạy dày do khi stress kích hoạt phản ứng “chiến đầu hay trốn chạy” trong hệ thống thần kinh trung ương của bạn, khi đó, hệ tiêu hóa có thể đóng cửa vì hệ thống thần kinh trung ương của bạn tắt lưu lượng máu, ảnh hưởng đến các cơn co thắt của cơ bóp tiêu hóa của bạn và giảm tiết cần thiết cho việc tiêu hóa. Stress có thể gây ra tình trạng viêm ở hệ thống tiêu hóa và làm cho bạn dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm vi khuẩn HP.
Stress cũng có thể gây ra sự co thắt ở thực quản. Nó có thể làm tăng axit trong dạ dày của bạn gây ra chứng khó tiêu. Khi bị stress, các hoạt động trong dạ dày của bạn có thể bị tạm ngưng và làm cho bạn cảm thấy buồn nôn. Stress cũng sẽ gây ảnh hưởng đến đại tràng, dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón. Không phải tất cả những người bị stress đều sẽ bị viêm dạ dày, viêm đại tràng nhưng nếu tình trạng stress diễn ra liên tục và kéo dài sẽ gây viêm dạ dày.
NTL Thu Hằng