Cách dạy trẻ tự kỷ

Dạy trẻ tự kỷ giao tiếp

Giao tiếp là một trong những khó khăn cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu và cảm nhận những gì người khác nói cũng như thể hiện suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Vì vậy các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đều tập trung can thiệp về giao tiếp cho trẻ. Trẻ tự kỷ thường gặp những khó khăn về giao tiếp như là:

– Chậm về ngôn ngữ nói, nhại lời, sử dụng đại từ không phù hợp.

– Giao tiếp không lời: Nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói.

– Khả năng khởi xướng giao tiếp.

– Khả năng hiểu người khác.

Để giúp trẻ tự kỷ giao tiếp tốt hơn, trẻ cần có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động chơi đùa, sinh hoạt thường ngày và được luyện tập các kỹ năng cần thiết để phát triển giao tiếp.

– Kỹ năng tập trung chú ý: Sắp đặt môi trường hợp lý, hạn chế các kích thích gây sao nhãng, giao tiếp ngang tầm mắt, tập lắng nghe, quan sát

– Kỹ năng bắt chước: Thu hút sự chú ý của trẻ và tập cho trẻ bắt chước cách chơi, âm thanh, động tác, cử chỉ, nét mặt

– Kỹ năng luân phiên: Trẻ biết chờ đợi và biết phối hợp với người khác

– Kỹ năng hiểu ngôn ngữ: Sử dụng các từ đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng theo khả năng của trẻ, hướng dẫn cho trẻ thực hiện những yêu cầu, chỉ dẫn bằng lời nói, kết hợp sử dụng hình ảnh, cử chỉ…

– Kỹ năng diễn đạt: Tập cho trẻ bắt chước các cử động về môi miệng, tập phát âm theo khả năng của trẻ từ âm đến từ, cụm từ, câu theo đúng tình huống, ngữ cảnh.

Khi hướng dẫn trẻ, cần cho trẻ thời gian để tiếp nhận, luyện tập từ dễ đến khó, từ các tình huống quen thuộc đến các tình huống mới lạ. Cha mẹ cần kiên trì phối hợp với các nhà chuyên môn để can thiệp tốt nhất cho trẻ.

Dạy trẻ tự kỷ tập nói

Khuyến khích trẻ chơi và tương tác xã hội

Thông qua chơi trẻ sẽ học được các kỹ năng về ngôn ngữ và giao tiếp. Hãy cùng chơi với trẻ những trò chơi vui nhộn, những trò chơi mà trẻ thích, giao tiếp ngang tầm mắt với trẻ để trẻ có cơ hội nghe nhìn và bắt chước tốt hơn.

Nói bằng ngôn ngữ đơn giản

Để giúp trẻ bắt chước dễ hơn các âm nói, hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản theo khả năng của trẻ. VD với trẻ chưa có ngôn ngữ hoặc mới có một vài từ đơn, hãy sử dụng chủ yếu là từ đơn để nói với trẻ. Nói câu đơn giản, ngắn gọn cũng giúp trẻ thực hiện theo yêu cầu dễ dàng hơn.

Gọi tên những gì xung quanh trẻ

Dạy trẻ biết tên gọi những gì quen thuộc, xung quanh trẻ, những hoạt động trẻ làm, cảm nhận của trẻ. Việc nói với trẻ sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ và tạo mối liên hệ giữa từ với sự vật sự việc xung quanh.

Tạo môi trường để trẻ phát huy khả năng của mình

Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động với các bạn cùng nhóm tuổi, tham gia các hoạt động chơi với các thành viên trong gia đình, các hoạt động giao tiếp với bên ngoài…để trẻ có nhiều cơ hội phát triển ngôn ngữ hơn. Cùng đọc sách truyện, bắt chước các bài hát vui nhộn… cũng là những hoạt động giúp trẻ tập nói.

Tham gia các chương trình can thiệp

Tìm hiểu và cho trẻ tham gia các chương trình can thiệp với các nhà chuyên môn. Trẻ sẽ được đánh giá về khả năng ngôn ngữ và các lĩnh vực phát triển của mình trước khi nhà trị liệu đưa ra kế hoạch can thiệp và các bài tập phù hợp cho trẻ cũng như hướng dẫn cho bố mẹ cùng tham gia. Quá trình can thiệp rất cần sự đồng hành và kiên trì của bố mẹ để đạt được những tiến bộ trong quá trình phát triển của trẻ.

Dạy trẻ tự kỷ tương tác với bên ngoài

Hầu hết các trẻ tự kỷ đều gặp khó khăn trong tương tác với người khác. Trẻ tương tác với người khác thông qua giao tiếp mắt, ngôn ngữ cơ thể, điệu bộ và lời nói. Học cách tương tác sẽ giúp trẻ có bạn bè, xây dựng mối quan hệ với người khác, học hỏi từ người khác và phát triển bản thân. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi tương tác trong việc hiểu người khác cũng như biết được cần làm gì, nói gì với người khác. Một số khó khăn về tương tác thường gặp ở người tự kỷ:

– Khởi xướng và duy trì cuộc trò chuyện.

– Hiểu được thông điệp không lời (ánh mắt, cử chỉ…).

– Duy trì giao tiếp mắt.

– Trò chuyện về những mà mình không quan tâm đến.

– Khó hiểu nghĩa ẩn dụ, vui đùa.

– Thay đổi phù hợp theo tình huống giao tiếp khác nhau.

Với trẻ em, việc học cách tương tác được thực hiện hiệu quả thông qua các hoạt động chơi. Các kỹ năng tương tác xã hội phổ biến cần hướng dẫn trẻ:

– Kỹ năng chơi: lần lượt, chia sẻ, hợp tác.

– Kỹ năng hội thoại: ngôn ngữ có lời và không lời.

– Kỹ năng cảm xúc: quản lý cảm xúc và nhận biết cảm xúc của người khác.

– Kỹ năng giải quyết vấn đề: hiểu tình huống, đưa ra quyết định cho một tình huống.

Các kỹ năng có thể được học qua quan sát, thực hành và ứng dụng vào các tình huống khác nhau.Các kỹ năng này có thể được hình thành thông qua giảng dạy tự nhiên, thông qua các chương trình can thiệp. Các chiến lược can thiệp có thể sử dụng để dạy trẻ:

– Phát triển kỹ năng chơi: Trò chơi người – người, trò chơi đóng vai, sắp đặt các tình huống xã hội khi chơi, chơi theo luật và theo lượt. Ví dụ xếp hình theo lượt, chăm sóc gấu bông…

– Câu chuyện xã hội: Các câu chuyện mô tả về tình huống xã hội và đưa ra các hướng dẫn gợi ý thích hợp. Ví dụ khi có người tặng quà, khi vào lớp học…

– Hỗ trợ trực quan: Sử dụng hình ảnh, thẻ hình để đưa ra gợi ý cho các tình huống xã hội. Ví dụ bộ thẻ hướng dẫn các bước để mua hàng…

– Video mẫu: Sử dụng các đoạn video hướng dẫn các tình huống xã hội. Ví dụ khi ông bà đến chơi…

Với những kỹ năng được học, trẻ tự kỷ luôn cần được thực hành ở những môi trường và tình huống khác nhau.

Dạy trẻ tự kỷ điều hòa cảm giác

Nhiều người tự kỷ gặp khó khăn trong việc xử lý các thông tin về giác quan. Họ thường có ngưỡng giác quan cao hoặc thấp đối với từng loại giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, tiền đình và cảm nhận bản thân. Những khó khăn này có thể gây ảnh hưởng đến những vấn đề về hành vi khác (cắn, la hét, chạy nhảy liên tục…)

– Ngưỡng cảm giác ở mức cao: Trẻ phải tìm thêm các kích thích khác vì kích thích cảm giác xung quanh chưa đủ.

– Ngưỡng cảm giác thấp: Trẻ phải né tránh để không bị sợ hãi do các kích thích xung quanh vượt ngưỡng chịu đựng của trẻ.

Trẻ có thể gặp khó khăn về giác quan theo các nhóm sau:

– Rối loạn xử lý xúc giác: Các kích thích lên các vùng da trên cơ thể (sờ, chạm…). Ví dụ có trẻ không thích cảm giác được ôm ấp và đẩy ra nếu trẻ quá nhạy cảm. Có trẻ cảm thấy an toàn khi được ôm, ghì chặt nếu trẻ kém nhạy cảm.

– Rối loạn xử lý thị giác: Trẻ né tránh các kích thích thị giác nếu quá nhạy cảm (che mắt, nheo mắt khi thấy màu sắc rực rỡ…). Ngược lại, trẻ luôn tìm kiếm nếu kém nhạy cảm (nhìn bóng đèn, vật xoay tròn, nhìn hiếng, nhìn ngón tay chuyển động…).

– Rối loạn xử lý thính giác: Nếu quá nhạy cảm, trẻ thể hiện hành vi né tránh kích thích thính giác (bịt tai khi nghe tiếng máy sấy, khó tập trung…). Nếu kém nhạy cảm, trẻ sẽ tìm kiếm thêm kích thích (thích ồn ào, đập cửa, gõ vào đồ vật, nghiến răng…).

– Rối loạn xử lý vị giác: Trẻ kén chọn, hạn chế đồ ăn theo cấu trúc, hương vị nếu trẻ quá nhạy cảm. Ngược lại, trẻ có thể thích đồ có hương vị mạnh, hay thử cả những đồ không ăn được.

– Rối loạn xử lý khứu giác: Ở trẻ kém nhạy cảm, trẻ có thể khó nhận biết được mùi. Với những trẻ quá nhạy cảm, trẻ có thể không thích mùi lạ hoặc những thứ có mùi.

– Rối loạn xử lý tiền đình: Trẻ gặp khó khăn với việc định hướng không gian, giữ thăng bằng. Trẻ kém nhạy cảm thường dễ chạy lăng xăng, đu đưa, quay tròn. Ngược lại, trẻ nhạy cảm với các yếu tố tiền đình có thể thường nằm, ngồi một chỗ, ít chuyển động.

– Rối loạn xử lý cảm nhận bản thể: Những trẻ này thường gặp khó khăn trong việc cảm giác về vị trí của các bộ phận cơ thể như tay chân.

Trẻ tự kỷ thường gặp những khó khăn nhất định trong việc điều hòa giác quan là khả năng tiếp nhận, xử lý và đáp ứng với các thông tin từ bên ngoài qua giác quan. Trẻ tự kỷ sẽ xử lý các thông tin từ giác quan theo một cách khác thường và biểu hiện qua những hành vi khác thường. Thông qua can thiệp về điều hòa cảm giác, hoạt động trị liệu (occupational therapy) có thể giúp nâng cao chất lượng phối hợp cảm giác và sự cân bằng cho cơ thể. Trong quá trình can thiệp trẻ cần được:

– Đánh giá những khó khăn cụ thể theo nhóm giác quan.

– Lên kế hoạch các hoạt động và dụng cụ cần thiết để bổ sung chức năng cho các giác quan của trẻ.

– Duy trì chức năng của các giác quan trong sinh hoạt thường ngày của trẻ.

– Các hoạt động điều hòa xúc giác:

+ Mát xa, tạo cảm giác trên bề mặt.

+ Chà xát, vuốt ve, tạo các kích thích lên da.

+ Vẽ bằng tay, chơi đất nặn, bóp bóng, xé giấy, xâu hạt…

– Các hoạt động điều hòa thị giác:

+ Điều chỉnh ánh sáng, màu sắc phù hợp với ngưỡng cảm giác của trẻ.

+ Cho trẻ tham gia các hoạt động phối hợp tay và mắt như vẽ, nặn, tô màu, cắt dán…

+ Các đồ chơi có đèn, có ánh sáng.

+ Tăng cường giao tiếp mắt.

– Các hoạt động điều hòa thính giác:

+ Điều chỉnh âm thanh, giọng nói phù hợp với trẻ.

+ Cho trẻ nghe những giai điệu, bản nhạc khác nhau.

+ Chơi những đồ chơi, đồ vật tạo ra âm thanh khác nhau.

– Các hoạt động điều hòa vị giác, khứu giác:

+ Tập cho trẻ ăn uống đa dạng, nhưng tránh những thức ăn gây dị ứng.

+ Cho trẻ làm quen và khám phá những hương vị, mùi vị khác nhau.

– Các hoạt động tiền đình, cảm thụ bản thân:

+ Các hoạt động như chạy nhảy, lăn trườn bò, xoay vòng, nhún, lắc lư…tạo sự thay đổi khác nhau về tư thế.

+ Chơi chuyển động với bóng, dây nhảy, cầu thăng bằng, kéo co, đạp xe…

Dạy trẻ tự kỷ về kỹ năng tự phục vụ

Tự phục vụ bản thân là những kỹ năng giúp trẻ tự giải quyết các công việc đơn giản trong các tình huống như: ăn, uống, mặc quần áo, vệ sinh… Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ giúp trẻ làm quen với những thao tác sinh hoạt thường ngày để trẻ có thể chủ động, tự lập, thích nghi tốt hơn với cuộc sống. Với trẻ tự kỷ có những hạn chế trong giao tiếp, tương tác, khả năng tiếp thu và khả năng thực hiện, giáo dục kỹ năng tự phục vụ luôn là một trong số các mục tiêu ưu tiên trong can thiệp.

Kỹ năng tự phục vụ là những kỹ năng mà trẻ thường học từ rất sớm trong gia đình, ngay cả trước khi trẻ đến trường lớp. Những kỹ năng cơ bản trẻ thường được hướng dẫn như: ăn bằng thìa, uống bằng cốc, mặc quần áo, đi dép, bỏ rác, đánh răng, rửa mặt, chải tóc, đi vệ sinh, dọn đồ chơi, chuẩn bị sách vở… Sau đó, trẻ cần được hướng dẫn những kỹ năng phức tạp hơn như: đi mua đồ, giặt quần áo, nấu ăn, pha đồ uống, tham gia giao thông, xử lý khi bị thương…

Một số lưu ý khi dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ:

– Tạo cơ hội cho trẻ được tự mình thực hiện một số hoạt động trong sinh hoạt thường ngày trong khả năng của trẻ như dùng thìa xúc ăn, lấy mũ đội khi đi ra ngoài, tháo dép khi đi vào…

– Làm mẫu cho trẻ và chia kỹ năng cần hướng dẫn thành từng bước nhỏ: qua việc làm mẫu một cách cụ thể các bước, trẻ sẽ học được kỹ năng qua quan sát và bắt chước. Khi dạy trẻ qua làm mẫu, cần chia kỹ năng lần lượt thành các bước nhỏ dễ thực hiện và sau đó xâu chuỗi các bước lại với nhau. Việc làm mẫu có thể được thực hiện nhiều lần để trẻ quan sát thực hành và ghi nhớ được.

Ví dụ dạy trẻ rửa mặt có thể chia nhỏ thành các bước sau để hướng dẫn

Bước 1: Lấy khăn mặt.

Bước 2: Làm ướt khăn mặt.

Bước 3: Vắt nước trên khăn mặt.

Bước 4: Dùng khăn rửa các phần trên khuôn mặt.

Bước 5: Giặt và phơi khăn.

– Có thể sử dụng tranh ảnh hỗ trợ trực quan hoặc video làm mẫu để hướng dẫn trẻ.

– Với kỹ năng mới, trẻ có thể cần được hướng dẫn với sự trợ giúp hoàn toàn và sau đó giảm dần sự trợ giúp theo mức độ thực hiện được của trẻ cho đến khi trẻ có thể tự chủ động thực hiện được.

– Với những kỹ năng trẻ mới chủ động thực hiện được, cần có sự giám sát của người lớn từ khoảng cách gần đến xa hơn đến khi trẻ có thể hoàn toàn chủ động được không cần giám sát.

– Hãy để trẻ được luyện tập khi có cơ hội. Để trẻ thực hiện kỹ năng học được ở những môi trường, tình huống khác nhau (ở lớp, ở nhà, khi đi du lịch…)

Trong quá trình hướng dẫn cần đi từ dễ đến khó, từng bước nhỏ đến một kỹ năng hoàn chỉnh. Quá trình thực hiện cần có sự linh hoạt và điều chỉnh cần thiết để phù hợp với từng trẻ. Luôn khuyến khích, khen ngợi trẻ khi trẻ nỗ lực thực hiện các hoạt động.

Dạy trẻ tự kỷ về học tập

Trẻ tự kỷ thường gặp những khó khăn trong học tập. Khi hướng dẫn trẻ học, cần chú ý những điều sau:

– Các hoạt động học tập cần được lên lịch trình rõ ràng (có những hoạt động gì, với ai, khi nào, trong bao lâu, hoạt động nào tiếp theo), báo trước với trẻ về những sự thay đổi.

– Sử dụng câu đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu khi đưa ra yêu cầu cho trẻ.

– Dạy trẻ từ những thứ đơn giản nhất, cho trẻ thời gian tiếp thu.

– Kết hợp với hình ảnh minh họa để trẻ hình dung và ghi nhớ tốt hơn.

– Chia nhỏ từng phần khi giao nhiệm vụ cho trẻ.

– Hiểu các sở thích, điểm mạnh, điểm hạn chế, khó khăn về xử lý giác quan của trẻ.

– Sử dụng câu chuyện xã hội để hướng dẫn trẻ kỹ năng tương tác với bạn và thầy cô, các tình huống trên lớp học.

– Đánh giá được khả năng của trẻ trên các lĩnh vực: ngôn ngữ, vận động, giao tiếp, tương tác, tự phục vụ. Để chuẩn bị cho khả năng học tập, trẻ cần được dạy về các kỹ năng giao tiếp, quan sát và bắt chước, nghe hiểu, diễn đạt.

Hướng dẫn kỹ năng đọc cho trẻ tự kỷ

– Một số trẻ tự kỷ có khả năng ghi nhớ từ và tự biết đọc dù chưa được hướng dẫn. Tuy nhiên trẻ có thể không hiểu ý nghĩa những gì mình đọc được.

– Kết hợp từ với nghĩa và hình ảnh

Hướng dẫn kỹ năng viết cho trẻ tự kỷ

– Tăng cường các hoạt động bổ trợ cho lực của ngón tay: đất nặn, xâu dây…

– Tăng cường các hoạt động về kỹ năng vận động tinh với những dụng cụ khác nhau: kéo, bút màu, bút long, bút chì, phấn…

– Dạy trẻ cầm bút đúng cách, có thể dùng miếng đệm định vị cầm bút.

– Tập cho trẻ sao chép hình dạng và chữ cái.

– Tập tô theo các nét cơ bản, chữ và từ với kích thước từ lớn đến nhỏ dần.

– Có thể kết hợp với hình ảnh để trẻ dễ ghi nhớ.

Hướng dẫn trẻ tự kỷ tính toán

– Đưa sở thích của trẻ vào các khái niệm về toán.

– Sử dụng hình ảnh, thẻ hình, giáo cụ trực quan để minh họa.

– Dạy qua các hoạt động chơi, tình huống thực tế. Ví dụ như đếm đồ chơi, đồ ăn…

– Đi từ thực tế đến trừu tượng.

Dạy trẻ tự kỷ về kỹ năng tự bảo vệ

Kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ giúp trẻ nhận biết tình huống nguy hiểm và có cách hành động đúng, an toàn. Một số kỹ năng cần hướng dẫn trẻ:

– Kỹ năng bảo vệ bản thân trước người lạ: không đi theo người lạ, nhận đồ từ người lạ…

– Kỹ năng an toàn khi chơi: nhận biết đồ chơi an toàn, cách chơi an toàn, tránh chơi những đồ vật có thể nguy hiểm như dao, ổ điện…

– Kỹ năng phòng tránh xâm hại cơ thể: nhận biết các bộ phận cơ thể, bộ phận riêng tư, những hành động được và không được làm với cơ thể của mình, của người khác, những người được và không được tiếp xúc thân mật.

– Kỹ năng xử lý khi đi lạc: nhận biết thông tin cá nhân, bố mẹ (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại), chuẩn bị thông tin trên thẻ, vòng cổ nếu gặp khó khăn trong việc trả lời, cách hỏi sự giúp đỡ từ người khác…

– Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông: nhận biết một số quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông như các tín hiệu đèn, cảnh sát giao thông, nguyên tắc khi sang đường…

Các bước hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ:

– Cung cấp cho trẻ các hướng dẫn liên quan đến kỹ năng cần học. VD tình huống đi lạc mẹ: “Nếu cùng đi siêu thị mà lúc không nhìn thấy nhau, con có thể làm 3 việc sau:

  1. Gọi mẹ thật to.
  2. Tìm nhân viên siêu thị nếu không thấy mẹ trả lời.
  3. Nói với nhân viên “Cháu bị lạc”.

– Làm mẫu kỹ năng cho trẻ, đóng giả tình huống. Ví dụ như đang ở siêu thị và không thấy nhau.

– Tập cho trẻ thực hành. Ví dụ lần lượt 3 việc cần làm khi bị lạc.

– Phản hồi và điều chỉnh khi tập luyện. Ví dụ như cần gọi to hơn trong tình huống bị lạc, hay bị nguy hiểm

– Tiếp tục luyện tập cho đến khi trẻ có thể thực hiện được.

– Đưa tình huống giả định vào môi trường tự nhiên.

Khi hướng dẫn trẻ, cần chú ý:

– Xem xét các khả năng và đặc điểm của trẻ: ngôn ngữ, nhận thức, tương tác, khó khăn về giác quan… để đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp.

– Đưa ra các quy tắc an toàn – không an toàn, được phép – không được phép đơn giản từ những tình huống ngay trong gia đình.

– Thường xuyên trò chuyện và nhắc nhở trẻ.

– Tạo tình huống và hướng dẫn đóng vai tình huống.

– Sử dụng câu chuyện xã hội với hình ảnh minh họa và hướng dẫn rõ ràng.

– Sử dụng video mẫu với các tình huống và cách xử lý phù hợp.

Dạy trẻ tự kỷ về giới tính

Trẻ tự kỷ cần được giáo dục giới tính từ sớm để có nhận thức về giới tính và biết cách tự bảo vệ bản thân an toàn hơn.

– Bắt đầu bằng việc dạy trẻ nhận biết tên của các bộ phận cơ thể như mắt, mũi, chân, tay…

– Cho trẻ nhận biết giới tính từ nhỏ qua những hành vi, thói quen về giới tính như đầu tóc, quần áo, đi vệ sinh…

– Dạy trẻ nhận biết riêng tư và công cộng liên quan đến những bộ phận cơ thể, hành vi, con người, nơi chốn. Ví dụ vùng thân mật riêng tư, những người có thể ôm hôn trẻ, phòng ngủ riêng tư, công viên công cộng…

– Quy tắc 5 ngón tay với những hành vi được chấp nhận theo mối quan hệ quen biết khác nhau. Với người thân ruột thịt – được ôm hôn. Với thầy cô, bạn bè, họ hàng – được nắm tay. Với người quen biết – được bắt tay. Với người lạ – được vẫy tay. Với những người lạ cảm thấy bất an hoặc có cử chỉ thân mật – xua tay, không tiếp xúc, bỏ đi.

– Dạy trẻ trước về những thay đổi trên cơ thể khi đến độ tuổi dậy thì và những việc nên làm. Ví dụ như thay đổi trên cơ thể con trai/con gái, khi đến kỳ kinh nguyệt…

– Sử dụng hình ảnh để giáo dục giới tính theo độ tuổi và khả năng nhận biết của trẻ.

Ngọc Bích