Khám thực thể và khám tâm lý để xác định nguyên nhận trẻ chậm nói
Khám thực thể
Bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra về mặt cơ thể cho trẻ như:
– Kiểm tra khả năng nghe của trẻ.
– Kiểm tra khả năng phát âm của trẻ.
– Kiểm tra khả năng hiểu của trẻ.
– Kiểm tra khả năng nói (biểu đạt) của trẻ.
– Kiểm tra tình trạng răng miệng của trẻ: miệng, vòm miệng, lưỡi… cùng với cách phối hợp của các bộ phận này để nói cũng như nhai, nuốt có gì bất thường hay không.
– Ngoài ra, bác sĩ có thể cho trẻ làm một số xét nghiệm cận lâm sàng nếu cần, như đo thính lực, nội soi tai mũi họng…
Dựa vào kết quả khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, so sánh với sự phát triển của các trẻ bình thường, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng của bé và phương pháp điều trị thích hợp.
Khám tâm lý
Trong khoảng thời gian trước 3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ. Trẻ nghe và tích luỹ ngôn ngữ để sử dụng giao tiếp với mọi người xung quanh. Mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ sẽ có những dấu hiệu nhận biết. Nếu bố mẹ nhận thấy trẻ nhà mình không đáp ứng được các dấu hiệu sau đây thì bố mẹ nên cho trẻ đi khám chậm nói.
Quá trình thăm khám tâm lý cũng giúp bố mẹ tìm hiểu các vấn đề liên quan đến yếu tố tâm lý của trẻ như bị bỏ bê hay được cưng chiều quá mức, trẻ có ở trong trạng thái lo âu, sợ hãi hay không, môi trường sống của trẻ có đủ các yếu tố kích thích cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ hay không. Trẻ sẽ được thăm khám thông qua quan sát và chơi đùa trực tiếp cùng trẻ, qua hỏi chuyện gia đình và các test sàng lọc, test đánh giá mức độ phát triển theo lứa tuổi của trẻ trên các lĩnh vực tổng thể như ngôn ngữ, vận động, hành vi-cảm xúc, cá nhân-xã hội của trẻ.
Cách lập kế hoạch dạy trẻ chậm nói
Trước khi lập kế hoạch dạy trẻ chậm nói tại nhà, bố mẹ cần cho trẻ đi thăm khám tại các cơ sở uy tín để rõ các khó khăn của trẻ. Mỗi trẻ đều có mức độ phát triển cũng như khó khăn khác nhau. Điều này được phản ảnh rõ qua việc quan sát, đối chiếu với khả năng phát triển của các trẻ bình thường cùng độ tuổi và sử dụng các bảng câu hỏi, các test đánh giá… Lúc này, các chuyên gia sẽ đưa ra các kế hoạch can thiệp khác nhau phù hợp với khả năng phát triển của trẻ để người dạy là bố mẹ có thể áp dụng.
Nguyên tắc khi lập kế hoạch dạy trẻ chậm nói
– Các bài tập dựa vào khả năng nhận thức thực tế của trẻ. Lựa chọn những bài tập phù hợp với trẻ giúp dễ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin hơn.
– Sử dụng các hoạt động hằng ngày để vận dụng vào bài học.
– Các hoạt động học tập phải gắn với thực tế.
– Có sự phối hợp với các biện pháp khác.
– Giúp trẻ tăng nhận thức qua các hoạt động giao tiếp xã hội.
– Dựa vào các trò chơi để thu hút sự chú ý của trẻ.
Xác định các mục tiêu can thiệp ở trẻ chậm nói
– Xác định những điểm mạnh, những khó khăn cụ thể của trẻ.
– Xác định thời gian, tần suất can thiệp cho trẻ.
– Xác định các kỹ năng cần dạy trẻ.
– Đưa ra các chiến lược và các hoạt động can thiệp cụ thể.
– Chuẩn bị những đồ dùng can thiệp cần thiết, sắp đặt môi trường.
Điều quan trọng đầu tiên khi lập kế hoạch can thiệp cho trẻ là phải đặt ra những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng bao nhiêu thì bố mẹ sẽ có những bài tập phù hợp với trẻ hơn. Lúc này, trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn.
Phương diện dạy trẻ chậm nói
– Nhận biết các đồ vật và hoạt động sinh hoạt hàng ngày: Bố mẹ giúp trẻ nhận biết những đồ vật và hoạt động hàng ngày tại nhà qua hình ảnh thực tế. Gọi tên từng đồ vật và hoạt động vừa giúp trẻ có thêm từ mới, vừa giúp tăng nhận thức cho trẻ.
– Phát triển các kỹ năng vận động: Thông qua các trò chơi vận động nhóm, trẻ có thể tăng khả năng tương tác với các bạn.
– Xây dựng các kỹ năng xã hội: Trẻ sẽ tập cách giao tiếp bình thường với người xung quanh trong khi chơi ở môi trường công cộng và học các tình huống giao tiếp thông thường.
– Cải thiện kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ: Trẻ sẽ học được thêm nhiều từ mới, cũng như cách thể hiện và giao tiếp bằng ngôn ngữ, hành vi cho phù hợp. Bên cạnh đó, trẻ sẽ dần nâng cao được năng lực trí tuệ của mình, nhận thức tốt hơn.
– Kế hoạch can thiệp luôn cần phải được đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với từng trẻ và với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Dạy trẻ chậm nói bằng phương pháp ngôn ngữ
Bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ bằng những từ ngữ liên quan đến những tình huống giao tiếp hàng ngày. Bố mẹ có thể sử dụng hình ảnh và điệu bộ để dạy trẻ giao tiếp trước. Đây sẽ là tiền đề giúp con học nói tốt và nhanh hơn. Bên cạnh đó, nếu cho trẻ xem tivi thì bố mẹ nên ngồi cạnh trẻ để cùng nói về những tình huống đang chiếu trên tivi để tạo giao tiếp hai chiều với trẻ.
Bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có thể chơi với các bạn cùng tuổi nhiều hơn như cho trẻ đi lớp, chơi chung với những đứa trẻ trong xóm hoặc tổ chức đi dã ngoại với những người bạn có con gần bằng tuổi với trẻ… Khi được tiếp xúc với bạn bè, trẻ sẽ trở nên dạn dĩ, nhanh nhẹn, không sợ sệt và có nhiều cơ hội để phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Hát là một hoạt động hay giúp trẻ vừa học từ, vừa tạo môi trường vui vẻ. Những bài hát thiếu nhi là cách tốt để giúp trẻ ghi nhớ từ mới. Ngoài ra, nhịp điệu vui tươi của bài hát cũng sẽ giúp trẻ dễ học từ mới và cảm thấy vui vẻ hơn khi học. Đây là một cách dạy trẻ chậm nói khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả mà các chuyên gia nhi khuyến cáo bạn nên sử dụng.
Dạy trẻ chậm nói bằng phương pháp hình ảnh
Sử dụng thẻ Flash card (thẻ thông tin) dạy trẻ chậm nói
Flash card là một công cụ tuyệt vời để có thể bắt đầu dạy trẻ chậm nói tại nhà. Thẻ flash card đơn giản, phong phú và linh hoạt với nhiều hình thù hấp dẫn sẽ kích thích khả năng nhận thức, sáng tạo của trẻ.
Với trẻ chậm nói, thẻ flash card có thể giúp trẻ học nói những từ mà chúng gặp khó khăn trong phát âm. Bố mẹ có thể sử dụng hoạt động này như một trò chơi, khen ngợi khi trẻ phát âm đúng để khuyến khích trẻ nói nhiều hơn. Bố mẹ nên xáo trộn thường xuyên vị trí các thẻ cũng nâng cao phản xạ nói của trẻ, kích thích khả năng ngôn ngữ.
Dạy trẻ chậm nói bằng bài tập với gương
Một trong những cách dễ nhất để có được sự chú ý của trẻ chậm nói là để chúng nhìn thấy mình trong gương. Trên thực tế, bài tập với gương có thể giúp trẻ chậm nói bật âm nhanh hơn nhờ việc luyện tập các cử động giữa 3 cơ quan môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh chính xác. Bằng cách này, trẻ sẽ khắc phục được những từ khó phát âm và bật âm một cách dễ dàng hơn.
Đọc sách mỗi ngày cho trẻ chậm nói
Khả năng ngôn ngữ của một đứa trẻ được bồi đắp qua mỗi cuộc trò chuyện, tình huống hay đơn giản nhất là đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày.
Đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, mà còn khích thích trí tưởng tượng, bồi đắp và xây dựng cảm xúc cá nhân rất tốt. Hoạt động này giúp kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái.
Để đọc sách đạt kết quả tốt nhất, bố mẹ hãy chọn những cuốn sách có cả hình và chữ. Những hình vẽ minh họa dễ thương, bắt mắt sẽ khiến trẻ có hứng thú để đọc và hiểu được nội dung có trong cuốn sách đó. Việc đọc sách sẽ giúp trẻ tập trung hơn và còn biết cách lắng nghe.
Dạy trẻ chậm nói bằng cách gọi tên đồ vật
Trong các phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà, không thể không nhắc đến biện pháp gọi tên đồ vật. Bằng cách hướng dẫn con gọi tên các đồ vật quanh nhà, dạy con tập nói và khuyến khích lặp lại những từ đó sẽ hình thành thói quen và nâng cao khả năng nhận thức. Với trẻ thường xuyên sử dụng tay để chỉ đồ vật, hãy hạn chế điều đó bằng cách yêu cầu trẻ gọi to tên của đồ vật trước khi được đáp ứng mong muốn.
Dạy trẻ chậm nói bằng phương pháp khẩu hình, phát âm
Một số trẻ bị vấn đề cơ miệng yếu khiến cho trẻ khó khăn trong giao tiếp. Chính vì vậy, bố mẹ có thể tập cho trẻ về các bài tập cơ vùng miệng.
Đầu tiên, bố mẹ có thể giúp con tập phát âm bằng cách luyện cơ hàm và môi.
Dạy trẻ chậm nói tập cơ hàm
Cập răng:
– Bố mẹ dạy con phải biết cập răng (nhấc hai hàm răng va vào nhau).
– Mẹ ngồi trước mặt con rồi làm mẫu cho con. Yêu cầu con nhìn vào mẹ để bắt chước hoặc cùng làm trước gương để con nhìn và bắt chước làm theo.
Đẩy hàm dưới qua lại hai bên: Trước tiên, yêu cầu con há miệng rồi từ từ đưa hàm dưới qua hai bên. Hãy làm thật chậm rồi nhanh dần để con chú ý và làm theo.
Cắn môi dưới: Hàm trên cắn nhẹ vào môi dưới rồi nhanh chóng bật môi dưới ra khỏi hàm răng giống như khi phát âm âm “v”.
Dạy trẻ chậm nói tập cơ môi
Môi cần phải được chuyển động đúng cách để bật được âm chuẩn, tránh trường hợp nói ngọng, nói không rõ từ.
Chu môi: Cha mẹ hãy luôn làm mẫu cho con trước. Dạy con cách chu môi lên như khi phát âm âm. Ví dụ: “u” hoặc “su su”, máy bay kêu “vù vù”.
Tròn môi: Rất nhiều bạn nói không rõ từ do không biết làm tròn môi, môi lúc nào cũng chỉ trong một trạng thái “rộng vành”. Vì vậy trước tiên mẹ dạy con cách làm tròn môi như âm “o” hoặc làm con gà gáy “ò ó o” để trẻ làm theo và bật âm ra.
Mím môi:
– Trẻ phải biết mím môi để uống nước, hút sữa… Trước tiên mẹ dạy con mím môi vào tờ giấy, thìa. Sau đó mở môi để tờ giấy, thìa rơi xuống, hoặc có thể cùng con hút, thổi ống nước để con thích thú học theo.
– Mẹ làm động tác gọi gà “bập bập” để con làm theo.
Phồng má: Dạy con phồng má để lấy hơi. Các trò chơi cùng như phồng má thổi giấy, thổi bong bóng.
Tiếp đó, bố mẹ hãy giúp con tập phát âm và khuyến khích phát âm. Để giúp con nói cũng như rèn cách để con cách nói rõ, các bậc bố mẹ không chỉ giúp con luyện cơ môI, cơ hàm mà còn cần có một số các bài tập cũng như phương pháp phù hợp khuyến khích trẻ phát âm.
Dạy trẻ chậm nói tập cơ lưỡi
Khi lưỡi hoạt động tốt thì trẻ mới có thể nói tốt. Vì vậy, gợi ý các phụ huynh một số các trò chơi giúp trẻ luyện cơ lưỡi.
Thò thụt lưỡi:
– Mẹ ngồi đối diện với con rồi làm động tác thò thụt lưỡi từ chậm đến nhanh dần.
– Mẹ có thể tạo ra trò chơi với con làm bằng cách thò lưỡi ra và sau đó đặt lên lưỡi thứ mà con thích ăn nhất để con học theo mẹ và làm theo để được cái mà con đang muốn.
Đá lưỡi sang hai bên: Tương tự như các cách làm trên, cha mẹ đá lưỡi sang hai bên từ chậm đến nhanh để con làm và học theo.
Liếm môi trên dưới: Cha mẹ có thể bôi ngọt hoặc cái gì đó dính lên hai môi để con liếm môi.
Dạy trẻ chạm nói phát âm đơn giản.
– Cha mẹ nên dạy con bắt đầu từ 5 nguyên âm O, E, A, U, I. Cha mẹ lưu ý cả khẩu hình và âm để con dễ bật âm hơn. Ví dụ phát âm chữ O phải tròn môI, chữ E phải lưỡi đè nhẹ lên phần trong môi trên, chữ U phải chu môI, còn chữ A phải há rộng miệng.
– Khuyến khích phát âm: Khi tương tác với con, cha mẹ tạo tình huống để phát ra các âm thanh quen thuộc giúp con có cơ hội bật được âm nhanh hơn. Cha mẹ có thể đưa tay lên miệng “oa oa”, gọi gà “bập bập”, “lêu lêu”, “ê ê”, tặc lưỡi…
– Bắt đầu các âm dễ với con như “và”, “vi vu”, “bơ”, “mơ”, “bà”, “ba”…
– Cho con đọc thơ, hát vuốt đuôi theo bài hát. Mẹ nên nhớ rằng khi đọc thơ hay hát mà chú trọng bật âm cho trẻ thì ở những từ cuối của câu, cha mẹ phải nhìn vào mắt con để con giao tiếp mắt và để con bắt chước khẩu hình của cha mẹ để bật âm. Khi tương tác với con ở các động từ hay các danh từ, cha mẹ nên nhấn mạnh vào từ cần truyền đạt một phần là để con hiểu rõ yêu cầu một phần là để con nghe rõ và bắt chước theo các từ đó. Hãy bắt đầu bằng các từ đơn giản, gần gũi và không có dấu, những từ có một hoặc hai âm tiết để con dễ bật âm hơn.
– Ngoài các kỹ thuật luyện âm trên thì các bài tập phục hồi chức năng áp dụng cho phần cơ môi, lưỡi, hàm cũng cần phải được thực hiện đồng thời và kiên trì hàng ngày.
Những lưu ý khi dạy trẻ chậm nói
Thường xuyên nói chuyện với trẻ
Trò chuyện thường xuyên là cách tốt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện với trẻ, ngay cả khi trẻ không nói được. Với trẻ sơ sinh mới bắt đầu tập nói hay dân gian còn gọi là “hóng chuyện”, bố mẹ có thể sử dụng những âm thanh đơn giản như baba, mama, măm măm…. Dần dần trẻ sẽ nghe, bắt chước và nói lại. Hãy luôn khen ngợi trẻ khi trẻ đáp lại, còn nếu trẻ không nói được, hãy kiên nhẫn lặp lại từ đó nhiều lần và khuyến khích trẻ tiếp tục phát âm nữa nhé.
Trẻ lớn hơn khi trò chuyện, bố mẹ nên cố gắng nói thật chậm và rõ ràng từng từ một. Ngay cả khi trẻ không nói được nhưng những câu chuyện cực kỳ đơn giản, cha mẹ nói với trẻ bằng ngôn ngữ, cử chỉ trìu mến, yêu thương cũng sẽ cải thiện thái độ nghe của trẻ. Hãy luôn trò chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi!
Không bắt chước ngôn ngữ của trẻ
Lúc bắt đầu tập nói, trẻ thường không phát âm chuẩn, dễ bị nói ngọng. Bố mẹ không nên bắt chước cách nói này của trẻ trong quá trình dạy trẻ chậm nói, vì điều đó rất có thể sẽ khiến trẻ nói sai, nói ngọng nhiều và lâu hơn. Sau đó trở thành thói quen khó sửa ở trẻ.
Khuyến khích trẻ chủ động giao tiếp
Trẻ có thể nói chuyện với bạn cùng lứa không những bằng cách thông qua ngôn ngữ mà còn qua các cử chỉ, điệu bộ. Với môi trường tiếp xúc nhiều bạn, trẻ sẽ trở nên dạn dĩ, nhanh nhẹn, không sợ sệt và có nhiều cơ hội để phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Thường xuyên đọc sách, đọc truyện cho trẻ
Sách luôn là nguồn kiến thức thần kỳ và rộng lớn đối với trẻ chậm nói. Đọc cho trẻ nghe những vần thơ ngộ nghĩnh, bố mẹ sẽ giúp con làm quen được với những từ mới, những vần điệu mới, để trẻ có thể hiểu rõ hơn về cách mà mọi người nói. Khi chọn sách cho trẻ, bố mẹ nên chọn những quyển sách có hình ảnh và màu sắc tươi sáng, bắt mắt để trẻ cảm thấy thích thú hơn nhé.
Cho trẻ chơi các trò chơi có mức độ tương tác
Bài tập ngôn ngữ cơ bản: Giúp trẻ nâng cao từ vựng bằng những thẻ chữ và tranh cơ bản.
Bắt chước khuôn mặt và âm thanh: Cha mẹ làm mặt xấu cùng các âm thanh vui nhộn và đơn giản cho bé bắt chước theo (Aaaa, Uuuuu, Baaaa,…) hoặc bắt chước tiếng kêu của các loài động vật.
Bắt chước tác động với đồ vật: cha mẹ có thể làm những động tác tương tác với đồ vật và khuyến khích bé bắt chước theo. Ví dụ như xúc cơm, cho bút màu vào hộp…
Hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại
Sử dụng điện thoại và tivi quá nhiều sẽ hạn chế khả năng giao tiếp của trẻ, vì chúng chỉ cho phép tương tác một chiều. Xem tivi hoặc điện thoại nhiều còn ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất như gây mỏi mắt, lười vận động,… Bố mẹ nên tích cực nói chuyện, tương tác với trẻ để giảm sự nhàm chán cho trẻ.