Cách giảm stress hiệu quả

  1. Làm gì khi bị stress?

Giảm stress để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của bạn là điều vô cùng cần thiết để nạp năng lượng cho cơ thể. Vậy khi bị stress bạn nên làm gì để bạn có được một cuộc sống thật thoải mái và gặt hái thành công trong công việc?

  • Rèn luyện nâng cao sức khỏe thể chất. Có rất nhiều hoạt động giúp nâng cao sức khỏe thể chất như tập thể dục thể thao, hít thở, chế độ dinh dưỡng. Ăn uống đúng cách, tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể xử lý căng thẳng tốt hơn rất nhiều.
  • Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích. Hãy thực hiện những hoạt động mà bạn yêu thích, mong muốn làm như nghe nhạc, xem phim, café với bạn bè, vẽ tranh, đi leo núi, đi dã ngoại…
  • Hãy thử các hoạt động thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga, thái cực quyền, các bài tập thở và thư giãn cơ. Các chương trình có sẵn trực tuyến, trong các ứng dụng điện thoại thông minh, tại nhiều phòng tập thể dục và trung tâm cộng đồng.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi. Giống như một cỗ máy nếu chạy không ngừng nghỉ sẽ rất hại máy và làm việc không hiệu quả. Stress khiến bạn mệt mỏi và bạn thực sự cần được ngừng lại, giảm bớt công việc, thậm chí ngừng hẳn việc trong một khoảng thời gian.
  • Vào cuối mỗi ngày, có thể trước khi đi ngủ, khi bạn đã thực sự thư giãn, hãy dành một chút thời gian để nghĩ về những gì bạn đã hoàn thành – chứ không phải những gì bạn chưa hoàn thành.
  • Đặt mục tiêu cho ngày, tuần và tháng của bạn. Nếu đặt một mục tiêu quá lớn, chúng ta có thể cảm thấy căng thẳng vì lượng công việc khổng lồ. Thu hẹp tầm nhìn sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian và các nhiệm vụ lâu dài hơn.
  • Cân nhắc nói chuyện với nhà tâm lý hoặc bác sĩ về những lo lắng của bạn.
  • Hãy tích cực và thực hành lòng biết ơn, thừa nhận những điều tốt đẹp trong ngày hoặc cuộc sống của bạn.
  • Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ.
  • Học cách nói “không” với những trách nhiệm bổ sung khi bạn quá bận rộn hoặc căng thẳng.
  • Tìm đến sự trợ giúp của mọi người. Có rất nhiều người có thể chia sẻ và sẵn lòng trợ giúp khi chúng ta gặp khó khăn. Hãy nghĩ đến những người đã từng giúp đỡ bạn, ở bên bạn lúc vui, buồn. Giữ kết nối với những người giúp bạn bình tĩnh, khiến bạn vui vẻ, hỗ trợ tinh thần và giúp bạn những việc thiết thực. Một người bạn, thành viên trong gia đình hoặc hàng xóm có thể trở thành một người biết lắng nghe hoặc chia sẻ trách nhiệm để stress không trở nên quá tải.

  1. Hít thở sâu

Hơi thở là sức mạnh giúp bạn trấn tĩnh. Hít thở sẽ giúp “trút cạn” những suy nghĩ trong đầu, tái thiết lập sự phản hồi tích cực với stress và giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn. Hãy hít thở sâu trong vòng 6 giây và thường xuyên hít thở như vậy trong ngày làm việc. Bước ra ngoài, ra khỏi phòng làm việc, hít thở không khí trong lành, tươi mới sẽ cho bạn thêm năng lượng tích cực.

Kỹ thuật thở chậm theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

Hãy nhớ phải thở bằng bụng (không thở bằng ngực) thông qua đường mũi

  • Thở hít vào chậm và đếm đến 3 giây
  • Khi đếm đến 3 giây, thở ra từ từ đếm đến 3 giây
  • Ngừng thở 3 giây trước khi thở hít vào trở lại
  • Tiếp tục thực hành thở như hướng dẫn trên kéo dài cho 5 phút hoặc hơn
  • Áp dụng hai lần trong một ngày cho thời gian 10 phút (5 phút cũng tốt)
  • Cố gắng kiểm tra nhịp thở của bạn và thở chậm trong ngày
  • Sử dụng kỹ thuật thở chậm bất cứ khi nào bạn có dấu hiệu lo âu

Nhớ rằng kỹ thuật thở chậm tuy đơn giản và hiệu quả nhưng cần phải dành thời gian thực hành mới đạt mức độ thành thục.

  1. Luyện tập thể dục

Tập thể dục khi bạn cảm thấy có triệu chứng stress. Thực tế chứng mình, kể cả một cuộc đi bộ ngắn cũng có thể thúc đẩy tâm trạng của bạn.

Hãy tập thể dục mỗi ngày. Hãy lựa chọn bộ môn tập phù hợp với bạn. Những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hay ngồi thiền là những bộ môn vô cùng hiệu quả để bạn rèn luyện thể chất và thanh lọc cơ thể.

Thời gian luyện tập trung bình khoảng 60 phút mỗi ngày. Nếu quá khó sắp xếp thời gian, 15 phút mỗi lần tập cũng rất tốt cho sức khỏe và giải tỏa stress.

  1. Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc- việc đầu tiên mà bạn cần làm khi bị stress. Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Đây là khoảng thời gian quý báu để bạn được nghỉ ngơi sau một ngày dài lao động và sinh hoạt. Chính vì vậy, hãy có một giấc ngủ sâu và đủ. Điều này rất quan trọng đối với những người bị stress.

Thời gian ngủ trung bình khoảng 8 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe. Bạn cũng không nên thức quá khuya sau 11h. Nếu bạn gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, hãy áp dụng thêm các cách hỗ trợ giấc ngủ như uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ, ngâm chân nước nóng, nghe những bản nhạc hoặc bài nói chuyện của người có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của bạn, có thể giúp bạn cảm thấy an yên.

  1. Nghỉ ngơi hợp lý

Sắp xếp xen kẽ thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách khoa học, hợp lý để làm giảm tình trạng tinh thần căng thẳng.

Không nên tập trung vào công việc trong thời gian quá lâu. Trung bình sau khoảng 60 phút học tập/làm việc, bạn cần giải lao.

Bạn cũng lưu ý không nên để mắt làm việc quá lâu với màn hình máy tính/điện thoại. Hãy massage mắt nhẹ nhàng để giảm bớt căng thẳng cho mắt.

  1. Trị liệu tâm lý

Trước những áp lực cuộc sống, có người sẽ bỏ ăn, trầm cảm nhưng cũng có người thấy đau đầu, tức ngực hay thậm chí là tăng cân, tăng glucose máu, tăng huyết áp. Do vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm bác sĩ, chuyên viên tâm lý để được chẩn đoán, tư vấn kịp thời.

Tư vấn tâm lý ngày nay đã rất phổ biến tại Việt Nam và việc đi khám tâm lý là hoàn toàn bình thường và  tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Chẩn đoán và tư vấn của bác sĩ sẽ là nền tảng vững chắc trước khi bạn tiến hành những bước tiếp theo.

  1. Châm cứu, massage

Đây cũng là cách rất tốt để điều trị stress. Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết, điều hòa công năng tạng phủ và đặc biệt có tác dụng thư giãn cơ nên làm giảm trương lực cơ, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi, bạn có thể lấy lại năng lượng và thư giãn nhờ các chuyên gia massage, bấm huyệt, châm cứu. Bạn cũng có thể tự xoa bóp, bấm huyệt giúp điều trị stress, tăng cường sức khỏe.

Thời gian châm cứu/massage khoảng 60 phút/buổi

Điều trị stress bằng xoa bóp bấm huyệt cần xoa bóp toàn thân, nhưng cần tập trung điều chỉnh nhiều vào các tạng có rối loạn chức năng như đau ngực, đau vùng tim thì cần xoa bóp vùng ngực, đau đầu thì xoa bóp vùng đầu…

  1. Chế độ ăn khoa học

Ăn uống khoa học là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp phòng ngừa và giảm stress.

Bạn nên ăn đầy đủ chất, không bỏ bữa, ăn uống đúng giờ.

Một số thực phẩm có tác dụng giảm stress: Socola đen, trà xanh, các loại thực phẩm từ sữa, khoai lang, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, trái cây giàu vitamin C, ăn nhiều rau.

Các thực phẩm cần tránh: hạn chế đồ ăn nhanh, hạn chế thịt đỏ và không nên lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…