Stress nặng và hướng điều trị phù hợp

Stress nặng và hướng điều trị phù hợp

  1. Những dấu hiệu cho thấy bị stress nặng

Stress (căng thẳng) là phản ứng của cơ thể trước một áp lực nào đó. Đó có thể là phản ứng về mặt thể chất, tinh thần hay cảm xúc. Stress ngày càng trở nên phổ biến và có thể được nhận ra qua rất nhiều dấu hiệu khác nhau về mặt cảm xúc, hành vi hay các dấu hiệu cơ thể. Stress ở mức độ thấp, trong thời gian ngắn có thể mang tính tích cực thúc đẩy chúng ta vượt qua khó khăn. Tuy nhiên khi stress kéo dài có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe. Stress nặng có thể phòng tránh được nếu chúng ta nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo dưới đây.

  • Suy giảm trí nhớ

Khi gặp phải tình trạng căng thẳng thường xuyên, bạn có thể cảm thấy mình hay quên, dễ mất tập trung chú ý, suy giảm khả năng ghi nhớ những sự việc, chi tiết dù lớn hay nhỏ gây ảnh hưởng đến công việc, học tập hay cuộc sống hàng ngày.

  • Đau đầu nhức mỏi toàn thân

Tác động của stress về mặt thể chất có thể khiến bạn cảm thấy cơ thể dễ bị mệt mỏi, tim đập nhanh, đau tức ngực, đau đầu, hay chóng mặt, đau nhức các cơ, rối loạn huyết áp. Stress kéo dài gây ra những tổn hại về mặt sức khỏe toàn thân cả về thể chất và tinh thần.

  • Rối loạn giấc ngủ

Sự căng thẳng cũng khiến chất lượng giấc ngủ bị giảm sút. Người bị stress có thể bị mất ngủ, khó ngủ hoặc cũng có thể thấy thường xuyên buồn ngủ, ngủ nhiều.

  • Rụng tóc

Rụng tóc nhiều hơn bình thường có thể là dấu hiệu của căng thẳng quá mức và kéo dài khi bạn phải trải qua những sự kiện hay tình huống gây ra cho bạn nhiều áp lực. Hãy chú ý chăm sóc tóc và da đầu nếu bạn để ý thấy lượng tóc rụng nhiều bất thường, rụng từng mảng lớn hoặc khi thấy bản thân thường hay tự bứt tóc.

  • Rối loạn tiêu hóa

Những người bị stress thường có những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, buồn bực và ảnh hưởng đến việc ăn uống thường ngày như ăn uống thất thường, không muốn ăn hoặc ăn quá nhiều có thể dẫn đến khó tiêu, đầy hơi hoặc táo bón.

Stress kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Căng thẳng thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề nôn mửa, buồn nôn, đau dạ dày, trào ngược… Hãy để ý đến những dấu hiệu này để có sự điều chỉnh kịp thời.

  • Rối loạn kinh nguyệt

Căng thẳng ở nữ giới có thể dẫn đến thay đổi về nội tiết tố và rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, mất kinh, đau bụng kinh dữ dội, chu kỳ kinh nguyệt không đều,…

  • Sức khỏe giảm sút

Khi stress thường xuyên và kéo dài, hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng và kéo theo sự suy yếu về sức khỏe, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, giảm sức đề kháng. Tình trạng căng thẳng kéo dài cũng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau như các vấn đề về da liễu, các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, đau cơ khớp, rối loạn tình dục, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm thần…

 

  • Khó làm chủ cảm xúc

Về mặt cảm xúc, stress có thể khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, chán nản, thất vọng, dễ tức giận, khó chịu, căng thẳng, bồn chồn, thiếu kiên nhẫn, thiếu động lực, khó kiềm chế, vui buồn thất thường.

  • Giảm hứng thú tình dục

Tình trạng stress nặng, kéo dài cũng làm thay đổi về nội tiết tố và làm giảm ham muốn tình dục ở cả nam giới và nữ giới.

  1. Các hướng điều trị cho người bi stress nặng

Với những hệ quả về sức khỏe thể chất và tinh thần kéo theo bởi stress nặng và kéo dài, chúng ta nên nhận ra sớm tình trạng stress nếu có và tham khảo các hướng điều chỉnh sau.

  • Điều chỉnh lối sống

Điều chỉnh lối sống là một trong những biện pháp giảm stress hiệu quả bạn có thể tham khảo.

Trước hết cần điều chỉnh lại chế độ ăn ngủ lành mạnh, đúng giờ giấc. Hạn chế sử dụng chất kích thích có hại cho sức khỏe. Bổ sung các vitamin và khoáng chất.

Sắp xếp công việc phù hợp, khoa học, nghỉ ngơi hợp lý. Dành thời gian thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng mệt mỏi, tham gia vào các hoạt động giải trí, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc cây cối, đi du lịch, xem phim, nghe nhạc…

Lựa chọn bộ môn thể thao ưa thích và thường xuyên luyện tập (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, đá bóng, đánh cầu…).

Luyện tập thiền, yoga, hít thở sâu, học cách thư giãn.

Suy nghĩ và hành động tích cực, nhận diện tác nhân gây stress và cách ứng phó tích cực. Chia sẻ, trò chuyện với người thân, bạn bè, tìm kiếm sự giúp đỡ.

  • Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là một trong những phương pháp điều trị stress có hiệu quả thông qua việc hướng dẫn người bệnh giải tỏa căng thẳng, thư giãn, kiểm soát stress, thay đổi tư duy tích cực. Đây là một trong những phương pháp điều trị stress có hiệu quả, nhà trị liệu có thể giúp thân chủ xác định được vấn đề của mình, tác nhân gây stress, thấu hiểu và chấp nhận bản thân, xây dựng tư duy và lối sống tích cực.

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Trong một số trường hợp cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất. Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị stress nặng như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…

Lưu ý không tự ý sử dụng, dừng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng.