Gọi điện, nhắn tin, thậm chí đến chỗ trọ tìm kiếm nhưng không gặp được người yêu, Yến cảm thấy chàng trai như đột ngột biến mất khỏi thế giới này.
Hải Yến, 28 tuổi ở Hà Nội và Quang Minh yêu nhau được gần hai năm. Họ đều là người hướng nội ít bộc lộ cảm xúc, thích những khoảnh khắc riêng tư. Cuộc sống của cô nhân viên văn phòng ngoài thời gian đi làm, gần như chỉ gắn liền với người mình yêu.
Yến mong chờ có một đám cưới và sau đó là những đứa con xinh xắn nhưng Minh vẫn dửng dưng. Anh cho rằng cả hai nên tận hưởng cuộc sống độc thân. Sau vài lần tranh luận, cô giận dỗi nhưng cũng làm hòa nhanh chóng. Từ đó, Yến chấp nhận cuộc tình theo kiểu “yêu để đó”.
Một năm trước, Minh đột nhiên biến mất. Yến gọi điện anh không nghe máy, nhắn tin anh không trả lời. Đến tận chỗ trọ cũng không thể gặp mặt, tìm đến cơ quan lại nghe đồng nghiệp nói Minh nghỉ phép dài ngày. Cô gái tiếp tục nhắn tin, gửi email, gửi thư thoại hỏi người yêu nếu vấn đề gì cũng nên nói cho cô biết, nhưng anh vẫn bặt vô âm tín.
“Cứ như thể con người đó đột ngột bốc hơi khỏi thế giới này. Tôi nhận ra mình đã bị ‘ghost'”, Yến nói.
“Bị ghost” là cụm từ khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, xuất phát từ thuật ngữ “ghosting” trong tâm lý học. Khái niệm này xuất hiện lần đầu năm 2004, mô tả việc ai đó cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc. Trong tình yêu, điều này có nghĩa đối phương ngưng phản hồi mọi tin nhắn, cuộc gọi, hủy kết bạn trên mọi nền tảng một cách đột ngột không báo trước, trong khi người còn lại sẽ không thể tìm thấy bất kỳ nguyên nhân nào.
“Họ biến mất trong cuộc đời bạn như chưa từng xuất hiện, như thể một bóng ma vậy”, tiến sĩ tâm lý học Lã Linh Nga (Hà Nội) nói. Trong khảo sát năm 2019 của MOV, tổ chức của Mỹ chuyên nghiên cứu về vấn đề hẹn hò, hôn nhân, khoảng 50% phụ nữ và đàn ông từng trải nghiệm cảm giác “bị ghost” trong tình yêu và cũng gần 50% lặp lại hành động tương tự với người khác.
Bà Nga cho rằng “ghosting” trở nên phổ biến khi các ứng dụng hẹn hò ra đời trên Internet khiến việc “bật – ngắt” kết nối trở nên dễ dàng hơn. Những ứng dụng ghép đôi sẽ biến những mối quan hệ trở nên tạm bợ và nặc danh nhiều hơn trước.
Thành Nam, sinh viên năm hai một trường đại học tại TP HCM quen bạn gái tên Hồng Khuê qua một ứng dụng hẹn hò. Họ có chung nhiều sở thích, nói chuyện lại hòa hợp vui vẻ.
Sau nửa năm yêu xa, một ngày Nam không thể liên lạc được với đối phương khi cô ngừng nhắn tin, hủy kết bạn, chặn số điện thoại. Thậm chí khi chàng trai tìm đến nhà tại Cần Thơ, cô cũng tránh không gặp mặt.
“Mọi chuyện sẽ ổn thôi, Nam tốt bụng như vậy sẽ dễ dàng tìm được người khác”, Khuê nhắn tin cho một người bạn chung của cả hai sau nhiều tháng “mất tích”. Hồng Khuê cũng giải thích lý do biến mất đột ngột bởi Nam không phải mẫu người cô tìm kiếm. “Đau một lần còn hơn dai dẳng, không nên lãng phí thời gian của cả hai thêm nữa”, cô nói.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cho rằng, việc âm thầm bước ra khỏi mối quan hệ yêu đương như Hồng Khuê thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Một là muốn chấm dứt nhưng không phải ai cũng dám nói thẳng vì sợ làm tổn thương đối phương hoặc sợ phải đối mặt, thậm chí xảy ra xung đột sau khi nói lời chia tay. Hai là, họ không muốn phải chịu trách nhiệm hay hậu quả sau khi “đường ai nấy đi” nên chọn cách im lặng và lặng lẽ rời bỏ.
“Dù vậy, việc một người đột ngột biến mất trong quan hệ yêu đương có thể khiến đối phương mang cảm giác bị coi thường, bị lợi dụng và bị vứt bỏ”, bà Nga nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, sự biến mất đột ngột không lý do sẽ khiến người ở lại cảm thấy khó hiểu, thậm chí tâm lý sẽ bị tổn thương dài lâu.
“Sự biến mất của đối phương sẽ gây đau đớn cho người còn lại bởi không tìm ra được lý do chính đáng”, bà Thảo nói. Từ đó, người bị bỏ rơi luôn tự chất vấn “mình đã làm gì sai?” và nếu không được phản hồi sẽ dẫn đến hoài nghi giá trị bản thân, kém tự tin để bước vào mối quan hệ mới.
Không những vậy, nạn nhân sẽ phải trải qua những cảm xúc khó chịu khác như đau buồn, thất vọng, tức giận, mất mát, thậm chí là tiếc nuối và xấu hổ. Cảm xúc này nếu không kịp giải tỏa sẽ đẩy họ đến tuyệt vọng, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực. Mức độ sát thương cảm xúc còn nặng hơn đối với những ai có lòng tự trọng mong manh, tin tưởng vào người yêu hoặc quá kỳ vọng về cuộc tình đã dày công vun đắp.
Như Hải Yến, vì quá tin tưởng người yêu nên việc biến mất đột ngột của anh khiến cô điên dại. Thời gian dài sau đó, cô gái luôn trách cứ và dằn vặt bản thân. Yến cũng đóng cửa trái tim, không còn tin tưởng vào tình yêu và bất kỳ người đàn ông nào khác.
“Tệ hơn cả việc chia tay là người đó không coi tôi xứng đáng để nói lời chia tay một cách tử tế”, Yến nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Trần Hương Thảo, mức độ tổn thương do hiện tượng “ghosting” gây ra không phải bàn cãi, tuy nhiên việc chữa lành lại phụ thuộc vào bản lĩnh ứng phó của mỗi người.
Nữ chuyên gia khuyên, nếu là nạn nhân của “ghosting”, nên hiểu rằng không phải do bản thân không đủ tốt hay làm gì đó không xứng đáng với tình yêu. Hành động đó chỉ chứng minh rằng đối phương không đủ can đảm để đối mặt với cảm xúc của người còn lại. Đó được coi là hành động vô tâm, không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
“Để kết thúc một mối quan hệ hay giai đoạn tìm hiểu nên chọn cách đối thoại thay vì im lặng và biến mất, bởi đó là cách thể hiện sự tôn trọng với người từng yêu thương”, bà Thảo nói.
Ngoài ra, với những người bị “ghosting”, để đưa bản thân thoát khỏi những đau khổ và dằn vặt, cần hạn chế tìm lại những ký ức về người cũ. Nên xóa hết thông tin liên lạc, hình ảnh hay kỷ niệm bên nhau để tìm những niềm vui mới, mối quan hệ mới cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, mang lại hạnh phúc và tạo giá trị cho chính mình.
Hải Hiền, VNE
https://vnexpress.net/bi-ghost-khi-yeu-4746547.html