Khánh Toàn – cậu bé 32 tháng tuổi được bố mẹ đến khám với lý do chậm nói và hay cáu gắt. Trong những giây phút ban đầu nhà tâm lý quan sát và nhận thấy Khánh Toàn ít biểu hiện sự vui vẻ khi chơi đồ chơi cùng người khác, ánh mắt luôn dò xét xung quanh. Sau 20 phút được làm quen, Khánh Toàn thoải mái hơn và thường xuyên nói nhưng không rõ tiếng, không rõ nghĩa và thỉnh thoảng có nhìn mẹ và nhìn nhà tâm lý. Bố mẹ bé còn chia sẻ thêm các biểu hiện của con khi ở nhà: bé hay cáu giận, hay khóc, ném đồ vật khi bố mẹ không làm hài lòng bé. Bé thường xuyên tranh đồ với em, đánh lại bố mẹ hoặc ra đánh em khi bố mẹ nhắc về những hành động của bé. Khi bé muốn điều gì đó, bé thường kéo tay người lớn lấy hộ hoặc chỉ về phía đồ vật đó và phát ra những âm không rõ. Nhiều lúc bố mẹ không hiểu, không đáp ứng đúng yêu cầu là bé lăn ra sàn ăn vạ. Những lúc vui vẻ, bố mẹ có hướng dẫn bé nói nhưng bé không nói theo và lảng sang thứ khác.
Trò chuyện thêm với bố mẹ của bé, nhà tâm lý nhận thấy môi trường gia đình cũng có ảnh hưởng đến các khó khăn hiện tại của trẻ. Bố mẹ của bé bận rộn với công việc kinh doanh, ít có thời gian để chơi cùng bé. Bé chủ yếu ở nhà với bà nội và em. Bé được bà chiều chuộng hết mực, gần như không phải (chưa kịp) thể hiện nhu cầu thì bé đã được bà đáp ứng rồi, bên cạnh đó bé được xem ti vi khá nhiều. Hiện tại, bố mẹ bé đang rất lo lắng về tính khí cũng như khả năng ngôn ngữ của con.
Để can thiệp và giúp Khánh Toàn hình thành ngôn ngữ nói, trước hết cần giúp bé kiểm soát được các hành vi, cảm xúc của mình cũng như có những điều chỉnh trong ứng xử với trẻ của những thành viên trong gia đình một cách phù hợp và linh hoạt.
Trong quá trình can thiêp cho bé tại phòng khám, nhà tâm lý cũng đã thống nhất được với gia đình phương án và kế hoạch can thiệp cụ thể trong từng giai đoạn như:
– Các thành viên trong gia đình cùng thống nhất một phương pháp và cách thức quản lý hành vi với trẻ. Bố mẹ cần tăng cường thời gian tương tác với con; cần tạo cơ hội và hướng dẫn bé thể hiện nhu cầu bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ: nếu bố mẹ chưa kịp lấy/ đưa đồ yêu thích/ đúng ý của Toàn, bố mẹ hướng dẫn Toàn lắc đầu hoặc xua tay thay cho việc khóc, hét, ném đồ.
– Hướng dẫn các bài tập tăng khả năng nhận thức, tập trung, ghi nhớ và thể hiện bằng lời thông qua sự hướng dẫn đặt khẩu hình; phát âm từng âm, từng từ.
– Phát triển cảm xúc của trẻ một cách hài hoà hơn: nhận diện các cảm xúc qua biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ và hành động…
Trong quá trình can thiệp 6 tháng tại trung tâm, trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau của cô và bé thì hiện tại trái ngọt đã tới. Bé luôn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt của mình, chờ đợi được đáp ứng. Bé đã nói nhiều hơn, không còn hiện tượng nói âm vô nghĩa. Bé bắt đầu biết hát vuốt đuôi, biết đọc nối từ đơn với một số bài thơ ngắn. Bé biết gọi bố mẹ mỗi khi có yêu cầu gì đó, bé chủ động chào, chủ động từ chối khi không thích….đặc biệt bé không đánh lại người khác khi không hài lòng nữa.
Sự thay đổi tích cực của Khánh Toàn không thể không nhắc đến vai trò và sự hợp tác tích cực từ phía gia đình đặc biệt là sự nỗ lưc và cố gắng vươn lên của Khánh Toàn khi được nhà tâm lý hướng dẫn. Chính những nhân tố đó đã làm lên một Khánh Toàn với những thay đổi tích cực trên tất cả các mặt.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Nhà tâm lý Nguyễn Thị Lương