Cách giảm stress trong học tập, thi cử cho học sinh

Cách giảm stress trong học tập, thi cử cho học sinh

  1. Dấu hiệu stress trong học tập

Stress là phản ứng của cơ thể trước những áp lực gặp phải. Với các bạn học sinh, sinh viên, áp lực này có thể là áp lực học tập, áp lực từ những kỳ vọng của gia đình, từ bạn bè… Trong đó, học tập và thi cử khiến cho nhiều học sinh, sinh viên rơi vào trạng thái căng thẳng dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, chất lượng học tập và chất lượng cuộc sống. Stress học đường có thể gây ra những dấu hiệu cần chú ý dưới đây.

Mất hứng thú. Học sinh, sinh viên là lứa tuổi luôn muốn tìm hiểu, khám phá và thể hiện sở thích, sở trường của mình. Tuy nhiên, những áp lực, căng thẳng từ việc học tập, thi cử có thể khiến các em cảm thấy chán nản, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, với cả hoạt động học tập và thậm chí với cả những đam mê, hứng thú của mình. Điều này có thể dẫn đến kết quả học tập ngày càng đi xuống hoặc không được như mong đợi khiến các em lại càng cảm thấy thất vọng và mất hứng thú hơn.

Cảm xúc bất ổn. Những em rơi vào tình trạng stress học đường thường khó kiếm soát được cảm xúc của bản thân, thiếu kiềm chế, có lúc dễ tức giận, có lúc buồn bã, lo lắng, dễ khóc, dễ xúc động. Sự thất thường về cảm xúc cũng có thể dẫn đến những thất thường về hành vi, các em có thể khép mình lại, thích một mình nhiều hơn, hoặc có thể có những hành vi như la hét, đập phá hoặc đánh lộn. Có những em sẽ có biểu hiện thu mình lại, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh, sợ đi học, sợ gặp thầy cô, bạn bè, lo sợ sẽ bị chế giễu hay trách mắng.

Suy nghĩ tiêu cực. Những áp lực từ kỳ vọng của các bậc phụ huynh, thi đua về điểm số, kết quả học tập, khối lượng bài vở có thể là những tác nhân gây stress và từ đó dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về người khác, về cuộc sống. Các em có thể cảm thấy bản thân mình là người luôn thất bại, không có giá trị gì, người khác luôn chán ghét các em. Thậm chí các em có thể có cả những ý nghĩ tự sát và những hành vi tiêu cực, chống đối khác.

Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Các áp lực học đường căng thẳng có thể khiến các em thấy đau đầu, cơ thể mệt mỏi, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, gặp vấn đề về da liễu, cân nặng hoặc tiêu hóa…

Gặp khó khăn trong việc học tập. Sự căng thẳng khiến các em dễ bị mất tập trung, khả năng ghi nhớ giảm sút, khó hoàn thành bài vở, ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử. Khi đó, các em lại càng cảm thấy căng thẳng hơn.

Khi nhận thấy các em có những biểu hiện bất ổn này, hãy để đến stress học đường mà các em có thẻ gặp phải, học cách xả stress phù hợp và giảm các áp lực học tập lên bản thân.

  1. Cách giảm stress trong học tập cho học sinh, sinh viên
    • Lên kế hoạch cụ thể cho học tập, thi cử

Với khối lượng bài vở nhiều của các môn học, việc lên kế hoạch học tập sẽ giúp cho các em sắp xếp và phân chia công việc hiệu quả với khoảng thời gian hợp lý. Một thời gian biểu về các môn cần học, các bài tập cần hoàn thành trong ngày, trong tuần, các thứ tự ưu tiên về bài tập sẽ giúp các em có thời gian phù hợp để giải quyết khối lượng bài tập của mình, tránh dồn ép một lượng lớn bài vở trong một thời điểm.

  • Tránh học tập quá sức

Khi đi học, các em thường mong muốn có được kết quả học tập tốt, đạt thành tích cao trong các kỳ thi và có thể dẫn đến việc các em dồn quá sức vào việc học, học liên tục nhiều ca khác nhau, học ngày học đêm, học nhồi nhét kiến thức sẽ khiến não bộ làm việc quá mức, căng thẳng, mệt mỏi. Hãy điều chỉnh việc học tập với những mục tiêu, phương pháp phù hợp với bản thân và chăm chỉ, kiên trì phấn đấu, nỗ lực với khả năng của mình. Dành thời gian cho các nhu cầu khác của bản thân như vui chơi, giải trí, thư giãn với những việc mình thích (nghe nhạc, đi dạo, vẽ tranh…).

  • Thường xuyên chia sẻ với bạn bè, người thân

Ngưởi thân, bạn bè hay thầy cô là những người em có thể trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, băn khoăn, lo lắng của mình để có thể giúp em cảm thấy thoải mái hơn hoặc có những lời tư vấn, lời khuyên giúp em vượt qua stress học đường.

  • Sắp xếp thời gian cho hoạt động thể thao

Dành thời gian luyện tập thể dục thể thao sau những giờ học căng thẳng giúp các em rèn luyện sức khỏe và tỉnh táo hơn. Lựa chọn và lên lịch tập đều đặn với bộ môn mà các em ưa thích (bơi lội, đi bộ, đánh cầu…). Luyện thở đều và sâu cũng sẽ giúp các em thoải mái và bớt căng thẳng hơn.

  • Không tạo áp lực cho bản thân

Những lo lắng về điểm số, về kết quả của các kỳ thi, về sự mong đợi của bố mẹ, sự so sánh của bạn bè khiến nhiều em tự tạo áp lực cho bản thân. Đặt mục tiêu phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân cũng sẽ giúp các em thoải mái, tự tin, có hứng thú hơn và phát huy được những điểm mạnh hay sở trường của mình.

  • Cố gắng ngủ đủ giấc

Hãy chú trọng đến giấc ngủ, đây là khoảng thời gian quý giá để cơ thể được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng. Nên đảm bảo thời gian ngủ đủ 8h/ngày và hạn chế thức khuya. Ngủ nghỉ đúng đủ cũng sẽ giúp các em có tâm trạng thoải mái, cải thiện khả năng tập trung, ghi nhớ tốt hơn.

  • Ăn uống đủ dưỡng chất

Ăn uống đầy đủ giúp các em có một cơ thể khỏe mạnh, đảm bảo về sức khỏe thể chất để có một tinh thần thoải mái. Nên đảm bảo các thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày với đủ các dưỡng chất cần thiết từ trái cây, rau xanh, thịt cá, trứng sữa… Hạn chế những đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, chất kích thích không tốt cho sức khỏe.

  • Tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý

Khi nhận thấy các em có những dấu hiệu của stress, các em có thể tìm đến phòng tư vấn cho học sinh, sinh viên tại trường hoặc các cơ sở tư vấn tâm lý, tư vấn học đường để giúp các em vượt qua áp lực, có nhiều chiến lược đối phó tốt hơn với những căng thẳng do học tập thi cử, giải tỏa stress hiệu quả, bình tĩnh hơn, đưa ra sự lựa chọn thích hợp, tránh những hệ quả không tốt có thể xảy ra.