Cách nhận biết bệnh trầm cảm

Bảng kiểm tra các triệu chứng trầm cảm

Tổ chức y tế thế giới hướng dẫn cách phát hiện trầm cảm theo bảng kiểm các triệu chứng như sau:

  1. Khí sắc giảm/buồn bã
  2. Mất hứng thú hoặc không thoải mái
  3. Thiếu sức lực hoặc mệt mỏi tăng

Nếu CÓ một trong các câu trên, tiếp tục

  1. Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, thức dậy sớm)
  2. Rối loạn ăn uống (mất cảm giác ngon miệng/ăn quá ít/ăn quá nhiều)
  3. Khó tập trung
  4. Biểu hiện chậm chạp hoặc bối rối
  5. Giảm hứng thú tình dục
  6. Thiếu tự tin
  7. Nghĩ đến cái chết hoặc tự tử
  8. Cảm thấy tội lỗi

Tóm lại, nguy cơ trầm cảm nếu:

Trả lời có với I, II hoặc III và có ít nhất 5 triệu chứng từ 1-8

Các triệu chứng xảy ra liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần

Một số ảnh hưởng của trầm cảm đến cuộc sống:

  1. Trong tháng qua, trong hầu hết thời gian, bạn có bị hạn chế ở một trong số các hoạt động sau không?
  2. Tự chăm sóc bản thân, tắm, mặc quần áo, ăn uống
  3. Quan hệ với gia đình: bố mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, họ hàng
  4. Đi học hoặc đi làm
  5. Làm việc nhà, giải quyết các công việc gia đình
  6. Các hoạt động xã hội, đi thăm bạn bè
  7. Khả năng ghi nhớ trong công việc
  8. Do các nguyên nhân trên, trong tháng qua:

Bạn không thể đảm đương được các công việc hàng ngày trong bao nhiêu ngày?

Bạn phải nằm trên giường để nghỉ bao nhiêu ngày?

Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo DSM5

Chẩn đoán trầm cảm theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, phiên bản thứ 5 của Hiệp hội tâm thần Mỹ

A. Ít nhất 5 trong những triệu chứng sau, xuất hiện cùng lúc, kéo dài 2 tuần làm thay đổi so với hoạt động trước đó; ít nhất một trong các triệu chứng phải là: (1) khí sắc trầm cảm, (2) mất hứng thú hoặc mất vui.

Ghi chú: các triệu chứng này không phải do một bệnh khác gây nên.
(1) Khí sắc trầm cảm gần như suốt ngày, hầu như mỗi ngày, được khai báo bởi bệnh nhân (ví dụ: cảm thấy buồn hay trống rỗng, tuyệt vọng) hoặc thông qua quan sát của người khác (ví dụ: khóc). Chú ý: ở trẻ em và vị thành niên có thể biểu lộ việc dễ bực tức.
(2) Giảm sút rõ về thích thú hoặc thú vui trong tất cả, hầu như tất cả các hoạt động hầu như suốt ngày, gần như mỗi ngày (được nhận thấy bởi bệnh nhân hoặc thông qua quan sát của người khác)
(3) Giảm cân đáng kể không phải do ăn kiêng hoặc tăng cân (ví dụ: thay đổi trọng lượng cơ thể quá 5% trong 1 tháng) hoặc tăng hay giảm cảm giác ngon miệng gần như mỗi ngày. Lưu ý: ở trẻ em có thể không đạt mức tăng cân như dự đoán.
(4) Mất ngủ hay ngủ nhiều hầu như mỗi ngày.
(5) Kích động hay chậm chạp tâm thần vận động hầu như mỗi ngày (được nhận thấy bởi người khác chứ không phải chỉ là cảm giác của bệnh nhân về việc bứt rứt hoặc chậm chạp bên trong cơ thể).
(6) Mệt mỏi hoặc mất năng lượng hầu như mỗi ngày.
(7) Cảm giác bị mất giá trị hoặc cảm giác tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp (có thể đạt đến mức hoang tưởng) hầu như mỗi ngày (không chỉ là việc tự trách móc hoặc có cảm giác tội lỗi do bị bệnh).
(8) Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung chú ý hoặc thiếu quyết đoán hầu như mỗi ngày (do bệnh nhân khai báo hoặc được quan sát bởi người khác).
(9) Ý nghĩ về cái chết tái diễn (không chỉ là sợ chết), các ý tưởng tự tử tái diễn nhưng không có kế hoạch tự tử, hoặc có mưu toan tự tử hoặc có kế hoạch tự tử cụ thể

B. Các triệu chứng này gây ra sựđau khổ đáng kể về mặt lâm sàng hoặc làm biến đổi hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác.

C. Các triệu chứng không phải do các tác động sinh lý trực tiếp của một chất hoặc do một bệnh khác gây nên.

Chú ý: Tiêu chuẩn A-C đại diện cho một giai đoạn trầm cảm chủ yếu.
Chú ý: Phản ứng trước những mất mác lớn (ví dụ: mất người thân, bị phá sản, tổn thất do thiên tai, bệnh nan y hoặc tàn tật cũng có thể xuất hiện cảm giác buồn dữ dội, trầm tư, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng, giảm cân như mô tả theo tiêu chuẩn A, tình trạng này cũng giống như một giai đoạn trầm cảm. Tuy nhiên, các triệu chứng trên và một giai đoạn trầm cảm là những phản ứng tự nhiên của con người trước những mất mác lớn cần được xem xét cẩn thận. Vì thế, cần phải đưa ra các đánh giá lâm sàng dựa trên tiểu sử cá nhân và những đặc điểm về văn hóa trong việc thể hiện sự buồn bã trước những mất mác.

D. Các triệu chứng này không đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán của Rối loạn phân liệt cảm xúc, Rối loạn tâm thần phân liệt, Rối loạn ảo giác, hoặc những rối loạn đặc trưng hoặc không đặc trưng khác của Hội chứng Tâm thần phân liệt và những Rối loạn loạn thần khác.
Chưa bao giờ xuất hiện một giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ trước đó.

Chú ý: Loại trừ này không được áp dụng nếu tất cả các cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ này do lạm dụng một chất kích thích hoặc là do tác động sinh lý của một bệnh khác gây nên.
Các mức độ trầm cảm
Mức độ nặng nhẹ của trầm cảm được xác định bằng: số lượng các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến các chức năng xã hội và nghề nghiệp.
Nhẹ: Nếu có rất ít triệu chứng của trầm cảm, các triệu chứng đảm bảo tiêu chuẩn chẩn đoán là: hiện diện, cường độ của các triệu chứng là đau buồn nhưng dễ quản lý, các triệu chứng trên dẫn đến sự suy giảm nhẹ trong hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp.
Trung bình: Số lượng triệu chứng, cường độ của các triệu chứng, sự suy giảm trong hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp nằm trong khoảng giữa của mức độ “nhẹ” và “nặng”.
Nặng: Số triệu chứng vượt quá mức yêu cầu để chẩn đoán, cường độ của các triệu chứng là đau buồn rất nhiều và khó quản lý.
Thuyên giảm một phần: các triệu chứng của trầm cảm trước đây có mặt nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, hoặc thời gian kéo dài chưa đến 2 tháng, và không có một triệu chứng nghiêm trọng nào của trầm cảm chủ yếu nào mất đi trong giai đoạn này.
Thuyên giảm hoàn toàn: Trong 2 tháng qua, không có dấu hiệu/triệu chứng nào nghiêm trọng của rối loạn có mặt.
Rối loạn Trầm cảm dai dẳng/Trầm cảm mạn tính: kéo dài 2 năm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo ICD10

Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 của WHO

* Ba triệu chứng đặc trưng của trầm cảm

+ Giảm khí sắc: bệnh nhân cảm thấy buồn vô cớ, chán nản, ảm đạm, thất vọng, bơ vơ và bất hạnh, cảm thấy không có lối thoát. Đôi khi nét mặt bất động, thờ ơ, vô cảm.

+ Mất mọi quan tâm và thích thú: là triệu chứng hầu như luôn xuất hiện. Bệnh nhân thường phàn nàn về cảm giác ít thích thú, ít vui vẻ trong các hoạt động sở thích cũ hay trầm trọng hơn là sự mất nhiệt tình, không hài lòng với mọi thứ. Thường xa lánh, tách rời xã hội, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh.

+ Giảm năng lượng dẫn đến tăng mệt mỏi và giảm hoạt động

* Bảy triệu chứng phổ biến của trầm cảm

+ Giảm sút sự tập trung và chú ý.

+ Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin.

+ Những ý tưởng bị tội, không xứng đáng.

+ Nhìn vào tương lai thấy ảm đạm, bi quan.

+ Ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát.

+ Rối loạn giấc ngủ: ngủ nhiều hoặc ngủ ít, thức giấc lúc nửa đêm hoặc dậy sớm.

+ Ăn ít ngon miệng.

* Các triệu chứng cơ thể (sinh học) của trầm cảm

+ Mất quan tâm ham thích những hoạt động thường ngày.

+ Thiếu các phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh mà khi bình thường vẫn có những phản ứng cảm xúc.

+ Thức giấc sớm hơn ít nhất 2 giờ so với bình thường.

+ Trầm cảm nặng lên về buổi sáng.

+ Chậm chạp tâm lý vận động hoặc kích động, có thể sững sờ.

+ Giảm cảm giác ngon miệng.

+ Sút cân (thường ≥ 5% trọng lượng cơ thể so với tháng trước).

+ Giảm hoặc mất hưng phấn tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

* Các triệu chứng loạn thần

Trầm cảm nặng thường có hoang tưởng, ảo giác hoặc sững sờ. Hoang tưởng, ảo giác có thể phù hợp với khí sắc (hoang tưởng bị tội, bị thiệt hại, bị trừng phạt, nghi bệnh, nhìn thấy cảnh trừng phạt, ảo thanh kết tội hoặc nói xấu, lăng nhục, chê bai bệnh nhân) hoặc không phù hợp với khí sắc (hoang tưởng bị theo dõi, bị hại).

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có lo âu, lạm dụng rượu, ma tuý và có triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau bụng, táo bón… sẽ làm phức tạp quá trình điều trị bệnh.

Trong chẩn đoán cần chú ý

+ Thời gian tồn tại ít nhất 2 tuần.

+ Giảm khí sắc không tương ứng với hoàn cảnh.

+ Hay lạm dụng rượu, ám ảnh sợ, lo âu và nghi bệnh.

+ Khó ngủ về buổi sáng và thức giấc sớm.

+ Ăn không ngon miệng, sút cân trên 5%/ 1 tháng

 

* Giai đoạn trầm cảm nhẹ

Khí sắc trầm, mất quan tâm, giảm thích thú, mệt mỏi nhiều khó tiếp tục công việc hằng ngày và hoạt động xã hội. Ít nhất phải có 2 trong số những triệu chứng chủ yếu cộng thêm 2 trong số những triệu chứng phổ biến khác ở trên để chẩn đoán xác định. Thời gian tối thiểu phải có khoảng 2 tuần và không có hoặc có những triệu chứng cơ thể nhưng nhẹ.

* Giai đoạn trầm cảm vừa

Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu đặc trưng cho giai đoạn trầm cảm nhẹ, cộng thêm 3 hoặc 4 triệu chứng phổ biến khác.

Thời gian tối thiểu là khoảng 2 tuần và có nhiều khó khăn trong hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc gia đình; không có hoặc có 2-3 triệu chứng cơ thể ở mức độ trầm trọng vừa phải.

* Giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng rối loạn tâm thần

Buồn chán, chậm chạp nặng hoặc kích động; mất tự tin hoặc cảm thấy vô dụng hoặc thấy có tội lổi, nếu trầm trọng có hành vi tự sát.

Triệu chứng cơ thể hầu như có mặt thường xuyên; có 3 triệu chứng điển hình của giai đoạn trầm cảm, cộng thêm ít nhất 4 triệu chứng phổ biến khác khác.

Thời gian kéo dài ít nhất là 2 tuần, nếu có triệu chứng đặc biệt không cần đến 2 tuần; ít có khả năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và công việc gia đình.

* Giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng rối loạn tâm thần

Thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn rối loạn trầm cảm và có hoang tưởng, ảo giác phù hợp với khí sắc bệnh nhân hoặc sững sờ trầm cảm.

Hoang tưởng gồm tự buộc tội, hèn kém hoặc có những tai họa sắp xãy ra; ảo giác gồm áo thanh, ảo khứu, những lời phỉ báng bệnh nhân, mùi khó chịu và giảm hoặc mất vân động.

* Các giai đoạn trầm cảm khác

Các triệu chứng chính của trầm cảm không rõ ràng, có những triệu chứng cụt và không có giá trị chẩn đoán như căng thẳng, lo lắng, buồn chán và hỗn hợp các triệu chứng đau hoặc mệt nhọc dai dẳng không có nguyên nhân thực tổn còn gọi là trầm cảm ẩn.

Lã Linh Nga