Khi nào cần đưa trẻ đi khám tăng động giảm chú ý (ADHD)
Nếu trẻ có các biểu hiện sau vào thời điểm trước 6 tuổi, cha mẹ cần cho con đi khám tăng động giảm chú ý:
– Trẻ không chú ý đến những chi tiết nhỏ, hay lơ đễnh, khó duy trì sự chú ý trong học tập, công việc. Trẻ thường khó sắp xếp công việc và hoạt động hàng ngày. Trẻ không làm theo chỉ dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường hoặc các nhiệm vụ trong gia đình. Trẻ hay làm mất đồ, hay quên.
– Trẻ hoạt động luôn chân tay, leo trèo quá mức, hay ngọ nguậy cơ thể khi ngồi, thường rời khỏi chỗ khi đang ngồi học. Trẻ nói quá nhiều và khó duy trì các hoạt động đòi hỏi sự yên tĩnh.
– Trẻ khó chờ đợi đến lượt, hay xen ngang cuộc nói chuyện, thường đưa ra câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi.
Các bậc cha mẹ có thể liên hệ với các chuyên gia của Trung tâm PPRAC và Phòng khám Ngọc Minh để được tư vấn thêm qua box trao đổi hoặc qua điện thoại.
Đặt ra các quy tắc cho trẻ tăng động giảm chú ý
Việc cha mẹ đặt ra các quy tắc rõ ràng với kỳ vọng hợp lý là điều vô cùng quan trọng đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý. Cha mẹ hãy viết ra các quy tắc và trao đổi rõ ràng với trẻ về các lợi ích đạt được hoặc bị mất khi thực hiện hay không thực hiện các quy tắc đó. Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý thường phản ứng tốt với phần thưởng và hậu quả. Thưởng phạt với trẻ phải rất rõ ràng và nhất quán. Khi trẻ có các phản hồi hành vi tích cực thì cần có những phần thưởng khích lệ kịp thời. Nếu trẻ phá bỏ hoặc làm ngược lại với những quy tắc thì cần cho trẻ đối diện với các hình phạt đã được thống nhất từ trước.
Trẻ phải tuân theo thời gian biểu, quy tắc ứng xử đã được lập ra từ các công việc trong sinh hoạt hàng ngày, hoạt động học tập ở trường, hoặc tham gia các hoạt động tập thể ở môi trường khác.
– Tuyệt đối cha mẹ không làm thay trẻ. Trẻ luôn là người thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của mình khi được cha mẹ chỉ đưa ra các hướng dẫn cụ thể, ví dụ như “con cần làm xong hai bài toán, một bài viết chính tả trong tối nay”. Cha mẹ giúp trẻ tìm hướng giải quyết, thậm chí có thể viết ra các bước để trẻ tự mình áp dụng nếu thấy trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu nhiệm vụ.
Xây dựng thời gian biểu
Việc đưa trẻ có các biểu hiện tăng động giảm chú ý vào khuôn khổ làm việc là rất khó, nhưng các bậc phụ huynh vẫn nên giúp đỡ động viên trẻ làm việc, sinh hoạt có giờ giấc để trẻ dần cải thiện rối loạn. Trẻ cần được cha mẹ xây dựng từng mục tiêu cụ thể cho mỗi giai đoạn để trẻ dễ thực hiện. Cha mẹ không nên đưa ra quá nhiều yêu cầu cùng một lúc cho trẻ và bắt trẻ thực hiện ngay.Trong đó cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con, vừa làm mẫu vừa dìu dắt con mình. Cha mẹ hãy luôn bên cạnh con để nhắc nhở, đốc thúc, động viên con thực hiện ngay từ các công việc thường nhật như thức dậy, vệ sinh cá nhân, giờ giấc học tập…
Ví dụ, ban đầu đặt mục tiêu rèn luyện thói quen cho con, cha mẹ có thể tiến hành theo các hướng dẫn sau
Hoàn thành bài tập về nhà: Ngay sau bữa cơm tối cần nhắc “Con được chơi 10 phút sau đó bắt đầu học nhé”. Hết thời gian cha mẹ nhắc con “Đã hết giờ chơi, con học bài nào”.
Ngủ đúng giờ: Giả sử quy định 21h hàng ngày là giờ đi ngủ, trước đó 5 phút cha mẹ nhắc con “Con còn 5 phút nữa là đi ngủ nhé”. 5 phút sau cha mẹ nhắc con “Con hãy đi ngủ nào”. Khi giao tiếp, đưa thông điệp cho trẻ, cha mẹ nên đưa ra những câu ngắn gọn và dễ hiểu để trẻ thực hiện như “Mặc đồng phục đi con”, “Lấy cặp sách đi con”, thay vì “Chuẩn bị để đi học thôi con”.
Lưu ý khi đặt mục tiêu cho trẻ: Việc lựa chọn mục tiêu cũng cần xem xét tính phù hợp với hoàn cảnh sống, biểu hiện của trẻ và mong muốn của cha mẹ trong giai đoạn đó. Cha mẹ nên dành thời gian cùng con thực hiện một số nhiệm vụ nhằm cho trẻ nhận thấy rằng cha mẹ là người đồng hành đáng tin cậy. Cha mẹ cùng chơi với con một trò chơi, cùng học thuộc lòng một bài thơ, từ đó trẻ dễ dàng làm đúng theo những yêu cầu của cha mẹ.
Thường xuyên khích lệ trẻ
Tạo sự gần gũi với con và khích lệ những hành động tốt của trẻ bằng một lời khen ngợi hoặc dành một phần quà nhỏ. Ví dụ cha mẹ có thể tặng trẻ một chuyến đi chơi xa cùng gia đình vào cuối tuần, hộp bút màu yêu thích… Đây chính là động lực giúp trẻ thường xuyên có những hành vi đúng đắn hơn.
Động viên, ghi nhận sự cố gắng của trẻ kịp thời và đúng lúc. Cha mẹ hãy khen ngợi vì sự nỗ lực của trẻ trong quá trình học tập, hoàn thiện bản thân. Kể cả khi trẻ chưa đạt được kết quả tốt nhất nhưng nếu bạn thấy con đã cố gắng hết sức thì hãy cứ động viên, khích lệ trẻ. Tuy nhiên, lời khen cũng cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, không phải cứ thấy con làm tốt chút đã vội vàng khen con giỏi giang. Cha mẹ nên cân nhắc có thể động viên con đã “làm đúng”, “làm tốt”, thay vì cứ ca tụng, tán dương vì sẽ khiến trẻ lầm tưởng về khả năng của mình. Những lời khen ngợi sau mỗi nhiệm vụ cũng giúp tăng khả năng thành công của trẻ trong tương lai.
Hướng dẫn thưởng phạt
Để việc đặt ra các quy tắc thưởng phạt với trẻ tăng động giảm chú ý đạt được hiệu quả thì cha mẹ cần chú ý các điểm sau.
– Chuẩn bị trước những tình huống khó xử. Ví dụ cha mẹ biết rằng mình sắp ở trong tình huống khó khăn với trẻ (như khi ở một nơi trẻ cần im lặng và ngồi yên một thời gian khá lâu), cha mẹ hãy thảo luận với trẻ trước. Nói về các quy tắc, thỏa thuận về phần thưởng nếu trẻ tuân theo quy tắc và hình phạt nếu trẻ không nghe lời. Trong quá trình thực hiện, nếu trẻ bắt đầu “ngọ nguậy”, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ nhắc lại quy tắc và hình phạt đã nói trước đó. Điều này thường là đủ để ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi không hay của trẻ.
– Có thái độ tích cực: Cha mẹ cố gắng tìm các hành vi tốt của trẻ và thưởng cho trẻ hơn là cố gắng tìm lỗi và phạt trẻ. Cha mẹ chuẩn bị một thùng hoặc hộp đựng các phần thưởng nho nhỏ như những đồ chơi nhỏ, hình dán… Kiểu phần thưởng hữu hình này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khuyến khích hành vi tốt của trẻ. Sau một thời gian, cha mẹ có thể cắt bớt các phần thưởng hữu hình và thay vào bằng những lời khen ngợi hoặc những cái ôm. Một phương pháp mà nhiều bậc cha mẹ thấy hữu ích là hệ thống điểm thưởng. Trẻ được thưởng điểm nhờ hành vi tốt có thể dùng điểm để “mua” các “đặc quyền”, hoặc những hoạt động nào đó. Điểm thưởng có thể đổi lấy một buổi xem phim hoặc được thức thêm 30 phút sau giờ phải đi ngủ. Việc áp dụng hệ thống điểm thưởng này có thể củng cố các hành vi tốt hàng ngày và xây dựng lòng tự trọng cho trẻ thông qua chuỗi thành tích. Nếu có thể, cha mẹ nên cố gắng đặt ra các quy tắc tích cực trong nhà thay vì các quy tắc tiêu cực. Các quy tắc nên đặt ra hình mẫu về hành vi tốt, thay vì bảo trẻ những việc không nên làm. Điều này sẽ cung cấp cho trẻ tăng động giảm chú ý một hình mẫu nên làm theo, thay vì khiến trẻ buồn về những việc không nên làm.
– Nhất quán trong trường hợp cần phải dùng hình phạt: Cha mẹ cần nhất quán về hình phạt cho hành vi không đúng mực của trẻ. Trẻ tăng động giảm chú ý gặp khó khăn về khoảng thời gian tập trung chú ý và tư duy về “nguyên nhân – kết quả”, nên hình phạt áp dụng quá muộn sau khi trẻ phạm lỗi có thể không còn ý nghĩa. Các hình phạt này đối với trẻ có vẻ như độc đoán và bất công, khiến trẻ cảm thấy tổn thương và tiếp tục hành vi xấu. Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần áp dụng hình phạt sau khi trẻ phạm lỗi càng sớm càng tốt.
– Tính hiệu lực của hình phạt phải đủ mạnh (phù hợp với đặc điểm của trẻ) mới có tác dụng. Nếu hình phạt quá nhẹ, trẻ sẽ coi thường và tiếp tục phạm lỗi. Ví dụ, khi trẻ không hoàn thành nhiệm vụ thì bị phạt bằng cách “trẻ phải làm sau”. Cách phạt này không thực sự có tác dụng với trẻ. Tuy nhiên, việc không được phép chơi game tối hôm đó có thể là hình phạt thích đáng.
– Cha mẹ luôn luôn bình tĩnh, không phản ứng mất bình tĩnh với các hành vi không ngoan của trẻ. Cha mẹ giữ giọng nói bình tĩnh và thái độ điềm nhiên khi áp dụng hình phạt. Thái độ nổi giận của cha mẹ cũng là tín hiệu báo cho trẻ biết trẻ có thể điều khiển cha mẹ bằng hành vi xấu. Đặc biệt nếu trẻ tỏ thái độ để gây chú ý thì điều này đã khuyến khích hành vi xấu đó.
– Dùng hình phạt time-out (cách ly hoặc úp mặt vào tường) hiệu quả. Biện pháp này có hiệu quả khi cha mẹ không dùng hình phạt này như một “án phạt cấm túc”, mà nên xem hình phạt này như một dịp để trẻ bình tĩnh lại và suy ngẫm về tình huống. Khi áp dụng, cha mẹ cần đặt ra một khoảng thời gian nhất định mà trẻ phải ở yên một chỗ (không có ti vi, không có các yếu tố gây sự chú ý của trẻ) và bình tĩnh lại (thông thường không quá 1 phút cho mỗi năm tuổi của trẻ).
– Để trẻ nhìn thấy những hậu quả của hành vi xấu. Khi trẻ có những hành vi không tốt, thay vì la mắng hoặc đánh trẻ, cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo, nhắc nhở, giải thích để chỉ ra cho con nhận thấy hậu quả của những hành vi này. Ví dụ như trẻ hay leo trèo, chạy nhảy, cha mẹ có thể chỉ ra một số trường hợp ngã, tai nạn vì leo trèo. Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên có hình thức kỷ luật cụ thể như không mua cho đồ chơi trẻ yêu thích, hoặc không cho xem tivi trong 1 ngày…
– Quy tắc xử phạt nên được đặt ra ngay từ đầu thay vì đến lúc trẻ mắc lỗi cha mẹ mới đưa ra cho con. Qua đó sẽ giúp trẻ hình thành tính kỷ luật và không cảm thấy bất mãn với bố mẹ.
Chia nhỏ các hoạt động cho trẻ tăng động giảm chú ý
– Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị choáng ngợp trước những nhiệm vụ tưởng như đơn giản. Trẻ tăng động giảm chú ý chỉ thấy đơn giản khi việc đó được chia thành các bước nhỏ hơn. Ví dụ, nếu trẻ được giao nhiệm vụ giặt quần áo, cha mẹ có thể chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn như cho quần áo vào máy, bột giặt và nước xả vào máy, bật máy giặt, lấy quần áo ra khi giặt xong. Yêu cầu trẻ lặp lại điều cha mẹ vừa nói để chắc chắn là trẻ có nghe và hiểu các chỉ dẫn. Việc làm này cũng giúp trẻ củng cố nhiệm vụ trong đầu.
– Dùng các phương tiện nhắc nhở trẻ chú ý vào nhiệm vụ được giao. Cha mẹ hãy sử dụng bản liệt kê các việc cần làm, bảng kế hoạch trong ngày, lịch hoặc bảng ghi nhiệm vụ cũng có thể giúp ích cho trẻ có các vấn đề về việc tập trung chú ý. Ví dụ, với nhiệm vụ dọn dẹp, cha mẹ có thể tạo ra một hệ thống các hộp và ngăn kệ được mã hóa bằng màu sắc, ghi nhãn hoặc dán hình ảnh để giúp trẻ nhớ thứ gì cần phải bỏ vào đâu trong khi dọn dẹp.
– Cha mẹ cần quy định thời gian cụ thể cho mỗi hoạt động. Trẻ tăng động giảm chú ý thường không có khái niệm về thời gian, nên thường trì hoãn và chậm tiến độ trong mọi việc. Do đó, việc thiết lập thời gian tối ưu cho từng nhiệm vụ của trẻ là rất cần thiết và trẻ cần tuân theo quy tắc thời gian này. Ví dụ, yêu cầu trẻ làm một bài toán trong 20 phút, viết đoạn văn trong 30 phút.
– Cha mẹ nên cho trẻ tăng động giảm chú ý chỉ thực hiện một nhiệm vụ tại một thời điểm để đạt hiệu quả tốt hơn. Chẳng hạn nếu cha mẹ muốn con dọn dẹp phòng ngủ, hãy yêu cầu trẻ làm từng nhiệm vụ nhỏ như gấp chăn, sắp xếp sách vở, cất đồ chơi… Tuy nhiên, cha mẹ cần giám sát để nhắc nhở trẻ sau khi hoàn thành một nhiệm vụ mới và chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo.
Tạo môi trường phù hợp cho trẻ tăng động giảm chú ý
– Tạo thói quen sinh hoạt tốt: Cha mẹ nên xây dựng cho trẻ thời gian biểu hằng ngày, đi kèm mốc thời gian chi tiết, đặt ở nơi dễ nhìn và yêu cầu trẻ thực hiện theo đúng kế hoạch. Cha mẹ có thể mua tặng trẻ một chiếc đồng hồ hình con thú ngộ nghĩnh mà trẻ thích, đặt chuông báo thức giúp trẻ tự dậy đúng giờ. Thời gian biểu được lập càng chi tiết càng giúp trẻ dễ dàng học được kỹ năng sắp xếp tổ chức công việc và tập trung chú ý hơn.
– Cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ bấm giờ để đưa ra khoảng thời gian cố định cho trẻ hoàn thành một nhiệm vụ gì đó. Cha mẹ cũng lên lịch nghỉ ngơi để giúp trẻ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn.
– Ngủ đủ giấc. Thói quen ngủ xấu có thể làm tăng các triệu chứng tăng động giảm chú ý. Trong khi một đêm ngon giấc có tác dụng ngược lại. Cha mẹ tạo thói quen đều đặn hàng ngày, đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi sáng và tối, nên ngủ đủ từ 10 đến 11 tiếng.
– Giới hạn thời gian trẻ được tiếp xúc với các loại màn hình chỉ trong một tiếng đồng hồ mỗi ngày, bao gồm tivi, video game, điện thoại thông minh, internet, máy tính bảng…
– Tạo môi trường yên tĩnh khi con học: Trẻ tăng động rất dễ bị kích thích khi nghe tiếng động hoặc nhìn vật màu sắc. Trẻ tăng động giảm chú ý sẽ tập trung vào việc học tốt hơn khi cha mẹ tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh, tránh mọi tiếng ồn. Cha mẹ cũng hạn chế treo quá nhiều đồ vật trẻ yêu thích, hoặc có nhiều màu sắc nhằm tránh sự phân tâm của trẻ.
– Cho trẻ tham gia các bộ môn năng khiếu: Trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn khi cần tập trung vào các hoạt động học tập. Tuy nhiên, trẻ lại có khả năng tập trung cao độ với những thứ yêu thích. Các bậc phụ huynh hãy cho trẻ thử qua các bộ môn như hội họa, bơi lội, võ thuật… để tìm ra khả năng đặc biệt của trẻ và tạo mọi cơ hội giúp con phát triển.
– Kiểm soát chương trình truyền hình của trẻ: Trẻ tăng động có thể một phần do ảnh hưởng từ các chương trình mang tính bạo lực như phim hành động mạnh, các phim giới hạn độ tuổi, vì trẻ chưa đủ nhận thức phân biệt đúng sai. Thay vào đó, nên cho trẻ theo dõi các chương trình lành mạnh, phù hợp độ tuổi của trẻ.
Trò chuyện và chơi cùng trẻ tăng động giảm chú ý
Thường xuyên trò chuyện với trẻ mỗi ngày là cách tốt nhất để gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, hỏi han về những khó khăn trẻ gặp phải. Việc trò chuyện với trẻ về các câu chuyện thực tế, hay các trò chơi thú vị, trẻ nhỏ sẽ học được nhiều điều bổ ích, rèn luyện kĩ năng xử lý tình huống, sự kiên nhẫn và khả năng tư duy logic. Đây cũng là cách dạy trẻ tăng động được nhiều chuyên gia tín nhiệm và khuyên phụ huynh nên áp dụng thường xuyên. Do đó, cha mẹ hãy dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách, kể chuyện và cùng con chơi các trò chơi như lego, giải câu đố, cờ vua, trò giả tưởng, đóng vai, diễn kịch… Qua đó cha mẹ sẽ lập được kế hoạch chi tiết và phù hợp với trẻ để có thể điều chỉnh tốt hơn các hành vi tăng động của trẻ.
Khi trò chuyện, cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu về những hành vi khống tốt của mình để trẻ hiểu về những hành động chưa đúng từ đó tự sửa chữa và không tái phạm lần sau. Cha mẹ tránh đánh mắng hay dùng đòn roi, bởi đó không phải là cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý, thậm chí còn làm phản tác dụng khiến trẻ nảy sinh hành vi chống đối. Một khi trẻ thấy mình được tôn trọng và yêu thương, trẻ sẽ thấy mình cần tuân theo quy tắc đã thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ. Khi nói chuyện với trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần tắt tivi, điện thoại ở chế độ im lặng và không cố nói chuyện với người khác cùng lúc nói chuyện với trẻ. Trẻ tăng động giảm chú ý chỉ theo kịp những câu ngắn gọn. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng nói ít, dùng những câu đơn giản và hãy yêu cầu trẻ giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện.
Phối hợp với nhà trường và nhà trị liệu
– Trao đổi với giáo viên và mọi người trong gia đình về chứng bệnh trẻ đang gặp phải. Việc dạy trẻ tăng động sẽ không thể đạt hiệu quả cao nếu như cha mẹ dấu bệnh của trẻ. Cha mẹ cần chia sẻ với giáo viên để có sự kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục con. Những người thân trong gia đình như ông bà hoặc anh/chị/em cũng cần được biết để có cách ứng xử phù hợp với trẻ.
– Cho trẻ tham gia những buổi trị liệu tâm lý. Trị liệu tâm lý là phương pháp được khá nhiều bậc phụ huynh sử dụng để giúp con chữa trị chứng tăng động giảm chú ý. Bên cạnh những buổi tâm lý trị liệu, cha mẹ cần thống nhất cách thực hiện, củng cố các hành vi tốt của trẻ cũng như có biện pháp cứng rắn nhưng linh hoạt hơn trong việc áp dụng các hình phạt với trẻ, giúp quá trình chữa trị đạt hiệu quả nhất.
Lương Nguyễn