Chăm sóc cho trẻ tự kỷ tại nhà và những điều cần lưu ý

Chăm sóc trẻ tự kỷ là điều không hề dễ dàng. Cha mẹ và người chăm sóc càng cần dành nhiều thời gian để hiểu và có cách chăm sóc phù hợp với trẻ.

Đặc điểm của trẻ tự kỷ

Các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ có thể được phát hiện từ rất sớm và được chẩn đoán xác định từ mốc trẻ 3 tuổi. Việc hiểu về đặc điểm của trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ nhận ra khó khăn của trẻ, từ đó biết cách hỗ trợ, tạo sự thoải mái và giúp trẻ phát triển. Bố mẹ có thể chú ý đến những bất thường như sau ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Hạn chế về tương tác xã hội

Trẻ tự kỷ thường bị suy giảm trong việc ứng xử với mọi người xung quanh, việc giao tiếp bằng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ… của trẻ rất hạn chế. Trẻ thể hiện sự cô lập, thích chơi một mình và né tránh các tình huống giao tiếp. Trẻ không chỉ tay để thể hiện nhu cầu hoặc chia sẻ, không phân biệt rõ lạ quen, không phản ứng với tên gọi.

Những khó khăn của trẻ có thể biểu hiện từ những mốc phát triển đầu đời của trẻ như tháng thứ 3 không biết cười, tháng thứ 4, thứ 5 không biết ê a, hướng mắt hóng chuyện hoặc không biết khóc, sợ hãi khi ở tháng thứ 8.

Lớn hơn chút có thể thấy khó khăn trong việc nhận biết người xung quanh của trẻ tự kỷ. Trẻ dường như không nhận biết và cũng không thể hiện sự gắn kết với người thân trong gia đình.

Hạn chế về ngôn ngữ hiểu

Đây là một trong những khó khăn điển hình mà cha mẹ dễ dàng nhận thấy ở trẻ tự kỷ. Trẻ hầu như không phản ứng với tên gọi của mình, những mệnh lệnh đơn giản trong giai đoạn hiểu sớm như “Đứng lên/Ngồi xuống/Lấy ghế” cũng là điều rất khó hiểu với trẻ, trẻ hầu như không quan tâm và thực hiện theo hướng dẫn của mọi người. Trong trường hợp thính giác của trẻ bình thường, cha mẹ sẽ cảm thấy trẻ như trẻ không nghe theo và không làm theo.

Chậm về ngôn ngữ nói

Đây cũng là một dấu hiệu điển hình giúp cha mẹ nhận thấy khó khăn của trẻ. Trẻ tự kỷ thường bị khiếm khuyết về ngôn ngữ, trẻ có thể mất hẳn ngôn ngữ, phát ra những âm thanh ê a vô nghĩa hoặc có sự chậm trễ trong việc sử dụng ngôn ngữ. Đối với trẻ có ngôn ngữ thì việc thể hiện ngôn ngữ của trẻ cũng có những bất thường: Giọng đều đều không rõ cảm xúc, thích độc thoại, khó khăn trong việc sử dụng nhân xưng, khó có thể duy trì một cuộc hội thoại, nói định hình, sai ngữ nghĩa, nói nhại lời, nói không rõ từ, không theo tình huống giao tiếp.

Hạn chế trong giao tiếp không lời 

Bên cạnh khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ, hầu hết trẻ tự kỷ cũng gặp khó khăn trong ngôn ngữ biểu cảm, trẻ có thể không hiểu và không biết sử dụng những hành vi phi ngôn ngữ (nét mặt, giọng nói, cử chỉ, điệu bộ…) để biểu đạt nguyện vọng của mình. Cụ thể như khi trẻ muốn một đồ vật nhưng không thể gọi tên, thay vì nhìn vào mắt, chỉ tay thể hiện mong muốn thì trẻ chỉ biết kéo tay hoặc khóc hét để xin trợ giúp.

Không thích sự thay đổi

Trẻ tự kỷ thường dễ cảm thấy thiếu sự an toàn đối với mỗi sự vật, con người, hoàn cảnh xa lạ. Trẻ muốn tất cả đều phải quen thuộc theo ý trẻ từ vật dụng cá nhân, đồ dùng học tập, không gian sinh hoạt… Chính vì vậy, với mỗi thay đổi dù là nhỏ nhất với trẻ tự kỷ, cha mẹ đều cần cẩn trọng thông báo và làm bước đệm để trẻ chấp nhận sự thay đổi này.

Gắn bó bất thường

Trẻ từ kỷ thường gắn bó bất thường với một đồ vật theo cách không bình thường. Trẻ thường cầm nắm, ngửi, nếm những chi tiết trên đồ vật đó thay vì sử dụng nó theo đúng công dụng được thiết kế của đồ vật.

Rối loạn xử lý giác quan

Tự kỷ thường đi kèm với các vấn đề về giác quan. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ thậm chí còn thêm giác quan nhạy cảm vào danh sách các triệu chứng giúp chẩn đoán chứng tự kỷ vào năm 2013. Có hai loại vấn đề về giác quan có thể ảnh hưởng đến trẻ tự kỷ: siêu nhạy cảm và giảm nhạy cảm. Cả hai loại nhạy cảm đều ảnh hưởng đến cách đứa trẻ xử lý và phản ứng với các loại kích thích khác nhau.

Trẻ siêu nhạy cảm là trẻ có phản ứng quá mức với các sự kích thích. Điều này thường được gọi là “quá tải cảm giác”. Cả những sự kích thích thường xuyên và quá mức như đèn sáng hoặc mùi hương, đều có thể ảnh hưởng đến những đứa trẻ siêu nhạy cảm, khiến chúng cảm thấy choáng ngợp.

Trái ngược với siêu nhạy cảm, một số trẻ tự kỷ thực sự kém phản ứng với các giác quan và sự kích thích. Một ví dụ về điều này là ngưỡng cảm nhận đau thấp. Một đứa trẻ giảm nhạy cảm cũng có thể kém phản ứng với các tín hiệu cơ thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát thăng bằng và phối hợp thể chất.

Những khó khăn về giác quan có thể được trẻ biểu hiện thông qua hành vi. Ví dụ bịt tai khi nghe thấy âm thanh bình thường, hay thường xuyên ngửi đồ vật, hay quay tròn, đập tay vào đầu…

Hành vi chống đối

Trẻ tự kỷ thường thích làm theo ý mình thay vì quan tâm đến những chuẩn mực hoặc ý muốn của mọi người xung quanh. Trẻ cũng thường phản ứng khá mạnh trong những tình huống giao tiếp không vừa ý. Ví dụ khi trẻ muốn một món đồ mà cha mẹ không đáp ứng, trẻ có thể gào khóc, đập phá hoặc làm đau những người xung quanh. Do không hiểu quy tắc và cách ứng xử nên đôi khi trẻ có thể có những hành vi như tự ý lấy đồ trong siêu thị, cướp đồ của bạn,… Điều này có thể gây phiền toái cho cha mẹ, tuy nhiên hãy khoan xấu hổ và hạn chế trẻ ở nhà. Việc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập vào các môi trường xã hội là điều rất cần thiết để giúp con phát triển, việc này cần sự kiên nhẫn của cha mẹ.

Hành vi định hình

Quan sát lâm sàng có thể thấy trẻ tự kỷ thường có hành vi định hình, rập khuôn máy móc. Trẻ lặp đi lặp lại một số hành động quen thuộc như đi vòng vòng, xem bàn tay, xếp đồ vật theo hàng ngang, đổ ra – nhặt vào liên tục…

Hành vi định hình cũng thể hiện rõ trong hoạt động chơi của trẻ tự kỷ. Trẻ thường chơi cứng ngắc theo một kiểu trẻ xác định, khó chấp nhận sự  thay đổi, sáng tạo trong cách chơi và có thể là từ chối sự tham gia chơi từ bạn bè hoặc cha mẹ.

Hành vi bất thường

Trẻ tự kỷ cũng có những hành vi bất thường không rõ ý nghĩa như đi nhón chân, đi vòng tròn, lắc lư… Các hành vi này có thể xảy ra gián đoạn hoặc kéo dài liên tục. Đôi khi trẻ cũng có những hành vi gây tổn thương cho bản thân và tỏ ra thích thú vì điều đó như cắn, cấu, đập đầu vào tường, nhổ tóc…

Rối loạn ăn uống

Trẻ tự kỷ cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng như chán ăn, kén ăn, ói mửa, khó khăn trong việc mút-nhai-nuốt. Lớn hơn chút trẻ cũng có thể xuất hiện tình trạng chỉ ăn một loại đồ ăn cố định, không chịu thử các loại thức ăn đa dạng. Các vấn đề về ăn uống có thể liên quan đến những khó khăn về xử lý giác quan ở trẻ. Ví dụ với trẻ nhạy cảm với mùi vị, trẻ có thể chỉ thích ăn 1 loại mà không muốn ăn những loại đồ ăn khác nhau.

Khiếm khuyết về trí tuệ

Có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng trẻ tự kỷ có nhiều khả năng cũng có khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Ở một khía cạnh nào đó, trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc học tập, tiếp thu kiến thức mới.

Môi trường sinh hoạt phù hợp với trẻ tự kỷ

Mỗi trẻ thường có những sở thích riêng và có phản ứng khác nhau với môi trường xung quanh. Với trẻ tự kỷ cần có một không gian sinh hoạt khác biệt và đặc thù hơn. Khi bố trí không gian cho trẻ tự kỷ cần chú ý đến nhu cầu, khả năng cũng như khó khăn của trẻ, cách trẻ phản ứng với môi trường xung quanh để sắp xếp đồ đạc, vật dụng phù hợp cho cuộc sống hàng ngày. Việc tạo ra môi trường phù hợp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ.

Một môi trường sinh hoạt quen thuộc, phù hợp và thuận tiện cho trẻ tự kỷ cũng là điều rất cần thiết. Sự quen thuộc sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, trầm tính và giảm các hành vi chống đối ở trẻ tự kỷ. Thiết kế các vật dụng thuận tiện, vừa khả năng sử dụng và tầm với của trẻ sẽ giúp thúc đẩy sự tự lập của trẻ tự kỷ. Nên sắp xếp cho trẻ có một khoảng không gian trống để trẻ dễ di chuyển và sinh hoạt.

Với những trẻ nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, cần chú ý đến ngưỡng cảm giác của trẻ để tạo môi trường hạn chế những kích thích khó chịu cho trẻ. Ví dụ điều chỉnh độ sáng của đèn, sử dụng màu sắc tươi sáng hay dịu nhẹ, phòng có nhiều tiếng ồn hay không…

Với những trẻ hạn chế về ngôn ngữ, có thể thiết kế những bộ thẻ hình (flascard) dán ở những vị trí phù hợp để tăng thêm cơ hội tương tác, thể hiện nhu cầu mong muốn của trẻ hoặc cung cấp thêm cho trẻ những gợi ý, chỉ dẫn qua hình ảnh. Ví dụ thẻ hình thể hiện các bước rửa tay dán ở bồn rửa cho trẻ.

Cha mẹ cũng cần chú ý thiết kế một môi trường đảm bảo sự an toàn, tránh để các đồ vật có khả năng gây tổn thương (dao, kéo), đồ vật dễ vỡ (cốc thủy tinh) trong tầm với của trẻ bởi lẽ khả năng kiểm soát và nhận biết nguy hiểm của trẻ tự kỷ rất hạn chế.

Hướng dẫn hoạt động cho trẻ tự kỷ

Để hướng dẫn trẻ tự kỷ cùng tham gia vào các hoạt động, gia đình cần quan sát và tìm hiểu các đặc điểm của trẻ, dành nhiều thời gian tương tác và dạy trẻ. Kết hợp dạy trẻ trong các tình huống đồ chơi, tranh ảnh, đồ dùng gia đình… Ghi lại nhật ký hàng ngày của trẻ và những điều trẻ học được, làm được. Trẻ cần được dạy về các kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng chơi đùa, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng vận động, quản lý hành vi và điều hòa giác quan.

Gia đình có thể kết hợp dạy và chơi với trẻ từ những hoạt động đơn giản nhất đến những hoạt động cần nhiều kỹ năng hơn: nhìn mắt, chỉ tay, đáp ứng với tên gọi, dạy trẻ chào,vỗ tay, vẫy tay. Tiếp đó dạy trẻ làm các việc đơn giản như lấy mũ, đưa cốc, dạy trẻ tự phục vụ như xúc ăn, mặc áo, đi dép, tham gia các hoạt động thể chất… Các hoạt động dựa theo khả năng, độ tuổi và sở thích của trẻ. Gia đình cần tìm hiểu sở thích và ý muốn của trẻ để để đưa ra gợi ý hoặc tạo động lực cho trẻ trong việc tham gia vào các hoạt động.

Trẻ tự kỷ thường thích ở một mình và hầu như không quan tâm đến mọi người xung quanh. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ, cha mẹ nên chú ý và lôi kéo trẻ vào các hoạt động hàng ngày. Việc hướng dẫn có thể bắt đầu hoạt động sinh hoạt đơn giản, lặp đi lặp lại hàng ngày (tự chuẩn bị quần áo, khăn, khi đi tắm tự xối nước, đi vệ sinh xong tự giác rửa tay, tự ăn, uống, tự đi dép, mặc áo quần, lau mặt, lau miệng khi ăn…). Cha mẹ cần làm “cùng con” trong mọi hoạt động, thể hiện sự gắn kết và thúc đẩy sự tham gia của trẻ. Sự đồng hành của cha mẹ sẽ đem tới hiệu quả cao trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ.

Bên cạnh việc tự phục vụ, trẻ tự kỷ cũng cần được hướng dẫn để có thể giúp đỡ mọi người một số công việc đơn giản. Điều này vừa giúp tăng kỹ năng, tạo sự gắn kết cũng như tăng nhận thức cho trẻ. Trẻ có thể lấy đồ đạc giúp cha mẹ, ông bà, đóng mở cửa cho mọi người, tham gia vào hoạt động dọn dẹp cùng gia đình,… Trong mỗi lần trẻ làm nhiệm vụ, hãy theo dõi, cổ vũ cũng như trợ giúp kịp thời để trẻ có động lực thực hiện hoạt động.

Hãy đặt một lịch trình hoạt động cho trẻ và nhất quán với lịch trình đó. Trẻ tự kỷ sẽ dễ dàng chấp nhận một việc có kế hoạch hơn là nhất thời nghĩ ra và yêu cầu trẻ làm. Cha mẹ có thể thiết kế một lịch tập luyện vận động cho trẻ bằng cách tham gia vào hoạt động đạp xe hoặc đi bộ. Có thể thiết kế thời gian từ ngắn đến dài để trẻ quen dần với cường độ hoạt động. Việc vận động giúp trẻ tăng cường vận động thô, đây cũng là một biện pháp để trợ giúp một số trẻ tự kỷ có khó khăn về trương lực cơ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho trẻ đến một số khu vui chơi chung để tham gia một số hoạt động vui chơi như cầu trượt, xích đu, bập bênh… Trẻ tự kỷ vẫn là một đứa trẻ và vẫn cần được vui chơi. Thay vì chỉ chú ý đến các liệu pháp trị liệu, trẻ tự kỷ cần được dành nhiều thời gian để vui chơi và tạo niềm vui. Lên lịch thời gian chơi khi trẻ tỉnh táo và vui vẻ nhất. Tìm ra cách để cùng nhau vui vẻ bằng cách nghĩ về những điều khiến trẻ cười và thoát ra khỏi vỏ bọc của mình. Trẻ có thể thích tham gia hoạt động cùng cha mẹ nếu chúng không được thực hiện với mục đích trị liệu hoặc giáo dục. Điều này có hiệu quả rất lớn trong việc gắn kết cha mẹ và trẻ tự kỷ, khiến trẻ dễ dàng chấp nhận sự tiếp cận hơn. Vui chơi là một phần thiết yếu của việc học đối với tất cả trẻ em và không nên khiến trẻ cảm thấy đó là công việc của trẻ.

Cách đối xử với trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường có những khó khăn về giao tiếp, tương tác, hành vi khởi phát từ khá sớm và sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống với những người xung quanh, kể cả là người thân trong gia đình, bạn bè hay với người lạ. Tuy nhiên, cách chúng ta ứng xử với trẻ cũng có thể giúp trẻ hạn chế những khó khăn này. Dưới đây là những lưu ý về cách đối xử với trẻ, trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ.

Kiên nhẫn với trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin. Vì vậy khi trao đổi thông tin với trẻ cần nói chậm lại theo tốc độ của trẻ, đơn giản và dễ hiểu.

Hãy sử dụng thêm cử chỉ hoặc các cách khác để giao tiếp với trẻ. Vì khả năng ngôn ngữ của trẻ có thể bị hạn chế nên những cách giao tiếp tăng cường khác có thể giúp ích cho việc trao đổi thông tin với trẻ.

Thể hiện tình cảm và sự quan tâm với trẻ theo cách trẻ thích. Ví dụ trẻ tự kỷ gặp khó khăn về xử lý giác quan có thể không thích ôm ấp vỗ về, hãy tôn trọng trẻ và tìm cách phù hợp hơn để thể hiện tình cảm. Hãy thể hiện cho trẻ biết rằng trẻ được yêu thương, quan tâm và giúp đỡ khi cần.

Hãy linh hoạt, trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong những tình huống mới. Với đặc điểm và tính định hình và rập khuôn, trẻ có thể gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi hoặc thể hiện những kỹ năng đã biết của mình ở một tình huống mới lạ. Vì thế cha mẹ cần kiên nhẫn trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ.

Tạo sự nhất quán cho trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc áp dụng những gì trẻ đã học được trong một môi trường (chẳng hạn như ở trung tâm trị liệu hoặc trường học) với những người khác, kể cả ở nhà. Ví dụ, con bạn có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ở trường để giao tiếp, nhưng trẻ lại gặp khó khăn khi làm như vậy ở nhà. Vì thế cha mẹ cần tạo sự nhất quán trong môi trường chăm sóc trẻ tự kỷ. Tìm hiểu những gì nhà trị liệu của con bạn đang làm và tiếp tục các kỹ thuật của họ tại nhà. Khám phá khả năng thực hiện trị liệu ở nhiều nơi để khuyến khích trẻ chuyển những gì đã học được từ môi trường này sang môi trường khác. Điều quan trọng là bạn phải nhất quán trong cách bạn tương tác với con mình và đối phó với những hành vi thách thức.

Dạy trẻ tự kỷ theo một lịch trình

Trẻ em tự kỷ có xu hướng làm tốt nhất khi trẻ có một lịch trình hoặc thói quen có cấu trúc chặt chẽ. Thiết lập một lịch trình cho con bạn, với thời gian đều đặn cho các bữa ăn, liệu pháp, trường học và giờ đi ngủ. Cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn đối với thói quen này. Trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ, nếu bắt buộc phải có sự thay đổi thì cha mẹ cần chuẩn bị trước cho trẻ.

Khen thưởng hành vi tốt

Sự củng cố tích cực có thể giúp ích rất nhiều cho trẻ tự kỷ. Vì vậy hãy cố gắng “để trẻ làm điều gì đó tốt”. Tập trung vào những điều tích cực, khen ngợi trẻ khi trẻ hành động phù hợp hoặc học một kỹ năng mới, nói thật cụ thể về hành vi mà trẻ đang được khen ngợi. Ngoài ra, hãy tìm những cách khác để thưởng cho trẻ khi có hành vi tốt, chẳng hạn như cho trẻ một hình sticker hoặc để trẻ chơi với một món đồ chơi yêu thích.

Tạo vùng an toàn cho gia đình

Trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ, cha mẹ cần tạo một không gian riêng trong nhà, nơi mà trẻ có thể thư giãn, cảm thấy yên tâm và an toàn. Điều này sẽ liên quan đến việc tổ chức và thiết lập các ranh giới theo cách mà trẻ có thể hiểu được. Có thể để trẻ nhìn thấy ranh giới rõ ràng bằng cách đánh dấu các khu vực băng màu vượt quá giới hạn, dán nhãn các vật dụng trong nhà bằng hình ảnh. Đặc biệt nếu trẻ dễ nổi cơn thịnh nộ hoặc các hành vi tự gây thương tích khác, cha mẹ cần thể hiện rõ sự an toàn trong nhà cho trẻ thấy.

Tìm kiếm các tín hiệu phi ngôn ngữ

Cha mẹ có thể học cách nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ mà trẻ tự kỷ sử dụng để giao tiếp. Chú ý đến loại âm thanh trẻ tạo ra, nét mặt và cử chỉ trẻ sử dụng khi mệt mỏi, đói hoặc muốn thứ gì đó.

Tìm ra nguyên nhân đằng sau cơn giận dữ

Việc cảm thấy khó chịu khi bị hiểu lầm hoặc phớt lờ là điều tự nhiên và trẻ tự kỷ cũng vậy. Khi trẻ tự kỷ biểu hiện ra ngoài, thường là do cha mẹ không nắm bắt được các tín hiệu phi ngôn ngữ của trẻ. Bộc lộ cơn giận là cách trẻ thể hiện sự thất vọng và thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Chú ý đến sự nhạy cảm giác quan của trẻ

Nhiều trẻ tự kỷ quá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, xúc giác, vị giác và khứu giác và một số trẻ lại “kém nhạy cảm” với các kích thích cảm giác. Cha mẹ cần tìm ra hình ảnh, âm thanh, mùi, chuyển động và cảm giác xúc giác nào kích hoạt các hành vi “xấu” hoặc gây rối của trẻ và điều gì tạo ra phản ứng tích cực. Trẻ cảm thấy căng thẳng vì điều gì? Thả lỏng khi nào? Không thoải mái? Thấy điều gì thú vị? Nếu cha mẹ hiểu điều gì ảnh hưởng đến con mình, cha mẹ sẽ khắc phục sự cố tốt hơn, ngăn ngừa các tình huống gây khó khăn và tạo ra những trải nghiệm thành công.

Thu Hằng – Ngọc Bích