Bên cạnh sự háo hức chuẩn bị cho con vào học tập ở môi trường mới, không ít phụ huynh lại cảm thấy lo lắng đặc biệt với phụ huynh có con bị chậm phát triển. Trẻ chậm phát triển có thể gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu học lớp Một, do các vấn đề liên quan đến cả khả năng học tập và kỹ năng xã hội. Một số khó khăn chính bao gồm:
– Khả năng tập trung và tiếp thu: Trẻ chậm phát triển có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào bài giảng, hiểu và ghi nhớ thông tin, hoặc làm theo hướng dẫn của giáo viên.
– Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ, diễn đạt suy nghĩ của mình, hoặc tham gia vào các cuộc trò chuyện, điều này làm ảnh hưởng đến việc học tập và tương tác với bạn bè.
– Kỹ năng vận động: Một số trẻ có thể gặp vấn đề về kỹ năng vận động tinh (như viết chữ, cầm bút) hoặc vận động thô (như đi lại, tham gia các hoạt động thể chất), khiến cho việc học tập hoặc tham gia các hoạt động trong lớp trở nên khó khăn.
– Khả năng tự lập và tổ chức: Trẻ có thể khó khăn trong việc tự quản lý thời gian, sắp xếp đồ dùng học tập hoặc hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không có sự hỗ trợ liên tục từ người lớn.
– Kỹ năng xã hội và hành vi: Trẻ chậm phát triển có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn cùng lớp, phát triển kỹ năng chia sẻ, hợp tác, và tuân thủ các quy tắc trong môi trường lớp học.
– Tâm lý và cảm xúc: Trẻ có thể cảm thấy lo lắng, áp lực hoặc mất tự tin khi không thể theo kịp chương trình học, hoặc khi nhận thấy mình khác biệt so với các bạn đồng trang lứa.
Những khó khăn này có thể khiến trẻ cảm thấy bị cô lập hoặc gặp trở ngại trong việc học tập nếu không được hỗ trợ đúng cách.
Phụ huynh cần trang bị các kỹ năng cần thiết cho trẻ chậm phát triển trước khi vào lớp Một
Để chuẩn bị cho trẻ chậm phát triển vào lớp Một được thuận lợi, phụ huynh cần quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ kỹ năng học tập đến kỹ năng xã hội và tâm lý. Phụ huynh có thể tham khảo một số biện pháp hữu ích sau:
– Đánh giá khả năng/năng lực của trẻ: Trước khi vào lớp Một, phụ huynh nên làm việc với các chuyên gia như nhà tâm lý học, giáo viên đặc biệt hoặc bác sĩ tâm thần để đánh giá mức độ phát triển của trẻ. Từ đó, có thể thiết kế một kế hoạch học tập và can thiệp phù hợp.
– Phát triển kỹ năng ngôn ngữ: phu huynh có thể dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cơ bản, khuyến khích trẻ trò chuyện, đọc sách cho trẻ nghe và hỏi đáp về tình huống trong sách truyện để giúp trẻ có vốn từ phong phú cũng như nâng cao khả năng hiểu từ vựng cho trẻ.
– Phát triển kĩ năng vận động: Tập luyện cho trẻ các hoạt động như cầm bút, tô màu, sử dụng kéo hoặc chơi những trò chơi vận động giúp tăng cường kỹ năng vận động tinh và vận động thô.
– Rèn luyện kỹ năng tự lập: Dạy trẻ cách tự mặc quần áo, sắp xếp đồ dùng cá nhân, tự ăn uống để trẻ có thể tự chăm sóc bản thân ở trường.
– Hướng dẫn trẻ làm theo các quy tắc đơn giản, hoàn thành nhiệm vụ nhỏ để rèn tính kỷ luật và sự tổ chức.
– Phát triển kỹ năng xã hội: Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với bạn bè, tham gia các hoạt động nhóm như chơi cùng các bạn hoặc tham gia câu lạc bộ trẻ em; Dạy trẻ về sự chia sẻ, cách tương tác với bạn bè và các tình huống xã hội cơ bản.
– Hỗ trợ tâm lý: Tạo không gian thoải mái và ủng hộ để trẻ cảm thấy an toàn và tự tin. Nói chuyện với trẻ về trường học, giúp trẻ hiểu những gì sẽ diễn ra ở lớp 1 để giảm bớt lo lắng cho trẻ.
– Làm việc chặt chẽ với giáo viên và nhà trường: Phụ huynh nên trao đổi với giáo viên để cung cấp thông tin về tình trạng phát triển của trẻ, yêu cầu hỗ trợ cụ thể và theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
Nếu có thể, phụ huynh tìm các chương trình giáo dục đặc biệt hoặc yêu cầu hỗ trợ thêm từ nhà trường để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
– Xây dựng thói quen học tập: Phụ huynh có thể bắt đầu xây dựng thói quen học tập hằng ngày cho trẻ, giúp trẻ làm quen với việc ngồi vào bàn học, tập trung và hoàn thành các bài tập đơn giản.
– Kiên nhẫn và động viên: Phụ huynh cần kiên nhẫn, động viên trẻ khi gặp khó khăn, không so sánh trẻ với các bạn khác, đặc biệt không nên quát nắng gây áp lực cho trẻ khi hướng dẫn trẻ học bài; phụ huynh nên tập trung vào sự tiến bộ nhỏ của trẻ để khuyến khích và tăng cường sự tự tin cho trẻ.
Việc kết hợp giữa giáo dục, tâm lý và xã hội sẽ giúp trẻ chậm phát triển có khởi đầu suôn sẻ hơn khi vào lớp Một.
NTL Nguyễn Lương