Chậm nói là gì?
Ngôn ngữ chính là phương tiện giao tiếp để con người có thể cung cấp và tiếp nhận thông tin thông qua ba phần chính đó là hình thức (gồm cú pháp, hình thái, âm vị), ngữ nghĩa và ngữ dụng. Lời nói là sự diễn đạt bằng lời của ngôn ngữ bao gồm sự phát âm hay chính là cách chúng ta hình thành âm thanh và giọng nói.
Kỹ năng nói và ngôn ngữ bắt đầu bằng tiếng thủ thỉ của trẻ sơ sinh. Sau một thời gian, trẻ phát triển từ những tiếng bập bẹ dường như vô nghĩa dần trở thành những từ dễ hiểu.
Chậm phát triển ngôn ngữ hay chậm nói là sự phát triển bất thường về ngôn ngữ, đây là dạng chậm phát triển phổ biến nhất ở trẻ em. Chậm nói được hiểu là khi trẻ chưa đạt được các mốc phát triển điển hình về ngôn ngữ đúng theo độ tuổi, trẻ vẫn có thể phát triển ngôn ngữ theo đúng trình tự nhưng với tốc độ chậm hơn so với các trẻ khác.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Để nhận biết việc chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ ở mức độ nào thì được xem là chậm nói, chúng ta sẽ dựa vào các mốc thời gian dưới đây.
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 12 tháng tuổi
– Trẻ không cố gắng giao tiếp với mọi người bằng âm thanh, cử chỉ hoặc lời nói, đặc biệt là khi trẻ cần giúp đỡ hoặc muốn điều gì đó.
– Trẻ không bập bẹ, phát ra một số âm phụ âm như “m”, “p”, “b”.
– Trẻ không phát ra bất kì một từ nào (ví dụ: mama, baba…).
– Trẻ không có phản ứng như quay đầu, hướng mắt theo, ê a khi được người khác gọi tên.
– Trẻ không thực hiện, cũng như không phản ứng với một số hành động hiểu sớm đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, bye bye, chào, chỉ tay khi có mong muốn.
– Trẻ không hóng chuyện, tỏ ra thờ ơ với thế giới xung quanh.
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 15 tháng tuổi
– Trẻ không có sự bắt chước âm thanh và không thể bắt chước gần đúng hầu hết các âm thanh khi người lớn hướng dẫn.
– Trẻ không bát chước qua lại để duy trì giao tiếp với cha mẹ.
– Trẻ không hiểu và không hiểu ý nghĩa một số từ mệnh lệnh đơn giản như “không”, “dậy”, “ngồi”, “lại đây…
– Trẻ không biết chỉ tay vào một số đồ vật quen thuộc khi cha mẹ hỏi.
– Trẻ không biết sử dụng hành động như chỉ tay, ngước ánh mắt để xin sự trợ giúp từ người lớn.
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 18 tháng tuổi
– Trẻ không thể nói được khoảng 20 từ khác nhau.
– Trẻ không có một số cử chỉ như chỉ trỏ, vẫy tay, đưa đồ kết hợ phù hợp với ngôn ngữ.
– Trẻ không nhận biết 6 bộ phận trên cơ thể (mắt, mũi, miệng…).
– Trẻ không thể chỉ vào một số tranh ảnh về người thân gia đình hoặc động vật quen thuộc.
– Trẻ không hiểu các mệnh lệnh đơn giản như dừng lại, không được…
– Trẻ không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi một số câu hỏi như: Cái gì đây? Mũ đâu? Dép đâu?
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 2 tuổi
– Trẻ chưa nói được khoảng 50 từ khác nhau.
– Trẻ không thể tự sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn mà vẫn nhại lời mọi người.
– Trẻ không nối được 2 từ để tạo thành câu.
– Trẻ không biết bắt chước cử chỉ hoặc lời nói của người khác.
– Khi xem sách, trẻ không thể chỉ vào hình ảnh mà cha mẹ gọi tên.
– Trẻ không thể thực hiện một cuộc hội thoại đơn giản với câu 2 từ.
– Trẻ không hiểu các câu hỏi hoặc một số hướng dẫn với câu nói dài hơn. Ví dụ như: Con lấy áo mặc đi. Con có ăn bánh không?
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 30 tháng tuổi
– Trẻ không thể nói câu đơn giản có khoảng từ 2-4 từ.
– Trẻ không thể nói được khoảng 100 từ.
– Trẻ không thể gọi tên trên 6 bộ phận cơ thể.
– Trẻ không nhớ được một bài thơ ngắn hoặc bài hát ngắn khi được lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Trẻ không thể đặt một số câu hỏi đơn giản như: Bố đâu rồi?
– Các thành viên trong gia đình không hiểu điều trẻ muốn diễn đạt.
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 3 tuổi
– Trẻ không nói được 200 từ khác nhau.
– Trẻ không biết sử dụng một số đại từ nhân xưng phù hợp.
– Trẻ không biết và gọi tên cảm xúc như con buồn, con vui.
– Trẻ không thể ghép các từ thành một câu khoảng 3 từ trở lên. Ví dụ: “Mẹ giúp con”, “Muốn ăn bánh”.
– Trẻ không thể hiểu một số câu hỏi hoặc mệnh lệnh dài hơn như “Lấy cốc nước để lên bàn” hoặc “Con muốn uống nước gì?”
– Trẻ chưa trả lời được một số câu hỏi: Cái gì? Ở đâu? Có/Không?
– Trẻ thường xuyên lắp bắp, gặp nhiều khó khăn mỗi khi phát âm hoặc diễn đạt, các thành viên trong gia đình hầu như không hiều điều trẻ đang muốn diễn đạt.
– Trẻ không biết đặt câu hỏi đơn giản.
– Trẻ thường tỏ ra thờ ơ, không hứng thú với sách truyện, không lặp lại những câu chuyện trong sách.
– Không quan tâm và không tương tác với những bạn cùng lứa tuổi.
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi 4 tuổi
– Trẻ chưa phát âm được hết các phụ âm.
– Trẻ không thể nói được một câu dài khoảng 5 – 7 từ, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và đúng tình huống giao tiếp.
– Trẻ không tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn.
– Trẻ chưa nói được một số đặc điểm (ví dụ: tên, tuổi, giới tính) của bản thân và thành viên trong gia đình.
– Trẻ không hiểu khái niệm “giống nhau”, “khác nhau”.
– Trẻ không nghe hiểu một số câu hỏi: Ở đâu? Con gì? Thế nào? Cái gì? Làm gì? Để làm gì? Như thế nào?…
– Trẻ không đặt được một số câu hỏi thông thường như: Cái gì? Ở đâu? Tại sao?…
– Trẻ không nghe hiểu và thực hiện một số yêu cầu 2 -3 mệnh lệnh. Ví dụ: Cất bóng vào tủ rồi đi ăn cơm.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra khi thảo luận về vấn đề chậm nói của trẻ. Sau khi tổng hợp lại, có 3 nguyên nhân chính khiến trẻ chậm nói đó là nguyên nhân sinh học, nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân xã hội.
Nguyên nhân sinh học
– Do những bất thường liên quan đến cơ quan phát âm như môi, miệng, lưỡi… Việc trẻ chậm nói có thể do các khiếm khuyết về miệng như các vấn đề về lưỡi hoặc vòng miệng. Một số trẻ bị hở hàm ếch cũng sẽ gặp khó khăn khi phát âm và ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Thắng lưỡi ngắn cũng làm hạn chế phạm vi hoạt động của đầu lưỡi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ.
– Do bệnh lý về thính giác. Khiếm thính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chậm nói. Việc không hoặc ít tiếp nhận được âm thanh gây cản trở quá trình trẻ hiểu cũng như bắt chước âm thanh của mọi người xung quanh. Những trẻ này thường có khả năng hiểu và nắm bắt các từ thấp, một số trẻ hầu như không nói được gì. Trẻ em cũng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về viêm tai trước 3 tuổi. Nếu gia đình không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh chuyển biến thành bệnh mãn tính có thể làm tăng nguy cơ chậm nói của trẻ. Vì vậy, việc đi kiểm tra thính lực và có phương pháp can thiệp kịp thời cho trẻ là điều rất cần thiết.
– Do các bệnh lý về vận động miệng, rối loạn xử lý âm thanh. Một số trẻ chậm nói do vùng âm thanh trên vỏ não gặp khiếm khuyết. Não bộ của trẻ không thể kiểm soát được các cơ và phần cơ thể dùng để nói, từ đó việc phối hợp môi, lưỡi và hàm để tạo âm thanh gặp khó khăn. Trẻ bị rối loạn xử lý âm thanh là tình trạng trẻ mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói. Đối với những trẻ thuộc nhóm này, gia đình có thể hỗ trợ trẻ bằng phương pháp âm ngữ trị liệu.
– Do bại não, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ: Nguyên nhân chậm nói của trẻ có thể liên quan đến một số bệnh lý khác. Mỗi trẻ sẽ có những mốc phát triển theo tốc độ khác nhau, tuy nhiên cha mẹ cũng cần quan sát khả năng của trẻ ở các kỹ năng khác. Đặc biệt khi trẻ không theo kịp khả năng vận động và nhận thức so với độ tuổi. Đây có thể là một khó khăn xuất phát từ một rối loạn khác không phải chậm nói đơn thuần.
Ngoài ra, trẻ chậm nói cũng có thể là hậu quả của một số di chứng sau chấn thương sọ não, xuất huyết não, viêm màng não,…
Nguyên nhân tâm lý
Trong quá trình phát triển, trẻ cũng có thể gặp phải những sang chấn về tâm lý như bị bạo hành, bị bỏ bê… khiến trẻ rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi, bực bội, khóc lóc, khó ngủ hoặc gặp ác mộng. Những điều này có thể khiến trẻ thu mình lại, không giao tiếp với mọi người xung quanh.
Nhiều trẻ sống trong gia đình có anh chị lớn hoặc gia đình hiếm muộn được cưng chiều quá mức, trẻ chưa cần nói để thể hiện mong muốn là đã được đáp ứng khiến trẻ mất động lực học tập và sử dụng ngôn ngữ. Điều này có thể là nguyên nhân trẻ chậm nói hoặc lười nói chuyện với mọi người xung quanh.
Nguyên nhân xã hội
Một tình trạng phổ biến mà trẻ gặp phải đó là các bậc phụ huynh vì muốn làm việc riêng, dỗ con nhanh hơn mà cho trẻ xem quá nhiều các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại di động, ipad… Điều này có thể làm giảm thời gian vận động, giảm khả năng tương tác xã hội cũng như mất đi cơ hội phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính cách của trẻ như tính cách nóng nảy, khó kết bạn, thích chơi một mình…
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em dưới 2 tuổi không được xem ti vi. Bởi ti vi phát ra các bước sóng làm giảm khả năng hoạt động của máu trong não, khiến trẻ trở nên chậm chạp hơn so với bình thường.
Gia đình chính là cái nôi đầu tiên cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Những năm đầu đời, trẻ học tập qua cơ chế bắt chước từ những người lớn xung quanh mình. Một gia đình hoạt ngôn và chịu tương tác với trẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Ngược lại, nếu cha mẹ quá bận rộn mà không thể nói chuyện với trẻ, lâu dần trẻ sẽ trở nên thờ ơ, gặp khó khăn trong việc tổ chức ngôn ngữ để giao tiếp cũng như khó thiết lập các mối quan hệ xung quanh.
Hiện nay, việc phát triển ngôn ngữ thứ hai cho trẻ thường được rất nhiều cha mẹ để ý. Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc thời gian thích hợp để trẻ có thể tiếp thu ngôn ngữ mới. Cần xây dựng cho trẻ một nền tảng ngôn ngữ thống nhất trước khi sử dụng thêm các ngôn ngữ khác. Những trẻ phát triển trong môi trường giao tiếp đa ngôn ngữ có thể phải cần rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu được ngôn ngữ của những người xung quanh.
Trong quá trình phát triển, trẻ cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để có thể có năng lượng tham gia các hoạt động hàng ngày. Suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân trẻ chậm nói so với lứa tuổi.
Những điều cần lưu ý về trẻ chậm nói
Trong quá trình thăm khám và điều trị cho trẻ chậm nói, khamtamly.vn nhận được khá nhiều câu hỏi, thắc mắc của phụ huynh về vấn đề chậm nói của con em mình. Sau đây là những câu hỏi thường gặp xung quanh vấn đề chậm nói của trẻ.
Trẻ chậm nói có đi học được không?
Việc con đến tuổi đi học nhưng vẫn chậm nói có vẻ là một vấn đề khiến nhiều cha mẹ khó xử. Cha mẹ thường lo sợ con mình chậm hơn các bạn, không biết diễn đạt, không hiểu hoạt động sẽ không theo kịp chương trình học, cũng như bị các bạn chê cười, xa lánh. Tuy nhiên, trẻ em học tập qua cơ chế bắt chước, học tập xã hội rất nhiều. Việc để con ở nhà sẽ khiến con mất đi cơ hội giao tiếp cũng như học tập từ các bạn cùng lứa tuổi.
Trẻ chậm nói đi học sẽ gặp một số khó khăn nhất định nhưng nếu cha mẹ biết cách phối hợp cùng nhà trường thì đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy con tiến bộ, sớm hòa mình cùng các bạn và học tập được ngôn ngữ cũng như kỹ năng phù hợp với lứa tuổi.
Những hệ lụy nếu trẻ chậm nói không được sớm trị liệu
Đôi khi gia đình vì quá bận rộn hoặc quá chủ quan mà lơ là tình hình phát triển của trẻ, khiến trẻ chậm nói có thể không được can thiệp kịp thời. Gia đình thường chỉ thực sự lo lắng và tìm kiếm biện pháp can thiệp khi trẻ lên 3 tuổi.
Ngôn ngữ chính là cầu nối của trẻ để trẻ giao tiếp và học tập, việc ngôn ngữ không phát triển theo kịp độ tuổi khiến trẻ gặp phải những vấn đề sau:
Chậm nhận thức: Khi trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, trẻ không thể cung cấp thông tin hai chiều cũng như tìm kiếm thông tin từ môi trường xung quanh. Việc này sẽ hạn chế khả năng khám phá thế giới, nâng cao nhận thức của trẻ. Đặc biệt, khi phát hiện và can thiệp muộn (sau 3 tuổi) sẽ giới hạn không gian phát triển não bộ của trẻ, bỏ qua giai đoạn phát trển vàng của trẻ.
Thiếu hụt kỹ năng: Trẻ chậm nói có thể gặp khó khăn khi được hướng dẫn các kỹ năng mới do khả năng nghe hiểu hạn chế. Qua thời gian dài, trẻ dần trở nên tự ti, không sẵn sàng giao tiếp cùng người xung quanh, thiếu hụt kỹ năng sống và gây cản trở cho cuộc sống sau này của trẻ.
Xuất hiện cảm xúc tiêu cực: Khi trẻ chậm nói, việc thể hiện nhu cầu của trẻ bị cản trở khiến trẻ trở nên dễ cáu gắt, nóng nảy, phiền muộn… Nếu không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và học tập của trẻ.
Rối loạn hành vi ứng xử: Trẻ chậm nói thường gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ. Một số quy tắc ứng xử thông thường trở nên khó khăn với trẻ. Trẻ có thể xuất hiện những hành vi không phù hợp tình huống giao tiếp, thậm chí những hành vi chống đối do cảm xúc ức chế vì không biểu đạt được mong muốn như đạp phá đồ, ăn vạ…
Khó khăn khi thiết lập mối quan hệ: Trẻ chậm nói thường gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động tập thể. Do hạn chế về ngôn ngữ nên trẻ dễ bị các bạn xa lánh và dần trở nên thu mình, không dám trò chuyện cùng các bạn.
Ảnh hưởng đến học tập: Trẻ chậm hơn mốc phát triển chuẩn của độ tuổi trong thời gian càng dài thì mức độ thiếu hụt của trẻ càng cao. Nếu không được can thiệp kịp thời, đến tuổi đi học trẻ sẽ gặp phải khó khăn như nói ngọng, khả năng đọc viết hạn chế, khả năng nghe hiểu cũng sẽ chậm hơn độ tuổi khiến việc kết quả học tập gặp nhiểu vấn đề.
H6
Trẻ chậm nói có bị thần kinh không?
Vấn đề thực thể mà đa số trẻ chậm nói đơn thuần gặp phải là sự bất thường về lưỡi, vòng miệng hoặc thính giác. Không có nghiên cứu chỉ ra trẻ chậm nói là bị thần kinh. Tuy nhiên, một số ít trẻ chậm nói có thể là triệu chứng của hội chứng tự kỷ (có rối loạn phát triển thần kinh). Vì vậy khi trẻ bị chậm nói, cha mẹ có thể cho trẻ đánh giá các vần đề về thực thể và tâm lý để hiểu rõ hơn về khó khăn của trẻ.
Trẻ chậm nói có cần uống thuốc không?
Phương pháp can thiệp hiệu quả nhất dành cho trẻ chậm nói đơn thuần đó là tâm lý giáo dục kết hợp trị liệu bằng ngôn ngữ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để kết hợp cùng trường can thiệp của trẻ, để giúp việc trị liệu của trẻ đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói, cha mẹ cần cho trẻ thực hiện các đánh giá để biết rõ nguyên nhân, lắng nghe lời khuyên của bác sĩ để cân nhắc về việc có nên kết hợp thêm thuốc hay không.
Trẻ chậm nói có chữa bằng châm cứu bấm huyệt được không?
Phương pháp châm cứu bấm huyệt cho trẻ chậm nói hiện nay có thể sử dụng điện châm, thủy châm kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để kết quả đạt được tối ưu. Thời gian điện châm và thủy châm thường kéo dài 30 phút/lần. Mỗi đợt điều trị kéo dài từ 20-30 ngày, sau đó trẻ được nghỉ ngơi khoảng 2-4 tuần và quay lại điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Phương pháp này yêu cầu sự bền bỉ của cả cha mẹ và trẻ.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu chứng minh cụ thể về tính hiệu quả của của phương pháp châm cứu bấm huyệt. Chưa kể, trẻ chậm nói thường là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn trẻ khác, việc phải đối mặt với kim châm với tần suất dày và thời gian dài dễ khiến trẻ bị ám ảnh, khó chịu, không hợp tác và có thể gây hậu quả tâm lý lâu dài cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc kỹ càng cũng như hỏi ý kiến bác sĩ, nhà chuyên môn trước khi đưa ra lựa chọn một phương pháp can thiệp cho trẻ chậm nói.
Dạy trẻ chậm nói có lâu không?
Thời gian can thiệp cho một trẻ chậm nói cũng là yếu tố mà cha mẹ luôn đặt ra câu hỏi. Mỗi trẻ chậm nói có thể có những nguyên nhân chậm nói và mức độ khác nhau. Tùy mức độ của mỗi trẻ cũng như điều kiện gia đình mà cha mẹ có thể sắp xếp thời gian can thiệp cho trẻ (1h/buổi, 2h/buổi). Tần suất, cường độ và thời gian can thiệp sẽ có tác động đến kết quả can thiệp. Việc can thiệp tích cực sẽ giúp tạo động lực và không gian cho trẻ phát triển. Ngoài ra, kết quả can thiệp còn phụ thuộc vào sự kết hợp giữa can thiệp viên, nhà trường và gia đình. Nếu cha mẹ dành thời gian chơi đùa, tương tác và hướng dẫn trẻ một cách phù hợp, trẻ cũng sẽ có những tiến triển nhanh hơn và tốt hơn. Sự tham gia thực hành của cha mẹ đối với trẻ tại nhà đóng vai trò rất quan trọng để việc can thiệp đạt hiệu quả tốt. Các nhà chuyên môn sẽ cùng gia đình đưa ra các mục tiêu can thiệp phù hợp với trẻ và cũng cung cấp cho gia đình các khóa tập huấn ngắn để hướng dẫn các kỹ năng khuyến khích lời nói cho cha mẹ. Trẻ em sẽ tiến bộ nhanh hơn khi cha mẹ cũng sử dụng các chiến lược để hướng tới mục tiêu phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ. Thông thường, cha mẹ có thể nhận thấy hiệu quả can thiệp rõ ràng sau 3 – 6 tháng can thiệp. Chương trình can thiệp tiếp theo sẽ phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của trẻ mà nhà trị liệu lên kế hoạch cùng gia đình.