Điều trị trầm cảm không dùng thuốc

  1. Khi nào thì trị liệu trầm cảm không dùng thuốc

Trầm cảm là một bệnh lý phổ biến và có thể điều trị được. Rất nhiều người bị trầm cảm ở thể nhẹ và được điều trị khỏi mà không cần dùng đến thuốc. Nhưng cũng có những người kém may mắn hơn, vì nhiều nguyên nhân đã chuyển biến lên trung bình và nặng hoặc bị kết hợp với các bệnh tâm thần khác. Thông thường bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám, làm bảng hỏi sàng lọc trầm cảm( như Beck, Bai 21…).

Khi mắc trầm cảm nhẹ, trung bình có thể chưa cần điều trị với thuốc ngay (trừ khi đang dùng thuốc) lúc đó bệnh nhân có thể sử dụng một số biện pháp giúp thoát khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc.

Một số biện pháp điều trị trầm cảm không dùng thuốc bao gồm liệu pháp tâm lý, liệu pháp tâm vận động, thiền, thay đổi thói quen và lối sống, cải thiện môi trường sống…

  1. Các biện pháp trị liệu trầm cảm bằng tâm lý

Trị liệu trầm cảm bằng tâm lý là phương pháp an toàn và phổ biến nhất hiện nay. Một số liệu pháp tâm lý thường được sử dụng:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (Liệu pháp CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi sẽ hỗ trợ bệnh nhân tập trung vào hành động và suy nghĩ của bản thân để có thể tìm ra được hướng giải quyết cho những hành vi, suy nghĩ tiêu cực. Liệu pháp này sẽ không tập trung vào tìm kiếm nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh trong tiềm thức mà sẽ để bệnh nhân đối mặt với hành vi, suy nghĩ gây ra các triệu chứng bệnh ở hiện tại.

Các chuyên gia tâm lý hướng dẫn bệnh nhân các cách thức gỡ bỏ được những suy nghĩ tiêu cực, tạo dựng một niềm tin mới để giúp cho người bệnh thay đổi tốt hơn. Hiện nay phương pháp hành vi nhận thức đã được áp dụng rất nhiều, có khoảng hơn 70% các trường hợp bệnh đã được cải thiện sau khi tiến hành điều trị bằng liệu pháp này.

  • Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (Liệu pháp IPT)

Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân sẽ giúp cho bệnh nhân tập trung hơn vào các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày như đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người lạ…Từ đó sẽ giúp bệnh nhân tìm ra được những vấn đề xung đột về tâm lý đối với những người bên cạnh và dần thay đổi cảm xúc, hành vi phù hợp hơn.

  • Liệu pháp phân tâm

Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng các kỹ thuật phân tích tâm lý để khám phá vô thức và những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhằm lý giải những bất ổn trong cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của người bệnh. Khi bệnh nhân nhận diện được những động cơ vô thức trong tâm lý đang kiểm soát và trói buộc họ, họ sẽ giải tỏa được những nỗi đau khổ tinh thần.

Một số kỹ thuật của liệu pháp phân tâm:
–    Liên tưởng tự do

–    Phân tích giấc mơ
–    Phân tích sự chống đối

–    Phân tích sự chuyển di

  • Liệu pháp thân chủ trọng tâm

Các chuyên gia tâm lý tập trung vào thân chủ/bệnh nhân với thái độ tôn trọng, đồng cảm, không hướng dẫn hoặc giải thích cho người bệnh theo định hướng của nhà trị liệu, giúp thân chủ chấp nhận bản thân, có thể phát huy tiềm năng của bản thân, tự giải quyết và đưa ra quyết định đối với các vấn đề của bản thân. Phương pháp này nhấn mạnh vào các trải nghiệm đang xảy ra trong hiện tại hơn là những gì đã xảy ra trong quá khứ.

  • Liệu pháp gia đình

Các chuyên gia sẽ hỗ trợ cho những người thân xung quanh của người bệnh hiểu được về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng bệnh và những nguy cơ biến chứng nguy hiểm của các bệnh về tâm lý. Nhờ đó mà các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết sẽ là nơi hỗ trợ giúp bệnh nhân thay đổi lối sống, suy nghĩ, hành vi của người bệnh, để hình thành các lối sống tích cực, những nguyên tắc đúng đắn và hỗ trợ chia sẻ để giải tỏa tâm lý cho ngườ bệnh.

  • Phương pháp giải quyết vấn đề

Phương pháp này tập trung vào hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng giải quyết vấn đề. Chuyên gia tâm lý sử dụng hình thức trò chuyện, lắng nghe, giúp người bệnh xác định được các vấn đề của bản thân, tìm các giải pháp và lựa chọn cách giải quyết vấn đề phù hợp.

3. Các biện pháp trị hiệu trầm cảm bằng vận động
Phương pháp vận động đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật, giảm lo âu căng thẳng, giảm cân, làm cho cơ thể mệt mỏi và đòi hỏi ngủ nghỉ, tăng sự hưng phấn, tự tin trong cuộc sống. Đối với bệnh trầm cảm, các bài tập vận động phù hợp giúp cải thiện những triệu chứng trầm cảm một cách đáng kể. Duy trì được thói quen tập luyện thường xuyên có thể ví như những viên thuốc thần dược tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bệnh nhân trầm cảm hãy chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện, nên tập môn thể thao có cường độ nhẹ nhàng, chậm rãi để có thể dễ dàng tập luyện và thích ứng.
Thời gian tập luyện từ 30 phút trở lên, có thể chia làm 2 đến 4 lần trong ngày, ít nhất 10’/lần tập, khoảng 3 đến 5 ngày mỗi tuần.
Để bắt đầu và duy trì tập luyện cũng là một thử thách bạn phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, xác định những gì bạn muốn tập, tìm ra hoạt động mà bạn có thể thực hiện và duy trì lâu nhất.
Việc tập luyện nên theo sự tư vấn của các chuyên gia sức khỏe để có kế hoạch tập luyện phù hợp và vượt qua những trở ngại tâm lý trong quá trình tập luyện.
Đặt mục tiêu hợp lý và thực tế với khả năng của bạn đừng xem tập thể dục là một việc vặt mà hãy xem như là một việc rất quan trọng như một cách trị liệu giúp bạn khỏe hơn.
Phân tích những rào cản có thể ngăn chặn bạn duy trì tập luyện và chọn một giải pháp tối ưu nhất.
Chuẩn bị tâm lý đối đầu với những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình tập luyện.
Một số phương pháp vận động điều trị trầm cảm:
1) Yoga hoặc Thái Cực Quyền.
Hai phương pháp tập này được xem như là một cách điều trị bổ sung cho bệnh trầm cảm có thể xoa dịu tâm trí và cảm xúc bằng việc tập trung vào hơi thở và các động tác chậm, bạn có thể tự tập nhưng tốt nhất hãy tìm cho mình một huấn luyện viên hoặc theo một lớp học để có thể có một động lực rèn luyện và đạt được những kết quả tốt hơn.

2) Thể thao
Đi bộ, chạy, đạp xe, đá bóng, cầu lông…không chỉ tốt cho hoạt động tim mạch mà khoảng thời gian bạn ở ngoài thiên nhiên cũng làm cho tinh thần được tốt lên, khi vận động cơ thể sẽ sản sinh ra các Endorphins, đây là hormone giúp cơ thể tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái tự tin hơn và ra ngoài cũng giúp tương tác xã hội nhiều hơn, rất tốt cho việc điều trị chứng trầm cảm.

3) Khiêu vũ, Aerobic
Rumba, khiêu vũ thể thao, tập Aerobic hoặc tự nhảy thoải mái với nhạc theo ý thích của mình giúp tăng cường sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể, tăng sự dẻo dai của cơ thể, tâm trạng thoải mái, tăng giao tiếp xã hội.

4) Tập thể hình
Mọi người thường nghĩ các bài tập hình chủ yếu là tăng cơ bắp, có vóc dáng đẹp nhưng nó cũng ảnh hưởng rất lớn cho tinh thần, sự quyết tâm nâng cao thể lực giúp cải thiện mạnh mẽ về tinh thần, giảm triệu chứng lo lắng và trầm cảm, giảm căng thẳng và ăn ngủ tốt, từ đó mang lại cảm giác vui vẻ, thoải mái cho người bệnh.