Đồ chơi cho trẻ tự kỷ quan trọng thế nào
Vui chơi là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trong quá trình này, trẻ có thể được xây dựng các kỹ năng vận động tinh, vận động thô, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ở trẻ tự kỷ, việc sử dụng đồ chơi có thể bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ, trẻ có thể muốn chơi một mình, tham gia vào các trò chơi lặp đi lặp lại như xếp đồ chơi hoặc di chuyển chúng từ điểm A đến điểm B rồi quay lại, chơi đi chơi lại cùng một thứ. Trẻ em có thể học các kỹ năng chơi với sự hướng dẫn và cấu trúc đồ chơi trong trò chơi. Hãy cùng khám phá khía cạnh của việc sử dụng đồ chơi cho trẻ tự kỷ.
Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng đến việc chơi như thế nào?
Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng đến cả kỹ năng xã hội và giao tiếp. Việc tương tác xã hội là một khó khăn lớn với trẻ tự kỷ vì trẻ thường từ chối lắng nghe sự chia sẻ từ mọi người xung quanh. Trẻ cũng có thể cảm thấy khó thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác qua các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt, giọng nói và cử chỉ. Hơn nữa, trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ thường có vấn đề với trí tưởng tượng, không biết cách giả vờ có thể dẫn đến những hành động lặp đi lặp lại chỉ có ý nghĩa đối với trẻ.
Do những ảnh hưởng trên, một số kỹ năng chơi quan trọng có thể bị ảnh hưởng như:
– Sao chép các hành động đơn giản.
– Khám phá môi trường xung quanh.
– Chia sẻ đồ vật và sự chú ý với người khác.
– Trả lời những người khác.
– Thay phiên nhau.
Đồ chơi cho trẻ tự kỷ là gì?
Khi nghĩ đến việc chơi, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến việc sử dụng đồ chơi. Đồ chơi là đồ vật được sử dụng để chơi, tương tự vậy, đồ chơi cho trẻ tự kỷ cũng là các đồ vật được sử dụng nhằm phục vụ hoạt động vui chơi với những chủ đích khác nhau. Đồ chơi có thể được làm từ những vật liệu đa dạng như gỗ, nhựa, đất sét… Đồ chơi có thể là sản phẩm được thiết kế riêng dành cho mục đích vui chơi của trẻ, đồ chơi cũng có thể là những vật dụng hàng ngày như chăn, gối, tờ giấy… được tận dụng để trẻ biến nó trở thành đồ chơi tùy theo sự sáng tạo của trẻ hoặc người hướng dẫn.
Một đứa trẻ cần sự chỉ bảo và giúp đỡ của người lớn để có thể chia sẻ những kiến thức mới học được và tham gia với những đứa trẻ khác. Trẻ em có xu hướng thấy tương tác với người lớn bổ ích hơn chính đồ chơi. Người lớn dạy trẻ cách phản ứng, sau đó có thể được khái quát hóa với một loại đồ chơi quen thuộc mới. Đồ chơi là vật để thúc đẩy sự tương tác thông qua việc chơi.
Tầm quan trọng của đồ chơi với trẻ tự kỷ?
Đồ chơi giúp trẻ tự kỷ phát triển giác quan
Trẻ tự kỷ có thể gặp phải các khó khăn liên quan đến rối loạn cảm giác. Việc chơi với các đồ chơi đa dạng nhiều màu sắc, tạo ra tiếng động hoặc có thể di chuyển sẽ giúp kích thích giác quan của trẻ. Nhất là những giai đoạn đầu đời, việc làm quen với thế giới xung quanh qua việc cầm nắm, cắn, ném đồ chơi là điều rất cần thiết với trẻ. Những đồ chơi nhiều màu sắc và tạo tiếng vang có thể giúp thu hút sự chú ý của trẻ, đưa mắt và hướng tới đồ chơi giúp rèn luyện sự tập trung chú ý, thị lực, thính giác cũng như phát triển não bộ.
Đồ chơi giúp trẻ tự kỷ tăng cường thể chất
Đồ chơi không chỉ mang tính giải trí, đồ chơi còn có thể giúp trẻ tăng cường thể chất, giúp trẻ trở nên nhanh nhẹn hơn. Hoạt động thể chất của trẻ có thể chia ra là vận động tinh và vận động thô. Vận động tinh là kỹ năng sử dụng các nhóm cơ nhỏ nhằm giúp trẻ thực hiện các động tác nhỏ như điều khiển ngón tay cầm nắm đồ vật, tô màu… Vận động thô là sự liên kết của các nhóm cơ lớn thông qua các hoạt động leo trèo, chạy nhảy… Cha mẹ có thể tìm hiểu để mua những món đồ chơi kết hợp cả vận động tinh và vận động thô giúp trẻ tự kỷ phát triển đồng đều.
Đồ chơi giúp trẻ tự kỷ phát triển trí tuệ
Tùy từng lứa tuổi mà trẻ sẽ có những hoạt động chơi khác nhau. Đặc biệt giai đoạn từ 24 đến 36 tháng tuổi, hoạt động chủ đạo của trẻ là tương tác với đồ chơi. Thông qua việc chơi và khám phá các đồ chơi mới lạ, trẻ có thể học tập và tiếp thu kiến thức về thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể tìm hiểu các loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi để không chỉ giúp con thấy vui vẻ, nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề để từ đó hình thành các kỹ năng cần thiết cho trẻ.
Đồ chơi giúp trẻ tự kỷ tăng cường kỹ năng
Như đã nói, việc trẻ tự kỷ có thể học tập các kỹ năng thông qua hoạt động vui chơi với cầu nối là các đồ chơi thú vị. Đồ chơi chính là vật trung gian giúp trẻ có thể tham gia hoạt động nhóm, thúc đẩy trẻ hiểu về các quy tắc nhóm. Các đồ chơi giả vờ cũng giúp trẻ tăng cường khả năng tư duy sáng tạo, kết nối với bạn bè cùng lứa tuổi nhằm thúc đẩy kỹ năng xã hội, nâng cao khả năng tương tác của trẻ. Đôi khi một món đồ chơi mới lạ cũng sẽ giúp thúc đẩy kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ.
Các loại đồ chơi cho trẻ tự kỷ
Hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ không thể thiếu học liệu đi kèm đó là đồ chơi. Đồ chơi cho trẻ tự kỷ rất đa dạng, tùy vào mục đích khác nhau mà sẽ có những loại đồ chơi được thiết kế nhằm đạt hiệu quả tối đa trong quá trình hoạt động.
Đồ chơi kích thích thị giác trẻ tự kỷ
Từ giai đoạn đầu đời, việc phát triển giác quan luôn là điều cần được cha mẹ quan tâm. Đặc biệt với trẻ tự kỷ, thị giác là giác quan cần được chú ý. Nhiều trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp mắt, từ đó gây cản trở cho hoạt động tương tác và học tập của trẻ. Một số đồ chơi màu sắc kết hợp cùng sự chuyển động của tay sẽ giúp thu hút sự chú ý của trẻ và giúp kích thích thị giác trẻ tự kỷ.
Một số đồ chơi kích thích thị giác trẻ tự kỷ có thể tham khảo:
– Thổi bong bóng xà phòng.
– Bóng bay.
– Đồ chơi có âm thanh như lúc lắc, trống.
– Đồ chơi chuyển động như ô tô, tàu hỏa.
– Chong chóng
– Đồ chơi có đèn sáng
– Đồ chơi xếp gỗ, xây nhà.
– Đồ chơi thả hình khối vào hộp
– Lò xò sắc màu
– Thẻ tranh theo các chủ đề với màu sắc tươi sáng.
Đồ chơi giúp trẻ đóng vai nhân vật
Một trong số các cách chơi chính của trẻ tự kỷ đó là chơi giả vờ. Việc chơi giả vờ bằng cách đóng vai các nhân vật giúp trẻ tự kỷ có thể tăng cường kỹ năng giao tiếp, thúc đẩy sự sáng tạo trong quá trình chơi. Đồ chơi đóng vai có thể sử dụng với trẻ:
– Búp bê, thú bông.
– Đồ chơi bác sĩ.
– Đồ chơi cắt hoa quả.
– Bộ búp bê bao gồm nhà cửa.
– Bộ đồ chơi nấu ăn.
– Bộ đồ chơi vật dụng hàng ngày.
– Bộ đồ chơi phương tiện giao thông.
– Bộ đồ chơi chế biến món ăn: xe bán kem, máy làm mì sợi…
Đồ chơi giúp kích thích não bộ trẻ tự kỷ
Những năm đầu đời, trẻ thường học tập nhờ sự tò mò đối với thế giới xung quanh, từ đó trẻ chủ động tìm kiếm và khám phá những kiến thức mới. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường khá giới hạn với hoạt động mới, do đó trẻ gặp khó khăn trong việc học tập. Việc sử dụng đồ chơi để thúc đẩy não bộ cho trẻ tự kỷ là điều rất quan trọng. Một số đồ chơi có thể sử dụng để kích thích não bộ cho trẻ:
– Đất nặn.
– Bút màu, bút chì, giấy vẽ.
– Bảng vẽ nam châm.
– Kéo, giấy thủ công.
– Lego.
– Bảng ghép hình khối.
– Tamrang.
– Sách bìa cứng màu sắc đa dạng.
– Đồ chơi Memory.
– Đồ chơi Winwintoys.
Đồ chơi cải thiện khả năng vận động thô
Trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, việc thúc đẩy trẻ tham gia vào các hoạt động chơi vận động sẽ giúp trẻ trở nên nhanh nhẹn và giải tỏa năng lượng, từ đó giúp trẻ tập trung và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Một số đồ chơi có thể hỗ trợ vận động cho trẻ:
– Cầu trượt, bập bênh, xích đu, bóng đá.
– Bạt nhún, ngựa gỗ, ngựa hơi, bóng gai.
– Xe đẩy, xe lắc, xe đạp.
Đồ chơi cải thiện khả năng vận động tinh
Bên cạnh việc phát triển vận động thô, vận động tinh cũng rất cần được lưu ý. Trong quá trình hoạt động vận động tinh, trẻ trở nên khéo léo hơn, khả năng phối hợp tay mắt được cải thiện và rèn luyện tính kiên nhẫn. Vận động tinh có thể được phát triển qua:
– Bút, sáp màu, giấy.
– Xâu hạt, xâu hoa.
– Đất nặn.
– Kéo, giấy thủ công.
– Bảng xé hình hoặc dán hình.
– Gắp bông.
– Xếp hình.
Một số lưu ý khi chơi với trẻ tự kỷ
Chơi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ tự kỷ. Để việc vui chơi có thể đạt hiệu quả tối đa, cha mẹ cần nắm rõ kiến thức về các kiểu chơi chính cũng như một số mẹo trong khi chơi để giúp thu hút sự chú ý và thúc đẩy trẻ học tập qua các hoạt động này.
Có những kiểu chơi chính nào cho trẻ tự kỷ?
Có sáu kiểu chơi chính, phát triển theo từng giai đoạn:
– Chơi khám phá.
– Chơi nhân quả.
– Chơi với đồ chơi.
– Chơi xây dựng.
– Chơi thể chất.
– Chơi giả vờ.
Cha mẹ cần chú ý khả năng chơi của con để chọn kiểu chơi phù hợp cũng như lựa chọn đồ chơi cho kiểu chơi trong quá trình chơi với con. Đồ chơi cần đảm bảo không chứa chất độc hại, phù hợp với lứa tuổi của con, đặc biệt với trẻ tự kỷ, cha mẹ cần lựa chọn đồ chơi đa dạng màu sắc, kiểu dáng nhưng vẫn đảm bảo sự chắc chắn để vừa thu hút vừa đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Cha mẹ có thể giúp trẻ tự kỷ học và thực hành các kỹ năng và khả năng mới thông qua phát triển các trò chơi cho trẻ. Những kỹ năng này rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của con bạn. Chúng bao gồm khả năng khám phá môi trường, sao chép người khác, chia sẻ mọi thứ, thay phiên nhau, tưởng tượng những gì người khác đang nghĩ và cảm nhận và giao tiếp.
Một số mẹo để giúp bạn và con bạn tận dụng tối đa việc vui chơi:
– Khi chơi với trẻ tự kỷ nên ngồi ngang tầm mắt với trẻ, luôn nhìn vào mắt trẻ trong quá trình giao tiếp.
– Từ ngữ sử dụng với trẻ tự kỷ nên ngắn gọn súc tích, nói vào ý chính để tránh trẻ khó hiểu và phản ứng ngược với mong muốn của cha mẹ.
– Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nên việc lặp lại kiến thức với trẻ là điều cần thiết đề giúp trẻ có thể hiểu và ghi nhớ.
– Khuyến khích chơi trong các môi trường khác nhau. Ví dụ, nếu con bạn thích chơi Lego ở nhà, hãy khuyến khích con bạn chơi Lego ở nhà một người bạn. Thưởng cho con bạn khi chơi và sử dụng các kỹ năng của chúng ở những nơi khác nhau và với những người khác nhau.
– Quan sát con bạn thường xuyên và tìm những thời điểm con bạn thể hiện sự quan tâm đến một hoạt động nào đó, dù điều đó có vẻ bình thường đối với bạn. Đây là thời điểm hoàn hảo để dạy và học.
– Sử dụng việc vui chơi để giúp con bạn phát triển các kỹ năng hàng ngày. Ví dụ, mặc quần áo cho búp bê hoặc thay quần áo cho búp bê có thể giúp con bạn học cách tự mặc quần áo.
– Hãy chơi theo sự dẫn dắt của con bạn. Tham gia vào trò chơi của con bạn, thay vì cố gắng hướng dẫn nó. Để ý các dấu hiệu cho thấy con bạn đang chán hoặc mất hứng thú, nhằm mục đích biết khi nào nên dừng lại hoặc thay đổi.
– Làm việc với tư duy và điểm mạnh của con bạn. Ví dụ, nếu con bạn là người học trực quan, bạn có thể rèn luyện khả năng này bằng cách sử dụng hình ảnh về các bước khác nhau trong một trò chơi hoặc hoạt động.
– Khuyến khích con bạn chạm vào bạn và đưa ra một phản ứng khiến con thích thú. Việc này có thể lôi kéo sự chú ý từ trẻ, tạo sự gắn kết với trẻ cũng như thúc đẩy sự thích thú và động lực tham gia hoạt động khi được hưởng ứng từ trẻ.
– Khi bạn có một trò chơi mà con thích, hãy tạm dừng lại. Việc tạm dừng tạo cơ hội cho con bạn phát triển việc cử chỉ hoặc sử dụng lời nói để tiếp tục.
– Chơi trò ú òa. Đây là một hoạt động đã được thử và hầu hết trẻ em đều yêu thích và sẽ tham gia. Hãy tạo những khoảng dừng để tăng khả năng dự đoán hoặc khuyến khích con bạn yêu cầu nhiều hơn.
– Làm mặt ngớ ngẩn. Lấy tay che mặt và sau đó để lộ các biểu cảm khác nhau. Điều này rất hiệu quả khi cha mẹ muốn thu hút giao tiếp mắt từ trẻ.
– Nhảy. Vận động là một hoạt động khá được ưa thích của các bạn trẻ tự kỷ. Cha mẹ có thể tận dụng những chiếc đệm hoặc có thể mua thảm, bạt nhún về cho trẻ hoạt động.
– Thổi khí vào lòng bàn tay hoặc bụng. Việc thổi khí vào các bộ phận cơ thể khác nhau sẽ giúp kích thích giác quan của trẻ và khiến trẻ cảm thấy bị thu hút, muốn kéo dài thời gian tương tác cùng cha mẹ.