Nhi là một cô bé 6 tuổi được bố mẹ đưa tới trung tâm PPRAC với lí do trẻ chán ăn và không muốn đi học. Trước đó trẻ được nhận xét là một cô bé vui vẻ, nhanh nhẹn, thông minh, thích đi học và đặc biệt thích vẽ và vẽ khá đẹp. Tuy nhiên sau một trận ốm kéo dài hai tuần, trẻ luôn mệt mỏi, cảm thấy chán ăn và không muốn ăn gì cũng như không còn muốn đi học. Từ đó, tình trạng chán ăn kéo dài của trẻ kéo dài hơn một tháng khiến bố mẹ cảm thấy rất lo lắng, trẻ gần như từ chối hầu hết các loại thức ăn, kể cả các món ăn ưa thích mà chỉ uống một chút sữa mỗi ngày. Trước tình trạng như vậy, gia đình cũng đã áp dụng rất nhiều cách với trẻ từ dỗ dành đến trách phạt nhưng trẻ vẫn không chấp nhận đồ ăn. Thậm chí có lần khi bị yêu cầu ăn và không được nhổ bỏ ra ngoài, trẻ đã ngậm đồ ăn trong miệng đến hàng giờ đồng hồ với sự gồng mình và sự sợ hãi. Cuối cùng gia đình vẫn phải chấp nhận để trẻ cho đồ ăn ra. Về vấn đề học tập, sau một khoảng nghỉ khá dài do bị ốm, trẻ không còn muốn đến lớp, luôn né tránh việc đến lớp và thể hiện thái độ không muốn đi lớp khá quyết liệt. Gia đình cũng tìm nhiều cách để đưa trẻ đến lớp nhưng không thành công. Trẻ luôn la khóc và không chịu đi mỗi sáng.
Qua sự giới thiệu, gia đình đã đưa trẻ đến thăm khám tâm lý tại trung tâm PPRAC. Trong buổi thăm khám, trẻ trông khá yếu, có vẻ mệt mỏi và không mấy vui vẻ. Việc tiếp xúc ban đầu với trẻ cũng khá khó khăn, trẻ ít nói và cũng ít đáp ứng với nhà tâm lý. Qua trao đổi với bố mẹ để tìm hiểu về những đặc điểm cũng như những khó khăn của trẻ, từ cả phía gia đình và phía trung tâm đều nhận thấy trẻ rất cần được giúp đỡ trong thời gian này. Ngay sau buổi thăm khám, gia đình đã đưa trẻ đến trị liệu tâm lý tại trung tâm và tiến trình can thiệp cho trẻ được bắt đầu.
Sau buổi đầu làm quen, trẻ khá vui vẻ và hợp tác khi tới các buổi làm việc với nhà tâm lý. Qua trao đổi sâu với bố mẹ và làm việc trực tiếp với trẻ, nhà tâm lý nhận thấy ở trẻ có xu hướng né tránh một cách kiên quyết những trải nghiệm trẻ thấy không tốt với bản thân, vd như trẻ từ chối không chơi đất nặn sau một lần bị đất nặn bắn vào mắt, trẻ không chơi cắt dán vì sẽ làm bẩn tay, không chơi đồ Trung Quốc vì sẽ độc hại,… Trong lần này, trải nghiệm không tốt trẻ gặp phải là vấn đề với đồ ăn, trẻ không muốn ăn sau một lần ăn phải vật cứng khi ăn cháo. Và lần từ chối này liên quan trực tiếp tới sức khỏe của trẻ nên với sự giới thiệu của người quen, gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám và trị liệu tâm lý.
Với gia đình, trẻ hiện là con một và luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả nhà, đặc biệt là của bà và của mẹ. Theo như trao đổi, sức khỏe thể chất của trẻ không được tốt, từ nhỏ thường rất hay bị ốm và khó uống thuốc. Vì vậy, trong gia đình, đặc biệt là bà và mẹ càng chú ý đến trẻ nhiều hơn và thường ngăn trẻ lại mỗi khi thấy trẻ có ý định hoặc vừa bắt đầu thực hiện một hoạt động nào đó “có thể gây ốm” cho trẻ, vd ra mồ hôi khi chơi, ra sân khi trời có nắng,… Sự lo lắng thái quá của bà và mẹ dành cho sức khỏe của trẻ khiến trẻ dần dần tìm được một cách chi phối ngược lại với người lớn. Khi trẻ muốn được theo ý mình hoặc khi muốn né tránh điều mình không thích, vd khi bị bố trách phạt, trẻ thường kết thúc bằng cách “Con ra mồ hôi rồi đây này! Con ốm rồi đây này!” và những lần như vậy trẻ thường đạt được điều trẻ muốn. Với lần ốm khá dài này, trẻ được ở nhà chăm sóc và chơi tự do khá lâu. Dần dần trẻ cảm thấy ngại khi phải quay lại lớp dù khi tìm hiểu, trẻ cho thấy không có yếu tố tiêu cực trên lớp khiến trẻ không muốn đi học. Và khi được hỏi về lý do không tới lớp, trẻ vẫn thường trả lời “Con bị ốm” dù sức khỏe của trẻ đã tốt.
Với những đặc điểm trên, sau một thời gian ngắn làm việc cùng nhà tâm lý qua các hoạt động chơi trị liệu, vẽ tranh, trò chuyện, trẻ đã có nhiều thay đổi tích cực. Trẻ dần ăn các loại đồ ăn khác nhau ngoài sữa, từ đồ ăn mềm cho đến những thức ăn có độ cứng nhiều hơn. Về việc đến lớp, trẻ cũng đã quay lại trường học và thích đi học. Đặc biệt trong buổi quay lại lớp, trẻ còn xung phong đăng ký và tham gia thi đấu cờ vua – một sở thích và sở trường của trẻ được phát hiện ra trong quá trình can thiệp tâm lý. Điều này khiến cho cả gia đình cũng như nhà tâm lý cảm thấy rất ngạc nhiên, vui mừng và có ảnh hưởng tích cực đến quá trình đi học trở lại của trẻ. Qua trường hợp trên có thể thấy phần nào ảnh hưởng của gia đình trong việc hình thành cách đáp ứng ở trẻ cũng như tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn khi trẻ gặp phải những khó khăn trong tiến trình phát triển.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
ThS.Tạ Ngọc Bích