Khoai là một bé trai 3,5 tuổi, trông rất khôi ngô và đáng yêu. Khi đến thăm khám tại trung tâm, gia đình cảm thấy rất lo lắng vì trẻ có thể nghe hiểu và đáp ứng được các yêu cầu đơn giản, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày và đã nói được nhiều từ đơn. Tuy nhiên, trẻ lại thường nói bằng tiếng Anh, không sử dụng tiếng Việt. Khi được yêu cầu nói theo bằng tiếng Việt, trẻ rất ít khi nói theo hoặc trẻ sẽ có đáp ứng bằng những âm “ư ư ư”. Trong quá trình thăm khám cùng trẻ và gia đình, bác sĩ và nhà tâm lý đã nhận thấy những khó khăn về ngôn ngữ ở trẻ, đặc biệt là vấn đề rối loạn ngôn ngữ Anh – Việt.
Ví dụ như khi có hình ảnh số đếm, trẻ tự động nói “one, two,….” mà chưa cần người lớn đặt câu hỏi. Hoặc khi có hình vuông màu đỏ, trẻ cũng tự nói “ square”, khi hỏi “hình vuông màu gì?”, trẻ trả lời “red”. Khi cô cùng trẻ chơi xếp các khối gỗ màu, cô có xu hướng gọi tên hình khối cùng màu sắc nhanh hơn so với trẻ. Thì trẻ không nói theo cô mà bắt đầu có những phản ứng khó chịu và mếu máo ăn vạ. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác trong đời sống hàng ngày, trẻ chưa biết cách đưa ra những phản hồi phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp và chỉ nói từ đơn tiếng Anh với những vật mà trẻ thích.
Trong cuộc sống hiện đại này, rối loạn ngôn ngữ là một trong khó khăn của trẻ và ngày càng có xu hướng diễn ra nhiều hơn. Trẻ được tiếp xúc với điện thoại, tivi từ rất sớm vì bố mẹ mải bận với những công việc mưu sinh. Trẻ được cho xem youtube, xem những video bằng tiếng anh rất bắt mắt, vui nhộn. Bên cạnh đó, trẻ chỉ có tương tác một chiều là nghe và lặp lại âm thanh từ chiếc điện thoại mà trẻ gần như không có sự hướng dẫn từ phía người lớn để tự điều chỉnh về mặt ngôn ngữ tiếng Việt.
Còn đối với những trẻ có khó khăn đặc biệt như Khoai thì việc can thiệp là rất cần thiết và là cả một quá trình mà gia đình, nhà chuyên môn cùng đồng hành để hướng dẫn, giúp đỡ cho trẻ. Cụ thể, nhà tâm lý đã cùng gia đình đánh giá độ tuổi phát triển của trẻ trên nhiều lĩnh vực so với tuổi thực của trẻ. Từ đó, xây dựng một chương trình can thiệp cho Khoai với những mục tiêu cụ thể về mặt ngôn ngữ – giao tiếp và tương tác xã hội. Đồng thời mở rộng nhận thức về thế giới xung quanh cho trẻ được phong phú hơn. Trong đó, chú trọng đến các bài tập tăng cường giao tiếp mắt, các kỹ thuật thay thế từ như nói tiếng việt ngắn gọn để trẻ hiểu yêu cầu, phát triển kỹ năng nghe – hiểu, phát triển vốn từ cho trẻ và làm mẫu lời nói để trẻ chú ý quan sát thực hiện theo.
Sau khoảng 3 tháng, với sự can thiệp tích cực từ phía nhà chuyên môn và gia đình cùng với sự cố gắng của trẻ, các mục tiêu can thiệp đã đạt được kết quả như mong đợi. Trẻ đã biết chủ động gọi mọi vật bằng tiếng Việt. Trẻ đã có thể nói câu 2-3 từ bằng tiếng Việt như biết đáp lại khi được gọi tên, chủ động đưa ra lời chào với người lớn, biết gọi người lớn để thể hiện nhu cầu/ nhờ sự giúp đỡ, biết đưa ra sự lựa chọn của bản thân,…
Mong là với những trường hợp trẻ có khó khăn trong quá trình phát triển như Khoai sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn và can thiệp một cách tích cực để trẻ có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.
(*) Thông tin trẻ đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật thông tin
Chuyên viên tâm lý Hà Giang