Lo âu học đường là một vấn đề phổ biến ở nhóm trẻ em và vị thành niên. Trẻ thường xuất hiện các biểu hiện về cảm xúc và hành vi mạnh mẽ với các tình huống gây căng thẳng ở trường học mà trẻ cho là sẽ đe dọa hoặc gây nguy hiểm cho trẻ. Điều này gây ra nhiều cản trở cho cuộc sống của trẻ nói riêng và gia đình nói chung. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng của lo âu học đường giúp cha mẹ, thầy cô và cộng đồng giáo dục đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp để học sinh vượt qua khó khăn này.
1.Lo âu học đường là gì?
Lo âu học đường là tình trạng căng thẳng, sợ hãi mà học sinh cảm thấy khi đối mặt với áp lực học tập hoặc môi trường trường học. Mặc dù đa số trẻ em thường cảm thấy lo lắng khi bắt đầu đi học hoặc đến một trường mới, nhưng trẻ mắc chứng lo âu học đường cảm thấy vô cùng sự hãi và lo lắng về việc đi học hàng ngày. Trẻ có thể gặp phải các triệu chứng lo âu như mất ngủ, khó tập trung, thậm chí có các biểu hiện thể chất như đau đầu, đau bụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đến trường và kết quả học tập của trẻ.
2.Dịch tễ học của lo âu học đường
Theo Hiệp hội lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ, khoảng 1% đến 5% trẻ em bị lo lắng liên quan đến trường học. Sự sợ hãi này có thể được khái quát hoá hoặc liên quan đến một người cụ thể (giáo viên hoặc một bạn học sinh khác – có thể liên quan đến việc bị bắt nạt) hoặc sự kiện tại trường (như lớp giáo dục thể chất).
3.Nguyên nhân gây ra lo âu học đường
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ mắc lo âu học đường. Trong đó có một số nguyên nhân chính như:
Áp lực học tập: Với lượng bài vở ngày càng nhiều và kỳ vọng đạt được thành tích tốt, học sinh dễ dàng rơi vào tình trạng căng thẳng. Các kỳ thi, bài kiểm tra định kỳ cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lo âu.
Kỳ vọng từ gia đình: Nhiều phụ huynh có kỳ vọng cao về thành tích học tập của con, điều này vô tình tạo nên áp lực lớn đối với học sinh. Khi không đạt được kết quả như mong muốn, các em có thể cảm thấy mình là người thất bại, điều này làm tăng nguy cơ lo âu.
Quan hệ xã hội và môi trường học đường: Trong giai đoạn dậy thì, học sinh rất nhạy cảm với cảm giác bị từ chối hoặc không được chấp nhận. Sự cô lập, bắt nạt hoặc những khó khăn trong việc xây dựng quan hệ bạn bè cũng là nguyên nhân dẫn đến lo âu.
Sự thay đổi về tâm sinh lý: Sự phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ và bất ngờ ở tuổi vị thành niên cũng góp phần làm gia tăng lo âu. Thay đổi hormone có thể làm cho cảm xúc của các em trở nên khó kiểm soát, dễ bị kích động và lo lắng trước những tình huống mà trước đây không có vấn đề gì.
4.Triệu chứng của lo âu học đường
Đối với một số trẻ, sự lo lắng về trường học có thể là điều thỉnh thoảng xảy ra. Có thể trẻ đã trải qua một ngày tồi tệ và đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một chút động viên từ cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể đủ để trẻ đối mặt với ngày hôm sau một cách tự tin. Tuy nhiên, ở một số trẻ, nỗi sợ hãi và lo lắng về trường học có thể khiến trẻ kiệt sức. Một số dấu hiện thường em ở những trẻ đang gặp lo âu học đường đó là:
Triệu chứng cơ thể:
- Đau đầu
- Đau bụng
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
Triệu chứng về cảm xúc:
- Sợ hãi
- Lo lắng
- Cáu kỉnh
- Buồn bã
Triệu chứng về hành vi:
- Từ chối đến trường
- Thường xuyên nghỉ học hoặc trốn học
- Nổi cơn thịnh nộ, giận dữ vô cớ
- Chỉ đi học sau khi khóc lóc, ăn vạ, chống đối hoặc có những hành vi có vấn đề khác
- Nói rằng mình bị ốm để được ở nhà
- Hậu quả của lo âu học đường
Lo âu học đường có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe tâm thần và thể chất của học sinh. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy cho trẻ nói riêng và gia đình cũng như xã hội nói chung.
Sức khỏe tâm thần: Một trong những tác động đáng kể nhất của lo âu học đường đối với sức khỏe tâm thần là sự phát triển hoặc làm trầm trọng thêm các rối loạn lo âu và trầm cảm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có hành vi trốn tránh trường học có nguy cơ mắc các rối loạn lo âu cao hơn, trong đó lo âu chia tách và lo âu xã hội là đặc biệt phổ biến. Các nghiên cứu cũng cho thấy vị thành niên có hành vi né tránh trường học có nhiều khả năng gặp phải rối loạn lo âu và trầm cảm ở tuổi trưởng thành hơn.
Cô lập xã hội và cô đơn: Lo âu học đường thường dẫn đến cô lập xã hội vì học sinh bỏ lỡ các tương tác quan trọng với bạn bè và các cơ hội học tập xã hội. Sự cô lập này có thể góp phần gây ra cảm giác cô đơn và lo âu xã hội, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng xã hội. Việc thiếu kết nối xã hội có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện có.
Lòng tự trọng và sự tự tin thấp: Việc trốn học liên tục có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng và ý thức về sự tự tin của học sinh. Khi các em bị giảm sút về mặt học tập và thiếu hụt tương tác xã hội, các em có thể phát triển nhận thức tiêu cực về bản thân và giảm niềm tin vào khả năng đối phó với những thách thức liên quan đến trường học nói riêng và các tình huống cần giải quyết vấn đề nói chung.
Rối loạn giấc ngủ: Lo âu học đường có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó ngủ, ác mộng và thói quen ngủ không đều. Chất lượng giấc ngủ kém có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm.
Sức khỏe thể chất: Nhiều trẻ mắc lo âu học đường có các triệu chứng về thể chất rất rõ rệt như đau đầu, đau bụng và buồn nôn. Những vấn đề về cơ thể này có thể trở nên mãn tính và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
Căng thẳng gia đình và căng thẳng trong mối quan hệ: lo âu học đường không chỉ ảnh hưởng đến từng học sinh; nó cũng có thể tạo ra căng thẳng đáng kể trong gia đình. Cha mẹ có thể cảm thấy lo lắng, thất vọng và xung đột nhiều hơn với con mình, có khả năng gây căng thẳng cho các mối quan hệ gia đình.
- Giải pháp cho lo âu học đường
Để giúp học sinh vượt qua lo âu học đường, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, và xã hội trong việc hỗ trợ các em.
Quản lý căng thẳng: Các kỹ thuật giữ bình tĩnh như hít thở sâu, hít thở 4 thì, thiền chánh niệm, nhật ký cảm xúc,… đều có thể giúp học sinh giảm lo âu.
Xây dựng thời gian biểu hợp lý: Học sinh cần học cách quản lý thời gian, cân đối giữa việc học và nghỉ ngơi. Khuyến khích trẻ tham gia vào các câu lạc bộ, các hoạt động giải trí về thể thao, âm nhạc cũng giúp trẻ thư giãn và lấy lại năng lượng tốt hơn..
Sự hỗ trợ từ gia đình: Cha mẹ cần thể hiện sự thấu hiểu, động viên và không đặt quá nhiều áp lực lên thành tích học tập của con. Việc lắng nghe và chia sẻ cùng con sẽ giúp trẻ cảm thấy được ủng hộ và bớt cảm thấy cô độc trong cặng đường học tập của trẻ.
Tìm đến chuyên gia tâm lý: Nếu tình trạng lo âu trở nên nghiêm trọng, cha mẹ cần cân nhắc đến việc nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Các nhà tâm lý học sẽ cung cấp những công cụ và phương pháp giúp học sinh quản lý lo âu hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà tâm lý cũng sẽ hướng dẫn cha mẹ cách để cùng con vượt qua lo âu học đường.
- Kết Luận
Lo âu học đường là những vấn đề phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết, kiên nhẫn và phản ứng phối hợp. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp đúng cách, nhận biết và trợ giúp để trẻ vượt qua khó khăn này. Sự thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ từ những người xung quanh là chìa khóa để giúp trẻ cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong cuộc sống học đường.
NTL. Thu Hằng
Tài liệu tham khảo
- Kearney, C. A., & Albano, A. M. (2004). The functional profiles of school refusal behavior. Behavior Modification, 28(1), 147-161.
- Flakierska-Praquin, N., Lindström, M., & Gillberg, C. (1997). School phobia with separation anxiety disorder: A comparative 20- to 29-year follow-up study of 35 school refusers. Comprehensive Psychiatry, 38(1), 17-22.
- Rubin, K. H., Coplan, R. J., & Bowker, J. C. (2009). Social withdrawal in childhood. Annual Review of Psychology, 60, 141-171.
- Maric, M., Heyne, D. A., de Heus, P., van Widenfelt, B. M., & Westenberg, P. M. (2012). The role of cognition in school refusal: An investigation of automatic thoughts and cognitive errors. Behavioural and Cognitive Psychotherapy, 40(3), 255-269.