Những điều cần lưu ý trong ứng xử với trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường có những khó khăn về giao tiếp, tương tác, hành vi khởi phát từ khá sớm và sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống với những người xung quanh, kể cả là người thân trong gia đình, bạn bè hay với người lạ. Tuy nhiên, cách chúng ta ứng xử với trẻ cũng có thể giúp trẻ hạn chế những khó khăn này.

Hãy kiên nhẫn

Trẻ tự kỷ cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin. Vì vậy khi trao đổi thông tin với trẻ cần nói chậm lại theo tốc độ của trẻ, đơn giản và dễ hiểu.

Hãy sử dụng thêm cử chỉ hoặc các cách khác để giao tiếp với trẻ. Vì khả năng ngôn ngữ của trẻ có thể bị hạn chế nên những cách giao tiếp tăng cường khác có thể giúp ích cho việc trao đổi thông tin với trẻ.

Thể hiện tình cảm và sự quan tâm với trẻ theo cách trẻ thích. VD trẻ tự kỷ gặp khó khăn về xử lý giác quan có thể không thích ôm ấp vỗ về, hãy tôn trọng trẻ và tìm cách phù hợp hơn để thể hiện tình cảm. Hãy thể hiện cho trẻ biết rằng trẻ được yêu thương, quan tâm và giúp đỡ khi cần.

Hãy linh hoạt, trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong những tình huống mới. Với đặc điểm và tính định hình và rập khuôn, trẻ có thể gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi hoặc thể hiện những kỹ năng đã biết của mình ở một tình huống mới lạ.

Tạo sự nhất quán

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc áp dụng những gì trẻ đã học được trong một môi trường khác (vd như ở trung tâm can thiệp, ở nhà hay ở trường học) với những người khác. Ví dụ, trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ở trường để giao tiếp, nhưng trẻ lại gặp khó khăn khi làm như vậy ở nhà. Tạo sự nhất quán trong môi trường của con bạn là cách tốt nhất để củng cố việc học. Tìm hiểu những gì nhà trị liệu của trẻ đang làm và tiếp tục các kỹ thuật như vậy tại nhà. Khái quát hóa kỹ năng trẻ đã học được ở nhiều nơi để khuyến khích trẻ chuyển những gì đã học được từ môi trường này sang môi trường khác. Điều quan trọng là bạn phải nhất quán trong cách bạn tương tác với con mình và đối phó với những hành vi thách thức.

Tuân theo một lịch trình

Trẻ em tự kỷ có xu hướng làm tốt nhất khi trẻ có một lịch trình hoặc thói quen có cấu trúc chặt chẽ. Thiết lập một lịch trình cho con bạn, với thời gian cố định cho các bữa ăn, chương trình can thiệp, giờ đi học và giờ đi ngủ. Cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn hoặc những thay đổi bất ngờ đối với thói quen này. Nếu bắt buộc phải có sự thay đổi thì cha mẹ cần chuẩn bị trước cho trẻ.

Khen thưởng hành vi tốt

Sự củng cố tích cực có thể giúp ích rất nhiều cho trẻ tự kỷ. Tập trung vào những điều tích cực, khen ngợi trẻ khi trẻ hành động phù hợp hoặc học một kỹ năng mới, nói thật cụ thể về hành vi mà trẻ đang được khen ngợi. Ngoài ra, hãy tìm những cách khác để thưởng cho trẻ khi có hành vi tốt, chẳng hạn như cho trẻ một hình sticker hoặc để trẻ chơi với một món đồ chơi yêu thích.

Tìm kiếm các tín hiệu phi ngôn ngữ

Cha mẹ có thể học cách nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ mà trẻ tự kỷ sử dụng để giao tiếp. Chú ý đến loại âm thanh trẻ tạo ra, nét mặt và cử chỉ trẻ sử dụng khi mệt mỏi, giận dữ, đói hoặc muốn thứ gì đó. Hãy để ý đến những biểu hiện bên ngoài của trẻ tự kỷ và tìm hiểu ý nghĩa đằng sau của các hành vi đó.

Chú ý đến sự nhạy cảm giác quan của trẻ

Nhiều trẻ tự kỷ quá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, xúc giác, vị giác và khứu giác và một số trẻ lại kém nhạy cảm hơn với các kích thích cảm giác. Cha mẹ cần tìm ra hình ảnh, âm thanh, mùi, chuyển động và cảm giác xúc giác nào kích hoạt các hành vi không mong muốn hoặc gây rối của trẻ và điều gì tạo ra phản ứng tích cực. Trẻ cảm thấy căng thẳng vì điều gì? Khi nào trẻ thả lỏng? Khi nào trẻ không thoải mái? Trẻ thấy điều gì thú vị? Nếu cha mẹ hiểu điều gì ảnh hưởng đến con mình, cha mẹ sẽ khắc phục sự cố tốt hơn, ngăn ngừa các tình huống gây khó khăn và tạo ra những trải nghiệm thành công.

NTL Ngọc Bích – Thu Hằng