Một số chiến lược hỗ trợ giao tiếp mắt cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

Giao tiếp mắt là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ và phát triển kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc duy trì giao tiếp mắt. Dưới đây là một số chiến lược giúp hỗ trợ và cải thiện giao tiếp mắt cho trẻ:

1.Lựa chọn môi trường yên tĩnh:

Chọn nơi yên tĩnh, ít đồ đạc để trẻ cảm thấy thoải mái và dễ tập trung. Sắp xếp đồ chơi hoặc vật dụng yêu thích của trẻ gần bạn để dễ dàng thu hút sự chú ý của trẻ trong quá trình giao tiếp.

2.Dùng đồ chơi dấp dẫn:

Sử dụng đồ chơi màu sắc và hình dạng vui nhộn để thu hút sự chú ý của trẻ và khuyến khích trẻ nhìn vào bạn khi chơi.

3. Nói ngắn gọn và rõ ràng:

Sử dụng câu ngắn và rõ ràng. Kết hợp biểu cảm và cử chỉ để trẻ dễ hiểu hơn và có thể bắt chước. Đưa ra biểu cảm khuôn mặt rõ ràng để trẻ nhận diện cảm xúc và ý định của bạn. Sự kết hợp này giúp trẻ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc duy trì giao tiếp mắt.

4.Khen ngợi:

Khuyến khích trẻ khi trẻ nhìn vào bạn bằng cách đưa ra lời khen ngợi hoặc phần thưởng nhỏ. Sự khuyến khích và khen ngợi không chỉ tạo động lực cho trẻ mà còn giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và muốn tiếp tục giao tiếp mắt.

5.Chơi trò chơi tương tác:

Chơi các trò đơn giản như “đuổi bắt ánh sáng” hoặc trò chơi bóng nhỏ có thể khuyến khích trẻ nhìn vào bạn trong khi chơi, tạo cơ hội để trẻ thực hành giao tiếp mắt một cách tự nhiên.

6.Thu hút chú ý của trẻ

Khi bạn muốn thu hút sự chú ý của trẻ, hãy nhìn vào trẻ và dùng cử chỉ như vẫy tay hoặc chỉ vào đồ vật để tạo sự chú ý.

7.Sử dụng hình ảnh và ứng dụng:

Sử dụng bảng giao tiếp hình ảnh hoặc các ứng dụng tương tác để giúp trẻ hiểu và thực hành giao tiếp mắt. Những công cụ này cung cấp các hình ảnh hoặc hoạt động giúp trẻ nhận diện cảm xúc và ngữ cảnh giao tiếp một cách dễ dàng hơn.

8.Tạo thói quen giao tiếp mắt:

Duy trì thói quen giao tiếp mắt trong các hoạt động hàng ngày và lặp lại thường xuyên để trẻ làm quen. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự nhiên hơn khi duy trì giao tiếp mắt. Hãy kiên nhẫn và tích cực trong việc luyện tập với trẻ để đạt được kết quả tốt nhất.

Việc cải thiện giao tiếp mắt cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, với một chiến lược đơn giản và phù hợp đã nêu trên, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng này một cách tự nhiên và hiệu quả. Bằng cách tạo môi trường yên tĩnh, sử dụng đồ chơi hấp dẫn, khuyến khích giao tiếp mắt qua các trò chơi,… bạn sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và nâng cao khả năng tương tác xã hội. Hãy nhớ rằng mỗi bước tiến, dù nhỏ, đều là một bước quan trọng trong hành trình phát triển của trẻ.

NTL Nguyễn Huyền