Một số lời khuyên hữu ích giúp trẻ học nói

Dạy trẻ tập nói, đặc biệt là với trẻ chậm nói là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, tính trách nhiệm và sự hợp tác ở người lớn.Trong quá trình dạy trẻ, người lớn cần chú ý lắng nghe và ghi nhận những tiến bộ của trẻ dù là nhỏ nhất. Dưới đây là một số lưu ý hữu ích khi dạy trẻ nói:

  1. Trong gia đình, mọi người nên thống nhất cách giáo dục và hình thành thói quen cho trẻ ở trong các môi trường và tình huống khác nhau.
  2. Giao tiếp với trẻ ở vị trí ngang tầm mắt, giúp trẻ có cơ hội giao tiếp mắt tốt hơn với người lớn. Khi giao tiếp hoặc đưa ra yêu cầu, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn mắt.
  3. Nói đơn giản, dễ hiểu, chậm và rõ ràng khi đưa ra yêu cầu cho trẻ (có thể sử dụng đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể đưa ngang tầm mắt trẻ). Hãy sử dụng từ, cụm từ, câu ngắn gọn để giao tiếp với trẻ.
  4. Tăng cường các kỹ năng lắng nghe và kỹ năng chơi cho trẻ bằng cách cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, ca hát, kể chuyện, bắt chước các hoạt động… một cách thường xuyên và lặp đi lặp lại. Những hoạt động này cũng góp phần tăng cường khả năng nhận thức ở trẻ. Ví dụ một số trò chơi như ú òa, nu nống, chi cành, kéo cưa, chơi búp bê,…
  5. Chỉ tay là một những điều quan trong cần dạy cho trẻ trong quá trình học nói. Hãy hướng dẫn trẻ chỉ tay bằng ngón trỏ vào thứ mình muốn kèm bắt chước âm thanh, hành động người lớn hướng dẫn. Ví dụ ban đầu khi trẻ kéo tay người lớn để muốn lấy “bánh” , người lớn có thể hướng dẫn trẻ bằng cách cầm tay giúp trẻ chỉ ngón trỏ vào bánh và nói “bánh” (nhắc 2-3) rồi đưa cho trẻ.
  6. Cho trẻ có thời gian để xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu với trẻ. Hãy chờ đợi trẻ phản ứng trong 5-7s, nếu trẻ không thực hiện được, hãy làm mẫu giúp trẻ. Lặp lại nhiều lần trong các tình huống, yêu cầu khác nhau.
  7. Hãy khen ngợi và động viên trẻ ngay lập tức khi trẻ thực hiện được phần nào yêu cầu bạn đưa ra cho trẻ. Có thể thưởng trẻ bằng thứ trẻ thích khi trẻ thực hiện được yêu cầu.
  8. Tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ bằng cách tận dụng mọi tình huống trong sinh hoạt hàng ngày (ăn, tắm, ngủ, trên xe bus…) để nói chuyện và chơi cùng trẻ. Diễn tả các hoạt động đó và những thứ trẻ thấy xung quanh bằng lời nói đơn giản. Việc này giúp trẻ có cơ hội được lắng nghe, được học hỏi, bắt chước hành vi của người lớn và phát triển nhận thức.
  9. Hạn chế cho trẻ xem tivi. Nếu cho trẻ xem tivi, hãy ngồi cùng trẻ chỉ và gọi tên các hình ảnh, hoạt động đó.
  10. Dạy trẻ nói là một việc cần nhiều thời gian và công sức, vì vậy phụ huynh cần bình tĩnh, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo để có thể giúp đỡ trẻ một cách hiệu quả. Việc nóng vội vừa tạo nên áp lực cho chính bản thân phụ huynh và vừa gây áp lực cho trẻ.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Huyền