Với mỗi bậc phụ huynh, khoảnh khắc được nghe tiếng con nói, được nghe con gọi “bố, mẹ” là một niềm vui không thể tả hết thành lời. Không ai khác, cha mẹ chính là những người đầu tiên ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng phát triển khả năng ngôn ngữ theo đúng mốc phát triển, có trẻ sẽ có thể biết nói chậm hơn. Nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy con đã 18 tháng vẫn chưa biết ê a bất cứ một từ gì. Con chậm nói khiến các bậc cha mẹ phải đối diện với nhiều áp lực từ người thân, gia đình.Bên cạnh việc cho trẻ được thăm khám kịp thời, bố mẹ cũng lưu ý đến một số điều sau trong quá trình dạy dỗ trẻ để con nhanh biết nói hơn.
1.Tạo cho trẻ cơ hội được nói
Khi vốn từ vựng của trẻ chưa được hoàn thiện, để giao tiếp với mọi người xung quanh, trẻ thường phải dùng hành động, cử chỉ để biểu đạt mong muốn của mình.Khi muốn uống sữa hay muốn lấy bất cứ một thứ gì, trẻ sẽ tự tay mình chỉ hoặc sẽ cầm tay mẹ và hướng đến các đồ vật đó. Lúc đó, các mẹ sẽ hiểu được mong muốn của con và nhiều người đã không ngần ngại mà ngay lập tức đi lấy giúp con. Tuy nhiên để khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ, thay vì vội vàng giúp con, các mẹ nên gợi chuyện để hỏi con “con cần gì nào?”, “đó là cái gì nhỉ?”… Gợi câu hỏi cho con, hướng dẫn và chờ đợi con thể hiện nhu cầu bằng lời nói là một cách tốt để trẻ học nói.
2. Hạn chế thời gian xem tivi, máy tính của trẻ
Tivi, máy tính hay mọi thiết bị truyền thông thông tin đều có một tác dụng đó là giúp trẻ học hỏi và tiếp thu được những điều mới lạ xung quanh cuộc sống. Không những vậy, các thiết bị này còn được nhiều bố mẹ coi là một công cụ hữu hiệu, bởi họ nhận thấy rằng mỗi khi cho bé ngồi xem tivi thì con sẽ ngoan ngoãn hơn. Và những lúc như vậy là thời điểm tốt để bố mẹ có thể yên tâm làm các công việc khác.Tuy nhiên, nếu để trẻ thường xuyên xem tivi, đặc biệt là xem một mình, sẽ có thể khiến cho trẻ lười nói chuyện hơn.
Khi con xem tivi, trẻ chỉ được tiếp nhận thông tin một chiều, bởi lúc đó trẻ chỉ con có cơ hội nghe nhưng lại không có cơ hội để nói. Nếu khi xem tivi trẻ được xem cùng bố mẹ và được trò chuyện về các hình ảnh sẽ giúp trẻ nghe hiểu và có phản xạ ngôn ngữ tốt hơn. Khi được giao tiếp với bố mẹ, bé sẽ đáp ứng được cả hai nhu cầu đó là nghe và nói.
3.Thường xuyên nói chuyện với con
Đối với trẻ sơ sinh, vốn từ ngữ của con hầu như là chưa được hình thành. Nên khi các mẹ giao tiếp với con sẽ chỉ là một cuộc độc thoại đơn lẻ từ phía mẹ, bởi có thể mẹ sẽ nói rất nhiều nhưng đáp lại chỉ là những tiếng ê,a. Dù trẻ mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng trẻ.
Khi còn nhỏ, việc trẻ tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua một cách duy nhất là lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau. Mỗi ngày, bố mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện cùng con, dù cho con có chưa hiểu những điều bố mẹ nói nhưng đây cũng là khoảng thời gian vàng để bố mẹ và con có thể được ở cạnh nhau và giao tiếp với nhau.
4. Để cho trẻ được tiếp xúc với bên ngoài
Các bố mẹ cần biết rằng trẻ cần có một môi trường vui vẻ, có bạn bè để hòa nhập. Ở trong môi trường có nhiều bạn bè, trẻ sẽ nảy sinh nhu cầu muốn giao tiếp, muốn nói chuyện, muốn giao lưu. Bố mẹ hãy tạo cơ hội để con được ra ngoài vui chơi với bạn bè thay vì chỉ chơi trong nhà một mình. Nếu trẻ có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ nhiều bạn nhỏ cùng tuổi, trẻ cũng có thể nhanh biết nói hơn.
5. Dạy trẻ từ dễ đến khó
Khi dạy trẻ nói không nên bắt đầu bằng những từ ngữ khó, phức tạp hoặc câu dài sẽ làm các con không nói theo được mà nên dùng những từ đơn giản, câu ngắn gọn để dạy bé. Kết hợp các từ giúp trẻ gọi người thân, cơ thể, thức ăn, đồ chơi, phối hợp với những từ ngữ dùng trong sinh hoạt hàng ngày để dạy trẻ.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Huyền