Là một người bán hoa quả ở chợ đầu mối Thanh Hóa, chị Bích Hường tự thấy buổi họp lớp không phải nơi dành cho mình.
Lớp cấp 3 của chị có truyền thống họp mỗi năm một lần, bắt đầu từ 10 năm trước. Lấy chồng xa nên chị không gặp lại ai kể từ khi tốt nghiệp nhưng cảm giác bị khinh thường sau buổi họp lớp đầu tiên khiến chị từ chối thẳng thừng những lời mời các năm sau.
Người phụ nữ 44 tuổi đoán thu nhập của mình có thể hơn, thậm chí gấp đôi các bạn đang “làm công ty”. “Nhưng không biết vì đâu họ nghĩ đẳng cấp hơn đứa bán hàng ngoài chợ như tôi”, Bích Hường nói.
Buổi gặp mặt đầu tiên của lớp hồi đó diễn ra dịp cuối năm, ở một nhà hàng, có hơn 20 người tham dự, trong tổng số lớp 30 người.
Gặp nhau mọi người tay bắt mặt mừng, tự giới thiệu nơi ở, công việc hiện tại. “Ai cũng tranh thủ khoe thu nhập, khoe quen ông quan chức này, biết ông lãnh đạo kia. Ai càng có vẻ nhiều tiền nói càng to, càng hăng”, chị kể. Người khoe đến đâu, ở dưới lại xuýt xoa đến đấy. Ai có chức tước, khoe quan hệ rộng, lập tức có người lại bắt tay, lưu số điện thoại.
Bữa đó, chị “choáng” nhất với ông bạn trước ngồi cùng bàn, đang sống ở TP HCM. Anh này ban đầu than thở làm kinh doanh nội thất ở thành phố lớn áp lực, mệt mỏi nên nhiều lúc cũng muốn bỏ phố về quê làm công nhân cho nhẹ đầu. Nghe vậy, chị Bích Hường tỏ vẻ đồng cảm nhưng thấy anh chép miệng: “Không biết có ai công nhân lại lái ôtô Camry, tháng xin nghỉ vài lần đi du lịch nước ngoài như tui không nhỉ?”.
Bích Hường giới thiệu mình và chồng đều bán hoa quả ở chợ đầu mối. Chị cảm giác không khí trầm lắng hẳn sau khi chị nói. Một người nhìn chị cười bảo: “Sao tớ chẳng có chút ký ức nào về bạn Hường nhỉ, hay ngồi nhầm lớp rồi”. Người phụ nữ chỉ cười, ăn uống qua loa rồi lấy lý do có việc gấp ra về, không đi cà phê như kế hoạch.
“Mọi người cũng chỉ chào lấy lệ, rồi lại xúm vào nhau trò chuyện như không có sự tồn tại của tôi”, chị kể.
Có nhà, có xe, sự nghiệp thành đạt nhưng anh Ngọc Tùng, 32 tuổi, ở Hà Nam cũng từ chối đến các buổi họp lớp cấp ba lẫn đại học chỉ sau một lần tham dự.
Lần đó, lớp anh Tùng có chưa đầy 20 người tham dự. Vì điểm hẹn là nhà hàng gần nhà nên anh đến bằng xe máy, ba người khác lái ôtô, chở thêm các bạn khác.
Những người bạn lâu năm mới gặp nhưng ngồi theo nhóm. Đám con trai khoe thu nhập, bàn chuyện về đầu tư nhà đất, chứng khoán, hỏi thăm xem mua, xây được nhà chưa, có khoản thu nhập thụ động nào không. Cánh phụ nữ kể chuyện chồng làm gì, thu nhập ra sao, khoe chồng, khoe con rồi chuyển sang khoe bí quyết giữ chồng, trị tiểu tam.
Những người “không có gì để khoe” như Tùng dồn lại một nhóm, câu chuyện bớt ồn ào hơn. “Tôi thấy mọi người nói về bản thân, về tiền bạc nhiều hơn thật lòng quan tâm xem bạn đang thế nào”, anh nói.
Sau bữa ăn ở nhà hàng gần nhà, họ rủ nhau đi cà phê. Chỉ có ba ôtô bốn chỗ nên Tùng đề nghị tìm quán gần nhà hàng nhưng mấy bạn có xe riêng không đồng ý.
Thấy cách thức tổ chức như vậy không ổn và cũng ngại với các bạn, anh Tùng báo bận việc gấp phải về. “Tôi thấy buổi gặp như sàn diễn để khoe khoang, vô bổ và mất thời gian”, anh nói.
Trong 20.000 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress, hơn 33% chung suy nghĩ với anh Tùng, cho rằng họp lớp là vô bổ, dễ phát sinh những thứ phiền phức không đáng có; 59% chọn nên tổ chức mỗi 10 năm, 20 năm còn lại kết nối qua mạng xã hội, điện thoại. Những bạn bè thân thiết muốn gặp sẽ chủ động gặp, không cần đợi họp lớp. Chỉ 8% ủng hộ họp lớp hàng năm.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục (Hà Nội) cho biết, có nhiều lý do khiến một người không dự họp lớp như tài chính hạn chế, gặp tổn thương thời đi học, bị vợ, chồng cấm cản hay cảm thấy buổi họp lớp không mang ý nghĩa như vốn có.
“Nhưng cảm giác khó chịu khi thấy bạn bè khoe mẽ trong buổi họp lớp là một lý do phổ biến khiến nhiều người không muốn đến”, bà Linh Nga nói.
Về mặt tâm lý, chuyên gia cho rằng khoe khoang trong họp lớp khá dễ hiểu. Khi được nói đến bản thân, khoe mẽ, vùng não phụ trách cảm giác thỏa mãn được kích hoạt, giúp người ta thấy vui vẻ, thoải mái. Nhiều người coi họp lớp là cơ hội để thể hiện sự thành đạt, giàu có của bản thân với bạn bè, thầy cô.
Khoe khoang cũng có thể do tâm lý thích hơn thua, muốn tỏ ra mình hơn người khác, muốn thể hiện địa vị và muốn được chú ý. “Phần lớn bạn bè khi chứng kiến sự khoe khoang sẽ cảm thấy khó chịu, không được tôn trọng”, bà Linh Nga nói.
Tuy nhiên, tiếp cận sự khoe khoang đó thế nào cũng tùy tính mỗi người. “Có người thấy người khác khoe thì lại mừng cho bạn”, bà Nga nói. Trong trường hợp của chị Bích Hường, có thể vừa do bạn bè không biết cách cư xử, vừa vì tự bản thân chị thấy vị thế không bằng ai nên nảy sinh cảm giác tự ti, nhìn mọi thứ theo chiều hướng có phần tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, họp lớp hay hội khóa để kết nối tình thầy trò, bạn bè tương trợ nhau lúc khó khăn, truyền động lực học tập đến thế hệ sau.
“Nếu không đạt được mục tiêu đó thì không nên tổ chức”, ông nói.
Ông cho rằng những buổi họp lớp, hội khóa kém ý nghĩa là do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người đứng ra tổ chức không xây dựng được nội dung thiết thực, phù hợp với tiêu chí đề ra.
Yếu tố tạo thành công của một buổi họp lớp là người tổ chức có tâm, có tầm và những thành viên trong lớp đó thực sự đến với nhau vì tình cảm bạn bè. “Có những học trò của tôi, khi tổ chức hội khóa sẽ gặp thầy cô trước cả tháng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và xin ý kiến của giáo viên để xây dựng chương trình”, ông cho biết.
Ủng hộ quan điểm trên, bà Linh Nga cho rằng người tổ chức họp lớp cần lên chương trình chi tiết, có hoạt động gắn kết tập thể.
“Cần nhấn mạnh mục đích họp lớp đến các thành viên, nhắc nhẹ nguyên tắc hạn chế ‘flex’ bản thân hay tách riêng nhóm”, bà nói.
Với các thành viên dự họp lớp, cần phải hiểu khoe mẽ làm phiền người khác, ảnh hưởng đến không khí chung. Phải hiểu chia sẻ thành tựu với bạn bè là niềm vui nếu ở mức độ vừa phải. Đồng thời, mỗi thành viên nên dành thời gian quan tâm đến bạn, khen ngợi và ghi nhận những điểm mạnh và giá trị của bạn mình.
Không dự họp lớp nhưng chị Bích Hường không rời nhóm chat chung của nhóm. Chị vẫn đóng tiền mỗi khi nhóm kêu gọi ủng hộ một người nào đó khó khăn hay thăm hỏi bố mẹ các bạn ốm đau khi cần.
Trong sâu thẳm, chị vẫn muốn mình có thể hòa vào tập thể ấy như năm 18 tuổi, nâng đỡ nhau khi khó khăn như mục tiêu của một tập thể đích thực. “Có lẽ chỉ cần gặp gỡ ‘online’ như vậy cũng đủ”, chị nói.
Phạm Nga, VnExpress
https://vnexpress.net/nhung-nguoi-tu-choi-hop-lop-4762363.html