Nói ngọng ở trẻ nhỏ, khi nào thì cần thăm khám và can thiệp?

Nói ngọng là gì?

Nói ngọng là một dạng rối loạn phát âm thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 đến 4 hoặc độ tuổi tiền tiểu học. Tình trạng ngọng của trẻ có thể được cải thiện dần dần trong quá trình hoàn thiện về cấu trúc lưỡi, môi, hàm, răng; hoàn thiện về khả năng ngôn ngữ nhưng cũng có không ít các trường hợp phát triển thành thói quen cho đến khi trưởng thành nếu không được can thiệp kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết chứng nói ngọng ở trẻ?

– Các âm thanh phát ra khi nói chuyện không được rõ.

– Các âm tiết khi phát âm có thể bị sai/ phát âm lệch với tiêu chuẩn khi nói, ví dụ: “khế” thành “hế”; “cá” thành “tá”; “các” thành “tác”; “thỏ” thành “tỏ”; “thả” thành “tả”;…

– Có hiện tượng nuốt âm khi phát âm/ giao tiếp. ví dụ: “cô nga” thành “cô a” hoặc “tô a”; “bắp ngô” thành “bá ô”.

– Tốc độ nói nhanh nhưng khó nghe và tính dễ hiểu trong giao tiếp chỉ xảy ra với người chăm sóc chính.

– Lời nói không rành mạch, các âm lẫn lộn khi nói câu dài dễ gây hiểu sai hoặc khó hiểu cho những người xung quanh.

– Trẻ có biểu hiện khó khăn trong việc cử động lưỡi, môi, hàm, hơi thở không được ổn định, nhịp thở ngắn; khi trẻ nói thấy rõ sự cố gắng nói, cố gắng phát âm, nói chậm, nói từng từ, từng chữ.

Có các dạng nói ngọng nào? Dựa vào kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, các chuyên gia cũng đã chia chứng nói ngọng ở trẻ thành 2 dạng cơ bản:

Nói ngọng thực thể: Do sự ảnh hưởng và biến đổi của bộ máy phát âm hoặc sự suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Nói ngọng cơ năng: Có thể liên quan đến quá trình rối loạn phát triển ngôn ngữ và không kèm theo các tổn thương khác.

Nguyên nhân nào dẫn đến chứng nói ngọng ở trẻ nhỏ?

Tình trạng trẻ nói ngọng có thể khởi phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, nó có thể mang tính chủ quan hoặc khách quan.

Do bẩm sinh: trẻ gặp phải các khiếm khuyết ở môi, răng, hàm như bị sứt môi, hở hàm ếch, dính thắng lưỡi, khớp cắn ngược, răng mọc lệch,…Tất cả những vấn đề này đều có thể gây nên nhiều cản trở đối với quá trình phát âm của trẻ nhỏ, là nguyên nhân làm cho nhiều trẻ bị nói ngọng kéo dài.

Do suy giảm khả năng nghe: trẻ không nghe được hoặc nghe kém cũng có thể dẫn đến tình trạng nói không rõ, nói sai, nói ngọng vì ngôn ngữ lời nói của trẻ được hình thành và hoàn thiện thông qua hình thức nghe và bắt chước.

– Do tình trạng viêm tai giữa ở mức độ nghiêm trọng cũng gây nên chứng nói ngọng và có thể kéo dài vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Do bắt chước: nếu trẻ thường xuyên được tiếp xúc với những người có tật nói ngọng thì nhiều khả năng trẻ cũng sẽ phát âm giống họ hoặc do thói quen của người lớn nói với trẻ bằng giọng nũng nịu kéo dài từ khi tập nói. Khi tình trạng này không được can thiệp và điều chỉnh tốt thì nhiều khả năng trẻ sẽ hình thành thói quen cho đến khi đi học và trưởng thành.

Do ngậm núm vú giả:  việc giữ thói quen ngậm ti giả sẽ khiến cho lưỡi của trẻ luôn ở trong trạng thái thè ra ngoài, lưỡi bị bẹt ra nên khi nói chuyện trẻ cũng có thói quen đó khiến cho âm thanh được phát ra bị lệch đi, không chuẩn.

Do các bệnh đường hô hấp: Các vấn đề bệnh lý có liên quan đến hô hấp như nghẹt mũi, hen suyễn, khó thở khiến cho nhiều trẻ liên tục phải thở bằng miệng, lâu ngày sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng phát âm và gây ngọng

Do sự chưa hoàn thiện của các bộ phận phát âm: Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thường vẫn chưa phát triển toàn diện về lưỡi, răng, môi, hàm nên việc phát âm, nói chuyện có phần không được rõ ràng, chuẩn xác. Tình trạng này có thể được dần cải thiện theo thời gian mà không cần can thiệp quá nhiều.

Khi nào cần cho trẻ nhỏ đi khám và can thiệp về chứng ngọng?

Trẻ nhỏ từ 2 đến 4 tuổi nói ngọng (ngọng một số âm) được xem là vấn đề bình thường và không đáng lo ngại vì đây là giai đoạn trẻ đang tập nói cũng như đang hoàn thiện về cấu trúc của bộ máy phát âm. Tuy nhiên, nếu sau 4 tuổi tình trạng ngọng vẫn diễn ra thì trẻ cần được quan tâm và chú ý nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cũng nên chủ động đưa trẻ tiến hành thăm khám và tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục tốt.

Nhà tâm lý Nguyễn Lương