Phân biệt tăng động giảm chú ý với tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ và các rối loạn khác

Phân biệt rối loạn tăng động giảm chú ý với tự kỷ

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và tự kỷ có thể có một vài triệu chứng rất giống nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng hơn một nửa trẻ tăng động giảm chú ý có những triệu chứng của trẻ tự kỷ và một nửa trẻ tự kỷ cũng có những biểu hiện của tăng động giảm chú ý. Chúng có nhiều triệu chứng giống nhau và thậm chí có sự chồng chéo các triệu chứng, gây khó khăn trong việc chẩn đoán phân biệt. Tuy nhiên đây là hai hội chứng riêng biệt và cách thức trị liệu hoàn toàn khác nhau.

Mối liên quan giữa tăng động giảm chú ý và tự kỷ

Rối loạn tăng động giảm chú ý tác động đến cách não bộ tăng trưởng và phát triển, được xem như là một rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn này thường xuất hiện trong khoảng từ 3 đến 11 tuổi, điển hình là ở giai đoạn trước khi vào học, đặc trưng bởi các hành vi hiếu động, nghịch ngợm quá mức, cùng với sự giảm khả năng tập trung chú ý. Điều này làm giảm khả năng phát triển các kỹ năng cá nhân, xã hội và học tập của trẻ.

Rối loạn phổ tự kỷ là một loạt các rối loạn phát triển liên quan có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng ngôn ngữ, hành vi, tương tác xã hội và khả năng học hỏi. Rối loạn phổ tự kỷ thường xuất hiện ngay từ những năm đầu đời của trẻ, thường là trước 3 tuổi.

Trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ tự kỷ đều có thể gặp vấn đề về khả năng tập trung. Những trẻ này có thể cùng có những hành vi bốc đồng hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp. Trẻ cũng có thể gặp rắc rối với bài tập ở trường và khó khăn khi thiết lập các mối quan hệ vì không nhận thức được các quy tắc ứng xử trong các tình huống phù hợp.

Sự khác nhau giữa trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ tự kỷ

Trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ tự kỷ có một số biểu hiện khá giống nhau, thậm chí trùng lặp. Tuy nhiên, đây là hai dạng rối loạn riêng biệt, mức độ ảnh hưởng đến trẻ cũng như phương pháp can thiệp trị liệu hoàn toàn khác nhau. Hãy cùng khamtamly.vn tìm hiểu những điểm cơ bản để phân biệt trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ tự kỷ.

– Trẻ tăng động giảm chú ý thường diễn đạt kém, nói nhanh, nói nhiều và ngắt lời người khác trong cuộc trò chuyện. Trong khi đó, trẻ tự kỷ gặp vấn đề ngôn ngữ, giọng nói lơ lớ không rõ âm sắc, hoặc không có âm thanh.

– Trẻ tự kỷ không có giao tiếp mắt hoặc tiếp xúc cơ thể. Trong khi đó, trẻ tăng động giảm chú ý có giao tiếp mắt, nhưng gặp khó khăn trong ứng xử với mọi người, dẫn đến khó kết bạn hay duy trì các mối quan hệ lâu dài.

– Trẻ tự kỷ thường có những hoạt động rập khuôn, tỏ ra khó chịu với những thay đổi so với thói quen thường ngày. Còn trẻ tăng động giảm chú ý gần như không đứng yên một chỗ, chân tay luôn hoạt động. Trẻ tăng động giảm chú ý hầu như không làm theo chỉ dẫn, dễ có các cơn xung động không thể kiểm soát.

– Trẻ tăng động giảm chú ý gặp khó khăn khi phải hoàn thành một công việc cần sự tập trung, thường thay đổi hoạt động liên tục, thiếu kiên nhẫn trong những hoạt động cần chờ đợi thứ lượt. Trong khi đó, trẻ tự kỷ tập trung cao độ vào hoạt động đang thực hiện mà không quan tâm đến ngoại cảnh.

– Trẻ tự kỷ có một số hoạt động cơ thể quá mức như đúng đưa người, quay tròn… nhằm tự xoa dịu bản thân. Các hoạt động của trẻ tự kỷ mang tính lặp lại. Còn trẻ tăng động giảm chú ý gần như không thể thực hiện một hoạt động trong thời gian dài.

– Trẻ tăng động giảm chú ý có hành động thiếu suy nghĩ và không quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra, thiếu sự khéo léo và tính toán trong khi chơi. Trẻ tăng động giảm chú ý còn có giác quan quá nhạy cảm. Trong khi đó, trẻ tự kỷ dễ bị rối loạn do các vấn đề xử lý cảm giác, đồng thời gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc bản thân, cũng như hiểu cảm xúc của người khác. Trẻ tự kỷ thường có giác quan quá nhạy hoặc rất kém nhạy cảm.

Phân biệt rối loạn tăng động giảm chý ý với chậm phát triển trí tuệ

Một số triệu chứng điển hình của rối loạn tăng động giảm chú ý như hoạt động quá mức, không chú ý và bốc đồng cũng có thể xảy ra trong rối loạn tâm thần khác, bao gồm cả chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, rối loạn tăng động giảm chú ý và chậm phát triển trí tuệ là hai vấn đề khác hẳn nhau.

Những khó khăn của trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ chậm phát triển trí tuệ

Mặc dù trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể cùng gặp một số khó khăn trong việc thực hiện các kỹ năng cá nhân, xã hội. Nhưng về bản chất nguyên nhân dẫn tới điều này lại hoàn toàn khác nhau.

Trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp các vấn đề về hành vi. Từ đó có thể chia tăng động giảm chú ý ra thành 3 dạng:

– Giảm chú ý.

– Tăng động, bốc đồng.

– Kết hợp tăng động và giảm chú ý.

Vì những khó khăn trong việc kiểm soát hành vi mà trẻ tăng động giảm chú ý thường khó kết giao bạn bè, không tuân theo quy tắc nhóm để tham gia các hoạt động. Từ đó trẻ bỏ qua các cơ hội trải nghiệm để phát triển kỹ năng xã hội của mình. Một số trẻ rối loạn giảm chú ý thường khó có thể lắng nghe lời người khác, trẻ dễ bị thu hút bởi bất kì sự kích thích nào xung quanh, thay vì tập trung vào hoạt động học tập để tiếp thu kiến thức mới. Sự hấp tấp cũng là một phần lí do mà trẻ thường khó có kết quả học tập cao.

Trẻ được coi là chậm phát triển trí tuệ sẽ có trí tuệ dưới ngưỡng trung bình, bao gồm sự thiếu hụt 2 yếu tố sau vào giai đoạn đầu thời thơ ấu:

– Hoạt động trí tuệ có nhiều hạn chế. Trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển trí tuệ nhiều khía cạnh như khả năng lý luận, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, suy nghĩ trừu tượng, học tập thông qua hoạt động tại trường hoặc qua trải nghiệm cá nhân.

– Khả năng thích ứng của trẻ ở mức thấp. Trẻ chậm phát triển trí tuệ yếu về khả năng suy nghĩ, phân tích nên gặp khó khẳn trong việc thích ứng với các thay đổi trong cuộc sống.

Chậm phát triển trí tuệ được chia làm 4 mức độ (nhẹ với IQ khoảng 50-75, trung bình với IQ khoảng 35-55, nặng với IQ khoảng 20-40, rất nặng với IQ khoảng 20-25) dựa trên chỉ số IQ cũng như mức độ tiếp nhận hỗ trợ và khả năng đáp ứng của trẻ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường thiếu kỹ năng khi tham gia hoạt động học tập cũng như hoạt động xã hội do sự hạn chế của não bộ.

Sự khác nhau giữa trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ chậm phát triển trí tuệ

– Trẻ tăng động giảm chú ý rất dễ bị thu hút bởi các kích thích bên ngoài, dẫn đến thiếu hứng thú và mất tập trung khi tham gia các hoạt động. Trong khi đó, trẻ chậm phát triển trí tuệ do giới hạn hoạt động của não bộ, nên không hiểu nội dung của các hoạt động mà mình đang tham gia.

– Trẻ tăng động giảm chú ý thường xuyên có những hành vi không phù hợp, do trẻ bị tác động bởi các cơn xung động năng lượng khiến bản thân luôn có nhu cầu hoạt động tay chân và không tuân theo các nguyên tắc. Trong khi đó trẻ chậm phát triển trí tuệ không biết cách phản ứng phù hợp với các tình huống, lúng túng trong việc xử lý.

– Cả trẻ tăng động giảm chú ý lẫn trẻ chậm phát triển trí tuệ đều gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, trẻ tăng động giảm chú ý học kém là do thiếu tập trung trong quá trình tiếp nhận kiến thức, hấp tấp trong làm bài dẫn đến nhiều sai sót và kết quả học tập không được như mức độ nhận thức của trẻ. Trong khi đó, trẻ chậm phát triển trí tuệ bị giới hạn về nhận thức, khả năng tiếp thu của trẻ bị hạn chế.

Như vậy, dù có thể có một số triệu chứng và khó khăn giống nhau, nhưng tăng động giảm chú ý và chậm phát triển trí tuệ là hai rối loạn hoàn toàn khác nhau. Trẻ tăng động động giảm chú ý có IQ hoàn toàn bình thường, cha mẹ nếu biết cách tận dụng các chiến lược quản lý hành vi và cảm xúc, kết hợp xây dựng một môi trường học phù hợp sẽ giúp trẻ có thể tiếp nhận kiến thức mới nhanh chóng. Trẻ chậm phát triển trí tuệ bị hạn chế bởi khả năng phát triển của não bộ nên sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới, tùy vào mức độ chậm của trẻ mà có thể xây dựng một chiến lược can thiệp giúp trẻ có thể sinh hoạt độc lập.

Phân biệt rối loạn tăng động giảm chú ý với rối loạn cảm xúc

Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 90% trẻ em mắc rối loạn cảm xúc đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng động giảm chú ý. Đây là một tỷ lệ rất cao, thể hiện mối liên quan giữa tăng động giảm chú ý với rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phân biệt hai dạng rối loạn này với nhau.

Cảm xúc của trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ rối loạn cảm xúc diễn ra như thế nào?

Rối loạn tăng động giảm chú ý được biết đến với một số vấn đề điển hình như khó tập trung và tính bốc đồng. Tuy nhiên, một khó khăn không được đề cập nhiều ở rối loạn này là khó quản lý cảm xúc.

Những trẻ bị tăng động giảm chú ý cũng có những cảm xúc giống như những người khác. Điều khác biệt là họ thường cảm thấy những cảm xúc này mãnh liệt hơn. Những cảm xúc này cũng tồn tại lâu hơn và có thể cản trở cuộc sống hàng ngày.

Do đó, những trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể:

– Ngập tràn trong sự chán nản, thất vọng hoặc tức giận.

– Từ bỏ quá nhanh bất cứ điều gì trẻ đang làm.

– Tránh tương tác với những người khác.

– Nhanh chóng cảm thấy bực bội vì những khó chịu nhỏ.

– Lo lắng quá nhiều hoặc quá lâu về những điều nhỏ nhặt.

– Khó bình tĩnh khi trẻ khó chịu hoặc tức giận.

– Cảm thấy bị tổn thương hoặc xúc phạm trước những lời chỉ trích dù rất nhẹ nhàng.

– Mong muốn phải đạt được điều mình muốn ngay lập tức.

Đa số trẻ bị tăng động giảm chú ý thường kiểm soát vấn đề của mình tốt hơn khi trưởng thành, một số ít thì vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, có những kỹ năng mà mọi người ở mọi lứa tuổi có thể học để giúp quản lý cảm xúc và trẻ tăng động giảm chú ý có thể học để trở nên ổn hơn.

Rối loạn cảm xúc là tình trạng trẻ dễ bị kích thích và thường xuyên bộc phát tính khí nghiêm trọng, có vẻ không phù hợp với tình hình hiện tại. Trẻ mắc rối loạn cảm xúc có tính cách cực kỳ cáu kỉnh, tức giận và thường xuyên bộc phát dữ dội dù không có sự kích thích tương xứng. Ví dụ, một chuyện tưởng như vụn vặt như cha mẹ cho trẻ một ly sữa thay vì nước trái cây cũng có thể khiến trẻ la hét kéo dài từ nửa giờ trở lên.

Trẻ bị rối loạn cảm xúc cũng có thể trở nên hung dữ, chúng có thể ném đồ đạc hoặc trở nên dữ dằn với cha mẹ, bạn bè hoặc anh chị em. Trẻ dường như trải nghiệm mọi thứ một cách mạnh mẽ hơn các bạn cùng lứa tuổi và thiếu các kỹ năng tự điều chỉnh phù hợp với lứa tuổi để kiểm soát những cảm xúc của mình. Vì lẽ đó, các triệu chứng của trẻ vượt ra ngoài sự cáu kỉnh bình thường và những cơn giận dữ điển hình ở thời thơ ấu. Chúng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng đến mức chúng có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cả trẻ và gia đình.

Các triệu chứng rối loạn cảm xúc thường bắt đầu từ thời thơ ấu (trước 10 tuổi), nhưng chẩn đoán không được đưa ra cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc thanh thiếu niên trên 18. Một đứa trẻ bị rối loạn cảm xúc sẽ trải qua:

– Tâm trạng khó chịu hoặc tức giận hầu hết trong ngày và gần như mỗi ngày.

– Tính khí bộc phát dữ dội (bằng lời nói hoặc hành vi), trung bình từ ba lần trở lên mỗi tuần, không theo kịp hoàn cảnh và mức độ phát triển của trẻ.

– Cáu kỉnh ở nhiều nơi và gây ra một số sự cố vì điều này.

– Các triệu chứng trên ổn định trong 12 tháng trở lên.

Sự khác biệt giữa tăng động giảm chú ý và rối loạn cảm xúc

Trẻ mắc tăng động giảm chú ý cũng có những cảm xúc quá khích gây ra những hành vi cáu kỉnh và bộc phát tính khí nóng nảy. Tuy nhiên, trẻ tăng động giảm chú ý sẽ giận dữ với tần suất ít hơn và mức độ nghiêm trọng cũng nhẹ hơn so với trẻ rối loạn cảm xúc.

Phân biệt rối loạn tăng động giảm chý ý với rối loạn hành vi chống đối

Khoảng 40% trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cũng mắc chứng rối loạn hành vi chống đối. Sự thách thức, giận dữ và không vâng lời của trẻ có thể là các triệu chứng của rối loạn hành vi chống đối.

Hành vi của trẻ tăng động giảm chú ý và trẻ rối loạn hành vi chống đối

Hành vi của trẻ tăng động giảm chú ý

Các vấn đề phổ biến nhất ở trẻ tăng động giảm chú ý là hành vi ngang ngược, hung hăng. Trẻ thường từ chối làm theo chỉ dẫn của cha mẹ hoặc giáo viên. Trẻ có thể bộc phát cảm xúc khi được yêu cầu làm những việc mà chúng cảm thấy khó khăn hoặc thử thách. Nổi cơn thịnh nộ và chống đối không phải là triệu chứng của tăng động giảm chú ý, nhưng chúng thường là kết quả của các triệu chứng tăng động giảm chú ý. Sự thiếu chú ý và bốc đồng có thể khiến trẻ rất khó chịu khi phải làm những công việc lặp đi lặp lại, làm nhiều việc hoặc việc khiến trẻ cảm thấy nhàm chán. Trẻ tăng động giảm chú ý gặp khó khăn hơn những đứa trẻ cùng tuổi để quản lý những cảm xúc mạnh mẽ mà không bộc phát.

Tiến sĩ Vasco Lopes – chuyên gia về tăng động giảm chú ý và các hành vi gây rối – lưu ý rằng những trẻ bị tăng động giảm chú ý có xu hướng trở nên chống đối trong các tình huống cụ thể. Những tình huống này bao gồm những việc phải làm như bài tập về nhà, đi ngủ, ngừng chơi game…. Những tình huống này rất khó để trẻ chịu đựng vì những thiếu hụt là một phần của tăng động giảm chú ý.

Một số tình huống có thể khiến trẻ khó chịu:

– Chú ý cao độ.

– Các hoạt động nhàm chán, mang tính lặp đi lặp lại.

– Học tập trong những môi trường chịu nhiều kích thích (tiếng ồn, ánh sáng…).

– Chuyển từ một hoạt động vui vẻ sang hoạt động thiếu thú vị.

– Trẻ bị kiểm soát mức độ hoạt động.

Hành vi của trẻ rối loạn hành vi chống đối

Rối loạn hành vi chống đối được định nghĩa bởi tính hung hăng và xu hướng cố ý làm phiền, chọc tức người khác. Để được chẩn đoán là rối loạn hành vi chống đối, trẻ phải có hành vi tiêu cực, thù địch và thách thức kéo dài ít nhất 6 tháng, với tần suất xảy ra nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa của trẻ và có từ 4 triệu chứng sau trở lên:

– Thường mất bình tĩnh.

– Thường tranh luận với người lớn.

– Thường chủ động bất chấp hoặc từ chối tuân thủ các yêu cầu hoặc quy tắc của người lớn.

– Thường cố tình làm phiền mọi người.

– Thường đổ lỗi cho người khác về những sai lầm hoặc hành vi sai trái của họ.

– Thường dễ xúc động hoặc dễ bị người khác làm phiền.

– Thường tức giận và bất bình.

– Thường gây thù hận hoặc thù dai.

Mối liên hệ giữa tăng động giảm chú ý và rối loạn hành vi chống đối

Không phải tất cả trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đều đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng rối loạn hành vi chống đối. Tuy nhiên, tỷ lệ này là khá cao. Một số nghiên cứu ước tính cao tới 65% trẻ tăng động giảm chú ý cũng mắc chứng rối loạn hành vi chống đối.

Phân biệt rối loạn tăng động giảm chú ý với rối loạn kỹ năng học tập

Rối loạn tăng động giảm chú ý không phải là rối loạn kỹ năng học tập. Tuy nhiên, rối loạn tăng động giảm chú ý làm cho việc học trở nên khó khăn. Trẻ tăng động giảm chú ý gặp khó khăn trong việc nghe giảng bài, đồng thời khả năng tập trung vào sách vở cũng bị giới hạn. Một nửa số trẻ tăng động giảm chú ý cũng gặp một số khó khăn tương ứng với biểu hiện của rối loạn kỹ năng học tập, như trẻ gặp khó khăn trong đọc viết, mất tập trung…

Rối loạn kỹ năng học tập là gì?

Rối loạn kỹ năng học tập là một vấn đề liên quan đến thần kinh xử lý thông tin, ngăn cản một người học các kỹ năng và sử dụng nó một cách hiệu quả. Rối loạn kỹ năng học tập có thể gây khó khăn cho việc đọc, viết, đánh vần và toán học. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sắp xếp và nhớ lại thông tin nghe nói, đồng thời có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn và dài hạn của trẻ.

Thuật ngữ rối loạn kỹ năng học tập là một thuật ngữ chung cho một loạt các khó khăn học tập cụ thể. Rối loạn kỹ năng học tập không phải là vấn đề học tập do các vấn đề về thị giác hoặc thính giác hoặc học ngôn ngữ thứ hai…

Rối loạn kỹ năng học tập thường xảy ra ở người có trí thông minh trung bình hoặc trên trung bình, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa thành tích và tiềm năng của họ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và can thiệp phù hợp, họ có thể thu hẹp khoảng cách đó để thể hiện kỹ năng của mình.

Các rối loạn kỹ nặng học tập thông thường ảnh hưởng đến khả năng đọc, diễn đạt bằng văn bản, toán học hoặc kỹ năng phi ngôn ngữ của trẻ.

Khó khăn trong học tập của trẻ tăng động giảm chú ý

Học tập liên quan đến việc sử dụng các chức năng điều hành của não, đặc biệt là khả năng tập trung chú ý, tham gia vào một nhiệm vụ và sử dụng trí nhớ làm việc. Chúng ta biết rằng não bộ của trẻ bị tăng động giảm chú ý có sự rối loạn trong chức năng điều hành.

Nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn trong việc học tập và bài vở, do các vấn đề về chức năng điều hành liên quan đến vấn đề tăng động giảm chú ý của trẻ. Nhưng trẻ không  đủ mức độ suy giảm để được chẩn đoán là mắc rối loạn kỹ năng học tập.

Một số khó khăn trong học tập trẻ tăng động giảm chú ý có thể gặp phải:

– Giảm chức năng điều hành: Điều này khiến trẻ khó lập kế hoạch và điều phối các suy nghĩ và hành động của họ. Trẻ có thể gặp vấn đề khi bắt đầu công việc, giữ thời hạn hoàn thành và điều chỉnh cảm xúc của mình.

– Tăng động: Những trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể gặp vấn đề khi ngồi yên, chờ đến lượt hoặc yên lặng. Điều này có thể khiến trẻ khó hòa nhập trong lớp học. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ với các bạn và giáo viên.

– Khó chú ý: Những trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung ở trường, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. Khó khăn về chú ý có thể khiến học sinh gặp cản trở trong việc thực hiện tốt các bài kiểm tra, ngay cả khi trẻ có kiến thức. Điều này là do sự mất tập trung khiến trẻ không thể hoàn thành bài đánh giá hoặc hiểu các câu hỏi.

– Sự vô tổ chức: Sự vô tổ chức có thể khiến những trẻ bị tăng động giảm chú ý khó học tập hoặc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc. Nó cũng có thể khiến trẻ bỏ lỡ thời hạn và quên bài tập ở trường, ảnh hưởng đến điểm số.

– Tính bốc đồng: Tăng động giảm chú ý có thể gây ra hành vi bốc đồng. Điều này có thể dẫn đến việc học sinh gặp rắc rối ở trường. Nó cũng có thể khiến trẻ đưa ra những quyết định có vấn đề, chẳng hạn như không học bài hoặc không làm bài tập về nhà.

– Thiếu chú ý đến chi tiết: Học sinh mắc chứng tăng động giảm chú ý có thể vội vàng hoàn thành các nhiệm vụ hoặc không thể chú ý đến các chi tiết nhỏ. Ví dụ, trẻ có thể không nhận thấy một từ thừa trong một câu hỏi hoặc không đọc hoặc thực sự hiểu yêu cầu của bài tập.

Phân biệt tăng động giảm chú ý và rối loạn kỹ năng học tập

Như vậy, có thể thấy tăng động giảm chú ý và rối loạn kỹ năng học tập đều sẽ gây cản trở trong quá trính học tập của trẻ. Tuy nhiên, đây là hai rối loạn hoàn toàn khác biệt. Những hạn chế trong học tập được đưa ra như là một triệu chứng để chẩn đoán rối loạn kỹ năng học tập. Còn với tăng động giảm chú ý, các khó khăn trong kỹ năng học tập là hệ quả của các triệu chứng tăng động giảm chú ý.