Trẻ chậm nói đơn thuần là gì?
Trẻ chậm nói đơn thuần là những trẻ có vốn từ ngữ ít ỏi, ngôn ngữ diễn đạt phát triển chậm hơn so với mốc phát triển thông thường theo độ tuổi. Trẻ gặp khó khăn khi diễn đạt những suy nghĩ của bản thân. Tuy nhiên, trẻ chậm nói đơn thuần có khả năng hiểu được ý nghĩa câu nói và làm theo các hiệu lệnh, các yêu cầu của mọi người xung quanh. Trẻ thích tham gia các hoạt động chơi cùng các bạn và có các khả năng như: thể hiện nhu cầu của bản thân bằng điệu bộ cơ thể, ánh mắt; biết thu hút sự chú ý của người lớn; biết cách thể hiện sự quan tâm; biết chú ý và quan sát bắt chước hành động của người khác; biết nhờ người khác giúp đỡ…và đặc biệt trẻ chậm nói đơn thuần không có các hành vi, sở thích bất thường.
Phân biệt trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ
Trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ đều có những đặc điểm giống nhau dễ gây nên sự nhầm lẫn, khó phân biệt đối với người chăm sóc trẻ.
Điểm giống nhau giữa trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ
Mốc phát triển ngôn ngữ diễn đạt (lời nói hoặc cử chỉ), hoặc ngôn ngữ hiểu của trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ đều diễn ra chậm hơn so với tuổi.
Trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ đều hạn chế về hiểu lời nói và ngôn ngữ diễn đạt. Trẻ không đáp ứng làm theo các hiệu lệnh, lặp lại lời của người khác, trả lời không đúng với nội dung câu hỏi, vốn từ hạn chế, không hoặc ít thể hiện sự chú ý khi có người khác nói chuyện với trẻ.
Điểm khác nhau giữa trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ
Trẻ chậm nói đơn thuần có các biểu hiện như vốn từ ít khiến trẻ khó diễn đạt mong muốn của bản thân. Trẻ có khả năng giao tiếp bằng hành vi cử chỉ, điệu bộ cơ thể, ánh mắt. Trẻ không có hành vi bất thường. Trẻ hiểu và thực hiện được các mệnh lệnh, yêu cầu của mọi người xung quanh. Trẻ thể hiện sự hứng thú, quan tâm đến mọi người, đến bạn chơi cùng. Trẻ biết bắt chước hành động của người khác, phân biệt được không gian, thời gian, con vật… Ngoài ra, nhận thức của trẻ cũng phong phú và đa dạng dần theo độ tuổi.
Trẻ chậm nói tự kỷ có những biểu hiện như:
– Thiếu hụt kỹ năng giao tiếp. Trẻ chỉ nói bằng từ đơn hoặc lặp đi lặp lại một cụm từ nhất định. Trẻ không đáp ứng với tên gọi, không sử dụng cử chỉ hoặc ánh mắt để giao tiếp. Trẻ không bắt chước cử chỉ điệu bộ của người khác, không hiểu được câu nói của người khác hoặc chỉ hiểu theo nghĩa đen, không biết chơi giả vờ…
– Giảm tương tác xã hội: Trẻ thể hiện sự thờ ờ với môi trường xung quanh. Trẻ thích chơi một mình, không biết chia sẻ sở thích hoặc bất cứ thứ gì với trẻ khác. Trẻ không nhận thức được nguy hiểm, không biết điều chỉnh cảm xúc (có thể khóc, cười, hét ở bất cứ thời điểm nào, ở bất kỳ chỗ nào). Trẻ không nói cho người lớn khi bị đau hoặc muốn hay không muốn điều gì đó.
– Bất thường về hành vi: Trẻ rập khuôn lặp đi lặp lại một câu nói hoặc hành động cơ thể (lắc tay, lắc lư cơ thể…). Trẻ sắp xếp đồ vật theo một trật tự hay quy luật cố định và khó chịu khi trật tự đó bị phá vỡ. Trẻ có các hành vi kiễng chân, xoay tròn đồ vật hoặc quay tròn người. Trẻ có các hành vi làm đau bản thân hoặc làm đau người khác. Trẻ nhạy cảm với âm thanh hoặc mùi vị, xúc giác…
Phân biệt trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ chậm phát triển
Trẻ chậm nói và trẻ chậm phát triển là tình trạng trẻ không đạt được các mốc phát triển thông thường về ngôn ngữ, nhận thức, vận động, tương tác, cá nhân xã hội.
Trẻ chậm nói đơn thuần là những trẻ có vốn từ ít, chậm trễ trong việc mở rộng vốn từ, cú pháp bị đảo lộn nên gặp khó khăn trong việc biểu đạt những mong muốn của bản thân bằng ngôn ngữ. Khả năng nhận thức về bản thân, về thế giới xung quanh và ngôn ngữ hiểu phát triển mạnh, vượt trội hơn ngôn ngữ nói. Trẻ biết sử dụng giao tiếp không lời trong sinh hoạt, cuộc sống một cách hiệu quả. Các mốc phát triển về vận động diễn ra bình thường. Trẻ chủ động được trong các hoạt động giao tiếp và tương tác với môi trường xung quanh.
Trẻ chậm phát triển thường biểu hiện qua các hình thức như trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển vận động và trẻ chậm phát triển nhận thức.
Về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ chậm phát triển: Trẻ chậm nói, chậm mở rộng từ so với mốc phát triển thông thường. Trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt thành câu và trẻ khó truyền đạt bằng cử chỉ với người khác. Trẻ có xu hướng chơi một mình, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh
Về khả năng nhận thức của trẻ chậm phát triển: Trẻ thường ở trạng thái thụ động, không muốn nhận biết thế giới xung quanh. Trẻ thường phản ứng chậm, đáp ứng chậm với các mệnh lệnh, yêu cầu của người khác. Khả năng ghi nhớ chậm hơn so với trẻ chậm nói đơn thuần, trẻ nhanh quên các sự việc vừa được nhắc tới.
Về khả năng vận động, trẻ chậm phát triển không đạt được các mốc phát triển chung theo độ tuổi như bò ngồi vào thời điểm 12 tháng, sau 18 hoặc 24 tháng mới biết đi… Một số trẻ có sự phối hợp vận động giữa tay – chân – miệng kém.
Phân biệt trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ bị thoái lui về ngôn ngữ
Trẻ chậm nói đơn thuần thường có các biểu hiện sau:
– Trẻ không sử dụng âm baba, mama khi tầm 9 tháng tuổi, trẻ không nhận ra tên gọi của các đồ vật quen thuộc khi tầm 12 tháng tuổi.
– Từ 12 đến 15 tháng tuổi, trẻ không có từ đơn nào, không bắt chước âm thanh kể cả âm thanh đơn giản. Trẻ thích dùng hành động để thể hiện mong muốn, chẳng hạn như kéo tay người lớn đến chỗ mình muốn, dùng chỉ tay hoặc gật/lắc đầu thể hiện ý muốn.
– Từ 18 đến 24 tháng, trẻ chưa chỉ và gọi tên được vật quen thuộc, trẻ chưa nói được từ ghép, vốn từ chưa đạt được khoảng 200 từ trở lên. Trẻ chưa thể đọc được các bài thơ ngắn, hát nối cùng người khác. Trẻ chưa biết đặt câu hỏi đơn giản như ai, cái gì, ở đâu? Trẻ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu lời nói của người khác, khó thực hiện theo các chỉ dẫn, yêu cầu được đưa ra. Trẻ có thể phản ứng chậm với các câu hỏi thông thường như “con ăn cơm chưa”, “con đi đâu về”, “con vừa làm gì”…
– Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ có thể nói được những câu ngắn khoảng 2 – 3 từ, nhưng nhiều hơn lại không nói được. Trẻ gặp khó khăn trong việc ghép các từ đơn lại với nhau, không thể nói được một câu hoàn chỉnh.
– Từ sau 3 tuổi trở đi, trẻ có vốn từ chưa đạt 1500 từ. Trẻ khó khăn trong việc nghe hiểu các câu hỏi vì sao, như thế nào, khi nào. Trẻ gặp khó khăn khi kể lại hoạt động hoặc câu chuyện ngắn.
Trẻ bị thoái lui về ngôn ngữ là tình trạng trẻ trước đó có sự phát triển ngôn ngữ giao tiếp ở ngưỡng bình thường so với mốc phát triển của độ tuổi. Trẻ đang từ trạng thái vui vẻ, hoạt bát với mọi người xung quanh chuyển sang trạng thái né tránh giao tiếp, né tránh tiếp xúc cơ thể với người chăm sóc và dần dần bị mất hoặc suy giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này thường gặp ở trẻ tự kỷ thoái lui.
– Tự kỷ thoái lui là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi sự khởi phát muộn (ở trẻ trên 3 tuổi), chậm phát triển ngôn ngữ, chức năng xã hội và kỹ năng vận động. Đây là một chứng rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong sự phát triển của trẻ. Tự kỷ thoái lui được xếp chung nhóm với các rối loạn phát triển lan tỏa (PDDs) và có liên quan đến chứng rối loạn tự kỷ được biết đến nhiều hơn và phổ biến hơn.
– Trẻ tự kỷ thoái lui có ít nhất 2 năm phát triển bình thường trong mọi lĩnh vực. Ở giai đoạn nay, trẻ hiểu ngôn ngữ, lời nói, kỹ năng sử dụng các cơ lớn, cơ nhỏ và kỹ năng xã hội. Sau giai đoạn phát triển bình thường này, trẻ bắt đầu mất các kỹ năng đã có được. Sự mất mát này thường diễn ra ở độ tuổi từ 3 đến 4, nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho đến khi lên 10 tuổi.
Như vậy có thể thấy chậm nói ở trẻ là tình trạng chậm đạt các mốc phát triển về ngôn ngữ theo độ tuổi thông thường. Trẻ chậm nói khi được hỗ trợ, can thiệp thúc đẩy thì sẽ sớm đạt được mốc phát triển chung về ngôn ngữ hoặc nhận thức. Còn với trẻ bị thoái lui ngôn ngữ thường sẽ phức tạp hơn để có thể đạt được mốc phát triển chung.
Phân biệt chậm nói và trẻ mắc các dạng rối loạn khác
Chậm nói đơn thuần cần được phân biệt với trẻ mắc rối loạn khác như chậm phát triển tâm thần, rối loạn tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ.
– Chậm phát triển tâm thần: Bao gồm kém khả năng nhận thức và hành vi thích ứng. Nếu trẻ có chậm phát triển tâm thần, thì trẻ có số điểm thấp về cả hai lĩnh vực có lời và không lời, trong khi trẻ chậm nói có số điểm không lời trong giới hạn bình thường.
– Rối loạn tự kỷ: Trẻ chậm nói quan tâm đến tương tác xã hội, trong khi trẻ tự kỷ ít quan tâm xã hội hơn. Trẻ chậm nói có thể có bốn hành vi không lời then chốt mà trẻ tự kỷ không có: chú ý liên kết, chơi giả bộ, trao đổi tình cảm và bắt chước.
– Tăng động giảm chú ý: Trẻ tăng động giảm chú ý thường có các biểu hiện nghịch ngợm, hiếu động quá mức, khó tập trung chú ý khi tham gia hoạt động, hay quên, khó khăn khi phải chờ đợi đến lượt, khó tuân theo quy tắc nhóm. Trẻ chậm nói đơn thuần thì thường lại tuân thủ các quy tắc, luật lệ tốt hơn, khả năng duy trì chú ý khi hoàn thành hay tham gia hoạt động tốt, chủ yếu trẻ gặp khó khăn khi diễn đạt nhu cầu mong muốn của bản thân.
– Trẻ rối loạn ngôn ngữ: Trường hợp này, trẻ thường gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác, khó khăn giao tiếp bằng lời nói và giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Trẻ có hiện tượng nhại lời của người khác, nói âm vô nghĩa. Trẻ chậm nói đơn thuần thì hiểu được lời nói và có thể thực hiện được các yêu cầu của người khác. Trẻ chậm nói thường chỉ gặp khó khăn trong việc mở rộng vốn từ, khả năng sử dụng câu hoàn chỉnh để diễn đạt.