Phát triển ngôn ngữ và cải thiện giao tiếp cho trẻ

Quốc – một bé trai 2,5 tuổi, là con út trong gia đình, bố mẹ đưa trẻ đến thăm khám tại Phòng khám Ngọc Minh – Trung tâm PPRAC với lo lắng rằng trẻ chậm nói, chỉ có những âm ê a không rõ, ít tương tác. Trong các tình huống sinh hoạt thường ngày, trẻ có thể hiểu và thực hiện những yêu cầu cơ bản nhưng chỉ thể hiện nhu cầu bằng hành động hoặc cử chỉ, khi bố mẹ dạy con nhận biết  thì con từ chối không hợp tác. Trong buổi đánh giá ban đầu, con khá trầm và nhút nhát, hầu như không đáp ứng lại với tương tác của bác sĩ hay nhà tâm lý. Sau khi thực hiện đánh giá cũng như quan sát trẻ và trao đổi với bố mẹ, bác sĩ đưa ra chẩn đoán trẻ chậm nói và có khó khăn về tương tác cá nhân – xã hội, đề xuất phương án can thiệp cho trẻ từ 3 – 5 buổi/tuần, mỗi buổi 1 giờ. Gia đình thống nhất về những đánh giá và phương án được đưa ra, quyết định đưa trẻ đến trung tâm can thiệp.

Giai đoạn đầu của quá trình can thiệp diễn ra khá thuận lợi, trẻ hợp tác, vui vẻ trong các hoạt động chơi, tạo nên mối quan hệ trị liệu tốt giữa trẻ và nhà tâm lý. Trong suốt 4 tháng can thiệp, liệu pháp chơi được áp dụng một cách linh hoạt trong việc tổ chức các trò chơi tương tác giữa nhà tâm lý và trẻ, có thể kể đến như: thẻ tranh, xếp hình, thả khối, câu hoa, xâu hạt, đồ chơi theo chủ đề, … nhằm tăng cường khả năng tương tác, phát triển khả năng giao tiếp của trẻ. Cùng với đó, nhà tâm lý sử dụng kỹ năng làm mẫu và khuyến khích trẻ quan sát và làm theo hướng dẫn. Ngoài ra, nhà tâm lý cũng tư vấn cho phụ huynh cách tương tác và chơi với trẻ tại nhà hiệu quả.

Qua quá trình cố gắng không ngừng, đến hiện tại, Quốc đã có những tiến bộ đáng kể được ghi nhận bởi cả nhà tâm lý cũng như phía gia đình, trẻ trở nên vui tươi, chủ động hơn trong tương tác hàng ngày (chào hỏi, xin – cho – nhận, …), biết cách thể hiện nhu cầu bằng những câu ngắn 2 – 3 từ, nhận biết được bản thân và xung quanh nhiều hơn, … Mẹ trẻ có chia sẻ: “Con đã khác rất nhiều so với những ngày đầu gửi đến cô, bố mẹ cũng rất mừng khi nhìn thấy con tiến bộ từng ngày, chủ động thể hiện mình hơn nhiều, hy vọng con sẽ tiếp tục được giúp đỡ để ngày một tốt lên”. Nghe những lời chia sẻ này, nhà tâm lý cũng cảm thấy rất xúc động và có thêm động lực trong công việc của mình.

Đối với những đứa trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, việc không thể hiện được cảm xúc, mong muốn của mình bằng lời nói khiến trẻ thu mình lại, ngại tương tác với mọi người xung quanh. Vì vậy, việc can thiệp ngôn ngữ và thúc đẩy tương tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng với trẻ. Hành trình đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn này là không dễ dàng, mong cha mẹ luôn kiên trì, vững tâm, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nhà chuyên môn để có thể giúp con phát triển tốt hơn mỗi ngày.

(*) Thông tin trẻ đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc