Phương pháp dạy trẻ tự kỷ tại nhà

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ giao tiếp mắt-mắt

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn rất lớn về khả năng giao tiếp mắt với người đối diện. Làm thế nào để thiết lập và duy trì giao tiếp mắt cho trẻ tự kỷ luôn là mối quan tâm hàng đầu ở nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ.

Để có thể cải thiện được khả năng giao tiếp mắt, cha mẹ nên tránh việc ép trẻ phải nhìn tập trung vào mắt mình, bởi điều đó sẽ khiến trẻ khó chịu và làm gia tăng hành vi chống đối. Thay vào đó, cha mẹ sử dụng một số trò chơi để khuyến khích và thu hút trẻ. Việc sử dụng các trò chơi không những làm tăng sự hứng khởi, sự chú ý cho trẻ mà nó còn giúp gắn kết giữa cha mẹ và con.

Khi tổ chức trò chơi tăng cường giao tiếp mắt, cha mẹ cần chú ý một số nguyên tắc sau:

– Sắp xếp một phòng riêng, hạn chế tối đa các yếu tố gây mất tập trung cho trẻ, phù hợp nhất khi trong phòng chỉ có cha mẹ với trẻ.

– Giao tiếp ngang tầm mắt với trẻ.

– Trò chơi cần tạo được sự bất ngờ, được lặp lại nhiều lần để thu hút ánh mắt của trẻ.

– Di chuyển vật thể từ 2 phía.

– Sử dụng các đồ chơi hoặc đồ ăn mà trẻ yêu thích, các trò chơi tương tác người người như ú òa, kéo cưa lừa xẻ, kiến bò….

– Đưa ra mục tiêu phù hợp với khả năng hiện tại của trẻ.

– Chạm vào cơ thể trẻ.

– Luôn sử dụng lời khen, phần thưởng.

Thực hành một số hoạt động chơi như sau:

– Trò chơi với đồ vật yêu thích hoặc bánh kẹo trẻ thích ăn: Cha mẹ ngồi ngang tầm mắt với trẻ, cầm bánh hoặc đồ chơi di chuyển qua lại hai bên, lên xuống (chậm theo hướng gần sát khuôn mặt của mình) để thu hút ánh mắt của trẻ. Cha mẹ nói “bánh, bánh kèm thêm biểu cảm vui vẻ, muốn ăn” để tăng khả năng duy trì giao tiếp mắt cho trẻ. Cha mẹ chú ý khen thưởng khi trẻ đã có đáp ứng giao tiếp mắt- mắt bằng việc cho trẻ chơi đồ vật đó 3-5 giây hoặc ăn một miếng bánh nhỏ sau đó tiếp tục bài tập.

– Trò chơi với âm thanh bất ngờ: Cha mẹ tạo những âm thanh gây ra sự tò mò và bất ngờ để kích thích trẻ nhìn lại. Ví dụ: Đặt cái gì đó ngộ nghĩnh lên đầu mình để thu hút ánh mắt của trẻ. Thay đổi ngữ điệu cường độ âm thanh giọng nói bất ngờ làm vật rơi, hoặc đưa ra những đồ chơi hoặc đồ ăn mà trẻ yêu thích.

Trong hoạt động chơi đồ chơi cùng trẻ cha mẹ cần tạo “khoảng chờ” cho trẻ có cơ hội thể hiện nhu cầu bằng ánh mắt. Ví dụ trò chơi thổi bong bóng, trẻ rất thích được nhìn những bong bóng bay lên không trung và nhìn nó vỡ bụp. Ngay sau khi bóng vỡ hết, cha mẹ di chuyển đến vị trí của trẻ, chờ trẻ đáp ứng bằng cách nhìn cha mẹ ngụ ý yêu cầu “chamẹ hãy thổi nữa đi” và khi đó hành động chơi mới lại được tiếp tục.

– Trò chơi ống nhòm: Cha mẹ sẽ dùng tay để minh họa ống nhòm. Cho 2 tay lên mắt tạo thành ống nhòm kèm theo đó là dùng những câu kích thích trẻ nhìn vào ống nhòm. Theo phản xạ là trẻ sẽ nhìn, lúc này cha mẹ hãy di chuyển ống nhòm cùng mắt để mắt trẻ di chuyển cùng. Đây là trò chơi rất đơn giản để thu hút khi trẻ không tập trung.

Trong quá trình chơi và dạy trẻ nên chạm vào cơ thể của trẻ như cằm, má, miệng, mũi và đôi khi là mắt để trẻ cảm nhận và nhận biết bên cạnh đang có người chơi cùng. Điều này giúp đôi mắt của trẻ dần quan tâm để ý tới người đối diện với mình.

Xuyên suốt các hoạt động vui chơi, hướng dẫn tăng cường giao tiếp mắt cho trẻ, cha mẹ thường xuyên chú ý sử dụng phần thưởng cho trẻ mỗi khi bắt gặp ánh mắt giao tiếp với mình. Đó là đồ ăn yêu thích của trẻ hoặc có thể là nụ cười, ánh mắt vui vẻ lời khen: “con nhìn mẹ rồi, mẹ vui quá…”. Điều này sẽ khích lệ và tăng hứng thú cho trẻ.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ ngôn ngữ

Phần lớn trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu hình thành âm lời nói hoặc việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người xung quanh. Có những trẻ bị hạn chế về khả năng nghe hiểu và bắt chước âm thanh, âm lời nói nhưng cũng có thể trẻ chỉ hạn chế về khả năng diễn đạt. Khi dạy ngôn ngữ cho trẻ, cha mẹ cần xác định được những khả năng ngôn ngữ của con mình đang ở mức độ nào để có những cách đưa ra các bài hướng dẫn phù hợp với khả năng của trẻ.

Một số chú ý với cha mẹ khi dạy ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ:

– Trước hết cha mẹ cần tăng cường khuyến khích trẻ chơi và giao tiếp. Khi dạy trẻ tự kỷ học nói, trước hết cha mẹ hãy chơi thật nhiều trò chơi với con. Hãy thử nhiều trò chơi khác nhau để tìm ra loại mà trẻ thích nhất. Một số trò chơi thúc đẩy tương tác xã hội mà cha mẹ nên thực hiện cùng trẻ là hát, đọc truyện, đọc thơ… Lưu ý, trong quá trình tương tác, vị trí ngồi của cha mẹ phải ngang tầm mắt trẻ để tăng khả năng tập trung.

– Cha mẹ hãy bắt chước âm thanh và hành vi chơi của trẻ sẽ khuyến khích chúng phát âm và tương tác nhiều hơn. Điều đó khuyến khích trẻ bắt chước lại cha mẹ và chờ đến lượt mình. Nhưng hãy nhớ, chỉ nên bắt chước cách trẻ chơi nếu đó là một hành vi tích cực. Ví dụ, khi trẻ lăn một chiếc ô tô, cha mẹ sẽ làm điều tương tự. Tuy nhiên, nếu trẻ ném xe, hãy ngừng lại.

– Hướng dẫn trẻ bắt chước tạo ra các âm thanh. Cha mẹ sử dụng các đồ chơi phát ra âm thanh, hoặc tự tạo ra âm thanh khi chơi đồ chơi cùng trẻ, khuyến khích trẻ bắt chước lại. Ví dụ, cha mẹ vừa đẩy xe ô tô về phía con vừa có âm zìn zìn zìn… hoặc cho ô tô trượt dốc và ùm ùm ùm…hoặc làm máy bay bay ù ù ù….. Khuyến khích trẻ có các hành động bắt chước cử động của môi, lưỡi, răng.

– Cung cấp từ vựng và tăng cường khả năng hiểu cho trẻ: Hãy bắt đầu từ các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Nói cho trẻ nghe, hướng dẫn trẻ làm, cho trẻ cơ hôi được thực hiện lại, tăng cường đưa ra yêu cầu vừa tầm để trẻ thực hiện. Cha mẹ thường xuyên gọi tên đồ vật (nên chú ý nói ngắn gọn, rõ ràng) mà trẻ đang quan tâm, đang muốn lấy. Cần lồng ghép các cử chỉ, hành động vào các lời hướng dẫn khi đưa ra cho trẻ. Ví dụ cha mẹ “gật đầu” khi đưa ra yêu cầu “con lại đây” hoặc “vỗ tay xuống bàn” khi yêu cầu con “đặt cốc xuống bàn”. Hoặc cha mẹ muốn con xếp tiếp mảnh ghép trong trò chơi lắp ghép thì sử dụng cụm từ “xếp vào đây, ở chỗ này…” trong khi tay thì chỉ vào vị trí đó. Sự hỗ trợ bằng các cử chỉ, hành động sẽ được giảm dần nếu trẻ làm tốt dần lên.

– Cho trẻ thời gian để đáp ứng yêu cầu: Nhiều cha mẹ khi thấy trẻ tự kỷ không đáp ứng được câu hỏi liền trả lời thay. Điều này vô tình cha mẹ đã lấy mất cơ hội được nói của trẻ. Do vậy, khi cha mẹ đặt câu hỏi hoặc thấy trẻ muốn một thứ gì, hãy dừng lại vài giây và nhìn trẻ thật mong đợi. Theo dõi bất kỳ âm thanh hoặc chuyển động của cơ thể và phản ứng kịp thời. Phản hồi nhanh chóng của cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm nhận được sức mạnh của giao tiếp.

– Cha mẹ hãy đơn giản hóa ngôn ngữ khi dạy trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ có thể làm theo những gì mà cha mẹ đang nói. Nó cũng giúp trẻ bắt chước lời nói của cha mẹ dễ dàng hơn. Dạy trẻ tự kỷ học nói nên bắt đầu bằng những từ đơn lẻ. Ví dụ như: ông, bà, bố, mẹ… Nếu trẻ chơi với một quả bóng, bạn có thể nói “bóng” hoặc “lăn”. Còn nếu trẻ đang nói những từ đơn lẻ, hãy giúp trẻ nói theo các cụm từ ngắn, chẳng hạn như “quả bóng lăn” hoặc “ném bóng”. Hãy tuân theo quy tắc “một lần”: Sử dụng các cụm từ nhiều hơn 1 từ so với số từ trẻ nói được

– Làm theo sở thích của trẻ để mở rộng vốn từ cho trẻ: Thay vì làm gián đoạn sự tập trung của trẻ, hãy làm theo lời nói mà trẻ đang dùng. Sử dụng quy tắc “một lần” kể lại những gì trẻ đang làm. Bằng cách nói về những gì thu hút trẻ, cha mẹ sẽ giúp trẻ tự kỷ học nói được các từ vựng liên quan.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ tập trung chú ý

– Tăng cường giao tiếp bằng mắt để thu hút sự chú ý cho trẻ, để hướng trẻ đến sự chú ý các hiện tượng hay sự việc nào đó. Điều này có thể mất một thời gian dài nhưng nếu kiên trì sẽ giúp cho trẻ quan tâm đến mọi việc xung quanh, tập trung hơn.

– Vẽ tranh, tô màu cũng là cách dạy trẻ tự kỷ tập trung. Trước hết, cha mẹ nên vẽ các hình khối đơn giản như hình vuông, hình tròn và đặt câu hỏi cho trẻ. Trong trường hợp trẻ không trả lời thì cha mẹ nên giải thích. Tiếp theo vẽ thành những đồ vật khác nhau như cốc, ngôi nhà… giúp cho trẻ chú ý.

– Chơi với đất nặn: Cha mẹ nên chuẩn bị đất sét và các hình ảnh đồ vật, hoa quả đẹp, màu sắc để cùng trẻ nhào nặn và tạo thành hình đồ vật, hoa quả.

– Trò chơi mê cung: Cha mẹ có thể xếp các hình thành mê cung theo đường đi và đặt một mục tiêu nào đó ở điểm đích. Hỗ trợ hoặc thúc đẩy trẻ tìm được đường đến vị trí đích, như vậy sẽ hỗ trợ phát triển phán đoán, trí tuệ và giúp trẻ tập trung.

– Cùng trẻ đọc sách hay kể chuyện cho bé, chú ý nên diễn đạt giọng nói cũng như nét mặt để phù hợp với từng nhân vật. Đây chính là cách dạy trẻ tự kỷ tập trung hiệu quả được rất nhiều cha mẹ áp dụng và thành công.

– Trò chơi xâu hạt giúp cho trẻ vận động các đầu ngón tay sao cho linh hoạt, đồng thời làm tăng khả năng chú ý cho trẻ. Cha mẹ có thể tăng dần các số hạt cần xâu để giúp bé nhanh nhẹn và tư duy tốt hơn.

– Trò chơi xé giấy, tùy vào khả năng có thể cho trẻ xé tự do hoặc xé theo đường kẻ hoặc theo hình được vẽ. Cha mẹ sẽ cùng trẻ xé theo hình và dán lên trên mặt đã vẽ. Đây là trò chơi rất dễ thực hiện khi dạy trẻ tự kỷ tại nhà.

– Cha mẹ bắt chước hành động của trẻ để trẻ nhận thức được những gì chúng đang làm. Điều này vừa thu hút được sự chú ý cũng như kích thích tò mò của trẻ, muốn quan sát cha mẹ sẽ làm gì tiếp theo, tạo hứng thú cho trẻ.

– Cho trẻ nghe nhạc sẽ kích thích sự chú ý và ghi nhớ những giai điệu, sau một thời gian trẻ sẽ ngân nga theo bài hát đó. Đây chính là cách dạy trẻ tự kỷ tập trung rất hiệu quả tại nhà, đồng thời âm nhạc cũng sẽ khiến trẻ thư giãn và thoải mái.

Một số lưu ý khi dạy tập trung chú ý cho trẻ tự kỷ

– Cho trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ hứng thú. Bởi điều này chính là yếu tố giúp trẻ giảm thiểu tình trạng mất tập trung, hơn nữa khi bạn chơi cùng sẽ thấy hào hứng và thân thiết hơn.

– Ưu tiên các hoạt động đơn giản với mục tiêu cố định. Cha mẹ có thể cùng trẻ chơi những trò đơn giản nhưng có mục tiêu nhất định, có thể là giới hạn về thời gian. Điều này hỗ trợ trẻ chú ý để hoàn thành nhanh chóng.

– Luôn khen ngợi trẻ khi trẻ hoàn thành yêu cầu được đặt ra. Điều này sẽ khuyến khích, giúp trẻ phát huy trong các lần tiếp theo.

– Kiên trì đều đặn cho trẻ luyện tập. Mỗi trẻ sẽ có khả năng tập trung khác nhau, thế nên cha mẹ cần phải kiên trì khi hỗ trợ. Đồng thời, cha mẹ nên áp dụng các trò chơi, hoạt động phù hợp nhất với con mình, giúp làm tăng khả năng tương tác, chú ý của trẻ.

Phương pháp dạy trẻ tử kỷ với đồ chơi

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi chơi với đồ chơi hoặc người chơi cùng. Phần lớn trẻ tự kỷ có cách chơi khá đơn giản, hành động chơi được lặp lại hoặc trẻ không biết làm gì với đồ chơi. Dưới đây là một số hướng dẫn trẻ chơi theo các mức độ chơi mà cha mẹ cần biết trong quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà.

Chơi thám hiểm: Động viên trẻ thám hiểm môi trường chơi bằng cách củng cố việc cầm và quan sát đồ chơi, rồi thực hiện một số thao tác đơn giản với đồ vật bằng một tay, trong khi làm một cử chỉ khác với tay kia. Ví dụ, vịn tủ trong nhà búp bê trong khi mở và đóng cửa.

Chơi quan hệ: Củng cố trò chơi nối kết hai vật hoặc những phần khác nhau của một đồ vật. Ví dụ: đập các đồ vật với nhau; xếp hàng, cặp đôi hoặc tập hợp những đồ vật cùng loại.

Chơi chức năng:

– Chơi chức năng đơn giản: Dạy trẻ dùng một đồ vật với một chủ đích. Ví dụ: đẩy xe tải chở hàng, để cốc lên miệng như để uống.

– Chơi chức năng phức tạp: Dạy trẻ cách thực hiện tối thiểu hai hành động để tạo một tác động. Ví dụ đẩy hộp đồ chơi, nhắm mắt và nhấn nút…

Chơi tưởng tượng: Dùng một đồ vật tượng trưng cho một vật khác, như dùng khối tượng trưng cho xe lửa. Hoặc tưởng tượng hành động trên người hoặc đồ vật. Ví dụ: Cho búp bê uống sữa…

Chơi tiêu biểu: Bằng cách dùng tối thiểu hai hành động trên bản thân. Ví dụ giả vờ rót nước và uống bằng cốc, đội mũ và đẩy xe tải chứa đồ chơi quanh nhà, chất khối lên xe rồi đổ khối xuống khi xe dừng lại…

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ các bộ phận cơ thể

Trong quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà, cha mẹ hãy tìm cách tạo nên mối quan hệ với bé bằng mọi cách có thể như sử dụng cách nhìn, nghe, sờ mó. Hãy khuyến khích trẻ nhận biết các bộ phận cơ thể như khuôn mặt, mắt, môi, ngón tay, ngón chân…  của bạn và của trẻ. Điều cơ bản trước tiên, bố mẹ hãy giới thiệu tên các bộ phận cơ thể cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi đối diện với mình. Cha mẹ vừa chỉ ngón tay vừa gọi tên các bộ phận cơ thể đó. Hoặc cha mẹ có thể dạy trẻ nhận biết các bộ phận cơ thể qua các trò chơi như:

– Hát: Bạn có thể dựa vào một giai điệu quen thuộc để sáng tác lời. Ví dụ bài “Ồ sao bé không lắc”, “Đây là cách chúng ta chạm vào mũi, chạm vào mũi, chạm vào mũi. Đây là cách chúng ta chạm vào mũi, lúc sớm vào buổi sáng”. Sau đó thay từ “mũi” bằng từ “cằm”, “khuỷu tay” rồi “đầu”.

– Vẽ tranh: Cha mẹ có thể vẽ một khuôn mặt và vẽ các bộ phận khi gọi tên. Hoặc cho trẻ vẽ bằng cách in màu vào tay, chân để lấy dấu tay, dấu chân. Hoặc dùng ngón tay để vẽ.

– Dùng gương: Chỉ vào hình các bộ phận của bé trong gương cũng như các bộ phận của các nhân vật trong sách hoặc các bộ phận cơ trẻ trên búp bê hay gấu bông.

– Trò chơi thể chất: Bạn có thể thử vài trò chỉ dẫn hành động trên cơ thể chẳng hạn lung lay ngón tay, hoặc bắt chước hành động của các con vật như nhảy ếch.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ các cử chỉ giao tiếp

– Khi hướng dẫn các cử chỉ giao tiếp trong quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà, cha mẹ cố gắng nhấn mạnh trong cùng một tình huống nhiều lần. Ví dụ, sau khi cha mẹ đã thu hút được sự chú ý của trẻ, tiếp đó đặt một chiếc ghế trước khi trẻ ngồi xuống và nói “Con hãy ngồi xuống” hoặc “về chỗ” đồng thời với việc vỗ vỗ vào chiếc ghế. Khi trẻ có vẻ đã nghe theo mệnh lệnh, cha mẹ có thể bắt đầu sử dụng chúng vào các thời gian khác nữa và vào các vị trí khác khi bạn muốn trẻ ngồi xuống.

– Giới thiệu các cử chỉ vào các công việc hàng ngày. Ví dụ, “gật đầu” khi bạn nói “con lại đây”. Dần dần sử dụng các cử chỉ này vào các thời điểm khác nhau và vị trí khác. Hoặc chỉ một vật gần ánh mắt của trẻ và cố gắng để trẻ nhìn vào vật đó. Chạm vào vật đó và dịch chuyển vật đó theo tầm nhìn của trẻ.

– Sử dụng các trò chơi xếp hình nếu trẻ thích. Hãy chỉ ra các mảnh xếp hình sắp tới phải được dặt vào đâu hoặc mảnh nào sau đó sẽ cần sử dụng. Hãy sử dụng các câu như “ở chỗ này”, “ở trong này”, “cái này”, “vào đây”… trong khi tay bạn đang chỉ. Khi trẻ với một vật gì đó, hãy nắm lấy cánh tay đã vươn dài của trẻ và nắn ngón tay của trẻ về phía về một điểm để trẻ có thể chạm vào vật đó.

– Dạy trẻ cách lựa chọn bằng cách đưa ra hai loại đồ ăn, hai loại đồ uống hay hai loại đồ chơi. Khi trẻ chỉ tay vào loại trẻ thích, thì đặt loại khác xuống. Hãy làm những việc này càng nhiều càng tốt với các tình huống khác nhau. Cố gắng đừng bao giờ nói “chỉ vào”, “con muốn gì” nhưng hãy nói cho trẻ tên của vật mà trẻ đã chọn.

– Trong bất cứ trò chơi nào bạn tiến hành với trẻ, hãy cố gắng chơi lần lượt để trẻ nhìn thấy bạn đang chỉ trỏ. Hãy chỉ các vật cho trẻ với sự nhấn mạnh mỗi khi bạn có cơ hội. Hãy bắt đầu bằng việc chạm vào các vật mà bạn muốn trẻ nhìn. Sau đó có thể dùng các đặc điểm có liên quan, ví dụ một cái máy bay đang bay trên trời, một đoàn tàu vừa chạy qua.

– Hãy thể hiện mọi cử chỉ và biểu hiện của bạn thật rõ ràng, đừng ngại để có dáng vẻ vô cùng ngạc nhiên, vô cùng vui vẻ hoặc buồn bã. Hãy bắt đầu các trò chơi với môi trường vui vẻ, lời nói thân thiện và khuôn mặt tươi cười. Ví dụ khi bạn vui vẻ thì giọng nói vui vẻ, khuôn mặt vui vẻ và nếu cáu giận thì hãy thể hiện ngược lại.

Phương pháp dạy trẻ tự kỷ vận động

Vận động của cơ thể sẽ dẫn đến sự nhanh nhạy hệ thần kinh và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo, phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Đồng thời sự phát triển tâm lý sẽ kéo theo sự phát triển vận động.

Có thể chia làm 2 loại vận động: Vận động tinh phát triển trí não và vận động thô phát triển thể chất.

Nhóm vận động tinh

Đối với trẻ việc tương tác trực tiếp với người thật giúp trẻ có thể nhìn mặt, nghe giọng nói và quan sát các cử chỉ. Ngoài ra, việc tương tác với đồ vật như sờ, lúc lắc, cho vào miệng gặm… cũng giúp trẻ tăng kỹ năng nhận thức nhiều hơn. Não bộ và đôi tay có liên quan mật thiết với nhau, vì thế các bài tập vận động để phát triển trí não đầu tiên chính là rèn luyện đôi tay cho trẻ.

Một vài trò chơi đơn giản, nhưng khi duy trì đều đặn hằng ngày sẽ giúp bé phát triển kỹ năng vận động của mình. Cha mẹ hãy tập cho bé cầm đồ vật, cầm thức ăn, hoặc bất cứ thứ gì trẻ thích với nhiều hình dáng, chất liệu, kết cấu khác nhau.Khi bé lớn hơn, các trò chơi với quả bóng, đồ chơi xúc cát, thậm chí là màu nước, bột khô, đất sét… đều rất tốt. Việc chơi với những vật này sẽ giúp trẻ học được cách sử dụng đôi tay khéo léo và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ chơi các trò chơi xếp hình, đồ chơi bằng gỗ, nhựa, cao su an toàn, như đặt các khối vào đúng vị trí hoặc xây lâu đài, xếp toa tàu, các trò chơi tháo ráp… Trẻ thường rất hứng thú những trò này. Ngoài ra, những trò chơi này có tác dụng rèn luyện tính tập trung cao.

Nhóm vận động thô

Cha mẹ hãy tắm nắng cho trẻ vì vitamin D tự nhiên từ mặt trời sẽ có tác dụng trực tiếp vào cơ, xương. Mẹ có thể thường xuyên xoa nắn tay chân giúp tuần hoàn máu tốt hơn.

Trẻ từ khi biết bò sẽ luôn luôn di chuyển. Cha mẹ không nên ép buộc trẻ ngồi yên.  Bởi càng vận động, di chuyển nhiều sẽ giúp trẻ càng khỏe mạnh, cứng cáp sớm. Việc mẹ cần làm là trông nom sao cho trẻ có thể chơi đùa một cách an toàn.

Một số bài tập cho trẻ vận động:

– Bài tập vỗ tay, đánh trống, xé giấy, dán giấy… để bé cảm nhận được khái niệm lực và phản lực, tập sử dụng hai tay để cầm đồ và điều khiển để trẻ  biết cách điều tiết lực ở tay. Ngoài ra còn tập cho trẻ sử dụng các đầu ngón tay linh hoạt hơn.

– Cho bé đi tìm đồ chơi: Dùng khăn hoặc vật gì đó tạm che món đồ chơi bé thích rồi nói bé đi tìm, đây là cách luyện tập trí nhớ ngắn hạn của bé.

– Xem sách ảnh: Mẹ cùng bé luyện mắt, trí nhớ, vận động tay chính xác qua việc lật mở trang sách, chỉ hình.

– Nhặt bóng: Thả bóng hoặc đồ vật xung quanh và yêu cầu bé nhặt đúng món đồ theo đúng màu sắc, hình dáng, vừa tập ghi nhớ màu sắc, to nhỏ, linh hoạt các bộ phận cơ thể như mắt, tay, chân, luyện khả năng tập trung khi nhìn và tìm kiếm.

– Chạy, nhảy, trượt: Tập đi thẳng bằng cách cho trẻ đi trên mặt phẳng có đường kẻ để men theo. Sau đó, dần dần tiến tới tập đi cầu thang có cha mẹ dắt tay. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ tập nhảy lên xuống bậc thang thấp, chơi cầu trượt để biết tốc độ và giúp bé biết cách phản ứng với ngoại lực bên ngoài.

Những lưu ý khi dạy trẻ tự kỷ tại nhà

Gia đình là môi trường rất tốt đối với trẻ tự kỷ, bởi đó là môi trường quen thuộc. Trẻ có nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng với những người thân, được thực hành và luyện tập các kỹ năng. Chính vì vậy, việc cha mẹ hiểu và nắm vững các kỹ năng dạy trẻ tự kỷ tại nhà vừa thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, còn tiết kiệm được thời gian và kinh phí trong quá trình can thiệp. Tuy nhiên, có một số lưu ý trong quá trình dạy trẻ tự kỷ tại nhà mà cha mẹ cần biết:

– Cha mẹ cần đồng hành cùng con, thiết lập lại mối quan hệ tình cảm gia đình. Hãy để trẻ cảm nhận được tình cảm cha mẹ. Hãy dùng ánh mắt, dùng cử chỉ để nói chuyện và thể hiện tình thương. Cha mẹ cũng có thể tạo ra các tình huống khác nhau để dạy con ứng xử như biết chào hỏi, lễ phép hoặc với những hành động sai, cha mẹ nên có hình thức phạt, thường xuyên để con hiểu và không lập lại. Hãy bắt đầu bằng những đồ chơi, hoạt động mà trẻ thích. Đó là con đường dẫn dắt cha mẹ đến với thế giới của trẻ.

– Kiên trì thực hiện hoạt động bởi trẻ sẽ không chú ý và tương tác ngay từ đầu. Sự nhận thức của trẻ tử kỷ chậm hơn so với trẻ bình thường. Dạy trẻ bình thường hiểu và biết một vật đã khó thì dạy trẻ tự kỷ khó gấp nhiều lần. Do đó, cha mẹ cần phải kiên trì trong cách dạy trẻ tự kỷ.

– Cha mẹ cần học thêm các kỹ năng về giao tiếp và dạy trẻ tự kỷ tại các trung tâm uy tín để có thể dạy con đúng cách. Việc dạy trẻ tự kỷ cần phải có kiến thức, sự hiểu biết chứ không dạy chung chung như trẻ bình thường được.

– Luôn tạo không khí vui vẻ, thân thiện để trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú tham gia hoạt động hơn. Khi tạo môi trường an toàn cho trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy được an toàn tránh tâm lý sợ hãi. Cha mẹ nên tạo không gian riêng cho con để con có thể thoải mái vui chơi, thư giãn mà không làm phiền ai cũng như không bị ai dọa nạt.

– Dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong bất kỳ tình huống nào, trong mọi hoạt động của gia đình.