Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ

Rối loạn cảm giác hay còn gọi là rối loạn giác quan xảy ra khi trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin từ các giác quan như thị giác (nhìn), thính giác (nghe), xúc giác (sờ chạm), khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), bản thể (cảm nhận cơ thể), tiền đình(trạng thái cơ thể), … dẫn đến trẻ phản ứng quá mức hoặc kém đáp ứng với các kích thích bên ngoài. Từ đó mà cha mẹ nhận thấy một số hành vi bất thường ở trẻ để né tránh hoặc tìm kiếm cảm giác, ví dụ như thường xuyên la hét tạo âm thanh, sợ hãi các âm thanh nhất định hoặc thờ ơ không phản ứng khi được gọi tên, đi nhón chân thường xuyên, …

Thông tin tác động vào các giác quan theo quy trình:

Đầu vào (Kích thích) –> Xử lý thông tin cảm giác –> Đầu ra (Phản ứng)

Trẻ gặp có rối loạn giác quan thường gặp các vấn đề:

  • Thiếu/quá tải thông tin đầu vào: các kích thích chưa đủ sẽ dẫn đến hành vi tìm kiếm cảm giác hoặc kích thích quá so với ngưỡng cảm giác dẫn đến khó chịu và né tránh
  • Khó khăn trong quá trình xử lý: “chọn lọc kích thích”, não bộ của trẻ ưu tiên các kích thích quan trọng và tự động xóa đi những kích thích được cho là không quan trọng (VD: không nghe tiếng mẹ gọi mà chỉ để ý đến tiếng quạt quay)
  • Xử lý sai thông tin đầu ra: dẫn đến các hành vi được cho là “khác lạ” (VD: khi hỏi tên thì trẻ lặp lại câu hỏi)

Các rối loạn cảm giác phổ biến:

  • Thị giác: Nhạy cảm với các kích thích đến thị giác hoặc gặp vấn đề trong việc theo dõi hình ảnh (VD: sợ ánh sáng mạnh, nhìn hiếng, thích nhìn đồ vật xoay, vẫy tay sát mắt, …)
  • Thính giác: Nhạy cảm quá mức với tiếng ồn, che tai hoặc gặp khó khăn trong xử lý thông tin liên quan đến phần nghe (VD: bịt tai thể hiện sự khó chịu hoặc sợ hãi khi nghe tiếng máy sấy, tiếng máy xay sinh tố, tự tạo ra các âm thanh bằng cách gõ, la hét, …)
  • Xúc giác: Khó chịu với các cấu trúc cụ thể, tránh tiếp xúc vật lý với các vật (VD: không thích ôm ấp, không mặc quần áo có mác, không thích lộn xộn, không thích đi chân trần đặc biệt trên một số bề mặt nhất định như cỏ hoặc thảm gai, …)
  • Khứu giác: Nhạy cảm với mùi hoặc có thể không ngửi được bất cứ thứ gì (VD: không thích thức ăn mùi quá nồng, ghét mùi kem đánh răng, dầu gió …)
  • Vị giác: Quá nhạy cảm với mùi vị, có xu hướng kén ăn (VD: không thích ăn đồ cay, thức ăn cứng, ….)
  • Bản thể: Khó khăn trong việc ý thức cơ thể mình, không phân biệt hoặc nhận diện được vị trí cơ thể trong không gian (VD: không biết nguy hiểm, di chuyển lóng ngóng dễ va chạm, …)
  • Tiền đình: Các vấn đề chuyển động, các hoạt động liên quan đến thăng bằng (VD: sợ cầu trượt, sợ xích đu hoặc không ngồi yên được lâu, thích leo trèo, chạy nhảy,  …)

Khuyến nghị

Từ những dấu hiệu trên, bố mẹ có thể theo dõi các hành vi của con mình trong các hoạt động hàng ngày. Nếu phát hiện bất thường, hãy tìm đến sự tư vấn từ các nhà chuyên môn để được đánh giá, tư vấn và can thiệp kịp thời.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc