Các trắc nghiệm phóng chiếu (projective tests), còn được gọi là trắc nghiệm phân tích kết quả hoạt động (performance-based tests) là một trong số các trắc nghiệm được sử dụng phổ biến trong thực hành lâm sàng tâm lý. Các trắc nghiệm phóng chiếu phổ biến đó là trắc nghiệm vết mực loang Rorschach, TAT (Thematic Apperception Test), CAT (Children’s Apperception Test), trắc nghiệm hoàn thành câu, tranh vẽ, con lợn chân đen.
Các trắc nghiệm phóng chiếu hoạt động dựa trên cơ chế đưa cho nghiệm thể một kích thích nào đó không rõ ràng, không đầy đủ và yêu cầu nghiệm thể hoàn thành chúng. Khi đó, nghiệm thể sẽ bổ sung các đặc điểm của bản thân để hoàn thành các bài tập được giao. Bằng việc phân tích cách mà nghiệm thể trả lời, người đánh giá sẽ thu thập được các thông tin cần thiết cho hoạt động đánh giá tâm lý. Chính vì đặc điểm đó, nên các trắc nghiệm phóng chiếu thường là các trắc nghiệm định tính, dựa nhiều vào cách mà người phân tích đưa ra kết quả. Đã có những nỗ lực nhất định để định lượng cho các trắc nghiệm này, tuy nhiên chúng chỉ là một trong số các cách để phân tích, và hoạt động phân tích định tính vẫn luôn diễn ra.
Ưu điểm của các trắc nghiệm phóng chiếu là việc chúng có thể khai thác các thông tin rất cụ thể, mang tính cá nhân của nghiệm thể, đặc biệt là cách mà tâm trí của nghiệm thể vận hành. Các thông tin này cũng đa dạng và có nhiều khía cạnh khác nhau, cho phép người đánh giá có thể thu thập được một bức tranh rất chi tiết về nghiệm thể. Nhược điểm của trắc nghiệm này là việc chúng quá phụ thuộc vào kết quả diễn giải của người phân tích. Thêm vào đó, các thông tin thường không rõ ràng, cụ thể để cho phép xác định chính xác các khía cạnh của thông tin.
Chưa có nhiều nghiên cứu về test phóng chiếu tại Việt Nam. Nghiên cứu của Nguyễn Sinh Phúc và cs (2006) trên bệnh nhân tâm thần phân liệt và nhóm người có sức khỏe tâm thần bình thường (học viên), sử dụng test phóng chiếu Rorschach cho kết quả: so với nhóm học viên, bệnh nhân tâm thần phân liệt có số lượng câu trả lời trung bình ít hơn, có những câu trả lời chỉ gọi tên màu sắc, có những câu trả lời kỳ dị. Nghiên cứu kết quả phân tích test Rorschach trên bệnh nhân có rối loạn lo âu trẩm cảm tại Trung tâm PPRAC và Phòng khám Ngọc Minh (2023) của chúng tôi cũng cho thấy có dấu hiệu lo âu, căng thẳng, khả năng thích ứng với các tình huống khó khăn kém, gặp khó khăn trong mối quan hệ với cha mẹ.
Một số tác giả như Nguyễn Hữu Thắng (2005), Đặng Việt Hùng (2007) nghiên cứu thấy dấu hiệu hoang tưởng ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn tâm thần do rượu trong các câu chuyện TAT. Một nghiên cứu khác của Nguyễn Sinh Phúc và cs năm 2017 trên 61 bệnh nhân có rối loạn trầm cảm không loạn thần, sử dụng test phóng chiếu TAT cho thấy trên tất cả các tranh TAT đều xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm cảm như buồn chán, giảm hoặc mất sở thích, mệt mỏi, mất năng lượng, giảm tập trung chú ý, giảm tự trọng và tự tin, ý tưởng bị tội, bi quan, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống đều được phóng chiếu lên TAT.
Như vậy test phóng chiếu có thể sử dụng để phát hiện một số vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và một số đặc điểm về khả năng ứng phó và mối quan hệ của bệnh nhân.
Lã Linh Nga, Trương Hàn Đan