Dấu hiệu nhận biết tăng động giảm chú ý
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tăng động
Trẻ nhỏ rất hiếu động. Đối với những trẻ hiếu động, khi được yêu cầu dừng lại và giữ yên lặng, trẻ có thể đáp ứng theo hoặc đôi khi trẻ cần thêm sự giúp đỡ để quản lý mức độ hoạt động của mình. Tuy nhiên, một số trẻ không thể ngồi yên một chỗ, chân tay liên tục hoạt động, nói quá nhiều hoặc chạy nhảy ngay cả khi được yêu cầu dừng lại. Tăng động không phải là hành vi sai trái hoặc thiếu kỷ luật, trẻ không cố ý hành động như vậy. Để đánh giá trẻ có tăng động hay không cần có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn. Cha mẹ có thể đưa con đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu dưới đây.
– Trẻ thường xuyên cựa quậy tay chân, hoặc tỏ vẻ lúng túng trên ghế. Trẻ tăng động luôn ngọ nguậy tay chân không yên, dù đã được nhắc nhở.
– Trẻ thường xuyên rời khỏi vị trí trong các tình huống được yêu cầu ở yên một chỗ. Ở trường học, trẻ thường xuyên đứng lên giữa lớp, đi xung quanh hoặc chạy ra ngoài khi giáo viên khi đang giảng bài. Trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ cũng liên tục rời khỏi chỗ trong bữa ăn. Ngoài ra, trẻ gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động cần ngồi yên một chỗ như đọc sách, kể chuyện, xem phim…
– Trẻ thường xuyên chạy nhảy, leo trèo trong những tình huống không phù hợp.
– Trẻ gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động cần đến sự yên lặng. Trẻ thường xuyên chạy và la hét khi chơi, ngay cả khi trẻ đang ở trong nhà. Trẻ chơi một cách ồn ào và điều đó làm cho trẻ phấn khích.
– Trẻ thường xuyên nói quá nhiều, nói liên tục hoặc hỏi liên tục. Trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát, ngay cả khi biết mình đang nói quá nhiều.
– Trẻ thường xuyên đưa ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc. Trẻ cũng có thể nói hoặc làm những điều mà không nghĩ đến hậu quả.
– Trẻ gặp khó khăn khi chờ đến lượt. Trẻ tăng động có đặc điểm muốn các nhu cầu của mình phải được đáp ứng ngay lập tức. Trong một số trường hợp, trẻ tự ý lấy đồ mà không được phép, chẳng hạn như sách bút trên bàn giáo viên, bánh kẹo của các bạn… Việc phải chờ đợi lâu đôi khi khiến trẻ cáu gắt, căng thẳng, đồng thời có thể kích hoạt những hành vi xấu.
– Trẻ hay xen ngang hoặc tự tiện tham gia vào cuộc nói chuyện hoặc hoạt động của người khác. Trẻ cũng có thể tự ý tham gia vào trò chơi mà chưa có sự đồng ý của các bạn khác.
Các dấu hiệu trẻ tăng động phải kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu trẻ thực sự bị tăng động, các biểu hiện trên phải xuất hiện đều đặn và kéo dài từ 6 tháng trở lên. Nếu thời gian chưa đủ 6 tháng, bố mẹ cần lưu ý và quan sát thêm. Trường hợp trẻ chỉ có một vài biểu hiện và không diễn ra thường xuyên, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ, nhà trị liệu để đành giá tình hình, vì có thể trẻ gặp phải một vấn đề khác.
Biểu hiện tăng động của trẻ thường xuất hiện ở ít nhất hai môi trường khác nhau. Vì thế, ngoài việc quan sát các hoạt động thường ngày của trẻ ở nhà, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên để cập nhật cách ứng xử của trẻ trên lớp, đồng thời quan sát cách trẻ giao tiếp và chơi với bạn cùng lứa.
Dấu hiệu nhận biết trẻ giảm chú ý
– Trẻ khó tập trung trong thời gian dài, trẻ cũng thường bỏ lỡ các chi tiết và hay mắc lỗi.
– Trẻ không chú tâm lắng nghe người khác nói, ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp.
– Trẻ hay quên hoặc làm thất lạc đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân như bút, sách vở, chìa khóa, điện thoại…
– Trẻ thường từ chối hoặc không thích thực hiện các công việc đòi hỏi sự cố gắng lâu dài như làm bài tập, sắp xếp đồ dùng…
– Trẻ dễ bị phân tâm, sao nhãng bởi các kích thích bên ngoài. Ví dụ, trẻ đang học bài mà có người đi qua hay tiếng động nhỏ cũng có thể khiến trẻ mất tập trung.
– Trẻ hay bỏ sót các hoạt động hằng ngày như quên đi học, quên đánh đánh răng, rửa mặt, quên làm việc nhà…
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý
Mỗi trẻ tăng động giảm chú ý là một cá thể riêng biệt với nhiều biểu hiện rất khác nhau. Nhìn chung, trẻ tăng động giảm chú ý sẽ có các biểu hiện sau:
Biểu hiện nghịch ngợm, hiếu động thái quá
– Trẻ khó có thể ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, hay nghịch ngợm, ngọ nguậy chân tay liên tục, chạy nhảy, leo trèo khắp nơi.
– Trẻ thường xuyên di chuyển, hoạt động hết công suất
– Trẻ tự do đi lại trong những tình huống được yêu cầu phải ngồi tại một vị trí như đang học bài, ăn uống…
– Trẻ gặp khó khăn khi phải tham gia các trò chơi cần đến sự nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại.
Biểu hiện khó kiểm soát trong hành vi, suy nghĩ
– Trẻ nói nhiều, hay ngắt lời, xen ngang vào những câu chuyện của người khác và thường trả lời rất nhanh trước khi nghe hết câu hỏi.
– Trẻ khó chịu, bực tức khi phải chờ tới lượt trong lúc chơi các trò chơi cùng bạn bè.
– Trẻ tính tình nóng nảy, dễ tức giận, cáu gắt vô cớ, thậm chí có những hành vi quá khích như la hét, đánh bạn, hoặc tự làm đau chính mình.
Biểu hiện kém tập trung chú ý
– Trẻ khó tập trung trong thời gian dài, thường bỏ lỡ các chi tiết và hay mắc lỗi.
– Trẻ không chú tâm lắng nghe người khác nói, ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp.
– Trẻ hay quên, làm thất lạc đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân như bút, sách vở, chìa khóa, điện thoại…
– Trẻ lảng tránh hoặc không thích thực hiện các công việc đòi hỏi sự cố gắng lâu dài như làm bài tập, chuẩn bị báo cáo…
– Trẻ dễ bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài.
– Trẻ hay bỏ sót các hoạt động hằng ngày.
Một số biểu hiện khác
– Rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói ngọng, khả năng hiểu và diễn đạt kém.
– Nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động.
– Dễ bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc, mộng mị, tỉnh giấc giữa đêm.
Nguyên nhân tăng động giảm chú ý
Yếu tố sinh học
Di truyền
Rối loạn tăng động giảm chú ý thường xảy ra có tính chất gia đình, đó được xem là do ảnh hưởng của gen di truyền. Có nghiên cứu chỉ ra rằng 25% những người có quan hệ huyết thống với trẻ bị ADHD cũng bị ADHD trong khi tỷ lệ trong dân số chung là 5%, các nghiên cứu trẻ sinh đôi chứng minh mạnh mẽ vai trò của gien di truyền bệnh ADHD.
Chấn thương não
Tổn thương não ở thời kỳ phôi thai, chu sinh và những năm đầu thơ ấu (con sinh non, ngạt thiếu dinh dưỡng, chấn thương, mẹ lạm dụng chất, nhiễm độc thai nghén, lao động nặng kéo dài, hút thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất khi mang thai, sảy thai, nạo phá thai …). Nguyên nhân còn có thể do rối loạn tuần hoàn, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, tác động cơ giới như chấn thương.
Theo một số nghiên cứu, trẻ sinh non có tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn hơn trẻ sinh đủ tháng.
Một số trẻ bị chấn thương sọ não có một số dấu hiệu hành vi tương tự như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ bị ADHD có chấn thương não.
Hình ảnh chụp não của bệnh nhân tăng động giảm chú ý ghi nhận có sự giảm chuyển hóa ở thùy trán vốn là nơi quan trọng nhất đối với chú ý, kiểm soát xung động, khả năng tổ chức và duy trì các hoạt động có mục đích. Các nghiên cứu này cũng nhận thấy có sự giảm tưới máu vùng vỏ não thùy trán và có hiện tượng teo vỏ não vùng trán ở những người trưởng thành có tiền sử tăng động giảm chú ý lúc nhỏ.
Yếu tố nhiễm độc chì trong môi trường sống
Một số nghiên cứu cho thấy những trẻ sống ở các môi trường có nồng độ chì cao dễ gặp dạng rối loạn này hơn các trẻ sống trong môi trường trong lành.
Yếu tố sinh hóa thần kinh
Ngày càng có nhiều các bằng chứng về những bất thường trong các hệ thống dopaminergic và noradrenergic với sự giảm hoạt động hoặc giảm kích thích ở vùng thân não trên và các vùng trước của não giữa.
Yếu tố môi trường gia đình
Các yếu tố môi trường gia đình không được xem là nguyên nhân dẫn đến ADHD nhưng có những ảnh hưởng nhất định. Một số yếu tố gia đình liên quan đến ADHD:
– Thiếu tình cảm kéo dài do bị bỏ rơi, hay thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ.
– Các sự kiện gây stress như cha mẹ ly thân, ly dị, xung đột, bạo hành trong gia đình… có thể làm khởi phát hoặc kéo dài rối loạn tăng động giảm chú ý.
– Phương pháp giáo dục thiếu tính kỷ luật bố mẹ tạo cho con những thói quen mất tập trung từ nhỏ như là vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi,… Phương pháp này sẽ khiến trẻ hình thành thói quen không tập trung làm một việc từ đầu đến cuối.
– Bố mẹ thường xuyên cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ như: iPad điện thoại,… sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, khiến cho trẻ tiếp nhận thông tin thụ động nên dễ bị sao nhãng.
Yếu tố môi trường xã hội
Ít có bằng chứng nghiên cứu chỉ ra yếu tố môi trường xã hội là nguyên nhân. Tuy nhiên, các yếu tố như môi trường sống thiếu sự hỗ trợ xã hội, thiếu kích thích về học tập và các điều kiện để phát triển… có thể khiến trẻ các triệu chứng tăng động – giảm chú ý trở nên tồi tệ hơn.
Những câu hỏi về tăng động giảm chú ý
Trẻ hiếu động, nghịch ngợm có phải là tăng động giảm chú ý?
Trẻ con luôn hiếu động. Tuy nhiên, hiếu động ở mức nào thì được coi là bình thường, còn mức nào thì bị coi là rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là cách phân biệt trẻ hiếu động và trẻ tăng động.
– Ngay từ khi mới biết đi, trẻ đã thể hiện sự hiếu động. Nhưng với trẻ tăng động, các biểu hiện thường chỉ xuất hiện sau mốc thời gian 3 tuổi và đặc biệt xuất hiện nhiều vào lúc trẻ bắt đầu đi học.
– Trẻ hiếu động chỉ nghịch ngợm trong một vài môi trường nhất định và có thể dừng lại khi được yêu cầu. Trong khi đó, trẻ tăng động giảm chú ý gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, không thể ngồi yên hay tập trung chú ý vào một công việc cụ thể, dù đã được yêu cầu và bị cha mẹ hoặc giáo viên giám sát.
– Trẻ hiếu động biết sửa sai sau khi người lớn nhắc nhở, biết các quy tắc giao tiếp và ít khi chen ngang khi người khác đang nói. Trong khi đó, trẻ tăng động giảm chú ý thường hay chen ngang khi người khác nói, nói nhiều, nói liên tục, đồng thời cũng nhanh chán, dễ thay đổi và hay bỏ cuộc giữa chừng khi tham gia các trò chơi.
– Trẻ hiếu động biết cách kiềm chế bản thân, cảm xúc thường ổn định. Còn trẻ tăng động giảm chú ý khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu giận, la hét, có thể làm đau bản thân hoặc người khác.
– Trẻ hiếu động gần như không bị rối loạn về giấc ngủ. Trong khi đó, trẻ tăng động giảm chú ý thường gặp các tình trạng như khó ngủ, ngủ trằn trọc, hay thức giấc mà không rõ nguyên nhân.
– Trẻ hiểu động phát triển ngôn ngữ bình thường, theo đúng giai đoạn và độ đuổi của trẻ. Trong khi đó, trẻ tăng động giảm chú ý thường có biểu hiện chậm nói về số lượng từ đơn, từ kép và nói không rõ lời.
Học thiếu tập trung có phải tăng động giảm chú ý không?
Trẻ gặp khó khăn khi cần tập trung trong học tập có thể bị tăng động giảm chú ý hoặc không bị tăng động giảm chú ý nhưng trẻ có các vấn đề khó khăn khác.
Trường hợp trẻ thiếu tập trung do bị tăng động giảm chú ý
Trẻ bị thiếu tập trung khi học tập đồng thời có các dấu hiệu của bệnh tăng động giảm chú ý như khó thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian dài, hay quên, hấp tấp, hiếu động nghịch ngợm quá mức, không tuân thủ các quy định…
Trường hợp trẻ học thiếu tập trung, nhưng không phải tăng động
Những trẻ này thường thiếu tập trung trong học tập nhưng có thể tập trung trong nhiều hoạt động khác và có thể tuân theo các quy tắc, kỷ luật. Cha mẹ và thầy cô cần tìm hiểu kỹ xem trẻ có thể gặp khó khăn khác và khi giải quyết các vấn đề này, tình trạng học thiếu tập trung có thể được cải thiện rõ rệt. Một số nguyên nhân khác gây ra sự mất tập trung khi học của trẻ:
– Phương pháp giáo dục thiếu tính kỷ luật bố mẹ tạo cho con những thói quen mất tập trung từ nhỏ như là vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi,.. Phương pháp này sẽ khiến trẻ hình thành thói quen không tập trung làm một việc từ đầu đến cuối.
– Chế độ dinh dưỡng dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu máu, thiếu sắt khiến cho trẻ mệt mỏi về thể chất, khiến trẻ học thiếu tập trung.
– Ngủ không đủ giấc
– Sử dụng các thiết bị công nghệ như iPad, điện thoại quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, khiến cho trẻ tiếp nhận thông tin thụ động nên dễ bị sao nhãng khi học tập.
– Môi trường ồn ào, nhiều yếu tố kích thích khác khiến trẻ sao nhãng việc học.
– Một số trẻ gặp vấn đề về thị giác, thính giác khiến trẻ nhìn, nghe không rõ, không nắm được bài học dẫn đến mất tập trung.
– Trẻ gặp khó khăn trong học tập do chưa có phương pháp học tập phù hợp, thay đổi môi trường học tập.
– Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ hoặc bị rối loạn kỹ năng học tập (đọc, viết, tính toán) sẽ tiếp thu bài chậm, không hiểu bài, bị điểm kém, bị nhắc nhở nhiều khiến trẻ có thể chán nản, sợ học dẫn đến mất tập trung khi học.
– Một số khó khăn về hành vi – cảm xúc như lo âu, trầm cảm cũng khiến trẻ học tập kém tập trung, kết quả học tập sa sút.
Tăng động giảm chú ý có phải là bệnh không?
Có những quan điểm khác nhau về việc tăng động giảm chú ý có phải là bệnh hay không. Một số quan điểm cho rằng tăng động giảm chú ý không phải là bệnh mà chỉ là “sự khác biệt” hoặc hơi thái quá so với bình thường. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cho rằng tăng động giảm chú ý là bệnh/rối loạn phát triển tâm thần kinh.
Tổ chức y tế thế giới xếp loại tăng động giảm chú ý trong chương 5 của Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10-CM, mã bệnh: F90.0, Rối loạn tăng động giảm chú ý, thể giảm chú ý trội; F90.1, rối loạn tăng động giảm chú ý, thể tăng động trội; F90.2, Rối loạn tăng động giảm chú ý, thể kết hợp; F90.8: Rối loạn tăng động giảm chú ý, thể khác; F90.9, Rối loạn tăng động giảm chú ý, thể không điển hình.
Hiệp hội tâm thần Mỹ cũng xếp loại tăng động giảm chú ý là một rối loạn tâm thần kinh, mã bệnh 314.01 (DSM-V).
Tăng động giảm chú ý có chữa được không?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra trẻ được điều trị có tiến triển rõ ràng so với trẻ không được điều trị. Trẻ tăng động giảm chú ý được điều trị phù hợp có khả năng tập trung tốt hơn, kiểm soát hành vi tốt hơn, có kết quả học tập tốt hơn.
Những triệu chứng có thể được quản lý, kiểm soát tốt nhờ vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý giáo dục và kết hợp thuốc. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP), với trẻ dưới 6 tuổi có rối loạn tăng động giảm chú ý, liệu pháp hành vi (bao gồm cả hướng dẫn kỹ năng cho cha mẹ) là phương pháp điều trị được ưu tiên xem xét trước. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, AAP khuyến cáo nên điều trị kết hợp liệu pháp hành vi và liệu pháp dùng thuốc.
Việc can thiệp cho trẻ càng sớm càng có kết quả tốt. Khi trẻ đã được chẩn đoán là tăng động giảm chú ý, các chuyên gia sẽ cân nhắc và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với hoàn cảnh của từng trẻ.
Trẻ tăng động giảm chú ý nên ăn gì?
Thực phẩm giàu protein: Protein rất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Không giống như carbohydrat, protein cung cấp nhiều năng lượng và độ ổn định cũng cao hơn. Điều này sẽ hạn chế việc sản sinh ra các hormon stress bên trong não bộ khi tế bào bị thiếu năng lượng. Phô mai, trứng, thịt nạc, hải sản, tôm, cua, cá… và các loại hạt (hạt óc chó, hạt điều…) là những thực phẩm giàu protein rất thích hợp cho trẻ tăng động.
Thực phẩm chứa nhiều chất xơ: Chất xơ hỗ trợ việc tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, đồng thời, sẽ ngăn chặn quá trình tiêu hóa “ồ ạt” thức ăn, làm tăng lượng đường máu quá mức trong một thời điểm, khiến biểu hiện tăng động ở trẻ thêm trầm trọng.
Thực phẩm giàu Omega-3: Omega-3 là chất béo quan trọng đối với chức năng của não bộ. Cha mẹ có thể bổ sung Omega-3 cho con bằng các thực phẩm như cá hồi, cá thu, bắp cải, súp lơ trắng, quả óc chó, dầu oliu, dầu hạt cải hoặc một số loại dầu cá.
Thực phẩm giàu GABA: GABA (Gamma aminobutyric acid) là một chất dẫn truyền quan trọng của hệ thần kinh trung ương. Nó có vai trò kiểm soát sự kích thích quá mức của não bộ. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ GABA thông qua một số thực phẩm như súp lơ xanh, rau chân vịt, cam, chuối, ngũ cốc nguyên hạt…
Trẻ tăng động giảm chú ý không được điều trị sẽ có hậu quả thế nào?
Tăng động giảm chú ý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và chất lượng cuộc sống của trẻ sau này. Dưới đây là những hệ lụy có thể xảy ra nếu như trẻ không được trị liệu đúng cách và kịp thời.
– Trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và ứng xử với mọi người, dẫn đến khó kết bạn hay duy trì các mối quan hệ lâu dài.
– Kết quả học tập ngày càng kém, trẻ khó có thể theo kịp chương trình học cùng các bạn, từ đó dễ bị bạn bè xa lánh và trêu chọc.
– Gặp các rối loạn tâm lý như lo âu, căng thẳng, dễ thất vọng, tự ti về bản thân, trẻ dần cô lập với xã hội và rơi vào tình trạng trầm cảm.
– Gặp các chấn thương ngoài ý muốn do hoạt động quá mức và thường xuyên thực hiện các hành vi nguy hiểm mà không lường trước được hậu quả.
– Những trẻ tăng động giảm chú ý khi trưởng thành có nguy cơ cao lạm dụng các chất kích thích và sa ngã vào các tệ nạn xã hội.