Từ thời Ai Cập cổ đại trên 3000 năm trước người ta đã biết đến trầm cảm. Vua Saul đã được mô tả là có các biểu hiện trầm cảm trong sách kinh Cựu ước. Thời kỳ này người ta cho rằng trầm cảm là do sự trừng phạt của Chúa trời, vì vậy các linh mục là nhà trị liệu cho các rối loạn này.
Suốt chiều dài lịch sử loài người, trầm cảm vẫn tồn tại. Đến thế kỷ XX, trầm cảm được quan tâm nhiều hơn. Năm 1992, trong Bảng phân loại bệnh quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần thứ 10 (ICD – 10) đã đưa vào phần (F). Đây là kết quả rực rỡ của quá trình không ngừng hoàn chỉnh cách phân loại các tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế thế giới trong hơn 30 năm qua, bắt đầu từ năm 1960. Hiện nay đã ra đời ICD – 11, những thay đổi này nhằm hoàn chỉnh hơn nhưng vẫn dựa trên nền tảng cốt lõi của các phân loại trước đó, có chăng là sự thay đổi để hoàn thiện hơn, phù hợp với sự thay đổi của phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cấu trúc bệnh tật. Sự thực thì ICD – 10 đã nằm lòng với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần từ năm 1992 (tức 31 năm). Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10, trầm cảm được cấu trúc rải rác trong 7 mục: 4 mục thuộc F3, 2 mục thuộc F4 và 1 mục thuộc F0.
Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng có nhiều sự thay đổi nhờ công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng internet thuận lợi, qua nhiều tìa liệu, sách báo, …
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trong những trải nghiệm khổ sở và khó khăn nhất của con người, nó lấy đi năng lượng, sự yêu thích và ước muốn làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp. Nó mang đến cảm giác buồn phiền, chán nản, mệt mỏi, thất vọng, bạn cảm thấy dường như không có gì có thể thay đổi và vì thế bạn không tin rằng bạn có thể hồi phục.
Y học: Trầm cảm khác với cảm giác buồn nhất thời do stress (như mất mát, chia ly, làm ăn thua lỗ, …). Trầm cảm là một chứng rối loạn trong đó cảm giác buồn diễn ra mạnh và thời gian trên 2 tuần làm ảnh hưởng đến công việc, học tập, gia đình và quan hệ xã hội của con người.
– Trầm cảm là bệnh lý phổ biến (3 – 5% dân số thế giới tỷ lệ mắc chung) và điều trị được.
– Trầm cảm là một rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần.
– Thuật ngữ tâm thần được một số người nhìn nhận chưa thực sự công bằng, cho tâm thần là điên là thần kinh, điều đó chưa đúng. Theo WHO, định nghĩa tâm thần bao gồm:
- Một cuộc sống thực sự thoải mái
- Có niềm tin vào bản thân mình, tin vào giá trị và phẩm giá của người khác
- Có khả năng ứng xử bằng hành vi, cảm xúc và tư duy một cách hợp lý
- Có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ một cách thỏa đáng
- Có khả năng đương đầu với stress tâm lý, nói cách khác là có khả năng chống đỡ, tự cân bằng sau các cú shock tâm lý
Tại sao trầm cảm cần được quan tâm, chăm sóc
– Vì trầm cảm gây ra nhiều tổn hại cho cá nhân, gia đình, xã hội, là bệnh lý gây giảm sút rất lớn đến khả năng hoạt động. Nếu là trẻ em và vị thành niên thì gây học hành giảm sút, thậm chí chán học rồi bỏ học. Nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì sẽ ảnh hưởng đến quan hệ mẹ con sớm, thiếu sự gắn bó, chăm sóc, yêu thương. Trẻ dễ đau yếu, làm chậm và khó khăn về sự phát triển tâm lý đầu đời.
– Trầm cảm có thể kéo dài nếu không được điều trị.
– Đáng lo ngại nhất của trầm cảm rằng nó là một nguyên nhân chủ yếu của 2/3 các trường hợp dẫn đến tự sát.
Người trầm cảm có những biểu hiện gì, làm thế nào để nhận biết trầm cảm?
- Cảm giác buồn rầu, phiền muộn hoặc bực bội khó chịu
- Cảm giác mệt mỏi, thiếu lực, uể oải
- Mất thích thú quan tâm tới sinh hoạt, công việc, học tập hoặc giải trí
- Khó tập trung để thu nhận thông tin hoặc hoàn thành công việc
- Giảm sút sự tự tin, thất vọng với bản thân, mất hy vọng vào tương lai
- Chán nản, buông xuôi, ít chăm sóc bản thân hoặc gia đình, tự cho mình không có giá trị hoặc tội lỗi
- Khó khăn đưa ra quyết định vấn đề
- Có ý nghĩ, hành vi tiêu cực, muốn chết hoặc gây thương tích cho bản thân
- Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ngủ ít, ngủ quá nhiều)
- Ăn không ngon miệng, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, ăn vô độ dẫn đến béo phì
Tình trạng trên kéo dài trên 2 tuần. Khi người bệnh có 5 trong 10 biểu hiện cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Dấu hiệu nào của trầm cảm đáng lo ngại nhất
– Tự hủy hoại bản thân, tự làm đau mình, tự sát
Những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
- Yếu tố sinh học
– Yếu tố di truyền, các bằng chứng khoa học cho thấy nếu cha mẹ bị trầm cảm thì con cái có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với con của cha mẹ không bị trầm cảm.
– Vai trò của các chất dẫn truyền thần kinh
– Những yếu tố thần kinh nội tiết
- Yếu tố tâm lý xã hội
– Các sự kiện sang chấn trong cuộc sống: các sự kiện sang chấn tâm lý xã hội đóng vai trò quan trọng làm khởi phát trầm cảm
– Cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc nhiều, mất việc làm, thất nghiệp
– Mất người thân, ốm đau, bệnh nặng kéo dài, tai nạn, cô đơn, sau sinh con
– Trục trặc trong hôn nhân: ly thân, ly dị, bạn đời phản bội, bạo hành gia đình, vợ chồng sống chung nhưng không có kết nối, gắn bó mật thiết
– Thua lỗ trong đầu tư: đầu tư bất động sản bị đóng băng, tiền vay ngân hàng phải trả lãi hàng tháng, hàng năm, đầu tư vào một lĩnh vực mong thu được lợi nhuận lớn nhưng bài toán thực tế ngược lại.
– Nợ nần do nghiện cờ bạc, ma túy (chất gây nghiện), bị siết nợ, bị lừa đảo.
– Sốc văn hóa, sốc do thay đổi môi trường
– Trẻ em, vị thành niên, sinh viên: áp lực học tập, bài vở nhiều, lịch học dày đặc, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, tập luyện thể thao, … Nhiều học sinh sinh viên tự áp lực cho mình để đạt kết quả học tập tốt trong khi khả năng có hạn. Trẻ bị bố mẹ quá quan tâm, quản lý chặt chẽ, có em bị bố mẹ bỏ rơi. Học sinh bị bắt nạt học đường, …
Trong thực tế lâm sàng còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
BSCKII tâm thần học Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám CKTT Ngọc Minh, Cố vấn chuyên môn PPRAC