Trẻ chậm nói, mức độ nào phải đi khám?
Trong quá trình phát triển của trẻ, bên cạnh các kênh giao tiếp bằng tiếng khóc, tiếng cười hay cử chỉ điệu bộ, trẻ bắt đầu phát triển khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói. Trẻ 2 tuổi có thể nói khoảng 50 từ và sử dụng câu 2-3 từ. Trẻ 3 tuổi có vốn từ có thể đến 1000 từ và sử dụng câu 3-4 từ. Bố mẹ có thể tham khảo các mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ khi nghi ngờ trẻ chậm nói và cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời.
Trẻ chậm nói có thể nhận thấy qua các biểu hiện như việc trẻ thích sử dụng hành động hơn lời nói, như dùng cử chỉ, cầm tay, kéo tay người lớn để thể hiện nhu cầu. Trẻ chậm nói cũng có vốn từ hạn chế, chỉ một số ít từ thường xuyên sử dụng. Trẻ cũng có thể không hoặc khó bắt chước các âm, ngay cả khi được khuyến khích. Trẻ cũng khó hiểu được các yêu cầu đơn giản và thường không làm theo khiến bố mẹ thường nhận xét là trẻ không biết nghe lời. Nói được các câu hoàn chỉnh cũng là khó khăn ở trẻ chậm nói mà thường chỉ nói các từ đơn lẻ.
Thăm khám sớm và kịp thời giúp bố mẹ phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến việc chậm nói của trẻ. Trẻ chậm nói có thể do khiếm thính, do cấu tạo của cơ quan phát âm, hay liên quan đến các rối loạn phát triển, hoặc thiếu sự kích thích ngôn ngữ trong môi trường sống của trẻ. Việc thăm khám kịp thời cũng giúp trẻ được đánh giá về mức độ phát triển hiện tại của mình, những khó khăn đi kèm cũng như đưa ra những tư vấn phù hợp và kịp thời với bố mẹ.
Trẻ chậm nói có thể gặp khó khăn trong việc phát âm, khiến cho người khác có thể khó hiểu được điều trẻ muốn diễn đạt. Tuy nhiên trẻ vẫn có thể hiểu khá tốt những từ hoặc câu người khác nói với trẻ.
Có những trẻ có thể gặp vấn đề về rối loạn phát triển ngôn ngữ nếu trẻ gặp khó khăn trong cả khả năng diễn đạt và hiểu ngôn ngữ. Những khó khăn này có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của trẻ và gia đình.
Nếu trẻ gặp vấn đề về thính lực khiến khả năng nghe của trẻ gặp khó khăn, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói. Tuy nhiên thường trẻ sẽ có khả năng tương tác và diễn đạt khá tốt qua cử chỉ điệu bộ.
Với những trẻ tự kỷ, chậm nói cũng là một trong những dấu hiệu đáng chú ý bên cạnh những khó khăn khác về giao tiếp và tương tác xã hội hay hành vi.
Vì vậy việc thăm khám kịp thời khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói là việc rất cần thiết. Qua thăm khám cũng có thể xác định những vấn đề khác như ngắn lưỡi hay dính lưỡi có liên quan đến khả năng phát âm của trẻ hay không.
Hãy cho trẻ được thăm khám sớm bởi các chuyện gia tai bệnh viện hoặc các trung tâm can thiệp nếu nhận thấy trẻ có một số dấu hiệu sau:
– Khi 12 tháng tuổi: Trẻ không cố gắng sử dụng âm thanh, cử chỉ hay từ để giao tiếp, để thể hiện nhu cầu của mình.
– Khi 2 tuổi: Trẻ không nói được khoảng 50 từ khác nhau, không sử dụng câu hai từ, không hiểu những yêu cầu đơn giản bằng lời.
– Khi 3 tuổi: Trẻ không kết hợp được các từ để nói câu dài 3-4 từ, không hiểu yêu cầu, không trả lời câu hỏi.
– Trẻ 4-5 tuổi: Chỉ nói được từ đơn, khó diễn đạt bằng câu hoặc các loại từ khác nhau, khó hiểu những câu dài hoặc truyện kể.
Khi trẻ được thăm khám kịp thời, trẻ cũng có cơ hội được giúp đỡ hoặc can thiệp nhanh chóng. Sự chủ quan và chậm trễ sẽ khiến các vấn đề của trẻ phát hiện muộn hơn và ảnh hưởng đến thời gian cũng như hiệu quả can thiệp cho trẻ. Trong đó, giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ là trong khoảng 2-3 tuổi. Sau khoảng thời gian này, các khó khăn của trẻ có thể sẽ nhiều hơn và khó can thiệp hơn, thời gian can thiệp cũng có thể kéo dài lâu hơn. Khi thăm khám, các nhà chuyên môn sẽ tìm hiểu và đánh giá các vấn đề của trẻ trước khi đưa ra những tư vấn phù hợp cho bố mẹ về các cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hoặc những chương trình can thiệp phù hợp với trẻ.
Trẻ chậm nói và trí thông minh
Khi thấy trẻ chậm nói, cha mẹ thường lo lắng liệu trẻ có kém thông minh hay không. Tuy nhiên, mỗi trẻ đều có một tốc độ phát triển khác nhau và có thể có lĩnh vực phát triển vượt trội khác nhau. Trí thông minh được xem là khả năng tư duy, học tập từ kinh nghiệm, giải quyết vấn đề và thích ứng với tình huống mới. Trong thời gian đầu khó có thể đánh giá được việc trẻ chậm nói có liên quan hay ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ không. Hiện nay việc chứng minh trẻ chậm nói sẽ kém thông minh hay sẽ trở nên thông minh nổi bật vẫn còn là vấn đề đang cần thêm những bằng chứng nghiên cứu.
Với những trẻ được chẩn đoán là chậm phát triển tâm thần, trẻ thường bị chậm ở các lĩnh vực khác nhau trên cột mốc phát triển. Trẻ có thể chậm về vận động, nhận thức và cả chậm nói. Tuy nhiên có những trẻ chậm nói khả năng nghe hiểu của trẻ vẫn tốt và trẻ cũng có thể thể hiện sự vượt trội ở một vài lĩnh vực nào đó
Dù vậy, giữa khả năng nói và khả năng giao tiếp, tương tác, tư duy có mối liên hệ với nhau. Việc chậm nói có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức cũng như giao tiếp của trẻ. Quá trình học hỏi và trao đổi thông tin để phát triển khả năng tư duy của trẻ sẽ bị hạn chế nếu tình trạng chậm nói kéo dài. Ở lứa tuổi mầm non với hoạt động chơi là hoạt động chủ đạo thì sự khác biệt về tư duy sẽ biểu hiện không nhiều. Tuy nhiên, ở lứa tuổi lớn hơn, đặc biệt là khi bắt đầu quá trình học tập chính thức, sự cách biệt về khả năng nhận thức có thể sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu và trình bày diễn đạt bằng ngôn ngữ. Điều này cũng có thể dẫn đến những vấn đề về hành vi hay kỹ năng xã hội khác như trẻ có thể dễ cáu giận, hay la hét, ngại giao tiếp hoặc thể hiện bản thân. Do đó ngay cả với trẻ chậm nói đơn thuần, các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan mà cần cho trẻ được đánh giá và hỗ trợ kịp thời.
Để đánh giá sớm về trí tuệ của trẻ trong quá trình phát triển cần đến các nhà chuyên môn và có sự quan sát, tìm hiểu trong một khoảng thời gian nhất định với các tình huống, môi trường khác nhau. Vì vậy, đừng do dự tìm đến các nhà chuyên môn khi có những băn khoăn về khả năng nói cũng như về mặt trí tuệ của trẻ.
Trẻ chậm nói có gặp khó khăn trong học tập không?
Khi trẻ càng lớn, quá trình học tập của trẻ càng đòi hỏi nhiều đến các kỹ năng ngôn ngữ, cả ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt. Vì vậy trong tương lai, chậm nói cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng học hỏi của trẻ.
Trẻ có thể gặp khó khăn và ngại ngùng trong việc diễn đạt, trả lời câu hỏi của thầy cô, ngại đưa ra câu hỏi hay ý kiến riêng của mình. Trẻ cũng có thể không hiểu hết các yêu cầu, nhiệm vụ học tập hay nội dung bài giảng dẫn đến kết quả học tập không tốt, không theo kịp tiến độ học tập. Dần dần trẻ có thể thấy chán nản, sợ học, không còn hứng thú học tập. Trẻ sẽ gặp phải những hạn chế về các kỹ năng như thuyết trình, tranh luận, phản biện… mà cần nhiều đến việc sử dụng ngôn ngữ diễn đạt.
Để hạn chế những khó khăn, trở ngại khi lớn lên của trẻ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói để có những sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho trẻ.
Phụ huynh có thể cải thiện trước hết cho trẻ bằng cách tăng cường giao tiếp và trò chuyện với trẻ Trong quá trình trẻ tập nói, cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với xung quanh, mở rộng vốn từ, đọc sách cùng trẻ, dạy trẻ các bài hát, tham gia các hoạt động chơi đùa cùng trẻ, tạo ra các tình huống kích thích trẻ nói và hạn chế các thiết bị điện tử.
Việc đánh giá tình trạng chậm nói của trẻ ở mức độ nào và có liên quan đến những yếu tố nào cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn. Các chuyên gia sẽ tìm hiểu các yêu tố liên quan đến gia đình hay môi trường, các yếu tố về bệnh lý, thực thể, các yếu tố tâm lý, quá trình phát triển của trẻ và xem xét khả năng ngôn ngữ của trẻ trong một đánh giá tổng quát về các lĩnh vực phát triển như vận động, giao tiếp, tương tác xã hội.
Sau quá trình đánh giá, việc can thiệp sớm sẽ rất có ích trong việc cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ cũng như những tác động, ảnh hưởng sau này của nó, đặc biệt là liên quan đến khả năng tư duy hay học tập sau này.
Hội chứng Einstein – Những trẻ chậm nói có trí thông minh đặc biệt
Trẻ thuộc nhóm “hội chứng Einstein” còn được gọi là những trẻ chậm nói thông minh. Những trẻ này có sự chậm trễ trong việc đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ hay gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp nhưng trẻ có sự phát triển vượt trội về mặt trí tuệ so với độ tuổi của trẻ. Hội chứng này được Thomas Sowell đưa ra trong cuốn sách “Những đứa trẻ chậm nói” (1997), đặt theo tên của nhà bác học Einstein. Thiên tài vật lý này khi còn bé từng học nói chậm hơn những đứa trẻ khác.
Những trẻ chậm nói thông minh thường có một số đặc điểm sau:
– Chậm nói: trẻ thường nói những câu đầu tiên sau 4 tuổi, trước đó trẻ hầu như chỉ nói được 1-2 từ.
– Đặc điểm gia đình: bố mẹ của trẻ thường có kỹ năng phân tích tốt và làm việc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật…
– Giới tính: đa phần những trẻ này là trẻ trai.
– Khả năng phân tích: trẻ thể hiện nhiều hứng thú với các con số, mô hình, tự mày mò khám phá, có khả năng phân tích vấn đề chính xác, dễ dàng giải quyết được những câu đố hay xếp khối chính xác.
– Trí nhớ: trẻ có trí nhớ tốt, ghi nhớ rất nhanh những gì học được.
– Năng khiếu: trẻ thể hiện năng khiếu khá sớm, có thể trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, máy tính…
– Kỹ năng xã hội: trẻ gặp khó khăn trong lĩnh vực này, khó hòa nhập, ít chơi hơn với các bạn, thường tách xa các nhóm bạn.
– Ý chí mạnh mẽ: trẻ có thể có hứng thú mạnh, say mê thái quá một lĩnh vực hay hoạt động nào đó, rất tập trung vào những gì mình làm và không dễ từ bỏ.
Tuy nhiên những trẻ chậm nói thông minh thuộc “hội chứng Einsein này không nhiều, vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý và hỗ trợ trẻ kịp thời khi nhận thấy trẻ chậm nói.
Ngọc Bích